Thơ: Cao Nguyên
Trình bày: Phương Anh
---
Du Ca
hát cho rừng núi nghe
hát chờ đêm bạn về
hát quên ngày hoang vu
hát giữa thời hôn mê!
hát cho đồng loại nghe
hận thù và dối trá
hát cho bạn bè vui
vơi đau thương ngậm ngùi!
thuở ấy thơ ta - lời trộn lửa
cung đàn anh - nửa máu nửa hồn
tiếng sáo em - chập chờn tiếng khóc
rong lời ca vào đêm vô biên!
hát trong mùa Xuân điên
hát giữa Hè đỏ lửa
hát trên miền cao nguyên
hát bên niềm cô đơn!
đàn anh vỡ trong đêm thoát ngục
cây sáo em chìm vực trùng dương
ta vỗ tay không - hát lời thao thức
hát nhớ núi rừng - mênh mông quê hương!
Cao Nguyên
@
Cảm tưởng về bài thơ DU CA
Trong bài thơ “Du Ca” bao gồm 24 câu thơ tự do, tác giả đã mượn cây đàn và cây sáo là hai nhạc cụ biểu tượng cho sự khao khát tự do, hạnh phúc và an bình mà con người luôn mơ ước vươn tới. Trên cuộc hành trình lãng du, phiêu bạt quê người, người nghệ sĩ không có gì ngoài trái tim và lời ca tiếng hát để xóa tan đi bóng đêm giữa hôn mê ngục tù, xóa tan hận thù, khổ đau và dối trá vẫn đang hiện diện trên quê hương Việt Nam.
Trong tâm thức nhà thơ là hình ảnh của cuộc chiến tranh khốc liệt mà khổ thơ thứ 2 biểu hiện rõ nét sự trăn trở, thao thức của tác giả về thân phận của người Việt Nam trong cuộc nội chiến.
Tác giả không dùng từ ngữ nào nói về hành động tàn bạo của của kẻ gây ra tội ác. Nhưng chỉ trong 4 câu thơ đã tái hiện rõ nét cuộc tấn công của cộng sản Bắc Việt vào Tết Mậu Thân tắm máu, một mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Và cuối cùng cuộc triệt thoái cao nguyên năm 1975, đã định đoạt số phận cho Miền Nam Việt Nam. Để thế giới phải kinh hoàng và xúc động trước cuộc di dân của người Việt Nam thoát khỏi chế độ cộng sản vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.
Bài thơ “Du Ca” mang theo hơi thở của thời đại, và những rung cảm sâu lắng trong tâm tư tác giả là mong ước cuộc sống của dân tộc sẽ có tự do, dân chủ, hạnh phúc, phồn vinh.
Nội dung hai câu thơ cuối: “ta vỗ tay không - hát lời thao thức. Hát nhớ núi rừng - mênh mông quê hương!” Chứa đựng niềm thương nhớ quê nhà luôn nung nấu trong tim của nhà thơ Cao Nguyên.
Nhà Văn Phong Thu