Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

DU CA

 DU CA

anh - chiếc đàn guitar
em - một cây sáo trúc
ta - dòng thơ ngạo cuồng
đã lên đường du ca!

hát cho rừng núi nghe
hát chờ đêm bạn về
hát quên ngày hoang vu
hát giữa thời hôn mê!
hát cho đồng loại nghe
hận thù và dối trá
hát cho bạn bè vui
vơi đau thương ngậm ngùi!

thuở ấy thơ ta - lời trộn lửa
cung đàn anh - nửa máu nửa hồn
tiếng sáo em - chập chờn tiếng khóc
rong lời ca vào đêm vô biên!
hát trong mùa Xuân điên
hát giữa Hè đỏ lửa
hát trên miền cao nguyên
hát bên niềm cô đơn!

đàn anh vỡ trong đêm thoát ngục
cây sáo em chìm vực trùng dương
ta vỗ tay không - hát lời thao thức
hát nhớ núi rừng - mênh mông quê hương!

Cao Nguyên 

@

Cảm tưởng về bài thơ DU CA

Trong bài thơ “Du Ca” bao gồm 24 câu thơ tự do, tác giả đã mượn cây đàn và cây sáo là hai nhạc cụ biểu tượng cho sự khao khát tự do, hạnh phúc và an bình mà con người luôn mơ ước vươn tới. Trên cuộc hành trình lãng du, phiêu bạt quê người, người nghệ sĩ  không có gì ngoài trái tim và lời ca tiếng hát để xóa tan đi bóng đêm giữa hôn mê ngục tù, xóa tan hận thù, khổ đau và dối trá vẫn đang hiện diện trên quê hương Việt Nam.

Trong tâm thức nhà thơ là hình ảnh của cuộc chiến tranh khốc liệt mà khổ thơ thứ 2 biểu hiện rõ nét sự trăn trở, thao thức của tác giả về thân phận của người Việt Nam trong cuộc nội chiến.
Tác giả không dùng từ ngữ nào nói về hành động tàn bạo của của kẻ gây ra tội ác. Nhưng chỉ trong 4 câu thơ đã tái hiện rõ nét cuộc tấn công của cộng sản Bắc Việt vào Tết Mậu Thân tắm máu, một mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Và cuối cùng cuộc triệt thoái cao nguyên năm 1975, đã định đoạt số phận cho Miền Nam Việt Nam. Để thế giới phải kinh hoàng và xúc động trước cuộc di dân của người Việt Nam thoát khỏi chế độ cộng sản vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Bài thơ “Du Ca” mang theo hơi thở của thời đại, và những rung cảm sâu lắng trong tâm tư tác giả là mong ước cuộc sống của dân tộc sẽ có tự do, dân chủ, hạnh phúc, phồn vinh.
Nội dung hai câu thơ cuối: “ta vỗ tay không - hát lời thao thức. Hát nhớ núi rừng - mênh mông quê hương!” Chứa đựng niềm thương nhớ quê nhà luôn nung nấu trong tim của nhà thơ Cao Nguyên.

Nhà Văn Phong Thu 




NHỮNG LẦN BA VỀ


NHỮNG LẦN BA VỀ 

Trình bày : Đình Dương / Guitarist : Lê Chẩn


---

KaraOke - Những Lần Ba Về - Tone : Nam - Ý thơ : NT CAO NGUYÊN - ST : ĐÌNH DƯƠNG 

Thành Phố Mẹ


Thành Phố Mẹ 

(Net Viet - Nghệ Lữ diễn đọc) 


Đừng Nhé Em


Thơ: Cao Nguyên Trình bày: Phương Anh

Vãi Chữ Lên Trời

 

Vãi Chữ Lên Trời


“lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế
Bao chiến công … cũng thế mà thôi
Hải Vân … tro rắc bốn trời
Hạt tro nào … lạc vào nơi Cổ Thành!”
Nhất Tuấn

Trời Đông Bắc Mỹ những ngày cuối Đông xám xịt sau trận tuyết phủ trắng mặt đất . Không thể đi đâu và không thể viết gì lên trời sáng nay vì mất điện .
Cánh cửa thông ra thế giới bên ngoài bị đóng lại . Đành đi vào thế giới bên trong những trang sách . Mắt tôi dừng lại nơi “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết trong Giai Phẩm Xuân 2011/ Người Việt . Kể chuyện những người thân của tướng Ngô Quang Trưởng vãi di thể tro của Ông trên đỉnh đèo Hải Vân .
Đúng là một đoản văn hay, những con chữ cuốn tôi theo dòng hồi tưởng qua một thời đoạn trong chu kỳ sinh tử của một đất nước, một đời người .

Với đất nước:

Trong khoảng thời gian 30 năm, từ lúc nhà văn Nguyễn Tường Thiết gặp tướng Ngô Quang Trưởng lần đầu ở Thủ Đức/Việt Nam (1962), đến lần gặp cuối ở Virginia/Hoa Kỳ (1993) . Tôi cũng từ một chinh nhân đi xuyên qua chiến tranh và hòa bình . Một chiến tranh mang đủ chất bi tráng và một hòa bình đau thương trong lòng người dân Việt luôn khát khao ánh sáng tự do và công lý . Bởi nhiệt huyết dấn thân bảo vệ quê hương bị phản bội bởi đồng mình và nội thù .

