Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Thi sĩ Cao Nguyên và tâm tình " Thao Thức"


Tâm Tình trong dòng thơ Thao Thức
Trước tiên, Cao Nguyên thân kính mến gửi đến quý vị lời chào trân trọng nhất từ một tấm lòng của chữ nghĩa.
Thưa quý vị. Tôi chọn Cao Nguyên làm bút danh là muốn giữ mãi trong hồi ức của mình một nơi chốn đáng yêu mà do duyên binh nghiệp mà tôi đã đến và sống qua suốt mười năm nơi Phố Núi Pleiku.
Cao Nguyên trung phần Việt Nam quả thật đáng yêu, cho dẫu ở đó có những con phố “đi năm phút đã về chốn cũ”, trong nắng hạ bụi mù trời, trong sương thu buồn muôn thuở. Bởi đáng yêu nên mãi nhớ:
... vẫn cứ thích về thăm Phố Núi
ngồi bên em nghe tiếng suối reo
nhìn tia nắng hoàng hôn rớt vội
thấy vàng ươm từng hạt sương treo ...
Đó là bản tự tình tôi viết cho Em-Pleiku, và đã nói với em “đời đã chật sao lòng ta không rộng” cho con chữ thoát bay trên ngàn dặm nhớ, trên vạn cơn mơ . Mơ thấy quê mình đẹp lắm, đủ cả tình người và đất của Huế, Sài Gòn, Hà Nội … đủ cả tuổi thơ nơi xóm thôn Nội, Ngoại quê nhà:
... Đà Lạt, Nha Trang - biển, rừng ta đó
nhắc chừng nhau, để nhớ Việt Nam
Những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
Trong tâm tư suốt một đời người ...
Đó là nỗi bi thương trong phận người lưu vong. Nên trong ngàn đêm thao thức về nỗi nhớ Đất, nhớ Người. Luôn có sự ray rứt đi tìm nguyên ủy của cuộc lưu vong. Đã thấy nhưng chưa rõ, tưởng thấu nhưng còn ngẫm, mà càng ngẫm càng đau lòng! Sự đau lòng không chỉ riêng tôi mà cả trong tâm tư của quý vị, của hằng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do trong cuộc nhân sinh .
Sự tàn khốc của cuộc chiến là một định đề kết nối bằng những chuỗi đau thương của bao nhiêu triệu người ngã xuống chỉ trong hai mươi năm của cuộc chiến Quốc – Cộng.
Sự thổn thức khơi chảy những dòng lệ đỏ gồm nước mắt và máu của những con tim vỡ theo nức nở của tiếng khóc ngậm ngùi khi phải làm nạn nhân và chứng nhân trong những cuộc thảm sát của tập đoàn quân Cộng Sản chỉ biết thù hận và hủy diệt . Hủy diệt tình người, hủy diệt mặt đất, hủy diệt cả nền văn hóa dân tộc.
Thử hỏi quý vị, một người cưu mang chữ nghĩa phải đi như thế nào dưới sự khắc nghiệt của chiến tranh và sự hủy diệt mà không bị gục ngã? Phải vịn câu thơ mà đứng dậy, tiếp tục đi. Cảm ơn chữ nghĩa cho tôi chỗ tựa suốt đời với niềm tin rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông. Thứ mặt trời của ánh sáng chân lý, của khát vọng làm người, của tự do dân chủ. Bởi mặt trời đang có ở quê nhà là mặt trời của thống trị, đốt cháy màu xanh của lá, đốt cháy tình người, đốt cháy mọi di sản nhân bản Việt Nam.
".. Vạch tìm trong đống tro tàn
nhặt lên từng mảng da vàng còn tươi …!"
Dẫu cuộc chiến đã chấm dứt bốn mươi năm. Nhưng trên hành trình thơ tôi đi qua, tất cả đều mới quá. Mới cả hơi thở cuối của đồng đội trong vòng tay tôi, mới cả đôi môi bé thơ ngậm núm vú tìm giọt sữa nơi người mẹ đã chết trên con đường chạy trốn kẻ thù. Và mới quá những trại tù nơi núi rừng Việt Bắc chứa những phận người thoi thóp sống để chờ ngày về sống lưu vong trên chính quê hương mình, lưu vong mãn kiếp trên đất người!
Trong sự rủi ro của một phận người sinh lầm thế kỷ điêu linh, tôi có cái may được làm người lính có trách nhiệm giữ nước, được làm chứng nhân của giai đoạn lịch sử khắc nghiệt đó. Một khắc nghiệt cay đắng của chiến binh: Chưa buông súng đã đầu hàng! Trong bàng hoàng thao thức, những giọt nước mắt pha máu chảy từ tim, luồn lách qua dòng nghĩ rót từng con chữ lên mặt giấy thành dòng thơ lưu vong!
Thơ ta đó rừng ơi ru chút nhé! Nghe tưởng chừng lời ủy mị của kẻ thoái thân. Không đâu, tôi vẫn khẳng định mình là một chiến bình còn tại ngũ, vì chưa hề nhận được chứng chỉ giải ngũ từ Bộ Quốc Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù dân tộc bằng cây bút. Còn nghiêm chỉnh chào lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, vẫn áp tay lên ngực trái hát bản quốc ca: Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi … và cúi đầu mặc niệm những linh hồn vị quốc vong thân!
Luôn cầu xin hồn thiêng đất nước ban ơn lành cho quê hương Việt Nam sớm thoát cơn nguy biến nước mất nhà tan, nhân dân thôi thống khổ!
".. Có thể nào một tối
nhìn nhân loại sắp hàng
chờ phiên mình hối lỗi
