Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Kỷ Niệm Văn Nghệ Với Hội Cao Niên


Kỷ Niệm Văn Nghệ Với Hội Cao Niên
Nhắc đến sinh hoạt của Hội Người Việt Cao Niên, mỗi năm đều có tổ chức buổi Lễ Kỷ Niệm ngày thành lập hội. Tính đến nay, Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn vừa tròn 45 tuổi (1977 - 2022).
Mỗi khi tổ chức Lễ Kỷ Niệm đều có chương trình văn nghệ do các ca nhạc sĩ thân tình góp tâm sức thực hiện. Nhớ về ngày kỷ niệm 42 năm của Hội Cao Niên, mời các bạn xem lại một tiết mục văn nghệ với bài thơ "Thôi Em Về Đi Nhé" do nhạc sĩ Nguyễn Tuấn phổ nhạc và được cháu Thủy Tiên trình bày:
Thôi em về đi nhé
Thôi em về đi nhé
anh trở lại rừng phong
chia ly lời rất nhẹ
sao nặng sóng trong lòng
Chiều xuống dần thật lẹ
chiếc lá rơi nhẹ tênh
nếu em về quá trễ
gió sẽ buốt vai mềm
Thôi em về đi nhé
anh trở lại với anh
bước chân buồn quạnh quẽ
chạm hạt sương long lanh
Thu đã buồn như thế
sao còn mãi gọi tên
mà lá vàng cũng tệ
cứ khua mãi không quên
Cho lòng anh luyến nhớ
những giây phút bên em
giá mà không gặp gỡ
xa mãi rồi cũng quen
Thôi em về đi nhé
thương nhớ giữ trong lòng
gọi tên nhau lặng lẽ
qua cả một mùa Đông!
Cao Nguyên

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Nhớ Ơi

 NHỚ ƠI

nơi nào là chỗ tận cùng
cho lòng ngưng lại điệp trùng nhớ ơi!
từ sâu mái rạ ru đời
từ trong dòng sữa mớm lời nuôi thân
từ em ướm lụa bên sông
từ trăng vàng rực cánh đồng lúa thơm
từ Buôn lửa hội bập bùng
từ chiêng trống dậy núi rừng Tây Nguyên
từ nguồn cội tới hồn thiêng
muôn ngàn mạch chảy qua miền nhớ tôi
không bao giờ nỗi nhớ vơi
về quê hương mẹ suốt thời lưu vong
không nơi nào, chỗ tận cùng
để lòng ngưng lại điệp trùng nhớ ơi!
CAO NGUYÊN

&
ELEGY
Where is the terminal end
For my heart to stop nostalgia that would extend?
From Mom under the thatch roof who lulled me;
From her breasts that fed my body in glee;
From the girl on the riverside who tried silk yield;
From the yellow moon over the fragrant rice-field;
From the highland hamlet fest with flickering fire,
Gongs and drums' echoes from forests that aspire;
From the somatic source to the sacred soul
With thousands of streams thro my nostalgic hole.
Never will ever cease my longing for
My dear motherland deep in all my exile's life core.
There is nowhere the terminal end
For my heart to stop nostalgia that would extend!
Translation by THANH-THANH

---
Trích trong tuyển tập: DRAGON & FAIRY IN POETRY
(RỒNG & TIÊN TRONG THI-CA)




Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Em Từ Lục Bát Bước Ra


Em Từ Lục Bát Bước Ra
Em từ lục bát bước ra
thấy ta ngồi giữa hằng hà nhạc thơ
Em cười bảo chớ quẩn mơ
đời kinh vần điệu, tình ngơ ngẩn lời
Em từ lục bát ghé chơi
thấy ta ngồi đếm thì thời đã qua
Em cười bảo cứ nhẩn nha
trăm năm chưa tận còn tha thiết tình
Em từ lục bát đứng nhìn
thấy ta ngồi ngắm chu trình hoại sinh
Em cười bảo chớ giật mình
có không không có cứ bình sinh ngơi
Em từ lục bát ru đời
thấy ta đắm mắt ngắm trời ngã Thu
Em cười bảo chớ ưu tư
khởi lên tình khúc sương mù sẽ tan !
Cao Nguyên

