Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Người Về

 Người Về

 



người về vui với lòng ta chút 
giữa tháng Tư buồn chuyện điếu tang 
nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực 
gọi chào nhau nghẹn nỗi sa trường 

còn có gì đâu mà khoản đãi 
ngoại trừ dòng chữ rót đau thương 
ly biệt xin thôi đừng nhắc mãi 
buồn nẫu lòng ta hoài cố hương 

người về cũng chỉ là nhân ảnh 
ly rượu mời sóng sánh khói hương 
Xuân muộn hay trời Đông Bắc lạnh 
mà hoa chạnh nở đóa vô thường 

tiễn người buồn không đưa tay vẫy 
sợ lệ trào biết lấy chi đong 
mà tim ta như người thấy đấy 
nước mắt hòa theo máu rưng rưng! 


Cao Nguyên 



Nhớ Sài Gòn

 

Nhớ Sài Gòn 


chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
nhớ Sài Gòn – nhớ lây sang em 
nắng nghiêng xuống mưa tuôn hối hả 
tay che đầu giữ tóc thôi bay 

nhớ môi em run theo gió lạnh 
quàng tay nhau chân bước như say 
lời em nói dường như đặc quánh 
khi nụ hôn miết xuống môi đầy 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
nhớ Sài Gòn – thương cuộc tình xưa 
nghe tiếng ve gọi tình ra rả 
vòng đôi tay đan võng đong đưa 

mưa phủi nắng chảy trên sóng lá 
xô giọt buồn lóng lánh trôi xa 
cứ thấp thoáng trong anh tháng Hạ 
giọng cười em rộn rã trong mưa 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
em ơi Sài Gòn! Tình, Nắng và Mưa 
anh nghiêng vai trút đời vất vả 
hồn mân mê tìm chút hương xưa 

chiều nay sao thấy buồn chi lạ 
nhớ Sài Gòn – nhớ lây sang em 
khi mưa rào xô tan đọt nắng 
chờ anh về hong tóc qua đêm. 

Cao Nguyên 

Những Tế Bào Nhân Bản

 

Những Tế Bào Nhân Bản



Địa cầu và thời tiết ngày càng thay đổi. Mặt đất biến dạng sau những cơn bão lũ khắp nơi trên toàn cầu. Ngoài nguyên nhân chính do tác động thiên hà vào lực và hướng quay của vũ trụ, còn có sự vi phạm của loài người vào sinh thái thiên nhiên. Nơi này cháy rừng, nơi kia sạt đất, cuốn trôi cả công trình xây dựng và sinh mạng con người.

Sự vi phạm của loài người vào sinh thái, gồm cả sự bạo loạn tất yếu của kẻ ác đã gây ra biết bao sự thương đau của nhân loại. Sức mạnh tàn ác của chủ nghĩa cộng sản là ghê gớm nhất suốt các thời kỳ lịch sử. Bao nhiêu triệu người bị cộng sản giết hại do tham vọng bành trướng chủ nghĩa vô luân, và vì lợi ích riêng của những người cộng sản trên khắp các quốc gia mà chúng thống trị.

Riêng tại Việt Nam, qua các cuộc cách mạng do cộng sản phát động đã giết chết nhiều triệu người. Cuộc tàn sát vẫn đang tiếp diễn nhằm ngăn chặn sức đề kháng của người dân chống lại sự thống trị tàn ác.

Ngay trong cách mạng mùa thu 1945, cộng sản đã chủ trương giết để trị theo phương châm "thà giết lầm hơn bỏ sót" những thành phần phản kháng. Cho nên khi nào cộng sản còn thống trị đất nước, bất cứ ai ưa chuộng dân chủ và công lý đều bị cộng sản sát hại dưới mọi thủ đoạn.

Sau chiến tranh, cuộc tàn sát tập thể được khởi động qua các cuộc đầu độc bằng hóa chất trên khắp đất nước, cùng với việc làm băng hoại đạo đức xã hội nhằm đẩy dân tộc vào cuộc tự diệt ý chí và sinh lực. Tư tưởng quốc gia và giá trị nhân bản của người Việt bị biến dạng dưới mưu đồ Hán hóa của Tàu cộng. Nhằm tái diễn cuộc Bắc thuộc trên quê hương Việt Nam!

Thế nhưng phần lớn người dân vẫn sống thụ động, sống theo nhu cầu cơm áo của bản năng sinh tồn. Cho nên những sự vận động về một cuộc cách mạng nhân bản nhằm tiêu diệt chế độ cộng sản tàn ác, vẫn chỉ là những lời hiệu triệu vô vọng.