trước những nỗi lầm than!"
Mong lắm thay. Một cuộc tự hối của những tên đồ tể, những kẻ bán nước hại dân, kể cả những tên đốn mạt bán cả linh hồn đồng đội, phản trắc và trở cờ!
Riêng về tập thơ “Thao Thức”, ngắm bức tranh “Ngàn Đêm Thao Thức” của họa sĩ Vũ Hối, tôi nảy ra ý niệm dùng chữ “Thao Thức” cho chủ đề. Bởi vì chính tôi đã thao thức qua mấy nghìn đêm từ trong trại tù Cộng Sản đến nhập cuộc lưu vong. Qua dòng nghĩ, chữ nối chữ, câu nối câu hình thành những bài thơ tôi phóng lên các trang văn học sử online, hoặc lưu lại trên báo giấy và các tuyển tập văn học.
Sự cảm nhận ưu ái của người đọc qua dòng thơ này, hổ trợ tinh thần cho từng bài thơ tiếp theo. Suốt chiều dài hơn 20 năm ẩn chứa trong nguồn thơ đó. Điểm xuất phát từ bi hận của Tháng Tư Đen: Chưa buông súng đã đầu hàng …
Dấy lên bao trăn trở trên từng góc cạnh đời nghĩ đến hay chạm đến trái tim Việt Nam:
".. Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức
Vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng!"
Tôi là một người Việt Nam. Mỗi quý vị là một người Việt Nam. Có trái tim Việt Nam nào không thổn thức trước những điêu linh, nhà tan nước mất, còn phải chạy trốn kẻ thù tàn bạo cưỡng chiếm quê hương mình?:
".. Là một người Việt Nam
Trái tim tôi bị đau
Kể từ khi bỏ nước
Sống nhập cuộc lưu vong!
Việt Nam quê hương tôi
Một đất nước tuyệt vời
Đau và thương mãnh liệt
Trong trái tim Việt Nam!"
Đau lắm, thưa quý vị. Nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực / lòng quặn đau nghẹn nỗi sa trường!
Nỗi đau của người lính bị bức tử là vậy, nhưng vẫn nhỏ hơn nỗi đau của một dân tộc qua các cột mốc thời gian 1954, 1968, 1072, 1075 … phải chạy trốn một thế lực thù hận đã mất tính người “thà giết lầm hơn bỏ sót” những ai chống lại chúng, những ai đòi quyền tự do và bình đẳng.
Những hố chôn người tập thể luôn là ấn tượng ghìm sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt, đã trực tiếp hoặc gián tiếp là chứng nhân, là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân theo chủ thuyết Cộng Sản.
Qua hơn 200 bài thơ trong tập thơ Thao Thức, tôi muốn chia xẻ cùng quí vị những gì mà một người Việt Nam, vừa à chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương. Tôi chia xẻ cùng quý vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người. Tôi cũng chia xẻ cùng quý vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được tái tạo từ những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, những thơ mộng của núi sông.
Hơn thế nữa là sự phục hung nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên dựng xây và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay.
Còn đâu một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến với niềm tự hào của giòng giống Lạc Long! Còn đâu một thành phố Sài Gòn với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông! Tất cả đã bị “lăng trì” bởi tiếng nổ kinh tâm trong ngày 30 tháng 4 năm 1975!"
".. Rơi vang một tiếng nổ bùng
Thắt ngang nước Việt một vòng khăn tang!"
Ba mươi chín năm qua rồi phải không quí vị? Một nửa đời người, một nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ Việt Nam / Nửa thế kỷ thật buồn! Một nỗi buồn bi đát triền miên thấm dần trong tâm trí chúng ta, hình thành nỗi khắc khoải ưu tư suốt một đời người . Niềm đau còn thấm vào dòng hệ lụy cưu mang một nỗi ngậm ngùi:
".. Vạch tìm trong đống tro tàn
nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi
Máu loang xé toạc tiếng cười
ngang lưng vết chém của loài thú hoang!"
Từ khắc khoải ưu tư đến hoài vọng tái tạo quê hương, tôi đã viết “Trường Ca Bi Tráng”. Bi rất nhiều mà Tráng cũng không ít. Bởi những anh hùng vị quốc vong thân, đã làm nên một trang sử oai hùng cho các thế hệ tiếp sau noi gương tiền nhân đi làm lịch sử:
".. Học lịch sử để biết làm Lịch sử
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh
Mà phải đổi bằng chính mình xương máu
Vì non sông, vì tổ quốc Việt Nam "
Cảm ơn quý vị đã dành chút thời gian để nghe đôi điều tâm tình của tác giả “Dòng Thơ Lưu Vong”.

Trân trọng
Cao Nguyên
Washington. DC - 10/03/2014
(trích bài phát biểu của Cao Nguyên trong cuộc hội luận "Tác Giả và Tác Phẩm" trên đài truyền hình Hoa Thịnh Đốn

Thư Viện

Như Thơ

Như Thơ Như Thơ Thơ: Cao Nguyên Ca nhạc: Dzuy Lynh