Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Nói Với Em

 Nói Với Em

Trong cõi nhân sinh có bao dòng nước mắt
Trong cuộc sống chết có bao nỗi buồn se thắt lòng người!

Xem vài trang web, nghe vài đoạn tin, thấy những hiện trường máu loang trên những tấm thân bé bỏng. Sự bạo hành từ nhà trường ra đường phố vẫn tiếp diễn trên mặt đất vốn chưa kịp hồi sinh sau chiến tranh.

Trong từng giây phút, loài người phải chứng kiến những cái chết bi thương do niềm tin băng hoại, do đạo đức tha hóa, do lương thiện mù câm!

Cả những đứa trẻ sơ sinh chưa biết sự sống là gì cũng bị vứt bỏ hoặc bị giết chết.
Cha mẹ nào không đau lòng đứt ruột khi nhìn con mình ngã chết trên sân trường, nơi góc phố? Cho dẫu nguyên nhân từ đâu vẫn là điều chua xót. Huống chi con mình mang nặng đẻ đau rồi giết đi không thèm ngoảnh mắt lại nhìn. Sao đành !

Chiến tranh, cuộc bạo hành của lịch sử, giết chết hàng loạt người, dẫu giải thích ra sao vẫn là thảm kịch của loài người. Lấy nguyên nhân bảo vệ tự do, bảo vệ đất nước để biện minh cho sự hy sinh mà khướt từ tính nhân bản, càng đau lòng hơn! Trên những vùng đất không còn chiến tranh, hòa bình chỉ là khái niệm, thì bạo hành vẫn liên tục xảy ra. Một cú đấm, một nhát dao đâm vẫn tồn tại trong cách hành xử giành quyền sống, không thể biện hộ bằng nước mắt hay lòng ân hận . Biết cuộc đời là vô thường, sao lòng vị tha không còn trong bản ngã thiện lương?

Một ngày trong cuộc sống với những bi thương tồn tại. Thật buồn! Như đang đi giữa nghĩa trang phải nhìn những nấm mồ vô chủ, dẫu cho sự chết có tên hay không có tên. Những cái chết bị lãng quên do bị bức tử từ người chiến sĩ đến em bé thơ đều nghiệt ngã và cay đắng. Giọt nước mắt không rơi mà chảy ngược xoáy buốt tim!

Hôm qua nói chuyện với em. Tôi khoe những dòng thơ, câu văn tôi viết thoát khỏi lòng thù hận, chỉ có nỗi bi thương. Em bảo: phúc cho tôi không cưu mang nặng những ánh mắt đỏ ngầu ai oán, để còn đủ sức vượt qua những vũng đời trầm uất.

đời đã chật, sao lòng ta không rộng
cho an nhiên vào cõi tưởng vô hằng
khi giun dế, ruồi xanh và sâu bọ
đã vì hương mà phá bỏ loài hoa

mầm mống tội đồ cũng phát sinh từ đó
giọt nước mắt này, nhỏ xuống cho ai
có thể nào lấy tầm mắt đo chiều dài thế kỷ
khi lương tâm sâu hút dưới tầm nhìn?

(nói với em / thơ Cao Nguyên)

Trong dòng nghĩ mong cuộc sống đi qua những khoảng buồn. Đã một lần tôi viết lời “Vĩnh Biệt Em”, gởi người thiếu nữ quê tôi vượt đại dương nhằm vươn tới ước mơ làm người tri thức chân chính. Rất tiếc, khi ước mơ còn trong hồn thanh tân, còn trên những trang giấy học trò thì bị lửa thiêu. Làn khói trắng mang hồn ước mơ vượt cõi thế trần nghiệt ngã bay lên trời xanh. Chút tàn tro thân xác trả về với lòng đất thân yêu, điều may mắn còn có được.
Chuyện xảy ra đã từ lâu lắm, mà âm vang buồn còn len mãi trong tâm.
Hôm nay mở tập bút ký ra, mời em đọc lời vĩnh biệt ngậm ngùi.

@

VĨNH BIỆT EM

Nỗi buồn đâu phải riêng ai.
Buổi sáng, gởi lời chia buồn với gia đình Violet, khi em không còn nữa. Sau vụ cháy Ký Túc Xá ở Moscow đã làm nhiều người chết, trong đó có 3 sinh viên Việt Nam mới sang Nga du học.
Buổi chiều đi làm về, vẫn thấy nỗi buồn man mác chảy trong người.

Trong đời, tôi đã biết, đã thấy hàng trăm, hàng ngàn “người đi” như vậy. Thế nhưng hôm nay, nỗi buồn xuất phát từ sự ra đi của những đứa em chưa đủ tuổi trưởng thành, cái ước vọng làm người còn chưa vói tới, thì đã vĩnh viễn xa rời nhân thế.

