Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Thơ Ta

 


Thơ Ta

thời giữ nước, thơ ta là nhịp bước
mỗi chữ, mỗi câu sau trước quân hành
tâm và ý long lanh như thép
từng đoạn ngân tha thiết vô cùng
thuở truy bức, thơ viết sau cửa ngục
bạn - đứa ngồi bên, đứa gục sau lưng
câu, chữ nấc . ý rạc rời loạn khúc
đọc, mắt cay . nhớ, ngực nhói rưng
buổi lưu vong, thơ ta - lời di chúc
giữa mất còn, xin chúc phúc cho nhau
trước chữ nghĩa đã thẹn sầu giấy mực
thơ chỉ còn những niệm khúc đau
bạn đọc thấu thơ ta, chắc hiểu
tâm thoáng cuồng, trí chợt hóa ngông
bởi cuộc sống dường như đang thiếu
một đóa hồng trong mỗi tấm lòng!
Cao Nguyên
***
lời dẫn: Lan Chy
diễn đọc: Thiên Thanh

Thành Phố Mẹ

 
Thành Phố Mẹ
Từ thuở lững chững biết yêu, đến nay tóc đã nhuốm màu sương khói. Từ lúc mơn man vào hành trình chữ nghĩa, đến nay đường lãng du đã vượt ngàn hải lý. Khi có kẻ năm châu hỏi tôi:
- Đi nhiều thế, thích nhất nơi nào?
- Chẳng ngại ngần: vẫn xứ Việt Nam.
- Đi nhiều thế có gì thương nhất?
- Chẳng ngại ngần : tà áo dài em.

Chẳng thế mà tôi có một bộ sưu tập ảnh “Áo Dài Việt Nam” thời chưa bị biến tấu, chưa bị những thẩm mỹ viện cắt ráp vá khâu thêm những rẻo đời thời thượng!
Tôi hãnh diện khoe sưu tập ảnh cùng kẻ năm châu mỗi khi có dịp . Như khoe mình là con cháu Văn Lang . Nên chi trong dòng thơ khoát danh “Thi Sử” tôi đã đưa tà áo dài em lên cùng với lịch sử Sài Gòn:
Sài Gòn - Em, và chiếc áo dài
Dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ
Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh ...

Chân dung Sài Gòn, chân dung Áo Dài. Đẹp tuyệt vời, đẹp cả dáng và hồn. Hồn của trái tim Việt Nam trong biểu tượng Sài Gòn và chiếc Áo Dài.
Nếu thuở ươm thơ vào đường tình, không có sức mê hoặc của tà áo dài, chưa chắc nét duyên Em hiện trên thực thể, chưa chắc mái tóc huyền Em dự lễ đăng quang trong ánh mắt thơ.
Áo dài trắng, mái tóc đen . Đã làm nên một tuyệt tác ảnh đủ sức cảm rung từng con chữ trên cung bậc thơ ca. Vì thế mà tôi đã theo Áo Dài suốt bốn mùa với sắc màu thay đổi. Trắng: trinh nguyên, Tim: nhớ thương, Vàng: đam mê, Đỏ: kiêu hãnh …

Sài Gòn, Em và chiếc áo dài đều trong trái tim tôi. Luôn trong tầm nhớ thật gần, tưởng chừng chỉ vói tay là chạm được. Thật là thèm chạm vào hơi thở của mưa nắng Sài Gòn:
Sài Gòn nắng chảy tràn đêm
đường mê sảng nóng, Phố thèm giọng ca
tiếc mùa luân vũ biệt xa
gót sen rướm máu trượt qua nguyện cầu ...
Thèm được nghe nhịp tim Em rung sau làn lụa nõn, để vào khuya thơ cất giọng ru mơ:
Sài Gòn ru em
khúc tình tháng hạ
bóng cũ bên hiên
buồn nghiêng hoá đá ...