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Tình khúc thơ Cao Nguyên phổ nhạc


Hà Lan Phương và những tình khúc thơ Cao Nguyên:
Du Ca - Chào Nhé - Huế Buồn
Rượu Mặt Trời - Tháng Tám
Tình Khúc Giao Mùa - Tình Khúc Sông Trăng
Vì Khát Vọng Mà Đi

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Khi Mẹ Hát

Khi Mẹ Hát
(mến tặng Mã Tiểu Linh)
Nghe Mẹ hát lòng con mừng biết mấy
đường trăm năm còn thấy những ngày vui
dẫu lời hát có bùi ngùi vút dậy
cũng gợi lên từ ấy mạch quê hương
Mẹ chọn bài Đời Đá Vàng để hát
dẫn lối mình từ khao khát ngày xưa
cho đến lúc bước vào mùa tuổi hạc
vẫn quyết đi mặc trời nắng hay mưa
Khi Mẹ hát dẫn trí con nhớ lại
từng khoảng đời Cha Mẹ đã đi qua
luôn tin tưởng ngày mai trời sẽ đẹp
thôi chập chùng vơi hết những xót xa
Mẹ đã hát như chính mình tự kể
một hành trình không dễ để đi lên
nếu không có dòng ân tình nhân thế
đã nâng niu từng bước Mẹ bình yên

Cao Nguyên  

---

Bà Tôn Phụng Hồng (Mẹ của Mã Tiểu Linh)

hát trong chương trình "Tiếng Hạc Vàng" 



Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

DU CA



Thơ: Cao Nguyên Trình bày: Phương Anh

---
Du Ca
anh - chiếc đàn guitar
em - một cây sáo trúc
ta - dòng thơ ngạo cuồng
đã lên đường du ca!
hát cho rừng núi nghe
hát chờ đêm bạn về
hát quên ngày hoang vu
hát giữa thời hôn mê!
hát cho đồng loại nghe
hận thù và dối trá
hát cho bạn bè vui
vơi đau thương ngậm ngùi!
thuở ấy thơ ta - lời trộn lửa
cung đàn anh - nửa máu nửa hồn
tiếng sáo em - chập chờn tiếng khóc
rong lời ca vào đêm vô biên!
hát trong mùa Xuân điên
hát giữa Hè đỏ lửa
hát trên miền cao nguyên
hát bên niềm cô đơn!
đàn anh vỡ trong đêm thoát ngục
cây sáo em chìm vực trùng dương
ta vỗ tay không - hát lời thao thức
hát nhớ núi rừng - mênh mông quê hương!
Cao Nguyên
@
Cảm tưởng về bài thơ DU CA
Trong bài thơ “Du Ca” bao gồm 24 câu thơ tự do, tác giả đã mượn cây đàn và cây sáo là hai nhạc cụ biểu tượng cho sự khao khát tự do, hạnh phúc và an bình mà con người luôn mơ ước vươn tới. Trên cuộc hành trình lãng du, phiêu bạt quê người, người nghệ sĩ không có gì ngoài trái tim và lời ca tiếng hát để xóa tan đi bóng đêm giữa hôn mê ngục tù, xóa tan hận thù, khổ đau và dối trá vẫn đang hiện diện trên quê hương Việt Nam.
Trong tâm thức nhà thơ là hình ảnh của cuộc chiến tranh khốc liệt mà khổ thơ thứ 2 biểu hiện rõ nét sự trăn trở, thao thức của tác giả về thân phận của người Việt Nam trong cuộc nội chiến.
Tác giả không dùng từ ngữ nào nói về hành động tàn bạo của của kẻ gây ra tội ác. Nhưng chỉ trong 4 câu thơ đã tái hiện rõ nét cuộc tấn công của cộng sản Bắc Việt vào Tết Mậu Thân tắm máu, một mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Và cuối cùng cuộc triệt thoái cao nguyên năm 1975, đã định đoạt số phận cho Miền Nam Việt Nam. Để thế giới phải kinh hoàng và xúc động trước cuộc di dân của người Việt Nam thoát khỏi chế độ cộng sản vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.
Bài thơ “Du Ca” mang theo hơi thở của thời đại, và những rung cảm sâu lắng trong tâm tư tác giả là mong ước cuộc sống của dân tộc sẽ có tự do, dân chủ, hạnh phúc, phồn vinh.
Nội dung hai câu thơ cuối: “ta vỗ tay không - hát lời thao thức. Hát nhớ núi rừng - mênh mông quê hương!” Chứa đựng niềm thương nhớ quê nhà luôn nung nấu trong tim của nhà thơ Cao Nguyên.
Nhà Văn Phong Thu

