Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Chào Mùa Xuân

 



Chào Mùa Xuân

Chào Mùa Xuân. Mùa của những niềm vui từ lòng người khởi lên trên cỏ hoa vạn sắc của những Mùa Xuân Quê Mẹ có đầy đủ những ân tình và lễ giáo lưu lại từ ngàn xưa trong hân hoan chờ đón một giao thừa vào Xuân Mới đánh dấu bằng ngày Tết cổ truyền.
Thơ Văn Nhạc cũng vào Xuân với bao niềm hoan hỉ từ mỗi tấm lòng con dân Việt mong cầu một đất nước bình yên.
Nỗi háo hức của tôi mong một chuyển mùa từ Đông vào Xuân có nắng ấm, hoa tươi với tình đời nhân ái. Chứ không phải trong tâm trạng người lữ khách đi Tìm Lại Mùa Xuân trong khu rừng phong trụi lá nơi vùng Đông Bắc Mỹ buổi tàn Đông với nỗi băn khoăn:
có gì vui
trên bước lưu vong
có gì vui
trên miền đất lạ
có gì vui
trong Tết xa nhà
có gì vui
bạn bè trôi nổi
có gì vui
trong men rượu cay!
Sự rủ rê mơn trớn hồn thơ từ háo hức đến nghẹn ngào. Ôi ngàn thông xưa nơi cao nguyên đang hóa đá. Ôi Hồng Lĩnh, Ba Vì nay đã rêu hoang! Nên mãi Thơ chờ Xuân nở hừng đông trên mặt đất để được:
uống no một bữa khát khao
nước nguồn sông Mẹ ngọt trào đáy tim
nghe không em! triệu lời chim
reo vui tấu khúc Bình Yên Lạc Hồng!
Những thân thương chỉ còn trong luyến nhớ, bởi cánh tay trần không thể chạm tới dấu yêu xưa. Đành dùng cánh tay thơ vói qua hoài niệm để chạm mùa Xuân. Chạm vào mạch đất quê mình đã khuất xa từ thuở lưu vong sau cuộc đổi đời, để thoát khỏi những đòn thù hung hiểm của bạo lực. Những đòn thù đập nát tình người, vùi chôn phẩm giá. Tàn phá cả một nền văn hóa Việt Nam vốn được xây trên nền tảng lễ giáo và nhân nghĩa!
Nỗi khắc khoải nhớ thương Quê Mẹ đối với người lưu vong, quật xuống dòng thơ những vết hằn u uẩn! Cho dẫu tôi đã chọn hướng nhân bản cho chữ nghĩa bước đi, đau thương và chua xót vẫn ẩn sau mặt nổi của Thơ. Viết từ quán triệt mà đọc như mặc niệm ngôn từ. Cánh thơ rũ xuống ngấm vào mạch đời những trầm khúc đau lòng. May còn chút hương thơ tỏa trong gió viễn phương nối nhịp tình người giữa hai bờ Đông Tây tạo nên nét sử thi làm quà đón Tết:
Em hỏi: Chào Xuân tình có biết?
thưa rằng: Tình vốn ở trong Xuân
nhờ nắng cành khoe mầm xanh biếc
nhờ em tình nở nụ cười xinh!
Để Thơ không lịm chết khi mùa Xuân hoài vọng chưa về. Tôi phải nhờ dáng thơ làm cứu cánh, giúp tôi đi nhẹ hẫng bước đời trên hành trình tìm lại mùa Xuân Văn Lang của giòng giống Lạc Hồng.
Thơ không chết vì Xuân còn sống mãi
Đời lại vui từ ấy có Xuân Thơ!
Phải rồi, tôi đang mong có một chuyển mùa. Với niềm mong quê hương được khởi sắc sau mấy chục năm lãnh thổ Việt Nam bị cộng sản thống trị, làm đất nước điêu tàn, văn hóa suy thoái, nhân văn và lễ giáo bị Hán hóa đến đau lòng.
chuyển mùa phá cuộc hôn mê
gọi người thức dậy hướng về tương lai
quên đen đêm, nhớ sáng ngày
giục Trời vỡ Đất, Người say Ân Tình
Từ nỗi cầu mong đến niềm hy vọng, tôi đã viết rất nhiều bài thơ gởi đến các bạn trẻ với ý thức tiếp truyền ngọn lửa đấu tranh chống bạo quyền, hưng phục quê hương như một sự trả ơn tiền nhân đã hy sinh máu xương bảo tồn nòi giống Lạc Hồng và kỷ cương quốc thổ Hùng Vương.
còn hối tiếc mùa xanh còn hy vọng
cầm trong tay cho chắc những niềm tin
chờ đất trở thêm một lần gieo hạt
mầm nỡ nào không mọc những chồi non!
Mùa Xuân mới, tinh thần phục quốc cần thêm nhiều hưng phấn dấy lên từ tâm thức của những người con còn yêu Nước, thương Dân, dù mình đang sống ở đâu:
nối tiếp bước cha ông, cùng đi tới
hãnh diện mình là giòng dõi Lạc Long
từng chặng đi, ngoảnh mặt nhớ phương đông
truyền tiếp lửa thắp hồng nôi văn hiến
thuở cha mẹ dắt dìu nhau vượt biển
thuyền xuôi dòng, nước mắt ngược vào tim
mong sông núi nương hồn người linh hiển
giữ cho thơm vĩnh viễn mạch quê hương
Rất mong các bạn trẻ vào Xuân trên hành trình nhân ái, thực hiện cuộc cách mạng nhân bản theo tiếng gọi quê hương:
Tiếng gọi quê hương
từ khát khao những tấm lòng nhân ái
gọi lên đường với nỗi thiết tha
hãy bước tới và cùng nhau đến
nơi chứa tình thương mến quê hương
Tiếng gọi quê hương
từ nguồn cội da vàng máu đỏ
chung nghĩa đồng bào huyết thống Văn Lang
chung một ước mong Nhân Quyền Dân Chủ
chung sức phục hưng đất nước Việt Nam
Chào Xuân mới của thơ tôi là niềm kỳ vọng vào thế hệ hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa, luôn khắc ghi Tổ Quốc trong tâm:
Khi người lính già bước vào dĩ vãng
gởi những tâm thư theo bóng cờ vàng
nhắc nhở cháu con từng trang chiến sử
mong được tiếp truyền vinh dự chinh nhân
Gia tài cha ông chu toàn tâm huyết
hậu duệ cộng hòa tha thiết khắc ghi
tổ quốc trong tâm duy trì trách nhiệm
ân nghĩa quê hương ra sức bảo trì
Gìn giữ cờ vàng hồn thiêng dân tộc
suốt cuộc hành trình phục quốc vinh quang
thiết lập kỷ cương hòa bình độc lập
văn hóa bảo tồn truyền thống Văn Lang
Học lịch sử phải biết làm lịch sử
độc lập tự do không tự phát sinh
mà phải đổi bằng chính mình xương máu
vì non sông và tổ quốc Việt Nam
Khi tổ quốc gọi tên sẵn sàng đứng dậy
vui gì hơn làm người lính đi đầu
chiến đấu vì dân nghĩa tình nhân ái
dòng máu Lạc Hồng thắm mãi ngàn sau.
Lời Chào Xuân của tôi hôm nay là nỗi khát khao được nhìn thấy quê hương Việt Nam tươi đẹp trong tình Người và Đất với tất cả những tươi đẹp từ ký ức và hiện thực chung quanh khi mình bỏ cuộc lưu vong trở về Đất Mẹ thương yêu.
Niềm hân hoan trở về Quê Cha, Đất Tổ trong lời Chào Xuân hôm nay đang còn trong hoài vọng. Vui Xuân này cần nhớ Xuân xưa, nhớ những đau thương của đồng bào trên quê hương suốt nửa thế kỷ qua do tập đoàn cộng sản gây ra biết bao tang thương và đổ nát. Tang thương nhất là những ngày Tết Mậu Thân 1968, cộng sản dốc toàn lực xua quân đánh chiếm những vùng đất an bình của Miền Nam Việt Nam, bất chấp lệnh ngừng chiến. Cộng sản gây nên cuộc tàn sát đẫm máu nhất vào những ngày Tết Mậu Thân nơi cố đô Huế, mãi là cái tang chung cho hàng vạn gia đình, trong đó có gia đình tôi.
Những ai còn chịu cái tang chung này, xin đừng quên tội ác cộng sản. Xin đồng tâm họp sức cùng đứng lên thề quyết chiến lật đổ chế độ cộng sản, khôi phục thể thống Quốc Gia, bảo tồn lãnh thổ Việt Nam, tạo hạnh phúc cho Đồng Bào.
Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa phải thấy tự hào khi nắm tay những người bạn trẻ trên hành trình hướng tới ngày mai. Để khỏi thẹn với chính mình từ lời tim ghi khắc và nhắc nhớ: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.
Càng đau lòng bởi những tang thương của quá khứ càng phải phấn chấn đi lên bằng những bước chân hùng tráng vào hành trình nhân ái đang mở rộng để nghe ngân tấu bài sử thi ngạo nghễ lời huyết mạch Văn Lang:
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
(Nguyễn Đức Quang)
Ôi triệu khối kiêu hùng trong lòng người dân Việt đang chờ được hát tiếp lời ngạo nghễ, với hành trang mới lên đường thực hiện giấc mơ của Cha, Ông trong sứ mạng bảo vệ Non Sông Tổ Quốc.
Chúc những người bạn trẻ đi lên trên hành trình mới đầy hưng phấn tạo khởi sắc cho Mùa Xuân Dân Tộc. Như tôi đang hăm hở Chào Mùa Xuân Mới.
Chào Mùa Xuân Quý Mão Đầy Hy Vọng
Cao Nguyên