Ơi Sài Gòn! Ơi Áo Dài! Tiếng gọi trầm lắng trong mạch triều âm vỗ hai bờ Đông – Tây biển Thái Bình xanh thẩm. Điều kỳ diệu là thời gian không làm phai nhạt màu sắc của ký ức. Vẫn mãi nhớ ngày mới quen Em nơi bờ sông Quê Nội, nhìn qua gương nước lấp lánh màu sen hồng trên nền áo lụa xanh.
Trời, nước, hoa và áo dài cùng một game màu thanh nhã. Từ đó mỗi lần cùng Em dạo trên những quãng đường chiều, tôi thích Em mặc áo dài màu xanh của biển. Nét tương phản giữa ánh hoàng hôn với màu xanh lung lình sóng biển, đẹp vô cùng.
Nắng vàng tạo nên những gợn sóng hừng hực đam mê lăn tăn trên tà áo biển xanh. Không còn là màu ẩn dụ, mà là màu thơ, màu của trí tưởng phát họa nên sắc thái hài hòa giữa sự khắc chế của sinh tồn:
ôi tôi đi giữa bồi hồi
một khung trời nhớ đã đời giữa tâm
như người tình cũ bao năm
tưởng như biệt giữa thăng trầm, còn vương
Sài gòn - nghe gọi mà thương
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm ...

Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi - Hôm qua, mới đó, tức thời... Nghe gọi từ phone, từ Radio, từ TV, từ nơi những con phố có người Việt lưu vong! Gọi như nỗi niềm thương nhớ, gọi như một sự khắc khoải trên dấu ấn của một phận người bị tách ra khỏi quê hương mình:
Bẵng thật lâu hơn phần tư thế kỷ
sống ở đâu cũng nghĩ đến Sài Gòn
thế mới biết tấm lòng người viễn xứ
còn thiết tha lời guốc mộc âm vang
...
Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi
nên mãi chờ về lại lối xưa quen
nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc
đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm!

Có ai xa thành phố đó mà chưa một lần gọi nhớ Sài Gòn, của một thời Hòn Ngọc Viễn Đông:
Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
không phải một thời, mà mãi ngàn đời
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

Thương vô cùng tiếng gọi Sài Gòn. Nhớ vô cùng tà áo dài một thuở đùa vui cùng hoa phượng đỏ, hay trong lất phất mưa rũ lá me bay trong chiều Thu cũ!
Ngươi Sài Gòn xa Sài Gòn mà không vương lụy tình xưa mới là chuyện lạ. Cho dẫu Sài Gòn bất chợt nắng mưa, như có nắng chảy tràn đêm, có mưa trút nước bên hiên nắng hồng . Đẹp và lãng mạn quá chừng.
tháng sáu Sài Gòn, trời xanh như ngọc
ve rộn ràng cất tiếng hát rong trưa
gió giục giã gọi em về hong tóc
sợ chiều lên, buồn đuổi kịp theo mưa
tháng sáu Sài Gòn, nắng mưa bất chợt
như chợt cười, chợt khóc giữa lòng em ...

Sao chợt cười, chợt khóc! Có phải Sài Gòn đang ru em khúc tình tháng Hạ, có bóng cũ bên hiên buồn nghiêng hóa đá trong mùa chình phụ? Hay do Sài Gòn đổi chủ, những con đường buồn rũ đổi tên. Nét thanh nhã của Tự Do, Công Lý ... đã bị son phết lên những màu vẩn đục. Vẩn đục đến nỗi người Sài Gòn không còn nhận ra Sài Gòn thuở nọ!
Sài gòn - nghe gọi mà thương
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm
hẹn đời một bữa về thăm
giữa lòng nôi Mẹ nghe trầm khúc ru ...