Nỗi xốn xang về sự ra đi của những em bé mới chào đời, những em mới vừa khôn lớn, những em đang độ trưởng thành… đã xác quyết về cái mong manh của một kiếp người.
Hậu quả một phần do thiên tai, phần lớn là do thảm kịch của loài người tác động. Từ một tiếng nổ, từ một đám cháy hay từ sự nhẫn tâm của cha mẹ, đã quên đi đứa con của mình, quên đi những mạng sống. Trách nhiệm đó, con người và xã hội phải gánh lấy. Điều này ai cũng biết, nhưng ai làm thay đổi được cái triền miên khắc nghiệt do con người tạo ra. Vì danh lợi, vì dục vọng và lòng đố kỵ, vì sự tranh chấp quyền lực, vì sự muốn an thân và vô trách nhiệm .., đã đẩy các em vào cõi chết.

Nỗi buồn phiền cứ tiếp tục chảy theo dòng thác oan nghiệt. Nước mắt đã nhiều, niềm đau cũng lắm cho những mất mát đau đến xé lòng.

Bạn biết! Tôi biết! Tất cả đều biết. Nhưng bất lực. Không có một quyền năng nào làm dừng lại những đau khổ đó. Cái chu kỳ Sinh Lão Bệnh Tử đã không đi trọn vòng, nên chi có em mới Sinh đã Tử; Có người chưa Lão cũng Tử … Nên mới có câu ” Trời kêu ai, người ấy dạ “. Cái mong manh là như vậy, nhưng những kẻ gây ra tử vong dường như không bao giờ cảm thấy. Đó là nỗi Buồn lớn hơn cái buồn mà những thân bằng quyến thuộc đã đưa Violet về nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

Ngày hôm nay, gia đình Violet đưa di thể em về Việt Nam.
Tôi xin thắp nén hương lòng tiễn đưa em vào cõi-bình-yên:

Vùng Thương Nhớ

Bạn có nghe tin từ Moscow
những đứa em của tôi
đã ra đi từ trong biển lửa
những dòng nước đời thường
không dập tắt được ngọn lửa đang reo
nên những dòng nước mắt người thân
đã ạt ào tuôn xuống
tưới thân xác em
nguồn thương nhớ vô cùng

xương thịt em qua hai lần nóng cháy
linh hồn em trải mấy lượt thăng hoa
xác trần đó tiếc chi vụn vỡ
chỉ mong hồn em yên cõi vĩnh hằng
thời gian trôi giữa dòng hư ảnh
người gặp người sau cuộc nhân sinh

Moscow tuyết nhuộm mùa Đông
em đi lạnh giữa hai hàng nến trắng
những cành violet tiễn đưa em
lung linh theo khói trầm hương
xoáy vút bay lên, bay lên…
em về với Quê Hương, về với Cội Nguồn

Anh lấy nước trong dòng Volga
trộn với nước sông Hồng và nước Cửu Long
tưới quanh năm trên cành Violet
sáng tím một vùng thương nhớ quanh Em !

