Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Dòng Thương Tích

 Dòng Thương Tích

(viết giùm mày - nửa trái tim điên
vạch vết thương tìm hồn phách vợ!)
... thư viết tiếp - những lời còn bỏ lửng
từ bữa xa, sóng đánh lủng mạn thuyền
anh đuối sức dọc theo triền cát vỡ
em đau đời thiếp ngủ đáy trùng dương!
bao nhiêu năm xa rồi mà cứ ngỡ
mình bên nhau tay quấn quít yêu thương
như chính anh vẫn còn chưa đủ rõ
đã bao lần ngồi đếm lại vết thương!
trí rờ rẫm, lòng đau từng thớ thịt
giọt nước mắt lăn - tiếng rít quặn hồn
sâu dữ lắm em ơi! dòng thương tích
cắt ngọt thư anh, máu chảy ròng ròng!
cát bụi đời rịt vết thương sao nổi
nên chờ em, hồn phách trở về đây
anh mớm cho em hạt cơm Quê Nội
đã mua bằng ảo vọng nắm trong tay!
Cao Nguyên

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Sài Gòn vương lụy tình xưa

 Sài Gòn vương lụy tình xưa

Sài Gòn từ ấy, đến giờ
chỉ còn được mấy cuộc chờ, để đau !


Về thăm dáng ngọc Sài Gòn
tìm em mắt biếc, má tròn đồng trinh
ghẹo tình đỏ cánh môi xinh
tràn hương mật nhớ góc tình tự xưa
Sài Gòn bất chợt nắng mưa
thương nhau từ thuở tóc đùa vai ngoan
trêu em chín nụ cười giòn
năm mươi năm chẵn duyên còn gọi tên
Sài Gòn nắng chảy tràn đêm
đường mê sảng nóng, Phố thèm giọng ca
tiếc mùa luân vũ biệt xa
gót sen rướm máu trượt qua nguyện cầu
Sài gòn - nghe gọi mà thương
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm
hẹn đời một bữa về thăm
giữa lòng nôi Mẹ nghe trầm khúc ru !
Cao Nguyên

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Hồn Ai Trong Gió

 Hồn Ai Trong Gió (*)

Sử xanh viết bởi máu hồng
pha cùng nước mắt đẫm ròng mồ hôi
ngẫm về chiến sử một thời
nén lòng xúc động nhẩm lời sử ghi
Hàng hàng lớp lớp người đi
hy sinh xương máu bảo trì non sông
Cha Ông giòng giống Lạc Hồng
Cháu Con tiếp bước theo dòng trường lưu
Vỡ òa hùng sử bao triều
sau cơn hồng thủy tiêu điều núi sông
tang thương xương trắng máu hồng
nhân quyền dân chủ đã không còn gì
Cộng sản xóa bỏ triều nghi
đập tan văn miếu lăng trì mộ bia
nhân văn đành đoạn chia lìa
hồn ai trong gió từng khuya vọng buồn
Nghĩa trang tử sĩ anh hùng
mãi lưu chứng tích đoạn trường bi ca
sử xanh máu lệ chan hòa
tiếc thương tưởng niệm sơn hà điêu linh!
Cao Nguyên
---
(*) Hồn Ai Trong Gió là chủ đề bài viết về
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa của anh Chu Lynh
Diễn đọc: Hạt Sương Khuya