Cũng may ký ức còn thắp bùng lên một Sài Gòn rạng rỡ . Sự rạng rỡ của dáng ngọc Sài Gòn xưa, chứ không là sự rạng rỡ của những ánh đèn đêm làm khuất lấp một Sài Gòn nham nhở hôm nay với hổ lốn những kiến trúc chạy theo thời cơm áo:
trong thành phố mười triệu dân
những bàn chân nhỏ xíu
luồn lách bám nuôi thân
người làm sao thấu hiểu
dòng xuôi ngược băn khoăn

Nỗi băn khoăn lắng đọng trong lòng người Sài Gòn luyến tiếc những nét đẹp sử thi mà thơ ca không tiếc lời tôn vinh Sài Gòn trên hằng triệu trang giấy, trong hằng vạn lời ca. Dẫu gì trong trí tưởng người Sài Gòn vẫn còn long lanh từng góc cạnh kim cương của Hòn Ngọc Viễn Đông. Tạm quên những con đường nhầy nhụa, những bếp lửa trêu ngươi:
khi tất cả những căn nhà lên đèn
không còn thấy những con đường nhầy nhụa
từng góc cạnh kim cương lóng lánh
sáng trên nền trời xanh thẳm Việt Nam!
Và trong tim người Sài Gòn lưu vong luôn mong một ngày về lại Sài Gòn để chiêm ngưỡng Thành Phố Mẹ yêu thương. Dĩ nhiên với những nét đẹp rất Sài Gòn:
... khi những con tim Sài Gòn vụt sáng
ta có đêm Sài Gòn rực rỡ yêu thương
những ánh mắt vượt trùng dương say đắm
tìm thấy nhau - đêm lãng mạn Sài Gòn!
Từ đó, ký ức cũng làm sống lại Áo Dài Em:
nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc
đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm!

Vào những độ cuối Đòng, chờ Xuân mới . Ký ức còn rộn ràng vẽ Sài Gòn và Áo Dài Em . Tưởng như mình đang chạm mắt vào Sài Gòn trước mặt:
lòng hăm hở giữa Sài Gòn quá rộng
sợ chân đi không khắp những đường quen
từ Da Kao xuống Bến Thành, Chợ Lớn
phố cũ, đường xưa lẩm nhẩm gọi tên!
tại nhớ quá, anh quên mình xa lắc
lòng nôn nao nên mắt chạm Sài Gòn
vừa tay vói qua nửa vòng trái đất
kịp Giao Thừa hái cánh lộc đầu năm!

Thế nhưng, người Sài Gòn từ xa nhìn về Thành Phố Mẹ vẫn chỉ là hoài niệm. Một hoài niệm dễ thương thế nào cũng bị chùng xuống theo gót buồn thời gian gõ nhịp rong đời về phố cũ. Như tôi đã có lần đứng giữa Sài Gòn đổi mới mà ngỡ ngàng nghe những âm vang của một Sài Gòn xưa:
cổng trường áo trắng tinh khôi
ẩn trong ký ức bồi hồi ngắm đau
ngoái nhìn lạ hoắc trước sau
dẫm chân lên bóng rũ màu thời gian
hẹn nhau đứng giữa chiều tàn
để nghe từng chặp âm vang Sài Gòn
của thời lá rắc thu vàng
trên con đường gót đài trang gõ giòn!

Không gặp Em với Áo Dài xưa. Chỉ gặp được thằng bạn một thời sống chết có nhau dưới chân dãy Trường Sơn trong mùa đỏ lửa. Kể cho nhau nghe chuyện của ngày xưa:
ngày hai đứa tựa lưng rừng bốc lửa
muốn vung tay đấm vỡ mặt trời
cho mưa trút xuống phận người khốn khó
mát niềm tin để ngước mặt làm người!

Biết đến bao giờ mới mát được niềm tin, để bạn và tôi khỏi trùng trùng xa cách.
Bây giờ, nơi quan ngoại như California, Paris, Melbourne, Montreal ... Đã có những con phố Sài Gòn:
vẫn lời nói Bắc-Trung-Nam
vẫn xôi, phở, bún - tên hàng quán xưa
vẫn cơm thơm gạo quê mùa
vẫn cá kho tộ, canh chua, gỏi gà
vẫn chị chiếc áo bà ba
vẫn em guốc mộc kiêu sa thuở nào
vẫn vui lời gọi, mời chào
Cô, Dì, Chú, Bác... bữa nào ghé chơi...