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Nỗi Lòng Về Đất Nước


Nỗi Lòng Về Đất Nước
Lời Ngỏ

Hôm nay được xem một đoạn phỏng vấn cô Mã Tiểu Linh do anh Chu Lynh (VietNam Film Club) thực hiện với chủ đề: Nỗi Lòng Về Đất Nước.
Nhớ ra hồi năm 2016, cô Mã Tiểu Linh về Việt Nam và bị Việt cộng bắt bỏ tù vì tội đấu tranh vì dân sinh, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Cảm xúc với sự kiện này, tôi đã viết bài "Người Con Gái Ngoan Cường" gửi Mã Tiểu Linh và Nancy Nguyễn (cũng bị Việt cộng bắt khi về Việt Nam).
Mời các bạn xem lại bài viết liên quan đến chủ đề của cuộc phỏng vấn. Hy vọng nỗi lòng về đất nước khởi động trong tâm trí những người bạn trẻ còn nghĩ đến ngày quang phục nền tự do dân chủ trên quê hương Việt Nam.
Trân trọng,
Cao Nguyên
@
Người Con Gái Ngoan Cường
(tâm thư gởi Nancy Nguyễn và Mã Tiểu Linh)
Có đi mới biết
Có tiếc mới thương
Có kinh địa ngục
Có phục thiên đường
Sau khi nghe các em kể chuyện trên hệ thống truyền thông về chuyến đi Việt Nam đã bị cộng sản bắt giam. Anh muốn viết đôi dòng gởi đến các em với niềm vui khi các em đã trở về bình an sau những ngày mất tích.
Sau chuyến đi, các em đã biết thế nào là trại giam và cách hành xử thô bạo của những người đại diện cho chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay.
Đây không phải là cảm nghĩ riêng anh mà của những người thân và đồng bạn rất lo cho sự an toàn của các em. Bởi tính chất chuyến đi các em đã nói rõ trong thư và tin nhắn gởi lại cho gia đình và bạn thân. Nên chuyến đi trở thành sự thách thức của những người yêu nước đối với chính quyền cộng sản.
Tuy nhiên, qua giải bày của các em trên đường trở về Mỹ đã cho người nghe thấm hơn về chủ trương của một chính quyền chỉ thấy cái bóng của tự do dân chủ là hoảng sợ. Sự hoảng sợ đến mất lý trí, nên ra lệnh bắt khẩn cấp người mà chúng cho là có thể tạo ra nguy cơ làm bùng phát phong trào đấu tranh đòi dân chủ, tạo ra tiền đề làm sụp đổ chế độ và dìm chết luôn hàng ngũ cầm quyền vốn chỉ coi nhân dân là phương tiện phục vụ lợi ích của đảng và tập đoàn lãnh đạo.
Nghĩ mà thương một người con gái dám từ bỏ cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc gia đình, vượt nửa vòng trái đất để học hỏi kinh nghiệm sống và chiến đấu chống những cái ác bẩm sinh đang phá hủy và tiêu diệt sức sống của một dân tộc. Học để biết không cho riêng em mà giúp những người cùng đồng hành với em trên hành trình tranh đấu biết được phương cách ứng xử khi giáp mặt với lực lượng thi hành pháp luật không có luật.
Những người thân và bạn đồng hành qua nhiều ngày mong ngóng tin, càng sốt ruột càng thương các em. Nên không thể trách có người nghĩ đến những điều không may các em phải gánh chịu mà tiếc cho một người thân, một chiến hữu ra đi không thể trở về.
Tâm trạng này giống như khi anh ngồi ở hậu cứ thấp thỏm lo về sinh mạng của các chiến hữu đang thâm nhập vào vùng đất địch để gom tin phục vụ cho kế hoạch hành quân. Đã biết đi vào chiến trường là chấp nhận sự hy sinh khi mình đã xác định được trách nhiệm của một người chiến sĩ bảo quốc, an dân. Nhưng mà lo vẫn lo. Mạng sống mỗi con người luôn quí trọng, sinh lực của một lực lượng cần được bảo toàn.