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Hán Hóa

 Hán Hóa

Thảm cảnh "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" mãi ám ảnh trong tâm trí người dân Việt, dẫu thời gian qua bao lâu và qua bao đời . Điều hiển nhiên nhận biết của một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn đầy dã tâm xâm lược nhằm mục đích mở mang bờ cõi, đồng hóa chủng tộc và phát triển kinh tế.
Chỉ riêng chủ trương đồng hóa chủng tộc, đã có quá nhiều các phương án hoạt động vừa triệt tiêu văn hóa sử của nước nhỏ để gây dựng văn hóa sử thống trị. Giáo dục thống trị đi vào các ngõ ngách của văn hóa, lễ nghi cửa nước bị trị.
Từ căn bản đó, nhìn vào hiện trạng nước Việt Nam hôm nay, mọi chủ trương thống trị của Trung cộng trên đất nước Việt Nam là quá rõ. Ngày càng có sức tác động nhanh do có sự tiếp tay của Việt cộng.
"CSVN đã in sách tiếng Bắc Kinh để đưa vào trường mẫu giáo chuẫn bị đồng hóa con dân VN !".
Điều này không lạ, đối với những ai từng quan tâm đến nền Văn Học Sử Việt Nam hiện nay. Khi đối chiếu từng sự việc cộng sản đang thực hiện trên quê hương Việt Nam trong chủ trương Hán hóa dân Việt. Từ việc xem nhẹ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đến việc xây dựng Viện Khổng Tử trong hệ thống trường đại học tại Việt Nam và đường lối giáo dục.
Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mời các bạn xem lại bài viết về quan điểm của tôi đối với các dữ kiện trên. Vì thời gian không làm biến đổi cách hành xử của cộng sản trên các bình diện văn hóa sử tại Việt Nam. Nếu không nói là ngày càng tồi tệ hơn.
Cao Nguyên
@
1/ Viện Khổng Tử:
Thử hỏi tại sao trong khi một số trường đại học trên thế giới đóng cửa Viện Khổng Tử, Việt Nam lại mở cửa viện này ?
Câu hỏi đưa ra rất gọn với một vấn đề khá lớn. Bởi chủ đề "Viện Khổng Tử" đã và đang được các nhà nhân văn sử học trong và ngoài nước Việt Nam phân tích. Đã có sự đánh giá và nhận định chung: Viện Không Tử là cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng trong âm mưu Hán hóa toàn cầu. Hơn thế, qua phân tích đây cũng là cơ sở điệp báo đặt trong mỹ từ “Viện Khổng Tử”. Chính ông Hạ Nghiệp Lương, giáo sư kinh tế học của Trung Quốc, đã cảnh báo: “ Các học giả thỉnh giảng tại Viện Khổng Tử rất có thể là các nhân viên tình báo Trung Quốc được chỉ định công tác ”.
Hơn thế, đây cũng là một phương án xâm lược về văn hóa, theo tầm nhìn của ông Lê Hồng Lý, viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa tại Hà Nội .
Trong một tổng kết mới đây, có hơn 400 “Viện Khổng Tử” được khai mở trên 100 nước. Sự thành lập gấp rút không bình thường theo phương cách trao đổi văn hóa song phương giữa các quốc gia, là nguyên nhân các nước phương tây xét lại chính sách du nhập văn hóa của Trung Quốc. Một số nơi ở Mỹ, Canada, Thụy Sĩ … đã cắt đứt mối quan hệ với các tổ chức đã triển khai học Viện Khổng Tử. Ngưng hợp tác hoặc đóng cửa vĩnh viễn Viện Khổng Tử trong hệ thống trường đại học.
Thấy và hiểu rõ chủ tâm của Trung Cộng, nhà nước Việt Nam vẫn tưng bừng khai trương Viện Khổng Tử trong trường đại học ở Hà Nội? Chính quyền cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa với điểm chuẩn gốc của Marx và Mao. Hơn thế, nhà nước Việt Nam không có quyền lựa chọn, bởi cộng sản Việt Nam nằm dưới sự điều hành của cộng sản Trung Quốc bắt nguồn từ hội nghị Thành Đô. Toàn bộ đám chóp bu trong chính quyền cộng sản VN hiện nay là những tên thái thú của Trung cộng. Thì việc gì Trung cộng bảo mà Việt cộng không tuân theo. Bất chấp hậu quả một cuộc phá sản toàn bộ từ lãnh thổ đến trí tuệ Việt Nam.
Nhà nước cộng sản Việt Nam coi thường trí tuệ của nhân dân nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng, không chỉ trong việc khai mở Viện Khổng Tử, mà là sự xem thường tất cả mọi đóng góp của nhân dân vào việc chấn hưng nền giáo dục Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng, trọng một đất nước hỗn loạn về đạo đức và nhân phẩm.