Ghé chơi để tìm lại Sài Gòn qua khung cảnh được tái tạo giữ lại chút hương xưa. Để nếm lại những mùi vị đúng điệu Sài Gòn. Để nói với nhau ngôn ngữ Việt Nam. Một Tổ Quốc bên kia Thái Bình Dương:
Chừ em bước trên một thành phố mới
có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
(những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)
Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
ngày luyến nhớ Paris, Cali, New York
có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?
thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
những con đường Nguyễn Huệ , Hùng Vương
những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé...
giữa đời ta là cả một trời thương!

Dẫu có Sài Gòn trên xứ người. Nhưng người lưu vong vẫn nghe lòng buồn ray rức:
Việt Nam tôi trên xứ người
một thiên tình khúc viết từ nỗi đau
Cuốc kêu sau rặng trâm bầu
cố hương Nội, Ngoại lẽ nào mãi xa
Sài Gòn phải thật giữa ta
vui nay thấp thoáng chỉ là cõi dung
chờ người một cuộc tương phùng
rạng đông Bến Nghé hát mừng tuổi nhau ..

Mong lắm một rạng đông Non Sông được phục hưng trong thái bình và hạnh phúc với tình người thân ái.
Sài Gòn sống mãi với người Sài Gòn như chiếc Áo Dài sống mãi trong lòng người Việt Nam.