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên và lòng người hiểm ác sẽ gây ra cuộc hỏa thiêu đốt cháy cả một nền nhân bản dân tộc. Thảm họa của dân tộc và đất nước Việt Nam không tránh khỏi cuộc tiêu vong. Khi con người chỉ sống bằng sự cầu mong nương tựa vào sinh lực ngoại thân thì tránh sao khỏi bị hủy diệt bởi chính mình!

Thấm thía về những vết thương chủng tộc và những nỗi đau trên quê hương do thế lực tàn ác gây nên, mới thấy mình bất lực trước cuộc hỏa thiêu!

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ có thấu hiểu những đứa con của Mẹ đang đau đớn như thế nào không? Hiểu thấu thì Mẹ hãy khóc, khóc thật nhiều cùng các con, nguồn nước mắt thương cảm về sự tồn vong của quốc gia có cơ may làm dịu lắng cuộc hỏa thiêu, tạo nguồn sống mới cho những tế bào nhân bản lan tỏa phá vỡ sự khắc nghiệt của mặt đất và lòng người. Chuyển đổi trận hỏa thiêu thành trận hỏa công đốt cháy lũ bạo tàn.

Khi nào lượng tế bào nhân bản phủ rợp trên một xã hội trầm uất, nguồn nước mắt của Mẹ và các con sẽ khởi động cuộc cách mạng nhân bản, phục sinh sắc thái tinh thần dân tộc.

Cuộc cách mạng nhân bản cam go hơn cuộc cách mạng vũ trang, bởi sau khi tiêu diệt sự tàn ác, để phục hoạt giá trị nhân văn cần trải qua một thời gian dài với quyết tâm của mỗi tế bào nhân bản Việt Nam vì một Tổ Quốc thương yêu .

Cao Nguyên
Mùa Thu 2018

Từ Hành Trình Nhân Ái Đến Mục Tiêu Nhân Quyền

 

Từ Hành Trình Nhân Ái đến Mục Tiêu Nhân Quyền



Đứng trên đỉnh đồi Hy Vọng, nhìn toàn cảnh địa cầu qua màn sương thu mờ ảo, những núi sông xanh lấp loáng trên từng điểm sáng mặt trời soi rọi . Trí tưởng vận động ánh mắt hướng tầm nhìn thật xa về phương Đông tìm lại núi sông của quê hương quyện trong từng nỗi nhớ.

Xuyên suốt cuộc hành trình Nhân Ái đang đi, khát vọng bừng lên thật ấm lòng làm nảy sinh những ước mơ thường hằng ấp ủ trong lồng tim còn đủ sự nhiệt thành dấn thân đến mục tiêu dân chủ và nhân quyền trên mọi nẻo đường đất nước. Một đất nước mà tình đồng bào ta với ta đang dần phai nhạt. Như mặt đất đã biến dạng và ngã màu nâu sẫm bởi người dân mất quyền làm chủ để chăm nom và bảo trì nguồn sống xanh tươi. Quyền thụ hưởng gia tài của mẹ bị tước bỏ và cả tính mệnh cũng bị đe dọa bởi một đảng cướp chuyên quyền thống trị.

Những tấm lòng yêu tổ quốc, thương đồng bào đang phải chiến đấu trong sự nghiệt ngã của số phận. Thật chẳng thể yên lòng mỗi khi nhìn về quê hương đầy xót thương như thế. Tôi muốn hét lên thật lớn để phá vỡ vùng mù sương, cho nhân sinh nảy lộc xanh tươi trên từng vùng đất khổ. Xanh! Xanh lên hỡi cỏ cây! Hồng! Hồng lên hỡi tình người thân ái! Thương yêu lắm từng mạch sống vì nghĩa sinh tồn đang cuồn cuộn trào dâng nhấn chìm sự tha hóa bẩm sinh xuống hố sâu oan nghiệt. Từng mạch sống đang dồn sức bước tới trên hành trình nhân ái rất thiết tha được yểm trợ bởi sức mạnh tổng hợp mọi nguồn động lực có cùng nỗi khát khao một đời vì Nước và vì Người.