Xã hội càng tha hóa, bọn cầm quyền càng dễ thao túng, văn hóa Việt tộc càng phai nhạt thì độ thẩm thấu của văn hóa Hán tộc càng phát triển mạnh vào các tầng lớp nhân dân VN . Đó là mục tiêu chiến lược của TC đang cố gắng thực thi không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới.
2/ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương:
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng được dân Việt trong cũng như ngoài nước đều kỷ niệm.
Đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì năm 2007 mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Theo tin trên trang VOV.VN, thì ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay (2015) do Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Yên, Dắc Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu . Mà không do trung ương đảng chủ trì. Phải chăng CSVN không muốn có một ngày giỗ chung cả nước cùng tham gia, là muốn toàn dân dần lãng quên ngày giỗ Quốc Tổ, như chính chúng đã quên công đức của tiền nhân khai mở và dựng nước. Vì đất nước Việt Nam, đang bị bọn độc quyền cai trị bán dần cho Trung cộng, thì ngày giỗ Quốc Tổ đâu còn cần thiết phải duy trì.
Một đất nước mất kỷ cương, đạo đức nhân văn bị xóa bỏ. Các di tích lịch sử và văn hóa dân tộc bi phá hoại đến tận gốc, thì một ngày giỡ tổ còn có nghĩa gì!
Xem hình ảnh và video ghi lại buổi lễ tưởng niệm Thánh Gióng vừa được diễn ra tại làng Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) ngày 22/2 /2015, đủ thấy xã hội hỗn loạn và đạo đức bị tha hóa đến mức thảm hại.
Một buổi lễ tưởng niệm vị anh hùng Thánh Gióng mà còn diễn ra như thế, thì những buổi lễ tưởng niệm anh hùng tiền nhân khác rồi đây sẽ ra sao ? Không chỉ người dân Việt đau lòng, mà nhân dân thế giới nhìn vào đều ngậm ngùi cho một đất nước Việt Nam!
3/ Nền giáo dục hiện nay tại Việt Nam:
Nhìn chung lịch sử Việt Nam hiện nay, qua các hiện tượng vừa lượt dẫn cho thấy giáo dục tại Việt Nam hiện nay đã đi ngược lại nền văn hóa dân tộc, nặng tính giáo điều xã hội chủ nghĩa trong học đường đưa đến bạo lực khống chế trong cách hành xử đối với mọi sinh hoạt xã hội.
Nhận thức được điều này, sinh viên và học sinh Việt Nam hiện nay không muốn học môn lịch sử. Thực tế dẫn chứng vào các kỳ thi tốt nghiệp hằng năm, số thí sinh tham dự môn lịch sử ngày càng ít đi.
Trong việc dạy sử tại Việt Nam đã được báo chí nói đến nhiều nhất vẫn là sách giáo khoa, giáo trình môn sử trong các trường học.
Chưa kể chuyện sách sử in sai về các sự kiện, nhân vật lịch sử . Nặng tính tuyên truyền về chủ thuyết cộng sản độc tôn cai trị, độc vị anh hùng. Một sự cố tình lãng quên tính chủ yếu của lịch sử là truyền thống nhân bản của dân tộc và huyết thống cội nguồn.
Theo tôi, lịch sử phải được viết lại với sự loại bỏ không khoan nhượng mọi tàn tích phản dân chủ, phản tiến hóa và phản nhân bản. Cuộc phát động chính sử phải được tiến hành từ việc loại bỏ những tuyên truyền láo khoét và bịp bợm của cộng sản trong các tác phẩm văn hóa sử tại các thư viện trong và ngoài nước. Tích cực chuyển dịch các tác phẩm do các tác giả ngoại quốc viết về Việt Nam với tầm nhìn khách quan. Mọi góc độ từ tầm nhìn đến việc thực hiện cần được bổ túc cho nhau lập thành nguồn chính sử Việt Nam.
Trong thời đại toàn cầu hóa, nội lực internet xuyên phá các bức tường che dấu sự thật của tập đoàn cộng sản . Nhân dân và nhất là thế hệ trẻ ngày càng rõ hơn chính sách độc tài đảng trị của chính quyền cộng sản, nhận thức được trách nhiệm của mỗi người dân đối với quốc gia dân tộc, mà dấn thân vào cuộc tranh đấu chung vì độc lập, tự do, dân chủ cho quê hương.
Cuộc Cách Mạng Nhân Bản phải chiến thắng mới mong dân tộc Việt Nam thoát khỏi mưu đồ Hán hóa của Trung cộng .
Cao Nguyên
Mùa Xuân 2015