Cao Nguyên
Washington.DC Jan 05, 2014
@

NetViet Sai Gon Niem Nho Khon Nguoi

Vai Trò & Sứ Mệnh của Thi Sĩ

 Vai Trò & Sứ Mệnh của Thi Sĩ

Trước đây khá lâu, nhà thơ Cao Nguyên ngỏ ý muốn ủy thác Cội Nguồn xuất bản thi phẩm Thao Thức của anh. Vừa qua, vào những ngày chộn rộn cuối năm 2013, anh gửi đến chúng tôi bản thảo tác phẩm này.
Thao thức là một thanh âm nghe đâu đó đã quen tai, nhưng tập thơ này của Cao Nguyên không thể có một tên gọi nào khác lột tả được đầy đủ nội dung, thể hiện tâm thức dồn dập băn khoăn, mà âm ỷ dấy động từng ngày từ trái tim rướm máu của tác giả hơn, ngoài tựa đề Thao Thức.
Đã bốn mươi năm, sau khúc ngoặt nghiệt ngã 30 tháng Tư, người-lính-nhà-thơ vẫn ngày đêm quặn lòng nhức nhối về cuộc đổi đời lịch sử ấy: Ban ngày thì tác giả:
Ngồi đây ngắm cuộc lở bồi
trên thành quách cũ, nhói lời sử ca
(Quán Gió, tr. 41);
Và đêm đến:
Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức
vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng?
(Trường Ca Bi Tráng, tr.18)
Như có lần tôi đã trình bày, tất cả những người làm thơ đều có nguồn cảm xúc giống nhau, như nhau. Nhưng lại có cái riêng - rất riêng - ở căn nguyên đối cảnh, đối tình của nguồn cảm xúc. Đọc xuyên suốt thi phẩm, bạn đọc sẽ nhận ra nguồn xúc cảm nhất quán của một tâm hồn thi sĩ, với một mạch thơ trải dài từ trang đầu đến trang cuối theo một dòng chảy tưởng chừng như bất tận.
Hình như không lúc nào trong cuộc sống Cao Nguyên khuây nguôi được nỗi đau, niềm thương xót, lòng trắc ẩn trước vận nước mệnh nhà. Thơ anh là lòng anh, là lời thành trang trải:
- Để trao gởi đến mọi người, để:
“gởi người đi tình đoạn trường / gởi người ở lại một chương sử buồn”
(Ru Đời tr.217)
- Để thưa cùng mẹ cha:
“chữ nghĩa con sẽ như viên đạn / bắn vỡ lòng dối trá ngày qua!”
(Tái Tạo, tr 92)
- Để nói với chính mình:
“Này xóa, xóa tận cùng dối trá/ điêu ngôn vừa ngã giá chiều qua/ ta muốn ngắm nét chữ ngời bia đá/ những di thư viết bởi mực sơn hà!”
(Lộng Bút, tr 159)
- Để nói với bạn hữu:
“thơ tao treo đỉnh mộ sầu
lời vui quá ít, niềm đau thật nhiều..”
(Bạn Cũ, tr. 160)
- Và để nói với hư vô:
“Cời than, viết chữ trên tro
thơ vui cũng được mấy giờ lửa reo”.
(Tích Xưa, tr 161).
Là một người lính chiến VNCH xuất thân từ trường Võ Khoa Thủ Đức, Cao Nguyên đi vào chiến trận trong suốt mười năm cho đến ngày tàn cuộc chiến. Muốn tìm hiểu một giai đoạn lịch sử dân tộc; muốn hiểu được một thế hệ con người, đọc thơ Cao Nguyên người ta mới có thể thấu hiểu được con đường mà anh cùng đồng đội đã đi, lý tưởng mà anh cùng thế hệ với anh đã phụng sự.
Người lính trẻ Cao Nguyên cùng với Quân Lực ấy đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ miền Nam, ngăn chặn hành động xâm lược thôn tính, nhằm nhuộm đỏ phần đất Tự Do của hơn ba mươi triệu người dân không chấp nhận chủ nghĩa tham tàn cộng sản. Cho nên khi nghe “tiếng nổ” kinh hồn sáng 30-4-75 trước cuộc giày xéo quằn quại một nửa phần đất tự do còn lại, Cao Nguyên òa khóc giữa tình tự quê hương, giữa “vận nước lăng trì”. Tác giả, từ đó đã nhoài theo vận nước trong vai trò và sứ mệnh của một nhà thơ.
Chúng ta sẽ không có chút nghi hoặc nào về một nhận định cho rằng “thơ là một thể hiện chính xác nhất bản sắc của tác giả bài thơ”. Tôi đã từng đọc và giới thiệu thơ của nhiều tác giả là chiến sĩ miền Nam từng chiến đấu giữa lúc “Bạn chém sau lưng, kẻ thù đâm trước ngực” (tr. 18), như tiếng thốt lên trong thơ Cao Nguyên. Và rồi sau ngày buông súng, họ cầm bút, dùng thơ văn như một thứ “Vũ Khí Mềm” (*) tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại cái ác đang ngự trị trên quê hương. Đã có nhiều tác giả viết về cơn rúng động thần kinh của hàng triệu người dân miền Nam và hàng trăm nghìn người lính về biến cố 30 tháng tư bảy lăm. Nhưng cơn chấn động hung hãn về cuộc “lăng trì” một nửa đất nước Việt Nam Tự Do thì cho tới hôm nay tôi mới đọc được sự lột tả chính xác tính chất rợn người của biến cố, qua trái tim rướm máu của Cao Nguyên trong bài thơ sau đây của anh:
Rơi vang một tiếng nổ bùng
Thắt ngang đất Việt một vòng khăn tang
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi
Máu loang xé toạc tiếng cười
Ngang lưng vết chém của loài thú hoang
Đồng dao rao hát giữa đường
Sông khô núi vỡ đoạn trường ăn xin
Vong thân chuyển kiếp giật mình
Tôi ngồi khóc giữa tự tình quê tôi
Hỗn mang đời khóc hồn cười
Rong chân du mục xót lời sử thi
Đêm nghe vận nước lăng trì
Ngày xem bia mộ lời ghi vỡ tàn!
(Lăng Trì, tr.235)
Có thể nói Cao Nguyên không phải chỉ ngồi ôm “nỗi nhớ mãi triền miên thức dậy/ ngực ta đau, vết thương xoáy tận cùng”, khi anh viết bài thơ “Trường Ca Bi Tráng” (tr. 19), mà nỗi đau của tác giả khi âm ỷ, khi nhói buốt trong suốt phần đời của anh cho mãi tới hôm nay.
- Khi thì anh ray rứt nghĩ tới: “Có nỗi khổ nào mà dân ta chưa vượt” (Lửa Tim, tr.22).
-Khi thì anh lại bị ám ảnh rùng mình “Tiếng rít rợn cửa sắt tù thế kỷ” (Trầm Tư, tr 35), và “Ngày gió Lào tây bắc/ thổi buốt rừng Lào Kay”. (Chờ Mai, tr 49)
- Khi thì anh nhớ về từng mảnh đời, từng con người, từng con đường, ngõ phố:
“Sài Gòn nghe gọi mà thương
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm”.
(Sài Gòn tr. 82).
Và cứ thế… “những nỗi nhớ chưa hề biết mệt / trong tâm tư suốt một đời người!” (Tháng Chạp, tr. 150) của Cao Nguyên, cũng như của số đông chúng ta triền miên lay gọi..
Nếu muốn trích dẫn giới thiệu hết những câu thơ đắt giá, những ý thơ nhuyễn cảm của Cao Nguyên thì còn nhiều lắm. Xin mời bạn hãy cầm quyển sách trên tay, trân trọng lật giở từng trang, cùng “thao thức” với tác giả, bạn sẽ “nhập vai”, sẽ rung cảm, sẽ thao thức theo nỗi thao thức của người viết, dù bạn có làm thơ hay không làm thơ; dù là bạn của ngày xưa ấy, của hôm nay hay của mai này, khi mà bạn cũng như tác giả, cũng như chúng tôi có trái tim rung động Việt Nam.
Có thể ngay hôm nay hay ngày mai, khi “định thần”, tĩnh tâm nhìn lại quá khứ, nhìn lại lịch sử, tôi tin bạn sẽ đứng lặng, trân người “mím môi nếm ngọt màu cờ”, và đôi mắt bạn sẽ chớm cay trước một thời đoạn lịch sử phũ phàng phủ trùm lên vận mệnh dân tộc - mà hiện tại - chỉ mới bốn mươi năm sau, đã có hàng triệu người dân Việt từ Bắc chí Nam đang nhỏ lệ buồn thổn thức trước sự suy vong đã đến hồi báo động...
Định thần ngắm cuộc trớ trêu
Mảnh bia vị quốc ngã xiêu ven đường
Phách chùng vó ngựa biên cương
Gõ âm quan tái trên chương sử mờ
Mím môi nếm ngọt màu cờ
Hoen cay máu rướm trên bờ lệ buông.
(Đối Ẩm tr. 226)
SONG NHỊ
San Jose, 12 tháng 1-2014

