Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Phân Vân Với Chuyện Đi, Về Việt Nam

 

Phân Vân Với Chuyện Đi, Về Việt Nam 

Từ một góc phố Việt trên xứ người, vào những ngày cuối năm. Tôi (hay bạn) được nghe những mẫu chuyện của người Việt xa quê, quanh chuyện Đi, Về từ nơi mình đang lưu ngụ đến vùng đất quê hương,
nơi mình đã sinh ra, hoặc cưu mang sự sinh ra thế hệ tiếp sau chung cùng huyết thống.

Những mẫu chuyện mình nghe được:

Chuyện giữa chú Ba và thím Bảy:
- Chào anh Ba, anh chị vẫn mạnh khỏe chứ?
- Cám ơn chị Bảy, tôi thì cũng ổn, chỉ có bà nhà tôi không khỏe lắm, vì bị cao huyết áp, hay bị mệt nên bớt đi lại nhiều nơi.
- Tuổi già thật là chán phải không anh, ai cũng bị chữ yếu, chữ bệnh làm phiền.
- Thì sinh, lão, bệnh mà. Tết này anh chị có về Việt Nam không?
- Dạ không. Ông nhà tôi với thằng Út vừa đi chơi ở bển một tháng hồi giữa năm. Còn anh chị thì sao? Có về thăm quê Tết nay không?
- Chưa chị à. Cũng tính đi về một chuyến, mười mấy năm xa đất Tổ, quê Cha cũng nhớ lắm.
-...

Chuyện giữa hai người bạn:
- Hello, Tâm!
- Hello Trọng! Cậu đi đâu biệt tăm, lâu quá không gặp?
- Tớ mới đi theo một tour về Việt Nam ba tuần.
- Thì ra thế, sao không chờ Tết hãy về, có phải là vui hơn không?
- Có phép thì đi thôi, đâu chờ được. Vả lại mình về chơi cho biết thôi mà. Mình không sinh ở đó, nên mọi thứ lạ lắm. Dù mình nghe bố mẹ kể rất nhiều về Sài Gòn và những nơi hai người đã sống qua.
Bố mẹ mình còn có ý định khi về hưu sẽ trở về Việt Nam để sống, với tâm trạng “lá rụng về cội”.
- Thì cũng nên, chim có Tổ người có Tông. Mấy cụ không thích cảnh cuối đời phải gởi thây nơi đất khách.


Những mẫu chuyện bình thường và giản dị như vậy, mình vẫn thường được nghe ở những nơi có người Việt sinh sống. Chủ đề xoay quanh vẫn là chuyện Đi, Về. Dẫu với sự suy nghĩ riêng tư nào thì Việt Nam vẫn là quê hương chính thống của mình. Điều duy nhất tồn tại (trong hôm nay và cả mai này) vẫn là sự không xác quyết về mục đích Đi hay Về Việt Nam?

Từ những mẫu chuyện vừa nghe, liên hệ vào những cảm nghĩ của rất nhiều người về vấn nạn này, như bài "Đi hay Về?" của T. Vấn tôi vừa đọc được trên tạp chí Nguồn (số30), lại đưa tôi vào những băn khoăn trong cùng chủ điểm; Về hay Đi? 
Về, hay đúng hơn trạng thái tâm linh của một con người nghĩ đến nơi chốn trở về là một miền đất bình yên và quen thuộc, là căn nhà xưa đầy ắp những kỷ niệm thuở ấu thời, là mái hiên đất nện lồi lõm vừa nhìn thấy đã ngửi ngay được mùi rơm khô chất đống sau mỗi mùa gặt dù đã nhiều năm xa cách. Còn Đi hay trạng thái tâm linh của những chuyến viễn du về vùng trời xa lạ, hứa hẹn những điều mới mẻ nhưng cũng không kém phần bất trắc, là cái háo hức của những tâm hồn non trẻ muốn tìm nơi tự khẳng định mình"

