Nỗi Lòng Về Đất Nước
Lời Ngỏ
Hôm nay được xem một đoạn phỏng vấn cô Mã Tiểu Linh do anh Chu Lynh (VietNam Film Club) thực hiện với chủ đề: Nỗi Lòng Về Đất Nước.
Nhớ ra hồi năm 2016, cô Mã Tiểu Linh về Việt Nam và bị Việt cộng bắt bỏ tù vì tội đấu tranh vì dân sinh, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Cảm xúc với sự kiện này, tôi đã viết bài "Người Con Gái Ngoan Cường" gửi Mã Tiểu Linh và Nancy Nguyễn (cũng bị Việt cộng bắt khi về Việt Nam).
Mời các bạn xem lại bài viết liên quan đến chủ đề của cuộc phỏng vấn. Hy vọng nỗi lòng về đất nước khởi động trong tâm trí những người bạn trẻ còn nghĩ đến ngày quang phục nền tự do dân chủ trên quê hương Việt Nam.
Trân trọng,
Cao Nguyên
@
Người Con Gái Ngoan Cường
(tâm thư gởi Nancy Nguyễn và Mã Tiểu Linh)
Có đi mới biết
Có tiếc mới thương
Có kinh địa ngục
Có phục thiên đường
Sau khi nghe các em kể chuyện trên hệ thống truyền thông về chuyến đi Việt Nam đã bị cộng sản bắt giam. Anh muốn viết đôi dòng gởi đến các em với niềm vui khi các em đã trở về bình an sau những ngày mất tích.
Sau chuyến đi, các em đã biết thế nào là trại giam và cách hành xử thô bạo của những người đại diện cho chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay.
Đây không phải là cảm nghĩ riêng anh mà của những người thân và đồng bạn rất lo cho sự an toàn của các em. Bởi tính chất chuyến đi các em đã nói rõ trong thư và tin nhắn gởi lại cho gia đình và bạn thân. Nên chuyến đi trở thành sự thách thức của những người yêu nước đối với chính quyền cộng sản.
Tuy nhiên, qua giải bày của các em trên đường trở về Mỹ đã cho người nghe thấm hơn về chủ trương của một chính quyền chỉ thấy cái bóng của tự do dân chủ là hoảng sợ. Sự hoảng sợ đến mất lý trí, nên ra lệnh bắt khẩn cấp người mà chúng cho là có thể tạo ra nguy cơ làm bùng phát phong trào đấu tranh đòi dân chủ, tạo ra tiền đề làm sụp đổ chế độ và dìm chết luôn hàng ngũ cầm quyền vốn chỉ coi nhân dân là phương tiện phục vụ lợi ích của đảng và tập đoàn lãnh đạo.
Nghĩ mà thương một người con gái dám từ bỏ cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc gia đình, vượt nửa vòng trái đất để học hỏi kinh nghiệm sống và chiến đấu chống những cái ác bẩm sinh đang phá hủy và tiêu diệt sức sống của một dân tộc. Học để biết không cho riêng em mà giúp những người cùng đồng hành với em trên hành trình tranh đấu biết được phương cách ứng xử khi giáp mặt với lực lượng thi hành pháp luật không có luật.
Những người thân và bạn đồng hành qua nhiều ngày mong ngóng tin, càng sốt ruột càng thương các em. Nên không thể trách có người nghĩ đến những điều không may các em phải gánh chịu mà tiếc cho một người thân, một chiến hữu ra đi không thể trở về.
Tâm trạng này giống như khi anh ngồi ở hậu cứ thấp thỏm lo về sinh mạng của các chiến hữu đang thâm nhập vào vùng đất địch để gom tin phục vụ cho kế hoạch hành quân. Đã biết đi vào chiến trường là chấp nhận sự hy sinh khi mình đã xác định được trách nhiệm của một người chiến sĩ bảo quốc, an dân. Nhưng mà lo vẫn lo. Mạng sống mỗi con người luôn quí trọng, sinh lực của một lực lượng cần được bảo toàn.