Mỗi người đi lên trên hành trình nhân ái đã thật can đảm giũ bỏ mọi vẩn đục lợi danh, nghiền nát những đốm đen tham vọng cá thể để cùng cộng sinh và cộng hưởng quyền được làm người trong cuộc sống và quyền làm chủ đất nước mình. Họ đã thấu hiểu nghĩa sinh tồn nhờ vào sự tác động hoàn thiện hợp kết từ nhiên cảnh đến tình người theo nguồn nghị lực thân tâm và nhân sinh nhất thể.

Ý nghĩ thiện mỹ đang lan tỏa trong tâm trí khi dung thân vào khát vọng hôm nay. Ước chi được sự cảm nhận của mọi người cùng trên hành trình nhân ái dấn thân vào mục tiêu thực hiện quyền làm người, khôi phục tình đồng bào ta với ta trong cái nôi văn hiến Lạc Hồng.
Bước. Bước lên người hỡi, nắm chặt tay nhau trong tinh thần đoàn kết để chiến thắng kẻ thù chung đang dày xéo quê hương và hủy hoại tình người. Nâng đỡ nhau cùng tiến bước đến mục tiêu phải thực hiện cho chu toàn tâm huyết hiến dâng.

Thật trân trọng những tấm lòng vì tình dân tộc, vì nghĩa đồng bào mà hy sinh quên cả bản thân của mình. Đất nước đang điêu linh, phận làm dân phải nhiệt tình chiến đấu để khôi phục truyền thống đạo đức và văn hóa, xây dựng lại quê hương Việt Nam tươi đẹp sau những tang thương do cộng sản gây ra.
Hiệp thông tâm lực và hiệp đồng nhân lực mới phá hủy toàn bộ các rào cản nhân sinh để cùng đồng tiến trên hành trình nhân ái đến mục tiêu nhân quyền với năng lực tiếp thu từ nguồn nhân bản dân tộc.

Cao Nguyên

Việt Nam Trong Giấc Mơ Tôi

 

Việt Nam Trong Giấc Mơ Tôi


Việt Nam ơi! Việt Nam ơi!
Mẹ còn mớm sữa ru đời con không
đêm con mơ: sông núi hồng
cha nghiêng vai gánh cánh đồng lúa xanh

nắng chiều vàng rực mái tranh
gạo khoe hạt trắng, mừng anh chị về
tiếng hò chạy dọc chân đê
gàu giai đón mạch sơn khê nước chờ

tay con, lau sậy làm cờ
tựa lưng bia đá đợi giờ ngựa bay
hốt nhiên lửa ngập chân mây
Trường Sơn rụi cháy, khói đầy áng thư

rùng mình, mơ chết sững người
Việt Nam đâu hỡi! Mẹ ơi! con buồn
thơ yên lặng, khóc giữa hồn
chờ mai mơ được giữa rừng núi ca!


---

Việt Nam Trong Giấc Mơ Tôi
Thơ: Cao Nguyên
Đình Đại phổ nhạc & trình bày


Rừng Ơi


Rừng Ơi Thơ: Cao Nguyên
Phổ nhạc & trình bày: Dzuy Lynh

Mùa Xuân Trong Dấu Ngoặc

 Bốn mươi bảy mùa Xuân – trong dấu ngoặc 



Bốn mươi bảy mùa Xuân – trong dấu ngoặc 
anh cùng em góp nhặt những lời vui 
gieo hạt sống trong mạch đời có thật 
mong vườn Xuân mặt đất lại đầy hoa 

Mỗi dấu ngoặc Xuân – một trang huyết sử 
cha bồng con, con dẫn mẹ xa nguồn 
ngoảnh mặt nhớ Núi Sông và Tiên Tổ 
lòng nguyện cầu Non Nước mãi bình yên 

Mỗi dấu ngoặc Xuân – dòng tình khai mở 
một đóa hồng trên mỗi nét môi quen 
nuôi chí khí Lạc Hồng cho rạng rỡ 
nối vòng tay thân ái rộng vô biên 

Mỗi dấu ngoặc Xuân – một lời muốn ngỏ 
cùng bạn bè, con cháu, anh em 
dẫu từng bước chân đời còn khốn khó 
đừng bao giờ quên nòi giống Tiên Long 

Bốn mươi mùa Xuân – trong dấu ngoặc 
triệu bàn tay xây dựng đỉnh Thi Ca 
mỗi lời viết gởi cho Người và Đất 
luôn nồng nàn  tâm ý thiết tha 

Hãy trồng tiếp nhé em, trên từng dấu ngoặc 
mỗi lời vui là một đóa hoa 
Xuân đang mở hừng đông trên mặt đất 
đóa hoa nào cũng tỏa ngát hương xa 