Các em đã trở về từ quê hương mang nỗi đau là đất của ngục tù. Không như quê hương xưa, toàn Miền Nam trong cuộc sống của đồng bào không nghe ai nói đến những chữ: tù, đày, giam, nhốt, chém và giết. Bởi vì trại giam và nhà tù không có trong ngôn ngữ của người dân lành yêu cuộc sống và chân lý trong một thể chế tự do, dân chủ. Hoàn toàn khác với một thể chế độc đảng toàn trị luôn xây dựng trại giam và nhà tù vừa để răn đe, vừa để khống chế người dân yêu nước thương nòi muốn vùng lên phản kháng sự áp bức và bất công. Mọi phản kháng của người dân đều được ghép vào tội "chống phá nhà nước".
Riêng bốn chữ "chống phá nhà nước" cần phải làm rõ hơn trong cái luật rừng u tối của cộng sản Việt Nam. Thông thường và trên căn bản dân sinh dân chủ, nhà nước thỏa mãn quyền lợi của nhân dân thì còn ai có ý nghĩ chống và phá với nhà nước. Song phương phục vụ lẫn nhau đều tốt thì không cần có sự răn đe trên bình diện tinh thần và thể chất
Tuy các em rất sáng suốt, kiên cường và không kinh hãi khi bước vào và bước ra khỏi địa ngục.
Nhưng những ấn tượng về răn đe, khống chế đã tạo một áp lực không nhỏ trong tinh thần của các em. Những ám ảnh của bạo lực trong bóng tối cần có thời gian để xóa nhòa nhờ ý thức kiên định lập trường tranh đấu chống mọi sự bất công trong xã hội, tranh đấu cho sự sinh tồn bản thân và đồng chủng.
Viết về địa ngục không thể không nghĩ đến thiên đường nơi chúng ta đang sống. Trên mỗi vùng đất tự do, mỗi con người được thụ hưởng một cuộc sống do mình chọn lựa trong tất cả các sinh hoạt thường ngày. Không bị hoảng sợ bởi một thế lực nào, vì đời sống của mỗi người luôn được luật pháp bảo vệ. Đó là thiên đường có thật, đơn giản nhưng đầy đủ trong tình người với người thương yêu nhau dù khác màu da và ngôn ngữ. Tự mình ngưỡng phục thiên đường mình đang sống đã nẩy ra ý niệm được chia sẻ phần nào những tích lũy sinh tồn và vươn lên của chính mình với người khác đang còn chịu đựng sự khổ cực và áp bức.
Đó là sự thiết tha trong khao khát của một cuộc đời luôn quí trọng ánh sáng của ba chiều Chân Thiện Mỹ hội tụ. Từ lúc nhận được tin báo an của các em trên đường bay từ địa ngục về thiên đường, anh cúi đầu cảm tạ ơn trên đã cưu mang các em giữa cuộc đời luôn tìm ẩn sự bất trắc, cho dù các em muốn thử sức mình trong sự bất trắc đó để kiểm nghiệm và định vị khả năng trưởng thành của mình.
Sự vui mừng của mọi người hòa vào niềm vui của các em từ khẳng định bản thân được trui rèn thêm qua thử thách. Chỉ vậy thôi các em cũng đủ tư cách đứng lên trên những nghi hoặc và nghị luận. Đôi chân tuổi trẻ trên hành trình nhân ái được hướng dẫn từ Tâm, thì còn điều gì làm các em chùng bước.
Những người trong thế hệ của anh không thiếu những băn khoăn khi ngoái nhìn quá khứ, vẫn còn muốn điều chỉnh những sai lầm để gom sinh lực của lý tưởng quốc gia dân tộc tiếp truyền vào thế hệ của các em. Với niềm mong ước duy nhất quê hương mình rồi sẽ đẹp. Ánh sáng thiên đường sẽ tràn qua mọi ngõ ngách của địa ngục, hủy diệt mọi sự tàn ác. Nhân dân được sống bình đẳng trong một thể chế tự do dân chủ.
Xin được gởi niềm mong ước này vào những người bạn trẻ như các em đang quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng nhân bản trên quê hương mình.
Hy vọng và niềm tin đang bừng lên theo lời hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong bài "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ":
"Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam"
Anh gởi lời chào quí mến và trân trọng đến các em - những người con gái ngoan cường của Mẹ Việt Nam. Mong các em luôn an vui và thành công trong chí hướng phục vụ Dân Sinh và Dân Chủ.
Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ 27/5/2016