Thảo Nguyên

 Thảo Nguyên

anh đang trên thảo nguyên Plateau Gi
trong tay anh những cánh Dã Quỳ
trong mắt anh màu xanh của lá và trời gộp lại
trong trí anh những bước chân em trắng mịn
nhè nhẹ trên thảm cỏ đọng sương long lanh
trong đời anh một hồi tưởng rất hồng
và một thiết tha của niềm hoài vọng...
tất cả khởi đầu cho bản vẽ hôm nay

anh muốn dành tặng riêng em
một tâm hồn luôn sáng
trên những niềm yêu thương gợi nhớ
những góc cạnh quê hương xoáy tít
trong những giấc mơ em
những giấc mơ luôn trĩu nặng trong em
dù chỉ là một chút của Biển, của Sông, của Rừng
của Núi, của những cánh đồng, của những luống hoa..
bởi vì em quá tham lam
luôn nghĩ nhớ về đấy
nơi chốn chào đời em buông tiếng khóc
nơi chốn mong cầu khi nhắm mắt vẫn còn ôm
những mảnh đời thất tán
từ một-trăm-cái-trứng sơ khai
những vết cắt của thời gian
của biến cố
thân tâm em lúc lành lúc vỡ
nước mắt em lúc ở lúc đi
vẫn đỏ au tâm huyết cội nguồn...

chiều đang xuống đó em
những hoàng hôn vàng ệch như giấc tuổi anh, em
những hoàng hôn như một dấu lặng
ngưng đọng
chờ đợi một chuyển giao
giữa đêm và ngày
giữa thế hệ chúng ta và con cháu
ngưng đọng để nhớ về xương máu
của Cha Ông
của chính anh và bạn bè anh
đã bón, đã tưới cho cây thêm xanh
cho cành thêm hoa quả...