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Nỗi Đau Còn Đó

 Nỗi Đau Còn Đó

Mùa Xuân 1975, trời bỗng nhiên trở gió. Ngọn gió Bắc Nam gầm rú và cuồng xoáy. Mây chập chùng đùn lên đen kịt khắp vùng trời Tây Nguyên. Cơn bão lửa trào lên đốt cháy những Buôn Làng, Phố Thị. Lửa luồn lách qua các chiến hào, nung chảy những hàng rào kẽm gai vốn để ngăn chặn thế lực tàn ác được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa thù hận tràn vào vùng đất đang an vui trong tình thương yêu đồng chủng.
Cơn bão lửa tàn khốc của Quá Khứ Hãi Hùng quật một cú thật mạnh, hất tung tôi và những đồng đội bay khỏi đỉnh núi Chư Prong trên cao nguyên và vất chúng tôi xuống một khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn thuộc miền tây bắc Việt Nam .
Trong cuộc đời, mỗi chợt nhớ thường ngày, hay phải nhớ đúng ngày chúng tôi bị cơn bão lửa thổi bay vào miên viễn xót xa. Nỗi đau lại dấy lên . Nỗi đau của ngày 30 tháng 4 năm 1975 không thể nguôi ngoai. Mãi mãi nỗi đau còn đó.
Mời các bạn, những đồng đội của tôi, và những người đã chịu sự hệ lụy đau thương bởi cơn lửa hận thù của 44 năm về trước, xem lại bi khúc xót xa lướt trên những thảm trạng tang thương !
Thương và Đau lắm đồng bào ơi! Nhân loại ơi!
Người chinh nhân thuở ấy.
Cao Nguyên
@
ấn tượng Tháng Tư


vào Tháng Tư gió chướng
khơi ấn tượng trùng dương
nghe cánh buồm rêu vướng
hát lời ca bi thương!
vào Tháng Tư phún thạch
lửa cuộn rách Trường Sơn
mùa trăng màu hổ phách
len mạch buồn quê hương!
vào Tháng Tư viễn xứ
đời mơ lúc hồi hương
cùng mấy thằng bạn cũ
rót rượu mời chiến thương!
vào Tháng Tư bi hận
thắp nén hương nguyện cầu
bên ngọn đèn hồi vọng
lòng nghe hồn nước đau!
Cao Nguyên

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

R o n g C h ơ i

 R o n g C h ơ i

Hãy tạm ngưng vài ngày
không viết những lời tình
anh đưa em rong chơi
suốt một chiều dài
trên những khoảnh đất
lặng im
run rẩy
khi gió thốc qua
những đóa hoa chao nghiêng
người ở đấy
những xuân thì lộng lẫy
những bình minh xanh non
những tin yêu mới mọc
những rộn ràng tíu tít
những hạnh phúc vừa đầy...
tất cả
tất cả , đang ở dấy
lặng yên
không bối rối vì những nhỏ nhen
không đua đòi ganh tị
không hào nhoáng điểm trang
không khoe khoang đài các
không rạo rực thèm muốn...
không chờ đợi
ngẫu nhiên thương tật
ngẫu nhiên thù hận
ngẫu nhiên giả dối
ngẫu nhiên hạnh phúc...
không tất cả
tất cả là không
ta rong chơi
dọc theo con sông nước mắt
giòng chảy triền miên
vô cùng
vô tận
ta rong chơi
giữa hai hàng nến tắt
tĩnh mịch
tối đen
u uất
ta rong chơi
trong công viên Sự Thật
rực sáng
với lễ hội hóa trang hổ lốn
giữa người và thú
với đầy đủ những thủ thuật
tự sơn phết mình
rủ rê chiêm ngưỡng
tán thưởng
sùng bái...
ta rong chơi
trong Thư viện Nhân Gian
để biết
văn hóa sử
trung cổ đại
hiện đại
sau hoang phế
đang trùng tu chấp vá
trong hăm dọa đập đổ
hủy diệt
để biết
những triều đại
quân chủ , dân chủ
nhô lên hụp xuống
nuối tiếc
tôn vinh
để biết
những anh hùng
áo giáp đầy người
huy chương đầy ngực
bị những tảng đá hư danh
đè bẹp
để biết
một dân tộc
chia năm chẻ bảy
ngưỡng mộ phù danh
khánh kiệt
để biết
phương pháp mò tìm
dấu tích cha ông
của những thế hệ
tiếp sau
để biết
mặt đất đang rung chuyển
những hình thể di vật
tâm linh
xô xát nhau
âm thanh rổn rảng
nhức óc
*
em có thấy thú vị
khi cùng anh
rong chơi
trên những nơi
rồi sẽ đến
nếu trong cuộc sống đã qua
em chưa từng gặp
riêng anh
đang thật sự mỏi mệt
chỉ muốn gối bên
vầng trán hồn nhiên
của em và
ngủ.
Cao Nguyên