Cao Nguyên
VA May 12, 2003

Đối Diện

 ĐỐI DIỆN

“Mỗi con người bắt buộc phải một lần đối diện” Đó là câu kết của của Ấu Tím viết về “Cao Xuân Huy – vài mẫu chuyện” .
Những mẫu chuyện đời, không riêng của Cao Xuân Huy mà có cả những người trong truyện nghe kể chuyện về mình. Bởi họ cùng một thời trước và sau “Tháng Ba Gãy Súng”. Nên mỗi trang giấy lật qua, nghe có tiếng gào của thép vỡ, nghe cả hơi thở cuối của bạn mình. Mới thấp thoáng đó mà đã xa hút hơn ba mươi năm. Niềm đau không chịu biệt tàn, vẫn lởn vởn xoay tròn trước mặt.
như vừa mới ngã mũ chào
mà phơ phất bóng chiến bào tầm xa
ngựa giòn gõ vó bôn qua
bụi hồng sương quyện khói nhòa mắt cay
Người đi buồn rạn chân mây
nhạc tình giao phối Chương Đài phù vân
nghiệp duyên quá cuộc hồng trần
kiếm cung biệt diện tần ngần sử thi
rượu còn sóng sánh ngang ly
mà Người đã khuất hương nghi ngút mờ
đành ta rót rượu vào thơ
mở đêm giao thức ngồi chờ đối âm!
(Giao Thức / CN)
Mỗi câu chuyện của Cao Xuân Huy làm sống lại từng đoạn đời của một thời bão lửa, kể cả lúc mình đứng giữa ngục tù hoặc sống kiếp lưu vong.
Ai đó bảo hoài niệm chi những tang thương! Không, với chúng tôi, đó là những hoài niệm đẹp, sau tang thương còn sinh động và sáng chói tình người, tình đồng đội trong cuộc dấn thân vì Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm. Chúng tôi đã gãy súng, nhưng Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm vẫn còn. Không còn súng, chúng tôi chiến đấu bằng cây bút với chút tâm huyết còn sót lại. Để còn xứng đáng được con cháu gọi tên mỗi khi nhắc chuyện sơn hà. Bởi chữ nghĩa cũng có sức mạnh xuyên phá những tư duy bẩn chật, những thù hận cực đoan chủ nghĩa, những khối óc vong bản, những hoang tưởng lợi danh … đã ăn gian, trục lợi cả mồ hôi, nước mắt và xương máu của chiến hữu và đồng đội của mình .
Tất cả người kể và người nghe chuyện đang ngắm lại mình đã đi qua hành trình giữ nước, có thương yêu cười rạng rỡ, có vụn vỡ khóc lệ nhòa ! Hiện cảnh ngỡ đã xa mà chuyện kể bày ra trước mặt đến nao lòng.
Có buồn mà sảng khoái, thế mới lạ. Cái sảng khoái là còn được ngồi bên nhau với bạn cùng thời, cùng tâm chí mà kể chuyện bất kể ngoại nhân nhìn những tửu sĩ vỗ bàn Đ.M đời, sau khi ực trọn một cốc rượu cay. Trong cơn chếnh choáng thế thời, tửu sĩ vỗ bàn như vỗ đỉnh càn khôn để nghe tiếng khua hổ lốn của trần ai về nỗi nhục vinh rớt vào hố thẳm. Giữa mỗi quãng lặng yên, tửu sĩ thèm uống rượu Hồ Trường, xem chinh nhân mài kiếm dưới trăng.
Ôi! Ta muốn nhập cuộc quá chừng, để uống cạn cùng bạn những giọt tri âm, rồi chen lời cuồng ca:
ca ư!
hề! khúc cổ sầu
lợi danh hư ảnh, công hầu huyễn mơ
cuồng ư!
hề! vọng nguyệt lầu
thuyền quyên chạm bóng, lòng đau tử thành
tình ư!
quan họ giang đầu
trù ca vỡ phím, bạc câu giao hoàn
đời ư!
hông thủy càn khôn
mồ hôi thắm máu quyện chung lệ hồng
(Cuồng Ca / CN)
Bạn ngó ta, chạm mắt xuyên đêm. Ta khều mặt trời hóa rượu để đáp lễ tri giao:
rót tràn đêm, rượu mặt trời
uống đi người hỡi một đời mấy khi
say quên mặt đã lầm lì
biết ta chưng hửng đã đi vào đời
uống đi, say nhé người ơi
giữa ta có ánh mặt trời xuyên tâm
nóng ran như vết đạn găm
tim đau nhói ngược, bạn trăm năm rồi!
(Rượu Mặt Trời / CN)
Ơi những người bao năm cũ, hồn ở đâu cả rồi! Phải chăng như lời sử thi “hồn tử sĩ gió ào ào thổi” khi hình tượng người chiến sĩ bị thù hận và đố kỵ đánh gục trên chiếc bệ tôn vinh nơi nghĩa trang quân đội!
Súng gãy, hinh tượng gãy chỉ là bề mặt của sử thi. Còn sự gãy vỡ của tâm thân đồng đội đang sống lưu đày giữa quê nhà, hay nơi cõi lưu vong đã vực ta đứng dậy vung bút đâm vào mọi ngụy trá của thế gian, bởi:
ta muốn ngắm nét chữ ngời bia đá
những di thư viết bởi mực sơn hà!
ta muốn nghe trong điệu kèn ly biệt
có niềm tin mãnh lệt cuộc hồi sinh!
(Lộng Bút / CN)