Các em đã trở về từ quê hương mang nỗi đau là đất của ngục tù. Không như quê hương xưa, toàn Miền Nam trong cuộc sống của đồng bào không nghe ai nói đến những chữ: tù, đày, giam, nhốt, chém và giết. Bởi vì trại giam và nhà tù không có trong ngôn ngữ của người dân lành yêu cuộc sống và chân lý trong một thể chế tự do, dân chủ. Hoàn toàn khác với một thể chế độc đảng toàn trị luôn xây dựng trại giam và nhà tù vừa để răn đe, vừa để khống chế người dân yêu nước thương nòi muốn vùng lên phản kháng sự áp bức và bất công. Mọi phản kháng của người dân đều được ghép vào tội "chống phá nhà nước".
Riêng bốn chữ "chống phá nhà nước" cần phải làm rõ hơn trong cái luật rừng u tối của cộng sản Việt Nam. Thông thường và trên căn bản dân sinh dân chủ, nhà nước thỏa mãn quyền lợi của nhân dân thì còn ai có ý nghĩ chống và phá với nhà nước. Song phương phục vụ lẫn nhau đều tốt thì không cần có sự răn đe trên bình diện tinh thần và thể chất
Tuy các em rất sáng suốt, kiên cường và không kinh hãi khi bước vào và bước ra khỏi địa ngục.
Nhưng những ấn tượng về răn đe, khống chế đã tạo một áp lực không nhỏ trong tinh thần của các em. Những ám ảnh của bạo lực trong bóng tối cần có thời gian để xóa nhòa nhờ ý thức kiên định lập trường tranh đấu chống mọi sự bất công trong xã hội, tranh đấu cho sự sinh tồn bản thân và đồng chủng.
Viết về địa ngục không thể không nghĩ đến thiên đường nơi chúng ta đang sống. Trên mỗi vùng đất tự do, mỗi con người được thụ hưởng một cuộc sống do mình chọn lựa trong tất cả các sinh hoạt thường ngày. Không bị hoảng sợ bởi một thế lực nào, vì đời sống của mỗi người luôn được luật pháp bảo vệ. Đó là thiên đường có thật, đơn giản nhưng đầy đủ trong tình người với người thương yêu nhau dù khác màu da và ngôn ngữ. Tự mình ngưỡng phục thiên đường mình đang sống đã nẩy ra ý niệm được chia sẻ phần nào những tích lũy sinh tồn và vươn lên của chính mình với người khác đang còn chịu đựng sự khổ cực và áp bức.
Đó là sự thiết tha trong khao khát của một cuộc đời luôn quí trọng ánh sáng của ba chiều Chân Thiện Mỹ hội tụ. Từ lúc nhận được tin báo an của các em trên đường bay từ địa ngục về thiên đường, anh cúi đầu cảm tạ ơn trên đã cưu mang các em giữa cuộc đời luôn tìm ẩn sự bất trắc, cho dù các em muốn thử sức mình trong sự bất trắc đó để kiểm nghiệm và định vị khả năng trưởng thành của mình.
Sự vui mừng của mọi người hòa vào niềm vui của các em từ khẳng định bản thân được trui rèn thêm qua thử thách. Chỉ vậy thôi các em cũng đủ tư cách đứng lên trên những nghi hoặc và nghị luận. Đôi chân tuổi trẻ trên hành trình nhân ái được hướng dẫn từ Tâm, thì còn điều gì làm các em chùng bước.
Những người trong thế hệ của anh không thiếu những băn khoăn khi ngoái nhìn quá khứ, vẫn còn muốn điều chỉnh những sai lầm để gom sinh lực của lý tưởng quốc gia dân tộc tiếp truyền vào thế hệ của các em. Với niềm mong ước duy nhất quê hương mình rồi sẽ đẹp. Ánh sáng thiên đường sẽ tràn qua mọi ngõ ngách của địa ngục, hủy diệt mọi sự tàn ác. Nhân dân được sống bình đẳng trong một thể chế tự do dân chủ.
Xin được gởi niềm mong ước này vào những người bạn trẻ như các em đang quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng nhân bản trên quê hương mình.
Hy vọng và niềm tin đang bừng lên theo lời hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong bài "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ":
"Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam"
Anh gởi lời chào quí mến và trân trọng đến các em - những người con gái ngoan cường của Mẹ Việt Nam. Mong các em luôn an vui và thành công trong chí hướng phục vụ Dân Sinh và Dân Chủ.
Cao Nguyên
Đông Bắc Mỹ 27/5/2016