đã đến lúc phải chuyển giao vào điệp khúc
cố quên lòng thù hận
cho tim mình khỏi bị ép chặc
nghẹt thở
con cháu chúng ta muốn được nghe
từ khởi đầu của điệp khúc
với nỗi cảm xúc tận cùng
về huyết thống
về danh dự của một Dân Tộc
và luôn muốn ngẩng cao đầu
trước mọi dị chủng
để nói
tôi là người Việt Nam

Thời gian trôi nhanh quá
từ lúc anh đặt nhát cọ đầu tiên
trong bình minh, lên bản vẽ
với tất cả những gì em khao khát
anh đã vẽ xong trước hoàng hôn

đêm đang xuống trên thảo nguyên
tịnh yên trên tất cả
nhưng chưa tịnh yên với anh
khi anh dùng một game màu rất sáng
vẽ qua những vì sao đêm
những vệt cầu mong như tâm nguyện
tất cả được bình yên
trong một điệp khúc hồng
ngân lên cùng lúc với tiếng chuông nhà thờ
báo hiệu một bình minh mới

anh đang lắng nghe
lắng nghe
tiếng vỡ
của thời gian chuyển mình
khi lưng anh
đang thấm lạnh sương thảo nguyên
nhìn qua màn đêm
nhìn suốt những vì sao
anh nhớ em
một tâm hồn rất Việt Nam.
Cao Nguyên

Thơ Nhạc HÀNH TRÌNH NHÂN ÁI

 Thơ Nhạc HÀNH TRÌNH NHÂN ÁI

Thơ Nhạc là một kết hợp tuyệt vời trong dòng âm thanh luân chuyển dâng tràn mạch sống trên hành trình con người đi tới Chân Thiện Mỹ.
Có người nói: Chín mươi phần trăm người Việt Nam là nhà thơ. Điều này được hiểu trong khái niệm Tâm Hạnh vốn có trong mỗi người Việt Nam, vừa thoát thai đã rung động cõi tâm hồn qua lời ru của Mẹ ngọt ngào trên từng nốt ca dao. Đó là bản chất ưu việt của dân tộc vốn chỉ thích nghi sống trong thanh bình giữa sông núi hồn nhiên.
Thể hiện bản chất đó rõ nét nhất nhờ những người làm thơ, viết nhạc ca tụng tâm người với thiên nhiên đồng nội.
Thơ nhạc viết về Quê Hương chan chứa yêu thương tình Đất và Người hòa hợp cùng hồn thiêng sông núi.
Chính hồn thiêng sông núi là khí lực mạnh mẽ nhất yểm trợ tinh thần người làm thơ viết nhạc, tạo hưng phấn hòa mình vào cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn của dân tộc và bảo tồn văn hóa sử việt Nam trải dài theo dòng lịch sử quốc gia.
Chúng tôi là những người làm thơ viết nhạc thừa hưởng sự đãi ngộ của hồn thiêng sông núi và ân nghĩa sinh dưỡng của cha mẹ và đồng bào, biết trách nhiệm của mình cần đáp trả công ơn ấy, nên suốt một đời tâm nguyện tiếp bước trên hành trình nhân ái. Tiếp truyền ý chí tiền nhân chống xâm lăng và nội thù dân tộc vào cuộc chiến đấu của thế hệ trẻ với mục đích quang phục quê hương thanh bình và tự do hạnh phúc cho đồng bào thương yêu.
Từ ý niệm sinh tồn trong niềm tin nhân ái đến trách nhiệm dấn thân vào cuộc tranh đấu vì nhân quyền cho quê hương. Chúng tôi, những người làm thơ viết nhạc hợp tâm cùng nhau thực hiện chương trình Thơ Nhạc trên Hành Trình Nhân Ái hôm nay.