Cao Nguyên 
@

Bốn mươi mùa Xuân trong dấu ngoặc 

thơ Cao Nguyên - nhạc & trình bày Dzuy lynh:

https://app.box.com/s/6hbklcciq0a2zqyksjxtd4dx8m9armsj

Phân Vân Với Chuyện Đi, Về Việt Nam

 

Phân Vân Với Chuyện Đi, Về Việt Nam 

Từ một góc phố Việt trên xứ người, vào những ngày cuối năm. Tôi (hay bạn) được nghe những mẫu chuyện của người Việt xa quê, quanh chuyện Đi, Về từ nơi mình đang lưu ngụ đến vùng đất quê hương,
nơi mình đã sinh ra, hoặc cưu mang sự sinh ra thế hệ tiếp sau chung cùng huyết thống.

Những mẫu chuyện mình nghe được:

Chuyện giữa chú Ba và thím Bảy:
- Chào anh Ba, anh chị vẫn mạnh khỏe chứ?
- Cám ơn chị Bảy, tôi thì cũng ổn, chỉ có bà nhà tôi không khỏe lắm, vì bị cao huyết áp, hay bị mệt nên bớt đi lại nhiều nơi.
- Tuổi già thật là chán phải không anh, ai cũng bị chữ yếu, chữ bệnh làm phiền.
- Thì sinh, lão, bệnh mà. Tết này anh chị có về Việt Nam không?
- Dạ không. Ông nhà tôi với thằng Út vừa đi chơi ở bển một tháng hồi giữa năm. Còn anh chị thì sao? Có về thăm quê Tết nay không?
- Chưa chị à. Cũng tính đi về một chuyến, mười mấy năm xa đất Tổ, quê Cha cũng nhớ lắm.
-...

Chuyện giữa hai người bạn:
- Hello, Tâm!
- Hello Trọng! Cậu đi đâu biệt tăm, lâu quá không gặp?
- Tớ mới đi theo một tour về Việt Nam ba tuần.
- Thì ra thế, sao không chờ Tết hãy về, có phải là vui hơn không?
- Có phép thì đi thôi, đâu chờ được. Vả lại mình về chơi cho biết thôi mà. Mình không sinh ở đó, nên mọi thứ lạ lắm. Dù mình nghe bố mẹ kể rất nhiều về Sài Gòn và những nơi hai người đã sống qua.
Bố mẹ mình còn có ý định khi về hưu sẽ trở về Việt Nam để sống, với tâm trạng “lá rụng về cội”.
- Thì cũng nên, chim có Tổ người có Tông. Mấy cụ không thích cảnh cuối đời phải gởi thây nơi đất khách.


Những mẫu chuyện bình thường và giản dị như vậy, mình vẫn thường được nghe ở những nơi có người Việt sinh sống. Chủ đề xoay quanh vẫn là chuyện Đi, Về. Dẫu với sự suy nghĩ riêng tư nào thì Việt Nam vẫn là quê hương chính thống của mình. Điều duy nhất tồn tại (trong hôm nay và cả mai này) vẫn là sự không xác quyết về mục đích Đi hay Về Việt Nam?

Từ những mẫu chuyện vừa nghe, liên hệ vào những cảm nghĩ của rất nhiều người về vấn nạn này, như bài "Đi hay Về?" của T. Vấn tôi vừa đọc được trên tạp chí Nguồn (số30), lại đưa tôi vào những băn khoăn trong cùng chủ điểm; Về hay Đi? 
Về, hay đúng hơn trạng thái tâm linh của một con người nghĩ đến nơi chốn trở về là một miền đất bình yên và quen thuộc, là căn nhà xưa đầy ắp những kỷ niệm thuở ấu thời, là mái hiên đất nện lồi lõm vừa nhìn thấy đã ngửi ngay được mùi rơm khô chất đống sau mỗi mùa gặt dù đã nhiều năm xa cách. Còn Đi hay trạng thái tâm linh của những chuyến viễn du về vùng trời xa lạ, hứa hẹn những điều mới mẻ nhưng cũng không kém phần bất trắc, là cái háo hức của những tâm hồn non trẻ muốn tìm nơi tự khẳng định mình"

Về hay Đi, có phải đó là câu hỏi nhói lòng của một thế hệ Việt Nam hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, và sẽ còn là câu hỏi nhói lòng không kém cho nhiều những thế hệ Việt Nam mai sau trưởng
thành nơi xứ người" (Đi hay Về? – T. Vấn)