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Giao Thức

 Tưởng nhớ nhà văn chiến hữu Huy Phương 

(1937 - 2022)


Giao Thức 

(Thương kính tiễn bạn cùng thời
rời xa trần thế về nơi an bình)

như vừa mới ngã mũ chào 
mà phơ phất bóng chiến bào tầm xa 
ngựa giòn gõ vó bôn qua 
bụi hồng sương quyện khói nhòa mắt cay 

Người đi buồn rạn chân mây 
nhạc tình giao phối chương đài phù vân 
nghiệp duyên quá cuộc hồng trần 
kiếm cung biệt diện tần ngần sử thi 

rượu còn sóng sánh ngang ly 
mà Người đã khuất hương nghi ngút mờ 
đành ta rót rượu vào thơ 
mở đêm giao thức ngồi chờ đối âm ! 

Cao Nguyên

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Tâm Tình Cùng Các Bạn Trẻ

 


Tâm Tình Cùng Các Bạn Trẻ

Bạn thấy đấy, những bông hồng đỏ thắm vươn lên trên bầu trời xanh thẩm. Thật là đẹp phải không?
Những bông hồng nở từ một gốc hồng do tôi trồng và chăm sóc, sau vài năm đủ sức vươn lên trên cái giàn gỗ cao, đã cho ra những đóa hoa tuyệt vời.
Nhìn hoa, tôi liên tưởng đến những tài năng tuổi trẻ Việt Nam cho nở ra trên vạn dặm đất người những sáng tác cũng thật tuyệt vời.
Những con cháu chúng ta lúc rời Việt Nam tuổi còn nhỏ xíu, hoặc mới sinh ra khi Ông Bà Cha Mẹ đã an cư nơi vùng đất lạ được gọi là quê hương thứ hai. Nhưng những tâm hồn trẻ ấy đã không vì những yếu tố khách quan khắc nghiệt của cuộc sống mà quên cái nôi Văn Hiến Việt Nam.
... nối tiếp bước cha ông, cùng đi tới
hãnh diện mình là giòng giống Lạc Long
từng chặng đi, ngoảnh mặt nhớ phương đông
truyền tiếp lửa thắp hồng nôi văn hiến...
(Chúc Phúc - CN)
... Nghĩa trăm năm từng con Chữ nhớ
gọi vào Xuân rạng rỡ cùng đi
nối lời viết nồng nàn nhịp thở
Quốc Ngữ ơi ! Mãi mãi Xuân Thì
(Quốc Ngữ Xuân Thì - CN)
Cảm nhận được Chữ Nghĩa của Cha Ông như một tài sản vô giá, cần bảo trì và làm ngời sáng, bằng cách Học và Viết. Viết từ nguồn Nhân Ái Việt Nam, viết từ cảm thông những trăn trở của Cha Ông còn vương lại trên màu xanh của Núi Sông do nhẫn tâm của lòng người mà phai nhạt!
... em muốn hiểu Việt Nam bằng nhận thức
của một người không tham dự chiến tranh
có thể nào bằng ngôn ngữ chân thành
diễn tả hết những điều cần thấu triệt?
đời Cha khó, đời Cháu Con cũng khó
hiểu về mình không dễ phải không anh?
khi thế gian còn ngược đãi, bạo hành
thì lịch sử vẫn mãi là ... thế đấy ...!?
(Ngôn Ngữ Quê Hương - CN)
Không đâu, lịch sử vẫn đi lên và những tài năng trẻ sẽ tái tạo màu xanh cho Quê Hương. Như lời Chào Việt Nam của Phạm Quỳnh Anh.
Một lời chào hứa hẹn:
Em sẽ về để chào đón hồn em,
Em về chào nước Việt Nam muôn đời!
Tôi muốn gởi đến mỗi tài năng trẻ một bông hồng như lời cám ơn sự ghi khắc trong tâm mình một đất nước Việt Nam mãi mãi không quên. Một đất nước có bốn nghìn năm văn hiến được dựng xây bởi công đức của tiền nhân.
Cao Nguyên