Dẫu chiến bào đã cháy, súng đã gãy, khi còn cây bút trong tay, ta vẫn vỗ ngực tự hào nói với bọn ngụy trá rằng: đời nhờ có bọn ta không gian mới hừng hực sáng ánh thép khua trăng, rượu mặt trời pha lệ đỏ. Nhờ có bọn ta khinh miệt lũ vong ân mà chúng tìm trong thù hận học được lời sỉ vả những kẻ tự bứt tim mình hiến dâng cho Tổ Quốc ! Chẳng tin ư ? Kẻ vong ân cứ nhập vào đoàn lữ hành du ca hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để thấy nỗi thẹn mình lớn biết chừng nào .
Này hát đi:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam , triệu con tim này còn triệu khôi kiêu hùng ..
(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ / Nguyễn Đức Quang)
Từ thuở nọ đến nay ta vẫn là người hàn sĩ, nhưng rượu vẫn lưng bầu chờ đãi bạn, vắt cạn giọt sầu, kháo chuyện trầm thăng .Ta cũng kẻ mặc ngôn, nhưng chữ nghĩa vẫn còn hưng phấn, chạm nhẹ vào tâm ý tri âm là thoát bay vào cõi bềnh bồng non nước. Thời nay, vãi chữ lên trời cũng là một lạc thú, được dàn trải tâm tư vào vũ trụ đời. Mặc kẻ ngắm thuận lòng bảo lời chí phải, hay người xem phật ý phán nghĩa ngạo cuồng. Chỉ vì ta cũng muốn chữ ta “như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn”!
Mỗi con người bắt buộc một lần đối diện. Một định đề thật hay . Đối diện với chính mình hay đối diện với sự chết mà dửng dưng, cũng khó như kẻ sĩ đối diện với bạo quyền mặt không biến sắc.
Phải không trân trọng quá về mình, mới thấy đời nhẹ như lông hồng phất phới bay theo cơn gió vào vô định. Bởi nó là vật thể của ảo ảnh, như cuộc đời của phù du, như chinh nhân đã quên cái ta giữa hiện hữu thiêng liêng của núi sông cưu mang hồn dân tộc.
Ta đang đứng trong lũng chiều vàng quan ngoại, thỉnh thoảng thấy một chiếc lông hồng quen thuộc bay qua - mà lẽ ra nó đã bay trên miền quan nội từ mùa hè đỏ lửa hay từ mùa xuân hồng thủy – Nhờ có kiếp lưu vong mà đèo bồng thêm mấy độ xuân thì. Nên bay muộn hơn giữa trời mặc tích!
Chiếc lông hồng Cao Xuân Huy vừa bay qua, chiếc lông hồng Nguyễn Đức Quang cũng vừa qua bay. Nhẹ hều thân đời, nhẹ hều danh lợi. Cái chớp mắt nhìn chính mình bay thoát qua khung cửa hẹp cuộc đời vào cõi vô hằng đẹp vô cùng. Giữa chập chùng sương khói, thấy lòng ưu ái của bạn bè còn nấn ná trong quán gió, uống rượu thấm lời chuyện kể. Ngẫu hứng nâng đàn hát khúc tâm ca, là hạnh phúc vô tận của tình người.
Hôm nay ta thèm hát vang vang dưới ánh mặt trời như hồi đó ta thèm thét lên trong bóng tối ngục tù gọi đời tự do, gọi tình thân ái. Ta cũng thèm kể cho con ta nghe mẫu chuyện về mẹ nó vượt ngàn dặm xa chập chùng sông núi vỡ giữa mùa đông rét buốt để thăm chồng bị giam cầm giữa núi rừng Việt Bắc:
gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau
giọt nước mắt đang rơi mà chảy ngược
uống cạn lời thổn thức giữa tim nhau!
nhớ Đông xưa, lòng anh buồn ray rức
nhìn chân em xuyên suốt nỗi cơ hàn
bàn chân bám đời đau cùng với đất
da tím bầm chưa hở một lời than!
em mải miết đi, chẳng cần nhìn lại
vì Chồng, Con - Thế giới bỗng nhiệm mầu
thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!
(Nhớ Dông Xưa / CN)
Góp chuyện ta, chuyện người hỏa táng, tàn tro bay lãng đãng chuyện tử sinh.
Mốt mai ta cũng nhìn ta bay khi phải đối diện một lần cuối phận người, mỉm cười nhìn chiếc lông hồng biệt thế.
Ta tự rót cho mình cốc rượu từ bầu rượu còn lưng ngồi độc ẩm. Tiếc là không có bạn ngồi bên để vỗ bàn Đ.M đời, nghe sảng khoái. Đành nhịp trên phím chữ gõ thêm một trầm khúc vãi lên trời.
Cám ơn Ấu Tím, đã mớm nghĩa cho chữ ta bật dậy như cây cỏ cám ơn vạt nắng xuân khơi mầm cây trổ mùa xanh.
Cao Nguyên
---
(Trích trong tác phẩm " Hành Trình Nhân Ái"



Thư Viện

Tết Xa Quê

  Tết Xa Quê Xuân Newyork, Xuân Paris… nắng có hồng lên hay vẫn tuyết rơi trên bờ vai nhỏ đường có thêm người vui Tết Việt Nam nhắc em nhớ n...