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Vượt Đêm

 Vượt Đêm

phúc đời tên gọi là thơ
gốc người Bách Việt, tuổi chờ vạn niên
xưa rong chiến mã khắp miền
gió trăng đưa đón, thảo nguyên là nhà
kể từ hồng thủy can qua
nhà tan, núi vỡ, sông ca đoạn trường
ngựa chồn chân giữa tang thương
lạnh mùa chinh phụ, tủi hồn chinh nhân
mượn sao đếm cuộc trầm tư
nương dòng ly quốc tìm người tri âm
nghiêng trăng soi chỗ thơ nằm
đọc lời ủy thác trong phần mộ quen
tựa trăng thổi buốt điệu kèn
giục ngày thức dậy vượt đêm, về nguồn
khơi dòng cho mạch sống tuôn
đổ vào trăm họ Lạc Hồng thương yêu
Cao Nguyên

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Ru Đời

 Ru Đời

chữ óng ả - lời mượt mà
nhưng thơ chứa cả sơn hà đau thương
gởi người đi - tình đoạn trường
gởi người ở lại - một chương sử buồn
vần lả lướt - điệu từ chương
nhưng từng ý thấm tận cùng nỗi đau
hy sinh xương trắng máu đào
để nghe hồn nước nghẹn ngào lệ sa
gom từ viết khúc cuồng ca
hát trong cơn lốc lật ta trở mình
ghìm thân giữ chặt tâm kinh
mai còn ngân điếu cuộc điêu lình này
cám ơn nhật nguyệt mời say
ngỡ dìm quên được giấc đầy nghiệt oan
tỉnh cơn mê biết mình còn
tiếp hơi óng ả cho tròn điệu ru!
Cao Nguyên

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Mượn Nhau Em Nhé

 Mượn Nhau Em Nhé

mượn nhau em nhé, bờ vai
tựa đầu nghe chuyện tháng ngày buồn vui
mượn nhau em nhé, nụ cười
hong bờ môi ấm giữa thời lạnh căm
mượn nhau em nhé, tấm lòng
khơi hồng mạch ý trên dòng sông thơ
mượn nhau em nhé, cuộc chờ
biết tình còn đợi chưa mờ dung nhan
mượn nhau em nhé, rộn ràng
cho tâm vui bước trên ngàn lối mơ
mượn nhau em nhé, sợi tơ
buộc thuyền hệ lụy vào bờ sông duyên
mượn nhau em nhé, cõi riêng
nghe tình ru biết ưu phiền nhẹ trôi
mượn nhau em nhé, cuộc đời
mai sau khỏi sợ nợ đòi giữa nhau!
Cao Nguyên

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Chẳng Lẽ

 Chẳng Lẽ

Xoay cánh cửa ngang tầm năm mươi năm cũ
bước vào phòng ký ức vãng lai
gặp lại những người thuở xưa xung trận
tóc phiêu bồng ngẫu trắng như mây
Vạch quá khứ tìm những điều chưa rõ
dẫu khi đi, chân bước rất nhiệt thành
cả tâm huyết và máu xương đã đổ
chẳng lẽ chỉ còn lưu dấu băn khoăn
Sông núi chừ, như tranh thủy mạc
ngắm chưa vừa con mắt đã hoen cay
hoàng tráng thế, sao lòng người ngơ ngác
chẳng lẽ đời, mãi những áng mây bay
Chẳng lẽ dòng đời qua chỉ vậy
thiết tha nào vực dậy những hồi sinh
lời ân nghĩa tâm tình còn được mấy
trong cuộc chờ không thấy được niềm tin !
Cao Nguyên

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Giọt lệ hồng - Thơ Cao Nguyên, Nhạc Vĩnh Điện - 30/4/14