Con Tim Chân Chính

 Con Tim Chân Chính

Tựa đề bài viết khá hấp dẫn phải không bạn? Thực ra, ngay khi ý vừa gợi chữ cần phải viết một bài có tính đối kháng với cái ác đang xảy ra tại Việt Nam quê hương mình. Cái ác diễn ra cùng khắp từ phố chợ đến trường học, từ đấu trường kinh tế đến mánh khóe làm ăn trục lợi và hưởng thụ. Tôi cho những người làm ác đều là kẻ xấu. Giữa những thứ ác và kẻ xấu, hành động tồi bại nhất là những người trong đảng cầm quyền và các thế lực hành ác hay trợ ác. Cố tránh né tội phạm đã đành, mà còn bắt và đánh đập những người dám vạch mặt chỉ tên kẻ phạm tội tàn ác.
Điển hình nhất là các hành động đàn áp và đánh đập những người dân tham gia vào cuộc tranh đấu đòi quyền sống trong môi trường trong sạch trước hiểm họa diệt chủng do Trung cộng gây ra với sự thừa hành của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Trong tầm nghĩ, tôi muốn đặt tựa đề bài viết là “người Việt xấu xí”. Nhưng ngại có nhiều người bị dị ứng với tựa đề, khi nhớ ra tôi đã đọc bài diễn văn của ông Bá Dương (tác giả sách “người Trung Quốc xấu xí”) tại đại học Iowa ngày 24 tháng 9 năm 1984. Ban tổ chức chấp nhận nội dung bài diễn văn của ông với điều kiện phải sửa lại chủ đề. Do đó, tôi cũng đổi tựa đề bài viết là “Con Tim Chân Chính” thể theo những lời đẹp trong bài nhạc Đêm Nguyện Cầu của nhạc sĩ Anh Bằng.
Còn gì hơn trong thời điểm Tổ Quốc đang lâm ngay, giang sơn bị chia cắt, lòng người rối loạn do mất niềm tin vào sự trị nước của tập đoàn cộng sản Việt Nam trước những biến số tang thương cả sông núi và tình người. Nguyện cầu! Xin nguyện cầu cho những người xấu và kẻ ác biết được người dân cần gì trong sự an sinh của họ. Đất nước cần gì trong cuộc bảo tồn lãnh thổ mà tổ tiên đã nghìn năm đổ máu xương xây dựng. Nghĩ để biết mà hồi tâm hướng thiện, ít ra chính mình có được trái tim chân chính của một con người được sinh ra và thượng đế đã ủy thác trách nhiệm làm người biết thương yêu trong vòng tay nhân ái trên khắp mặt địa cầu.
Ai đã đọc qua sách “người Trung Quốc xấu xí” của ông Bá Dương đều có cái cười đắc ý khi so sánh nội dung từng phần của sách với thực tế sinh động của người Trung Quốc tại quốc nội hay tại hải ngoại đều thấy có nhiều phần đúng. Đúng từ bản chất duy ngã độc tôn của kẻ cầm quyền và bản thân mỗi con người tiếp cận với xã hội thông minh luôn biết tôn trọng người khác. Bởi những người xấu của Trung Quốc chỉ cần biết chính mình, và để đạt mục đích riêng họ bất chấp qui định của tập thể trong mỗi hoàn cảnh sống.
Một số người Việt lây nhiễm tính xấu của Trung Quốc từ hệ quả một nghìn năm nô lệ giặc Tàu. Mất quyền tự chủ cả hai phương diện bảo vệ chính mình và bảo vệ quốc gia dân tộc.
Nguyên nhân chính tạo nên sự xấu xí của cả người Trung Quốc và Việt Nam vẫn quanh quẩn xuất phát từ ý muốn đạt được Lợi và Danh cho chính mình. Muốn được một trong hai, hay cả hai, người xấu không ngại đạp lên đầu người khác để tiến lên. Từ độc quyền đến độc đảng, những người cộng sản cầm quyền và những người dựa trên sự cầm quyền để hưởng lợi đều xem nhẹ đạo đức và phẩm giá con người.
Thủ đoạn của người xấu thì nhiều vô số kể, chỉ riêng việc thực thì ý đồ Hán hóa của Trung cộng mà các quan chức trong tập đoàn bắc bộ phủ thực thi kế hoạch chia để trị và diệt để chiếm. Làm sao mà một chính quyền có mấy triệu đảng viên rải cùng khắp đất nước không rõ việc Trung cộng tiến hành đầu độc nhân dân Việt Nam từ phương án Bauxite ở cao nguyên đến lò luyện thép Formosa ở duyên hải?
Tính đầu độc hiện hành từ lò luyện thép của tập đoàn Formosa ở Vũng Áng là nghiêm trọng nhất vì sự tác hại của chất độc không giới hạn trong một vùng mà loang nhiễm khắp cùng đất nước do chất độc thẩm thấu từ nước biển và sông len lách vào trong mạch đất. Cá chết, người chết và thảo mộc cũng chết hoặc nhiễm trùng độc ảnh hưởng đến mạng sống người dân trong nhiều thế hệ.
Trước thảm trạng đó, người dân muốn chính quyền xác minh nguyên nhân và hậu quả hóa chất độc lây lan và có kế hoạch giải trừ nơi phát sinh ô nhiễm, đồng thời thực hiện các biện pháp cứu chữa và ngăn chặn dịch bệnh. Thay vì thực hiện những yêu cầu cơ bản của nhân dân, chính quyền tránh né sự việc và ra lệnh cho thuộc cấp đàn áp, truy diệt những người dân đang tranh đấu cho quyền lợi chung của cả một dân tộc.
Người xấu hiện rõ trong bản chất của chế độ từ kẻ cầm quyền đến những tên nô bộc. Lấy đảng và quyền lợi riêng tư làm chính bất chấp đạo lý và nghĩa vụ bảo vệ đời sống người dân.
Tôi có lần viết: “ Dường như hai chữ Đồng Bào bây giờ quá hiếm trong tiếng gọi của người đồng chủng”. Từ một bào thai và máu thịt của Mẹ Việt Nam sinh ra sao đành nỡ lãng quên?
Sự sống hôm nay khởi từ kiếp trước
Nặng vòng quay xuôi ngược những niềm đau!
Chín mươi triệu dân là chín mươi triệu đồng bào đó. Sao không hợp nhất mưu lợi ích chung? Trước để an bá tánh, sau ổn định kỷ cương giềng mối sơn hà!
Buồn! Không một người Việt chân chính nào có thể an tâm được trên những nỗi buồn quê hương hiện đang bị đảng cộng sản độc quyền toàn trị, theo chủ thuyết tận hủy để sinh tồn, sự sinh tồn của những nhân tố được đào tạo từ guồng máy sát sinh để thụ hưởng.
Khi mộng bá quyền của Trung cộng còn hiện hữu, đảng cộng sản còn tồn tại loài người không thể an bình trong cuộc sống cá nhân và gia đình. Xã hội là một sự cộng hưởng từ sự phát triển tổng hợp trí tuệ và tâm sức của toàn dân. Tất cả xuất phát từ ý thức của mỗi con người trong khối tập thể đó, biết hành động theo lương tri nhân bản và đức hạnh.
Sự đấu tranh vì lẽ sống chung cần có môi sinh trong sạch để tồn tại và phát triển là lẽ đương nhiên. Vậy mà chính quyền và những người Việt xấu xí đã và đang quyết tâm khống chế và tiêu diệt. Đó là tội ác quốc gia, tội ác của nhân loại.
Lịch sử của mỗi dân tộc luôn có sự phán xét mình bạch giữa chính đạo và tà thuyết. Cuộc sống không là khái niệm mà là sự hy sinh xương máu của chính mình để duy trì. Ai không nhập cuộc duy trì cuộc sống tốt đẹp, tất bị đào thải. Hành trình đi đến Chân Thiện Mỹ luôn rộng mở, ai còn muốn đi lên thì phải kiên quyết loại trừ tính xấu xí trong con người của mình. Hãy cứu lấy trái tim của chính mình!
Mẹ Việt Nam yêu dấu ơi! Hãy giúp những đứa con của Mẹ biết làm người chân chính. Biết trọng nghĩa đồng bào và tình cốt nhục đồng sinh.
Trong niềm tin vô biên của những con tim chân chính, Việt Nam mãi là một dân tộc anh hùng. Tổ Quốc Việt Nam bất diệt bằng sức chiến đấu bền bỉ của toàn dân chống cái ác của bọn cầm quyền và mưu đồ Hán hóa của giặc Tàu phương Bắc.
Hồn thiêng sông núi là ngọn lửa luôn rực sáng trong mỗi trái tim chân chính luôn muốn được làm người đúng nghĩa và đúng trách nhiệm của một người dân đối với quốc gia, dân tộc.
“Người Việt Nam yêu dấu ơi!
Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi
Con tim chân chính không bao giờ biết nói dối”
Đêm nay con cũng thắp nén tâm hương nguyện cầu xin Thượng Đế giúp những người xấu, kẻ ác có được con tim chân chính. Biết thương yêu đồng loại như thương yêu chính mình! Để khỏi mang vết thương trần ai!
Cao Nguyên