Về hay Đi, có phải đó là câu hỏi nhói lòng của một thế hệ Việt Nam hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, và sẽ còn là câu hỏi nhói lòng không kém cho nhiều những thế hệ Việt Nam mai sau trưởng
thành nơi xứ người" (Đi hay Về? – T. Vấn)

Đắc ý với bài viết chứa cả tâm trạng của lớp người cùng lứa, cùng thời phải ra đi và muốn được trở về. Gợi tôi đọc lại những điều mình đã viết từ những năm qua với những bâng khuâng hằn vết trong tâm.
Từ nửa vòng trái đất, nhìn xuyên đại dương, vẫn luôn thấy bên kia bờ:
"... Bên kia bờ, xưa - đi vào kỷ niệm
những núi sông, đồng cỏ, thác hồ
mái rạ vàng theo chiều đổ nhấp nhô
nghé ngọ về chuồng, em ru điệu nhớ
Bên kia bờ, xưa - mãi là sự sống
theo nhịp rung cảm nhận của anh, em
dẫu muôn trùng xa, không thể nào quên
những hẹn ước, những chân tình gởi lại!..."
(Bên Kia Bờ - thơ Cao Nguyên)

Vậy mà biệt ly, vậy mà xa cách muôn trùng! Ôi nhớ! Nỗi nhớ ray rứt trong một đời người về quê hương với nhiều hệ lụy:
"... Biệt Ly!
Sao gọi biệt ly?
chân xa Quê Nội
Tâm ghì mộ bia
sáng đi nước mắt đầm đìa
chiều theo hương khói
chung chia cuộc buồn
khuya nghe ai gõ vào hồn
đưa tay hứng giọt
máu hồng còn tươi
dang chân đụng gốc sinh thời
lắt lay tiếng võng ... ầu... ơi! Mẹ về
Mốt mai hết cuộc xa quê
xác mong nằm ghé
bên lề Cha Ông..."
(Biệt Ly – thơ Cao Nguyên)

Nên chi lòng vẫn thắt thỏm với chuyện Đi, Về để ngắm, để nhìn thỏa thuê vùng đất Mẹ. Và chúc phúc cho nhau bạn ta cùng nỗi nhớ, nhắc cháu con còn đó một trời quê:
"... thuở cha mẹ dắt dìu nhau vượt biển
thuyền xuôi dòng, nước mắt ngược vào tim
mong sông núi nương hồn người linh hiển
giữ cho thơm vĩnh viễn mạch quê hương
chúc phúc cho nhau, khi ta còn nỗi nhớ
mãi yêu thương con đường nhỏ về làng
vẫn còn đó những cánh diều lướt gió
vút lên trời tuổi nhỏ tiếng cười vang!..."
(Chúc Phúc – thơ Cao Nguyên)

Mỗi khi khung trời mơ khép lại, mỗi trở mình là thao thức theo chuyện Đi, Về:
"... nếu đi mà thong thả
tội đếch chi quay về
cứ nhìn đời đon đả
ta dõi miết đường mê

nếu về mà an tịnh 
cần quách gì cứ đi
ngồi lê đời bịn rịn
mê hoặc cõi hồ nghi

Đi, Về - đường khúc gãy
chồi nứt ngọn hoài thai
giấc đời xa ngọt ngậy
cong quắp khối hình hài..."
(Gọi Điêu Tàn Thức Dậy – thơ Cao Nguyên)

Về đi! Về đi thôi! Ôi nỗi nhớ Huế, Sài Gòn, Hà Nội... rân trong tim bao nỗi bồi hồi:
"... Hà Nội với anh là kỷ niệm
thuở ấu thơ nghịch sóng Hồ Gươm
đốt lá bàng học bài Quốc Sử
thư trao em dòng chữ xuân thì

Hà Nội với anh là nỗi nhớ
Thăng Long – Bạch Đằng - Thê Húc - Cổ Ngư
ba-mươi-sáu-phố-phường
chân chưa dạo khắp
gói cốm sông Hồng đã nhạt múi hương