Giọt Lệ Hồng 




"Giọt lệ hồng" - 30/4/14 Sinh hoạt 30/04 tại Paris "Những Giòng Nhạc Đấu Tranh" Thơ : Cao Nguyên Nhạc : Vĩnh Điện Trình bày : Tố Lan Guitare : Đặng Bình

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Chúc Phúc

 Chúc Phúc

(gởi bạn xưa và những cháu con)
chúc mừng anh có những đứa con ngoan
gia tài lớn, chắt chiu từ sữa mẹ
vượt gian khó, lòng kiên trì mạnh mẽ
nuôi thơm xanh - thế hệ mới vào đời
nối tiếp bước cha ông, cùng đi tới
hãnh diện mình là giòng dõi Lạc Long
từng chặng đi, ngoảnh mặt nhớ phương đông
truyền tiếp lửa thắp hồng nôi văn hiến
thuở cha mẹ dắt dìu nhau vượt biển
thuyền xuôi dòng, nước mắt ngược vào tim
mong sông núi nương hồn người linh hiển
giữ cho thơm vĩnh viễn mạch quê hương
chúc phúc cho nhau, khi ta còn nỗi nhớ
mãi yêu thương con đường nhỏ về làng
vẫn còn đó những cánh diều lướt gió
vút lên trời tuổi nhỏ tiếng cười vang!
Cao Nguyên
@
Blessing
( To my old buddy and his children )
Congratulations on having good children
the biggest legacy, nursed at mother’s breast
Having overcome many hardships with a strong will
as a generation of hope – they make their way in the world
Following the predecessors,moving forward
with a pride on being of Lạc Long descent
after each length,looking back at the East
they keep up the ardour in glorification of our history
When parents came together in crossing the sea
the boats drifted downstream,the tears were held back
They hoped the country would be blessed by the martyrs
who had made a good name for our homeland eternally
Let’s wish everybody well so long as we still miss
the beloved small roads to our native village
where the kites are still flown with the wind
rising high in the sky in peals of children laughter
NHT

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2024

Thơ Nhạc Trên Hành Trình Nhân Ái

 

Thơ Nhạc Trên Hành Trình Nhân Ái

1/ Những Lần Ba Về (Đình Dương)
2/ Giọt Lệ Hồng (Thanh Thúy)
3/ Nhớ Sài Gòn (Anh Chi) 
4/ Tổ Quốc Màu Cờ (Đình Đại)
5/ Em Vẫn Hát (Mộng Trang)
6/ Thôi Em Về Đi Nhé 
7/ Người Về
8/ Ước Mơ Việt Hướng Việt
9/ Ước Mơ Việt Úc 
10/ Mình Ơi (Diệu Hiền)
11/ Vào Xuân (Nửa Hạt Cát)
12/ Tháng Chạp
  13/ Những Tình Khúc (hà Lan Phương)
14/ Khi Em Hát
15/ LỜI TIM  
16/ Tình Khúc Sông Trăng
17/ Rượu Mặt Trời 
18/ Tình Khúc Giao Mùa
19/ Vì Khát Vọng Mà Đi
20/ Việt Nam Trong Giấc Mơ Tôi  (Đình Đại)
21/ Người Về (Dzuy Lynh)
22/ Giọt Lệ Hồng (Tố Lan) 
23/ Nỗi Nhớ Khôn Nguôi
24/ Tình Thơ (Liễu Lê)
25/ Giọt Lệ Hồng (Kim Khánh)
26/ Biển và Em (Đình Đại)
27/ Bão Cuồng (Đình Đại)
28/ Ngày Ghi Ơn (Cẩm Sa) 
29/ Rừng Ơi (Dzuy Lynh)
30/ Ngày Tháng Lênh Đênh (Dzuy Lynh)
31/ Đừng Nhé Em (Phương Anh) 
32/ Chân Tình (Mộng Trang) 
33/ Việt Nam Trong Giấc Mơ Tôi (Đình Đại)




Attachments area






Thư Viện

Biển Nhớ

  Biển Nhớ biết em thích biển, anh ra biển tiếc là em đã không cùng đi ngồi nghe sóng thầm thì kể chuyện nhắc buồn vui từ mỗi biến di đàn hả...