Tháng Chạp


Tháng Chạp

tháng Chạp rồi sao? Ồ sắp Tết
một năm đi, thêm một tuổi về
còn lại chi, những gì sẽ hết
trong cuộc đời lữ khách xa quê?
tháng Chạp đến, Đào Mai chớm nụ
thôn xóm vui chợ búa rộn ràng
mùi bánh mứt thơm lừng góc phố
trẻ con khoe áo mới đầu làng!
tháng Chạp về, những ngày giáp Tết
thương quá chừng, nhớ lắm quê ơi
những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
trong tâm tư suốt một đời người!
cám ơn ai nhắc ta tháng Chạp
để không quên vị Tết quê nhà
dẫu thế sự thăng trầm đã khác
đất chôn nhau ấm lạnh trong ta!
Cao Nguyên

Niềm Đau Khinh Bạc

 niềm đau khinh bạc


một chiều thất nghiệp ta lang thang
gặp Bùi Giáng trên cầu Trương Minh Giảng
nhà thơ quét rác giùm thiên hạ
giữa Sài Gòn vật vã cơn say

như thể mừng nhau chưa kịp chết
sững mắt nhìn sâu gật gật đầu
mừng nhau còn theo đời lếch thếch
còn miếng cười méo lệch cũng đem khao

người khao ta niềm đau của rác
ta khao người tia mắt đỏ au
người khao ta cái nhìn vân hạc
ta khao người tiếng nhạc vó câu

quà khao nhau gói trong thời gian
không nỡ bỏ, người đem về đất
không đành quên, ta cất vào tim
đất giữ người im, tim ta thổn thức

chiều nay nhớ quê, ta lang thang
đọc thơ Bùi Giáng bên dòng Potomac
nghe lời đau, niềm đau khinh bạc
Có mùa xuân mà dẫm nát không hay!(*)