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

GIỌT LỆ HỒNG (Thơ Cao Nguyên. Nhạc Vĩnh Điện) Thanh Thúy Nguyễn

Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu 27.09.2020


Giọt Lệ Hồng
Tưởng nhớ về Việt Nam Cộng Hòa
Tháng 9 hằng năm không quên ngày tưởng niệm tổng thống Nguyễn Văn Thiệu .
Mời quý vị xem lại Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu 27.09.2020 do cộng đồng người Việt Úc Châu tổ chức .
Thật là hân hạnh cho chúng tôi là bài thơ Giọt Lệ Hồng được giới thiệu như tâm trạng của người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa qua cuộc chiến bảo vệ Miền Nam (từ phút 35 / video)

Giọt Lệ Hồng
" chợt nghe từ đá hồn thương tích
vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa "
(Thanh Nam)
đã có bao lần
em thấy
giọt lệ hồng
rơi!
đã có bao lần
em hiểu
vì sao
giọt lệ - hồng?
những giọt lệ pha máu
từ tim
chảy xuyên qua mắt
buốt đau theo dòng chảy
cay đắng suốt trăm năm
đã có bao lần
em biết
tại sao có giọt lệ hồng?
nó kết tụ bởi máu và nước mắt
từ những cái chết
vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận
em hiểu
tại sao hôm nay
anh bị chấn động
viết những dòng
không thường hằng có trong anh
bởi chỉ vì
hôm nay
anh muốn viết
về một thời đã qua
đầy nước mắt và máu
của bạn mình
chết bởi
một viên đạn
một liều thuốc độc
một dây treo cổ