Cao Nguyên

---

Chương trình thơ nhạc "hành trình nhân ái" được đồng hành bởi:
Cao Nguyên, Thu Sương, Đình Đại và Đặng Bình (Paris)
Video: VN Film Club

Thi Sử

 Thi Sử

theo dòng thi sử xem kỳ tích
trống Phú Xuân, vó ngựa Thăng Long
thuở dựng nước trời xanh ngọc bích
thời xây non đất ánh hồng tâm
truyền thuyết Âu Cơ, lời linh hiển
kẻ lên non, người ra biển tạo đời
kẻ lên non quên lời mẹ dặn
khi vỡ nương, chặt đứt dây nôi
đất vỡ mạch, đời lầm than quá đỗi
hồng hạc bay cánh mỏi nhớ rừng ngô
trên phế tích quách thành chen cỏ rối
người trầm ưu, mùa đợi gió hong mồ
nghiêng bia vỡ, soi trăng tìm cổ tự
viết lại dòng thi sử đã mờ rêu
thắp sáng trầm hương ngày tháng cũ
rọi đường cô phụ trở về kinh!
Cao Nguyên
@
Poetical history
Learning the poetical history to know some exploits
of Phú Xuân wardrum and the horsesteps in Thăng Long
in olden times when the nation was first made
the sky was sapphire blue and the land glistened with fervid hearts
The legend of Âu Cơ is supernaturally powerful
Some went up the mountains, others went to the sea
The mountaineers forgot what Mom had taught
When ploughing up the virgin land, they cut off the blood ties
The land was broken, life became extremely hard
The flamigoes were tired having flown a long way from the corn fields
The ruins of ancient citadels were overgrown with wild grass
The people were plunged in sorrow, waiting for the wind to dry the graves
Turning the broken gravestones under the moonlight seeking ancient characters
Trying to rewrite the faded poetical history
Burning the aloe wood of the olden times
I want to ligth up the way back home for all the widows

Tâm Hạnh


 

Tâm Hạnh

Bên anh đang mùa Đông
Gió tràn hiên buốt lạnh
Bên em nắng Hạ hong
Khô mạch đồng lúa mạch
Ơi này gió này nắng
Sao không về giữa Xuân
Cho em hồng tâm đạo
Và anh xanh ý thơ
Cũng đành chờ em hỡi
Giữa vời vợi đất trời
Những rộn ràng cũ mới
Hồng xanh cỏ hoa tươi
Đông rồi qua Hạ bay
Đêm thôi dày gió lạnh
Ngày vơi mỏng nắng hanh
Thơ vào mùa tâm hạnh

Cao Nguyên

---
thơ Cao Nguyên | nhạc & trình bày Dzuylynh
( Minh Văn phổ nhạc tặng Diệu Linh. Diệu Hiền )

Quà Xuân

 Quà Xuân

mùa Xuân đang về đó em
nắng vờn qua những nụ mầm ươm lá
những sợi tuyết mong manh tan rã
nước giọt trong xanh vào đất bình yên
chim cũng gọi rộn lời hơn một chút
cây nứt da nhựa đã rùng mình
anh đi qua rừng Đông không vội
miệng huýt sáo vui bài hát thật xưa
giữa lấm tấm hạt mưa
thèm mùa hương cốm ngậy
mùa dậy thì Xuân trên da nõn ngọc
những búp hồng chờ nhú nụ xinh
chờ hương phả vào tim
gọi thơ đứng dậy
đọc tuyên ngôn tình phác thảo từ em
chừng như đêm chỉ là ảo ảnh
vì mặt trời đang trên môi em
thơ anh thèm mượn lời gieo hạt
trên cả em và trên thảo nguyên
đời sẽ vui bằng những màu xanh
từ mắt em, từ nhánh mạ, từ dòng sông
từ những dòng thơ anh viết
tặng cho mùa Xuân chưa biết nỗi buồn
tặng cho em và những cháu con
món quà nhỏ giữa tâm hồn mở rộng!
Cao Nguyên

Thư Viện

Như Thơ

Như Thơ Như Thơ Thơ: Cao Nguyên Ca nhạc: Dzuy Lynh