Cao Nguyên
---------------------
(*) Thơ Bùi Giáng 

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Tháng Ba Say

 Tháng Ba Say 

tháng ba, ta bỏ rừng
(trên đường về thăm biển?)
không – ta bỏ rừng đi
vì điêu tàn cuộc chiến

vì ngọn lửa hận thù
đốt Trường Sơn linh hiển
đập vỡ tiếng cồng chiêng
Giàng ơi! và Giàng ơi! *

bốn-mươi-bảy cái tháng ba

ta rùng mình say khuớt
khi hồn bạn theo ta
qua núi đồi xuôi ngược

Ôi đỉnh gió Chư Pao
bình-đông đầy rượu đế
rót giữa đáy chiến hào
uống đi – rồi quạnh quẽ

Ôi Đức Cơ, Pleime
cơm sấy và thịt hộp
rượu cần pha nước khe
uống say – rồi cúi mặt 

Ôi Thuận Mẫn, Buôn Hô
me khô và cóc ổi
trộn lửa khói Bù Đăng
uống đi – rồi thức đợi

đợi những tháng ba say
theo hồn bay tám hướng
tìm vất vưởng chân mây
những vẫy chào lởn vởn

say cùng ta nhé em
những tấm lòng sông suối
của rừng núi cao nguyên
trong nhiều đêm thức gọi:

bạn ơi và rừng ơi!

Cao Nguyên

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Những Lần Ba Về

 Những Lần Ba Về 

Lần ba về năm mươi năm trước
Mẹ bồng con ra đón ở đầu làng
Trên bờ đê ba hiên ngang bước
Bên vợ con như giữa buổi quân hành

Lần ba về bốn mươi năm trước
Áo lính vắt vai giày trận cầm tay
Mẹ hỏi ba ai còn ai mất
Ba lắc đầu buông tiếng thở dài

Lần ba về ba mươi năm trước
Đưa tặng con chiếc lược tự ba làm
Duy nhất đó thứ mà ba có được
Sau mười năm lao động khổ sai

Lần ba về hai mươi năm trước
Ba cùng con so tóc bạc màu
Hai thế hệ khác gì đâu chứ
Ưu tư nào mà chẳng giống nhau

Vài năm tới nếu ba không về nữa
Chỉ cần ba cho con nụ cười
Như truyền cho cháu con ánh lửa
Của niềm tin yêu thương một đời 

Cao Nguyên 

@

Phổ nhạc và trình bày: Đình Dương / Guitarist: Lê Chấn 

@

Karaoke - Tone: NAM

@

Karaoke - Tone: NỮ 


Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Bình Yên

 



Bình Yên

Đời luôn mở cửa vào Không
băn khoăn chi lắm cái vòng huyễn hư
sinh lão bệnh tử đã ừ
trăm năm kệ nó thiếu dư chẳng phiền
Gọi thân thương chúc bình yên
lòng mình sẽ ấm giữa miền nắng Xuân
gian nan Quá Khứ đã từng
lẽ nào Hiện Tại ngại ngùng Tương Lai
Đời vui cứ kể còn dài
giữa nhau thân ái tháng ngày đừng vơi
môi thơ, tình rượu tuyệt vời
nhâm nhi sảng khoái mở lời chào Xuân
Tim còn thoải mái nhịp rung
tình còn bao cuộc tương phùng hẹn mai
nhớ xưa đào rộ hiên ngoài
thương nay thấp thỏm quan hoài cố nhân!
Cao Nguyên