Hà Nội với anh - Nửa đời trăn trở
lửa bàng reo cháy vở học trò
nước mắt loang nhòa trang sử cũ
muôn dặm đường qua - giấc mộng hờ!..."
(Hà Nội Với Anh – thơ Cao Nguyên)

"... hất tóc em ngược chiều gió thổi
nhìn vai ngoan vượt nắng qua cầu
quay quắt nhớ, mười hai nhịp đợi
xuôi Nam Giao về Phú Vân Lâu
...
qua Đập Đá tìm về Vỹ Dạ
bao nhiêu năm chưa lạ hàng cau
vẫn quanh quẩn mùi hương tóc sả
Huế chờ em vượt nắng qua cầu..."
(Huế Chờ - thơ Cao Nguyên)

Sài gòn, Em và chiếc áo dài
dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
có nắng chen mưa đùa ngọn tóc bay
nghe cánh phượng rơi đầy trong sóng mắt

Sài Gòn Xưa, lụa vàng ươm vóc ngọc
mịn hồng da, đuôi tóc ủ vai trần
hăm hở bước nghêu ngao mùa guốc mộc
ngắm thơ tình trên vóc giấy hoa tiên

Sài Gòn đam mê với Thơ và Nhạc
trên hành trình khao khát những dòng sông
sức quyến rủ những con đường, góc phố
chảy dọc đời tóc bạc hóa mây xanh

Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái 84 
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh..."
(Sài Gòn – Em và Chiếc Áo Dài – thơ Cao Nguyên)

Bằng ấy những nỗi nhớ về quê hương chất đầy trong ký ức. Bạn nói đi, làm sao tôi chẳng mong Về? Dẫu trong lòng còn nỗi phân vân:
"mai Về
chứ chẳng phải Đi
Đi là hồi nẳm,
tưởng Đi không Về

phân vân
mãi chuyện Đi, Về
làm sao lòng biết
chắc Về hay Đi

quê nhà
hương hỏa, triều nghi
tổ tiên hiển hiện
sao Đi không Về

quẩn quanh
đau cuộc sơn khê
người cho tôi biết
nên Về hay Đi
Việt Nam!"
(Phân Vân - thơ Cao Nguyên)

Trả lời chưa được từng ấy câu hỏi. Liệu lòng mình có thanh thản khi Về nơi còn nặng lòng với "hương hỏa, triều nghi"? Thời gian đang cuối bờ Tháng Chạp, Tâm đang giữa vòng luận thức Về, Đi. Đành tản mạn vài dòng cho thỏa chút tâm ý nghĩ về quê hương tuyệt vời xa tít đó!

"... tháng Chạp rồi sao? Ồ sắp Tết
một năm đi, thêm một tuổi về
còn lại chi, những gì sẽ hết
trong cuộc đời lữ khách xa quê?

tháng Chạp đến, Đào Mai chớm nụ
thôn xóm vui chợ búa rộn ràng
mùi bánh mứt thơm lừng góc phố
trẻ con khoe áo mới đầu làng!

tháng Chạp về, những ngày giáp Tết
thương quá chừng, nhớ lắm quê ơi
những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
trong tâm tư suốt một đời người!

cám ơn ai nhắc ta tháng Chạp
để không quên vị Tết quê nhà
dẫu thế sự thăng trầm đã khác
đất chôn nhau ấm lạnh trong ta!"
(Tháng Chạp - thơ Cao Nguyên)


Từ những ý từ hôm nay, tôi xin gởi đến mọi người lời chúc vạn sự an bình khi trước mặt đào hồng, mai vàng rộn nở trong nắng ấm của một mùa Xuân Mới, đợi một trả lời tương thích: Đi hay Về Việt Nam! 

Cao Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư Viện

Chào Xuân Mới

  Chào Xuân Mới đang trên đường quan ngoại nghe én gọi Xuân về thấy tuổi mình chợt mới nở trên cành đào quê bèn theo người lữ khách mang hồn...