giọt lệ hồng
đang chảy trong anh
và chung quanh anh
*
có thể anh sẽ viết cho em
hiểu thêm những điều gì đó
về những giọt lệ hồng
trong tháng Tư đen và trước nữa
mà cũng có thể là không
vì anh sợ mình không vượt khỏi
những lần tim chảy máu
những giọt lệ hồng
mãi chảy
trong anh
trong đời bạn bè anh
trong dòng sống
trong dòng chết
giọt lệ hồng không ngưng tụ
trong đá sỏi
trong giá băng
trong câm lặng
mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
của vô tri
bất giác
anh đang cảm thấy
lòng mình thổn thức
bên cạnh những ngôi mộ
chôn trong ký ức
từng dãy
từng hàng
xác của bạn anh
những người ruột thịt của anh
họ đã đứt ruột ra đi
họ đã chia thịt cho xứ sở
và máu họ trộn vào
không gian mưa lũ
đỏ au!
Em ơi
có thể đây là bài thơ tự do hay nhất
mà anh viết
có thể đây là một đoạn
trong bài điếu văn anh gởi cho bạn bè
cho những Cha, Chú, Anh, Em
đã nằm xuống
vì những chữ Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền
Bài viết hôm nay
em nhớ
không nặng lòng thù hận
mà nặng nỗi tiếc thương
những người đã hy sinh
cho quê hương
và gởi lời cảm xúc
đến những con tim
đang chảy
giọt lệ hồng
em cũng nhớ
không có sự bi thảm
vì người anh hùng không chết
cho những cưu mang lừa dối
và lòng thương hại
và em nên nhớ
sự ra đi
chững chạc và dứt khóat
của những con người
có trái tim chân chính
xuyên qua
những giọt lệ hồng.
Cao Nguyên
@
The Pink Tears
“Suddenly heard from the bottom of the wounded soul
the distant voice of the old funeral clarinet.”
(Thanh Nam)
Already so many times
you saw
The pink tears
Falling
Already so many times
you understood
Why
The tears – pink?
The tears mixed with blood
from the heart
flowing through the eyes
Causing stiff pains along the flow
Bitter all the year round
already so many times
you knew
why was there the pink tears?
they were coagulated by blood and tears
from the dead
for the will of defending home country and countrymen
for the will of going against the damned powers
for the will of preventing good conscience from acute hatred
you understood
why today
I have been shocked
to write the lines
which did not usually exist in me
only because
today
I want to write
about a by-gone time
full of tears and blood
of my friends
died by
a bullet
a dose of poison
a hanging noose
the pink tears
flowing in my body
and around me
*
Perhaps I would write for me
to understand some things more
about the pink tears
During the Black April and before it as well
But possibly I would not
because I was afraid you could not overcome
the times when my heart bled
the pink tears
restlessly flowed
in me
in my friends’ lives
in the lines of life
in the lines of death
the pink tears did not coagulate
in gravels
in glaciers
in silence
but flowed through every ramparts
of senselessness
All of sudden
I was feeling
my heart throbbed
by the side of the tombs
buried in my remembrance
rows by rows
columns by columns
corpses of my friends
of my blood relatives
they departed with their bowels cut
they shared their flesh for their country
and they mixed their blood
in the space of flooding rains
Bright red
my darling
perhaps this is the best liberal poem
that I wrote
perhaps this is a paragraph
in my pass-away speech to be sent to my friends
to Parents, Uncles, Brothers
having lain down
for the words of Freedom, Compassion, Human Rights
My today’s article
you remember
not heavy with animosities
but heavy with loving regrets
for the men sacrificed
for homeland
and extending my emotions
to the hearts
bleeding
the pink tears
You should remember also
there is not a tragedy
because the heroes do not die
for the cheating supports
and the pities
and you should remember
the departure
steady and definite
of the men
having loyal hearts
through
the pink tears!
Translated by William Hoàng

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Tuyển Tập Bến Trăng

Tuyển Tập Bến Trăng 



Hội Quán Bến Trăng được thành lập từ mối giao tình thân quí với các Anh Chị Em mà Cao Nguyên đã biết trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật trên các trang web trong nhiều năm qua. Đặc biệt, do Duyên đưa và Tâm định, Cao Nguyên đã được hạnh ngộ với một số anh chị em văn thi hữu qua các lần gặp gỡ ở Washington DC, Maryland, California, Atlanta...


Trong giao tình có được với niềm ưu ái mà các anh chị em dành cho Cao Nguyên, đã gợi ý cho Cao Nguyên về việc nối kết vòng tay thân ái để thực hiện một tuyển tập thơ văn.

Các anh chị em đã gợi ý rằng, thời gian đặt trước chúng ta khá nhiều những ưu tư trong cuộc sống riêng mình và với người, trong dòng đời luôn mang sự cảm khái: "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?". Hỏi người, chính là hỏi ta. Bởi một lúc nào đó, những người thân thương của chúng ta cũng hỏi như vậy, khi bất giác nhớ về chúng ta đã nơi cõi-xa-vời. Sao không lưu lại cho những người thân thương của chúng ta một chút hồn? Dẫu chung riêng, vẫn là điều nên có.

Là một người cầm bút, tâm tư chúng ta đi xuyên qua không gian, thời gian để gặp từng bối cảnh lắm lúc cuốn ta vào sự xúc động khó ngăn dòng nước mắt. Bối cảnh từ chính ta: tình yêu, thân phận; từ những thân thương của ta: những hệ lụy máu thịt và huyết thống; từ quê hương ta: từ chiếc nôi và lời ru của mẹ, vạt đất thơm và luống cày của cha, đến những bến bờ của dòng sông quê Nội, Ngoại... Quá nhiều, quá nhiều thứ... Dẫu viết suốt đời vẫn chưa cạn ý, mà đã viết, không chỉ viết với riêng ta, còn kể cho thân thương nghe những điều chúng ta cảm nhận từ một thuở đã qua, từ một thời đang có... hàm chứa trong Văn, Thơ mà mỗi người chúng ta đã và đang ủy thác lòng mình.