Hiện Thực

 Hiện Thực

Trên đường đi hiện thực
Từng cung bậc sắc âm
Đã làm anh thao thức
Và thơ lại trở mình ...
--------
Cảm nhận về bài thơ "Hiện Thực"
Trên diễn trình sáng tạo tác phẩm văn nghệ, người nghệ sĩ cùng tâm đắc một điểm chung – một bài thơ, một truyện ngắn, một bản nhạc, một bức tranh hình thành, phô bày phần đặc thù của chính tác giả, người đã đẻ ra tác phẩm.
Sáng tạo, một ước mơ thường tại, sáng tạo nổi bật tính cách cá biệt chính là ước mơ lớn hơn.
Xã hội Hoa Kỳ ngày nay, nghệ sĩ đúng nghĩa chỉ những thành phần chuyên nghiệp, thì giờ dành sáng tác, không vướng bận, chi phối bởi một công việc nào khác. Họ nghiên cứu, tìm tòi và sáng tác. Sáng tác để có những tác phẩm tốt, vượt qua được thử thách và làm thế nào cho quần chúng độc giả tiếp cận với tác phẩm đó càng nhiều càng quý.
Khuynh hướng thời đại, xã hội hiện thực thịnh hành, trải nghiệm từ thực tế, và mức độ thăng tiến của con người, cùng những vấn đề thiết cốt của đời sống được nhiều người quan tâm.
Nhà thơ Seamus Heaney, Ái nhĩ lan, nhận giải văn chương Nobel 1995 đã phát biểu trong buổi lễ, nhắc lại trách nhiệm, vai trò người làm thơ trong xã hội là khám phá mình và sự phát triển tinh thần chính mình…(*)
Hẳn nhiên, “sáng” và “tạo” nghệ thuật đã hàm chứa ý nghĩa tự do. Sáng tạo thiếu tự do, chỉ thuần sản xuất ra những thành phẩm thông dụng phục vụ đời sống vật chất con người, những thành phẩm ra khỏi dây chuyền vận hành hàng loạt, đáp ứng nhu cầu nhất định, không thuộc phạm trù tinh thần, tri thức.
Xã hội thế giới tự do tôn trọng quyền sáng tạo bao nhiêu, thì xã hội cộng sản – vài quốc gia sót lại, đã tước đoạt một cách thô bỉ quyền sáng tạo bấy nhiêu. Không một ai có quyền buộc người nghệ sĩ phải sáng tạo theo khuynh hướng áp đặt, sáng tạo theo dẫn dắt của người khác, không còn giá trị của sáng tạo từ chính mình.
Sáng tạo đa dạng, phong phú bắt nguồn từ nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác biệt: tượng trưng, siêu thực, hiện thực, đa đa, trừu tượng, lập thể v.v.. Khuynh hướng sáng tạo tồn tại song hành, tương tác, hợp lực đẩy cánh cửa nghệ thuật mở rộng, đón nhận ánh sáng thiện mỹ chiếu rọi vào.
Người nghệ sĩ sáng tạo cũng đã kiếm tìm khuynh hướng thích hợp, đồng thời cũng đã phối hợp, học hỏi kinh nghiệm, rút tỉa những khuynh hướng kinh qua, tuy thế, khuynh hướng hiện thựchầu như đã trải bày trước mắt xã hội và thời đại mà người nghệ sĩ không thể vô tình quay lưng.
Trên đường đến với thơ, một khung cảnh hiện diện giữa đời thường đủ sắc, âm, hình tượng đã lay gọi cảm xúc của nhà thơ, đẩy vào tận tâm can nhà thơ, niềm bứt rứt, ưu tư:
Trên đường đi hiện thực
Từng cung bậc sắc âm
Đã làm anh thao thức
Và thơ lại trở mình ...
Dây đàn hiện thực đang rung lên cung điệu, lúc nhẹ buồn, lúc sôi vui; buồn, vui đan quyện, có khi đã va chạm, tiếng cười, tiếng khóc cũng hòa thanh, vỡ òa thành vết rạn của mạch sống chơi vơi, nối liền vùng sâu thẳm tâm thức bằng nỗi đau dằn xoáy:
Mỗi buồn vui va chạm
Tiếng cười khóc bỗng dưng
Từng mạch đời vỡ rạn
Xoáy đau buốt tận cùng ..
Như vừa chạm mặt thực tại phũ phàng, vừa phải nhìn một hiện tượng bi thảm – bản thể đối diện không thể nào cúi mặt, quay lưng – ngay giờ phút này, giữa mặt bằng xã hội bon chen, xuôi ngược, tất bật, guồng sống lao động vội vã, nhọc nhằn, con người thiếu vắng nụ cười trên môi khô nẻ, lộ ra những tia nhìn trong đôi mắt âu lo, phiền lụy. Bên góc phố, người mẹ đang bán từng giọt máu chính mình, đổi vài đồng bạc nuôi nấng con thơ:
Như chẳng thể quay lưng
Trên nỗi buồn rất thật
Mẹ bán máu nuôi con
Giữa trưa đời tất bật ..
Dù không chỉ rõ hiện thực, nơi chốn, người đọc cũng hình dung ra được cái xã hội hôm nay trên quê nhà, cố quận, những cảnh tượng quen thuộc, hầu như đã trở nên bình thường, những bi đát, khốn đọa thường trực chụp lên kiếp con người dưới chế độ độc tài cộng sản…
Mẹ bán máu nuôi con và kể sao hết bao nhiêu người con gái thơ ngây, xuân sắc đã phải bán thân nuôi cha mẹ. Bao nhiêu trẻ mồ côi, vất vưởng đầu hè cuối chợ, chờ xin bố thí kẻ qua đường… và hàng đêm, bao hài nhi vừa mở tiếng khóc chào đời, đã phải chia tay người mẹ vì nghèo đói, mẹ mang con bỏ mặc ngoài cửa bệnh viện gần xa, hoặc bên ngoài hàng rào chùa chiền hẻo lánh!
Giữa mặt thật không chối cãi, không thể che giấu ấy, những bộ mặt giả trá trơ trẽn xuất hiện, khoác áo sang cả dệt bằng máu và tiền mồ hôi nước mắt người dân. Lũ xác người, dạ sói chễm chệ trên đau thương khổ nhục của xã hội người. Hưởng thụ và vơ vét, tước đoạt cả đến quyền cơ bản sơ đẳng của con người!!
Nhân chứng của hiện thực, nhà thơ trào dâng ẩn ức, xót xa… những hơi thở vắn dài dung thông cùng thân phận đồng loại. Cái tâm bất lực chăng? Mỏi mệt, suy kiệt đang báo động, trước tha nhân rộn ràng, lạnh nhạt, đã cạn khô từ lâu giọt nước mắt:
Em bảo đừng thở dài
Cho ngày mai đỡ lạnh
Sao tâm anh mệt nhoài
Trong mắt người ráo hoảnh ..
Em cùng có chung thao thức, suy nghĩ khi phải đối diện bất ưng, bẽ bàng, em lại ái ngại thái độ tỏ bày, và tự nhiên câm nín, nén những hơi thở dài sẻ chia cùng nghịch cảnh. Anh nhạy cảm hơn, tựa hồ căn bệnh dị ứng thời tiết mỗi khi hai luồng khí sắc âm dương thay hướng đổi chiều.
Thực tại chúng ta đang chứng kiến một sân khấu của vở kịch buồn, nỗi buồn dai dẳng không tên gọi, nỗi buồn cay đắng làm biến dạng cả nụ cười, làm tê liệt cả bờ môi con người, đáng lẽ rất cần đến nụ cười tăng lực phần nào đời sống. Thiên hạ, loài người không cười được, dù là cười gượng, bởi rõ ràng ước mơ và khát vọng đã bị dập vùi, chôn chặt:
Rõ rồi em, anh biết
Cười tê liệt bờ môi
Bởi những điều tha thiết
Đã khánh kiệt lời vui ..
Phải chăng, một ám thị minh chứng cái xã hội bất công, sa đọa, đang chìm sâu vào tận cùng địa ngục.
Hiện thực phơi trải lạnh lùng. Hiện thực của buổi ban sơ hồng hoang, câm lặng. Lẽ vô thường của nhà Phật mở sáng định luật cho ý thức con người… đừng bi quan trong giòng sống, nhưng chuyện vô thường chồng chất lên không gian hiện hữu, gieo rắc cho con người những vấn nạn, những hoài nghi, cùng những chán chường, bất mãn.
Chuyện vô thường – những mũi dao trủy thủ, những mũi dao nhọn hoắt, tàn nhẫn đâm vào tâm huyệt của con người vốn rung động yêu thương. Tận diệt yêu thương giữa cõi đời, đồng nghĩa với hành tinh đang trở về thời hoang rợ, hư vô:
Có phải anh đã gặp
Quá nhiều chuyện vô thường
Như mũi dao cắm phập
Vào khát vọng yêu thương ..
Sống là yêu thương, cõi đời, một vũ trụ biết yêu thương. Kinh Thánh cho thấy trời đất đã được dựng nên hoàn hảo, bằng thể chất, trong đó tình yêu thương tuyệt diệu cũng được khai mở trog vườn Ê-đen của một cặp vợ chồng.
Tình yêu thương ấy theo chiều dài thời gian đến tận điểm cuối cùng Chung Thủy. Những thế hệ con người được bồi dưỡng, chắp cánh bằng những dòng triết lý rút tỉa từ thực tế xã hội từ thấp đến cao. Ý thức hệ nhà Nho đề cao, mẫu mực: Trung, Hiếu Tiết Nghĩa.
Một dân tộc trải qua hơn bốn nghìn năm văn hiến, lẽ ra phải duy trì được nguồn gốc đạo lý, thu nạp được cái tinh hoa và đào thải những gì là cặn bã, trái ý trời và lòng người. Nhưng tiếc thay, khốn khổ thay, xã hội hiện thực ngày nay dưới tay một chế độ còn lạc hậu, lỗi thời, chạy theo đuôi Mac-xit, vô hình chung phủ nhận tất cả công lao xây dựng đất nước của tiền nhân hào hùng, bất khuất – lấy dân làm gốc, bắt nguồn tư duy tôn trọng bản vị con người. Bóng dáng biểu tượng loài chim Quốc đang phảng phất, ẩn hiện trên sông núi quê nhà, đồng vọng tiếng khóc yêu thương chung thủy:
Em hiểu loài chim Quốc
Khi biết bạn chết rồi
Tự treo mình khóc suốt
Miệng rỉ máu hồng tươi ..
Cao Nguyên dẫn tình cảm thâm sâu của quý điểu đối với đồng loại, soi sáng và bồi dưỡng cho lòng người tình yêu quê hương, đất nước. Giọt nước mắt của con người trước đọa đày, cùng khốn của tha nhân, giữa vòng vây của xã hội tràn ngập tội ác, cũng là nguồn an ủi, sẻ chia chính đáng.
Cái xã hội, tập đoàn cộng sản đang thống trị tại quê nhà, rêu rao cường điệu tựa bối cảnh thời Gia Tĩnh trong Kim Vân Kiều truyện (Bốn phương vắng lặng hai kinh vững vàng). Thực tế, chế độ ấy đang ngồi trên núi lửa. Mâu thuẫn xã hội gay gắt, sâu rộng; đạo lý kỷ cương sa đọa, bóc lột, tham nhũng tràn lan, pháp luật của riêng phường thảo khấu v.v..
Địa danh tổ quốc Việt Nam nghìn đời vẫn tuyệt vời, khí thiêng linh diệu truyền thống bất khuất rạng ngời sử sách, mà con người dân Việt vẫn chưa thoát ra được vòng vây sắt máu duy vật tàn ác, lỗi thời:
Mặt đất thì tuyệt vời
Người gian nan lắm nỗi ..
Thấm thía hiện thực cay đắng trên quê hương, Cao Nguyên nhìn vào nhân thế bằng xót thương, nhân ái. Cái tâm của nhà thơ thể hiện bằng những dòng thơ day dứt, khắc khoải, bằng thái độ chân thành của một nhân chứng lương hảo.
Không ai xóa sạch hoàn toàn dấu vết của hiện thực. Hiện thực là cái “nhân” của xã hội lòi ra rõ nét. Qua đó, không chỉ tôn vinh nhân đạo, tư tưởng phổ biến và đang được rao truyền rộng rãi giữa hành tinh trái đất, Cao Nguyên ước vọng, dự phóng con người rồi ra, sớm hoặc muộn cũng sẽ tỉnh thức, hối lỗi, ăn năn, đồng thời cũng được tha thứ.
Có thể nào một tối
Nhìn nhân loại xếp hàng
Chờ phiên mình hối lỗi
Trước những nỗi lầm than ..!
Tính thiện, tình người nở rộ màu vàng rực rỡ, Tàn ác, bất lương sẽ tự diệt. Con người đã thấy lần nữa địa đàng, và lắng nghe lời thiêng Trời Đất rằng “quê hương con người phải xây dựng thành thiên đàng, và trong tâm của mỗi con người cũng tự hóa thành thiên đường vĩnh cửu:
Rồi địa đàng mở cửa
Hoa nhân ái rực vàng
Và tim người bốc lửa
Làm rạng rỡ trần gian!
Diên Nghị
---------------------------
(*) tạp chí Thơ số Mùa Đông 1995.
( Trích trong tuyển tập "Cõi Thơ Tìm Gặp" do Thi Văn Cội Nguồn phát hành tháng 3/ 2009 )