Đắc ý với bài viết chứa cả tâm trạng của lớp người cùng lứa, cùng thời phải ra đi và muốn được trở về. Gợi tôi đọc lại những điều mình đã viết từ những năm qua với những bâng khuâng hằn vết trong tâm.
Từ nửa vòng trái đất, nhìn xuyên đại dương, vẫn luôn thấy bên kia bờ:
"... Bên kia bờ, xưa - đi vào kỷ niệm
những núi sông, đồng cỏ, thác hồ
mái rạ vàng theo chiều đổ nhấp nhô
nghé ngọ về chuồng, em ru điệu nhớ
Bên kia bờ, xưa - mãi là sự sống
theo nhịp rung cảm nhận của anh, em
dẫu muôn trùng xa, không thể nào quên
những hẹn ước, những chân tình gởi lại!..."
(Bên Kia Bờ - thơ Cao Nguyên)

Vậy mà biệt ly, vậy mà xa cách muôn trùng! Ôi nhớ! Nỗi nhớ ray rứt trong một đời người về quê hương với nhiều hệ lụy:
"... Biệt Ly!
Sao gọi biệt ly?
chân xa Quê Nội
Tâm ghì mộ bia
sáng đi nước mắt đầm đìa
chiều theo hương khói
chung chia cuộc buồn
khuya nghe ai gõ vào hồn
đưa tay hứng giọt
máu hồng còn tươi
dang chân đụng gốc sinh thời
lắt lay tiếng võng ... ầu... ơi! Mẹ về
Mốt mai hết cuộc xa quê
xác mong nằm ghé
bên lề Cha Ông..."
(Biệt Ly – thơ Cao Nguyên)

Nên chi lòng vẫn thắt thỏm với chuyện Đi, Về để ngắm, để nhìn thỏa thuê vùng đất Mẹ. Và chúc phúc cho nhau bạn ta cùng nỗi nhớ, nhắc cháu con còn đó một trời quê:
"... thuở cha mẹ dắt dìu nhau vượt biển
thuyền xuôi dòng, nước mắt ngược vào tim
mong sông núi nương hồn người linh hiển
giữ cho thơm vĩnh viễn mạch quê hương
chúc phúc cho nhau, khi ta còn nỗi nhớ
mãi yêu thương con đường nhỏ về làng
vẫn còn đó những cánh diều lướt gió
vút lên trời tuổi nhỏ tiếng cười vang!..."
(Chúc Phúc – thơ Cao Nguyên)

Mỗi khi khung trời mơ khép lại, mỗi trở mình là thao thức theo chuyện Đi, Về:
"... nếu đi mà thong thả
tội đếch chi quay về
cứ nhìn đời đon đả
ta dõi miết đường mê

nếu về mà an tịnh 
cần quách gì cứ đi
ngồi lê đời bịn rịn
mê hoặc cõi hồ nghi

Đi, Về - đường khúc gãy
chồi nứt ngọn hoài thai
giấc đời xa ngọt ngậy
cong quắp khối hình hài..."
(Gọi Điêu Tàn Thức Dậy – thơ Cao Nguyên)

Về đi! Về đi thôi! Ôi nỗi nhớ Huế, Sài Gòn, Hà Nội... rân trong tim bao nỗi bồi hồi:
"... Hà Nội với anh là kỷ niệm
thuở ấu thơ nghịch sóng Hồ Gươm
đốt lá bàng học bài Quốc Sử
thư trao em dòng chữ xuân thì

Hà Nội với anh là nỗi nhớ
Thăng Long – Bạch Đằng - Thê Húc - Cổ Ngư
ba-mươi-sáu-phố-phường
chân chưa dạo khắp
gói cốm sông Hồng đã nhạt múi hương

Hà Nội với anh - Nửa đời trăn trở
lửa bàng reo cháy vở học trò
nước mắt loang nhòa trang sử cũ
muôn dặm đường qua - giấc mộng hờ!..."
(Hà Nội Với Anh – thơ Cao Nguyên)

"... hất tóc em ngược chiều gió thổi
nhìn vai ngoan vượt nắng qua cầu
quay quắt nhớ, mười hai nhịp đợi
xuôi Nam Giao về Phú Vân Lâu
...
qua Đập Đá tìm về Vỹ Dạ
bao nhiêu năm chưa lạ hàng cau
vẫn quanh quẩn mùi hương tóc sả
Huế chờ em vượt nắng qua cầu..."
(Huế Chờ - thơ Cao Nguyên)

Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
nghe cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt

Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên vóc giấy hoa tiên

Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường, góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh

Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái 84 
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh..."
(Sài Gòn – Em và Chiếc Áo Dài – thơ Cao Nguyên)

Bằng ấy những nỗi nhớ về quê hương chất đầy trong ký ức. Bạn nói đi, làm sao tôi chẳng mong Về? Dẫu trong lòng còn nỗi phân vân:
"mai Về
chứ chẳng phải Đi
Đi là hồi nẳm,
tưởng Đi không Về

phân vân
mãi chuyện Đi, Về
làm sao lòng biết
chắc Về hay Đi

quê nhà
hương hỏa, triều nghi
tổ tiên hiển hiện
sao Đi không Về

quẩn quanh
đau cuộc sơn khê
người cho tôi biết
nên Về hay Đi
Việt Nam!"
(Phân Vân - thơ Cao Nguyên)

Trả lời chưa được từng ấy câu hỏi. Liệu lòng mình có thanh thản khi Về nơi còn nặng lòng với "hương hỏa, triều nghi"? Thời gian đang cuối bờ Tháng Chạp, Tâm đang giữa vòng luận thức Về, Đi. Đành tản mạn vài dòng cho thỏa chút tâm ý nghĩ về quê hương tuyệt vời xa tít đó!

"... tháng Chạp rồi sao? Ồ sắp Tết
một năm đi, thêm một tuổi về
còn lại chi, những gì sẽ hết
trong cuộc đời lữ khách xa quê?

tháng Chạp đến, Đào Mai chớm nụ
thôn xóm vui chợ búa rộn ràng
mùi bánh mứt thơm lừng góc phố
trẻ con khoe áo mới đầu làng!

tháng Chạp về, những ngày giáp Tết
thương quá chừng, nhớ lắm quê ơi
những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
trong tâm tư suốt một đời người!

cám ơn ai nhắc ta tháng Chạp
để không quên vị Tết quê nhà
dẫu thế sự thăng trầm đã khác
đất chôn nhau ấm lạnh trong ta!"
(Tháng Chạp - thơ Cao Nguyên)


Từ những ý từ hôm nay, tôi xin gởi đến mọi người lời chúc vạn sự an bình khi trước mặt đào hồng, mai vàng rộn nở trong nắng ấm của một mùa Xuân Mới, đợi một trả lời tương thích: Đi hay Về Việt Nam! 

Cao Nguyên

Băn Khoăn

 

Băn Khoăn


Em hỏi: còn Đông sao chào Xuân?
thưa rằng: đời vẫn đợi tin mừng
từ trong sương tuyết hừng đông mới
nắng cứ xôn xao rộn cả lòng

Em hỏi: chim về rừng nếu muộn
cây có buồn u uẩn cành trơ?
thưa rằng: đất vẫn nồng hơi thở
hong cây ấm mạch dưới tầng khô

Em hỏi: thơ người như rất vội?
thưa rằng: đời thấp thoáng tà dương
không chào xuân sớm e rằng muộn
chẳng trọn nhìn hoa mùa trỗ hương

Em hỏi: chào xuân tình có biết?
thưa rằng: tình vốn ở trong xuân
nhờ nắng cành khoe mầm lá biếc
nhờ em tình nở nụ cười xinh 

Cao Nguyên

Chào Xuân

 Chào Xuân

đang trên đường quan ngoại
nghe én gọi Xuân về
thấy tuổi mình chợt mới
nở trên cành đào quê
bèn theo người lữ khách
mang hồn chữ hồi hương
trên lộ trình nắng mới
thơ khai bút chào Xuân
chào ba miền đất nước
mong sau trước mạch liền
chào trường sơn hải đảo
cầu vẹn toàn biên cương
chào ruộng đồng quê Nội
mong lúa mới đầy sân
chào thôn làng quê Ngoại
cầu tình thắm xa gần
chào cô bác anh em
mong bình yên khắp lối
chào bè bạn láng giềng
cầu một ngày vui hội
cám ơn tình xưa đợi
dẫn lối thơ về quê
đứng trước thềm năm mới
cầu mong tình sơn khê!
Cao Nguyên

Thư Viện

Thơ Nhạc Cao Nguyên

  Thơ Nhạc Cao Nguyên   Thơ và Nhạc Khi tiếng động của không gian và thời gian giao phối thành giọt nước thơ nhạc rơi chạm vào bất cứ một lặ...