Dẫu gì thì trong tất bật dòng đời, ta còn một cõi-bạn-ta để tới lui hàn huyên tâm sự, rỉ rả chuyện buồn vui, khi bóng chiều lướt ngoài khung cửa. Chợt nghĩ: Sao ta không còn mãi bên nhau những tấm lòng tri kỷ? Thú vị, thú vị lắm! Vậy thì làm một điều gì đó cho hôm nay, để mai còn nhớ lại. Thế là hình thành một lời ngỏ, cũng là lời mời bạn-ta ngồi lại với nhau trong một góc đời có hình tượng rất thơ: Bến Trăng!

Lời mời chuyển đi, rất may bạn-ta nhiệt tình hưởng ứng một cuộc hành-văn về với Bến Trăng, để chúng mình còn mãi bên nhau, trong một tuyển tập thơ văn mà bạn đang cầm trên tay. Cũng cám ơn tất cả những ai đang ưu ái và trìu mến nhìn những con chữ lướt qua, để bất chợt đồng cảm gọi lên: "cho mình còn mãi bên nhau với!". Nếu được vậy, Tuyển Tập Thơ Văn Bến Trăng có cơ may nối tiếp những số tới với đông đảo bạn-ta hơn, theo như ước mong của những bạn-ta hiện có mặt trong tuyển tập.

Cám ơn sự tri tình của bạn-ta và thân hữu gần xa với Bến Trăng, nơi hội tụ những thân thương với chân tình chữ nghĩa.

Trân trọng,
Cao Nguyên 

---

.Tác giả trong Tuyển Tập Bến Trăng :

• Ấu Tím • Cao Nguyên • Chiêu Hoàng • Dã Quỳ • Đặng Lệ Khánh • Đông Nghi • Hà Phương Hoài • Hồng Vũ Lan Nhi • Linh Đắc • Ngọc Anh • Nguyễn Ninh Thuận • Nguyễn Thị Tê Hát • Nguyễn Văn Tân • Như Thương • Phan Anh Dũng • Phan Tấn Hải • Phan Tưởng Niệm • Sapy Đi Đi • Sapy Nguyễn Văn Hưởng • Sông Cửu • Sương Mai • Tràm Cà Mau • Trần Kim Bằng • Trương Ngọc Bảo Xuân • Việt Dương Nhân • Vũ Hoài Mỹ • Vũ Hối •

.Ban biên tập:
Cao Nguyên, Dã Quỳ, Ngọc Anh, Anh Dũng

.Tranh bìa:
Đông Nghi

.Tranh phụ bản:
Đinh Cường, Mùi Quý Bồng, Nguyễn Hùng Sơn

.Kỹ thuật:
Phan Anh Dũng

---
Bến Trăng

Bến đi đợi, Bến về chờ
vẫn Trăng vàng óng dọc bờ sông quê
đưa người thuở núi hôn mê
đón người từ nỗi nhiêu khê chập chùng

đổi đời vào cuộc rạng đông
theo người trẩy bước xuôi dòng trường ưu
mẹ chờ trước cửa ngã chiều
hong thơ ru lại mỹ miều tuổi con

mãi đời lưu dấu ngựa hồng
thời cha hào phóng nhập dòng sử thi
Trăng còn sáng, Thơ còn đi
lòng căng sức gió, ngại gì Bến xa

trời xanh, sáng tỏa Ngân Hà
lâng lâng tâm ý giữa ta và người
chèo khua rộn nhịp trùng khơi
vỗ dồn sóng biếc, ngời ngời Bến Trăng!

Cao Nguyên 



Thư Viện

Biển Nhớ

  Biển Nhớ biết em thích biển, anh ra biển tiếc là em đã không cùng đi ngồi nghe sóng thầm thì kể chuyện nhắc buồn vui từ mỗi biến di đàn hả...