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Nói Với Em

 Nói Với Em

Trong cõi nhân sinh có bao dòng nước mắt
Trong cuộc sống chết có bao nỗi buồn se thắt lòng người!

Xem vài trang web, nghe vài đoạn tin, thấy những hiện trường máu loang trên những tấm thân bé bỏng. Sự bạo hành từ nhà trường ra đường phố vẫn tiếp diễn trên mặt đất vốn chưa kịp hồi sinh sau chiến tranh.

Trong từng giây phút, loài người phải chứng kiến những cái chết bi thương do niềm tin băng hoại, do đạo đức tha hóa, do lương thiện mù câm!

Cả những đứa trẻ sơ sinh chưa biết sự sống là gì cũng bị vứt bỏ hoặc bị giết chết.
Cha mẹ nào không đau lòng đứt ruột khi nhìn con mình ngã chết trên sân trường, nơi góc phố? Cho dẫu nguyên nhân từ đâu vẫn là điều chua xót. Huống chi con mình mang nặng đẻ đau rồi giết đi không thèm ngoảnh mắt lại nhìn. Sao đành !

Chiến tranh, cuộc bạo hành của lịch sử, giết chết hàng loạt người, dẫu giải thích ra sao vẫn là thảm kịch của loài người. Lấy nguyên nhân bảo vệ tự do, bảo vệ đất nước để biện minh cho sự hy sinh mà khướt từ tính nhân bản, càng đau lòng hơn! Trên những vùng đất không còn chiến tranh, hòa bình chỉ là khái niệm, thì bạo hành vẫn liên tục xảy ra. Một cú đấm, một nhát dao đâm vẫn tồn tại trong cách hành xử giành quyền sống, không thể biện hộ bằng nước mắt hay lòng ân hận . Biết cuộc đời là vô thường, sao lòng vị tha không còn trong bản ngã thiện lương?

Một ngày trong cuộc sống với những bi thương tồn tại. Thật buồn! Như đang đi giữa nghĩa trang phải nhìn những nấm mồ vô chủ, dẫu cho sự chết có tên hay không có tên. Những cái chết bị lãng quên do bị bức tử từ người chiến sĩ đến em bé thơ đều nghiệt ngã và cay đắng. Giọt nước mắt không rơi mà chảy ngược xoáy buốt tim!

Hôm qua nói chuyện với em. Tôi khoe những dòng thơ, câu văn tôi viết thoát khỏi lòng thù hận, chỉ có nỗi bi thương. Em bảo: phúc cho tôi không cưu mang nặng những ánh mắt đỏ ngầu ai oán, để còn đủ sức vượt qua những vũng đời trầm uất.

đời đã chật, sao lòng ta không rộng
cho an nhiên vào cõi tưởng vô hằng
khi giun dế, ruồi xanh và sâu bọ
đã vì hương mà phá bỏ loài hoa

mầm mống tội đồ cũng phát sinh từ đó
giọt nước mắt này, nhỏ xuống cho ai
có thể nào lấy tầm mắt đo chiều dài thế kỷ
khi lương tâm sâu hút dưới tầm nhìn?

(nói với em / thơ Cao Nguyên)

Trong dòng nghĩ mong cuộc sống đi qua những khoảng buồn. Đã một lần tôi viết lời “Vĩnh Biệt Em”, gởi người thiếu nữ quê tôi vượt đại dương nhằm vươn tới ước mơ làm người tri thức chân chính. Rất tiếc, khi ước mơ còn trong hồn thanh tân, còn trên những trang giấy học trò thì bị lửa thiêu. Làn khói trắng mang hồn ước mơ vượt cõi thế trần nghiệt ngã bay lên trời xanh. Chút tàn tro thân xác trả về với lòng đất thân yêu, điều may mắn còn có được.
Chuyện xảy ra đã từ lâu lắm, mà âm vang buồn còn len mãi trong tâm.
Hôm nay mở tập bút ký ra, mời em đọc lời vĩnh biệt ngậm ngùi.

@

VĨNH BIỆT EM

Nỗi buồn đâu phải riêng ai.
Buổi sáng, gởi lời chia buồn với gia đình Violet, khi em không còn nữa. Sau vụ cháy Ký Túc Xá ở Moscow đã làm nhiều người chết, trong đó có 3 sinh viên Việt Nam mới sang Nga du học.
Buổi chiều đi làm về, vẫn thấy nỗi buồn man mác chảy trong người.

Trong đời, tôi đã biết, đã thấy hàng trăm, hàng ngàn “người đi” như vậy. Thế nhưng hôm nay, nỗi buồn xuất phát từ sự ra đi của những đứa em chưa đủ tuổi trưởng thành, cái ước vọng làm người còn chưa vói tới, thì đã vĩnh viễn xa rời nhân thế.

Nỗi xốn xang về sự ra đi của những em bé mới chào đời, những em mới vừa khôn lớn, những em đang độ trưởng thành… đã xác quyết về cái mong manh của một kiếp người.
Hậu quả một phần do thiên tai, phần lớn là do thảm kịch của loài người tác động. Từ một tiếng nổ, từ một đám cháy hay từ sự nhẫn tâm của cha mẹ, đã quên đi đứa con của mình, quên đi những mạng sống. Trách nhiệm đó, con người và xã hội phải gánh lấy. Điều này ai cũng biết, nhưng ai làm thay đổi được cái triền miên khắc nghiệt do con người tạo ra. Vì danh lợi, vì dục vọng và lòng đố kỵ, vì sự tranh chấp quyền lực, vì sự muốn an thân và vô trách nhiệm .., đã đẩy các em vào cõi chết.

Nỗi buồn phiền cứ tiếp tục chảy theo dòng thác oan nghiệt. Nước mắt đã nhiều, niềm đau cũng lắm cho những mất mát đau đến xé lòng.

Bạn biết! Tôi biết! Tất cả đều biết. Nhưng bất lực. Không có một quyền năng nào làm dừng lại những đau khổ đó. Cái chu kỳ Sinh Lão Bệnh Tử đã không đi trọn vòng, nên chi có em mới Sinh đã Tử; Có người chưa Lão cũng Tử … Nên mới có câu ” Trời kêu ai, người ấy dạ “. Cái mong manh là như vậy, nhưng những kẻ gây ra tử vong dường như không bao giờ cảm thấy. Đó là nỗi Buồn lớn hơn cái buồn mà những thân bằng quyến thuộc đã đưa Violet về nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

Ngày hôm nay, gia đình Violet đưa di thể em về Việt Nam.
Tôi xin thắp nén hương lòng tiễn đưa em vào cõi-bình-yên:

Vùng Thương Nhớ

Bạn có nghe tin từ Moscow
những đứa em của tôi
đã ra đi từ trong biển lửa
những dòng nước đời thường
không dập tắt được ngọn lửa đang reo
nên những dòng nước mắt người thân
đã ạt ào tuôn xuống
tưới thân xác em
nguồn thương nhớ vô cùng

xương thịt em qua hai lần nóng cháy
linh hồn em trải mấy lượt thăng hoa
xác trần đó tiếc chi vụn vỡ
chỉ mong hồn em yên cõi vĩnh hằng
thời gian trôi giữa dòng hư ảnh
người gặp người sau cuộc nhân sinh

Moscow tuyết nhuộm mùa Đông
em đi lạnh giữa hai hàng nến trắng
những cành violet tiễn đưa em
lung linh theo khói trầm hương
xoáy vút bay lên, bay lên…
em về với Quê Hương, về với Cội Nguồn

Anh lấy nước trong dòng Volga
trộn với nước sông Hồng và nước Cửu Long
tưới quanh năm trên cành Violet
sáng tím một vùng thương nhớ quanh Em !

Cao Nguyên
VA May 12, 2003

Thư Viện

Biển Nhớ

  Biển Nhớ biết em thích biển, anh ra biển tiếc là em đã không cùng đi ngồi nghe sóng thầm thì kể chuyện nhắc buồn vui từ mỗi biến di đàn hả...