Điều còn lại sau cuộc chiến là những hồi tưởng xót lòng khi nhìn chút long lanh trong những hạt bụi của những nhân dáng chinh nhân “vị quốc vong thân” và văn thi nhân “phong trần tải đạo” . Rồi cũng thế …mà thôi! Lời thơ của Nhất Tuấn buồn u uẩn! Chấm một dấu than hay bỏ lửng … cũng làm chùng tâm người lữ khách của hai miền nội, ngoại cả trong giá rét mùa Đông hay trong nắng ấm Xuân về . Hạt tro nào … quyện vào hồn thiêng Tổ Quốc! Hạt tro nào là vóc thân em hiện về …
em về ngồi giữa chơi vơi
uống trăng như thể rượu mời thuở xưa
hỏa châu sáng mấy chưa vừa
còn chong con mắt thắp thừa lòng tin

(rằng ta đi vẽ hòa bình
trên lưng cuộc chiến để tình thăng hoa!)

Thế nhưng …
bao nhiêu năm nhân loại tìm
chưa ra bản vẽ hòa bình của em
tấm lưng cuộc chiến còn nguyên
chỉ thêm vết đạn xuyên tim xoắn vào!

Cuộc dấn thân đi vẽ hòa bình trong tình nhân ái đã không được hồi báo theo lòng ước nguyện . Sự tàn bạo của cơn hồng thủy phủ tràn lên đất nước một lớp sóng hòa bình giả tưởng trên những thực thể điêu tàn đến thê lương . Để tôi có những ngày ngồi nơi Quán Gió

ngồi đây nghe tiếng vó câu
vang sâu thẳm, đáy cốc sầu rượu xưa
chiến bào, màu hổ phách khua
kiếm loang loáng sáng, đắng thừa chạm môi
Và hơn thế, nhìn xuyên đêm qua khung cửa, thấy sương pha trăng rót lấp loáng trên cành cây, ngỡ như còn rõ mặt kiếm cung:

Đêm nhìn sương trăng thấy cành nhớ kiếm
kiếm gãy xuyên đêm rơi suống đất cằn
mộ lá vàng khô gió xếp trăm năm
đá chạm chữ khua lòng ta thao thức!

Với đời người:

Những giọt lệ hồng pha sương đêm thấm đẫm vào suy tưởng có không thân phận một đời người trong vòng thiên mệnh . Biết có, để thấy sự hợp lý của những thử thách sinh tồn vì cuộc dấn thân . Không tự đứng lên là bị dìm xuống dưới khắc nghiệt của thế thời . Biết không, để thôi chấp ngã về những vọng niệm đi về giữa tử sinh, vinh nhục . Cho nhẹ hều thân tâm chờ hóa bụi bay vào vô định!
Giữa khi còn có, còn không . May được nỗi vui giữa những bồi hồi chữ nghĩa gởi cho đất và người những bản chúc thư trầm mặc chờ một cơ duyên hạnh ngộ dẫu như hoang tưởng:

đất không nước và ta người tàn phế
vói đôi tay không thể chạm quê hương
còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm
nước thời gian chảy thấm mạch yêu thương!

Còn hoang tưởng chẻ không gian ngồi ngắm, là còn thấy yêu thương cả trong vụn vỡ một đời người đến độ hóa tro vẫn chứa sự long lanh của giòng nước mắt . Từ những dòng thơ của nhà thơ Nhất Tuấn đến “Rải Tro Theo Gió” của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, tôi lan man nghĩ đến và nhớ về những người anh, người bạn hân hạnh biết trên đường chinh chiến và trên hành trình chữ nghĩa đã vào nơi vô định, yên phận tử sinh như các anh Phạm Huấn, Kim Tuấn, Hiếu Anh, Vương Đức Lệ … Dẫu họ đã hóa tro bay vào thinh không, những tinh thể vẫn sáng trong tâm tôi . Nếu những hạt tro của thân thương được vãi lên từ một đỉnh cao của quê hương như những hạt tro của tướng Ngô Quang Trưởng được thoát bay từ đỉnh Hải Vân thì quá tuyệt vời . Ai mà không ham tro mình được vãi vào lúc cuối đời! Của phù du trả về cát bụi!
Cho nên vào những ngày cậnTết như hôm nay, sao tôi mong được người về ngồi đối ảnh, dù biết …

còn có gì đâu mà khoản đãi …
ngoại trừ dòng chữ rót đau thương
ly biệt xin thôi đừng nhắc mãi
buồn nẫu lòng ta hoài cố hương

người về cũng chỉ là nhân ảnh
ly rượu mời sóng sánh khói hương
Xuân muộn hay trời Đông Bắc lạnh
mà hoa chạnh nở đóa vô thường ..

Ôi những đóa vô thường dễ thương biết mấy, những đóa hoa yêu thương chẳng bao giờ tàn . Dù khi người về thoát đó lại đi . Chỉ còn lại những dòng chữ lung linh dưới ánh nến chiều cuối năm chạm cửa đêm trừ tịch, đang chờ mùi trầm hương với men rượu hồ trường . Bùi ngùi của quá khứ đủ cho một trầm khúc mới níu gót chân xuân chạm vào hành trình còn mở để nghe ngân tấu bài sử thi ngạo nghễ lời huyết mạch Văn Lang:

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
(Nguyễn Đức Quang)

Ôi triệu khối kiêu hùng trong lòng người dân Việt đang chờ được hát tiếp lời ngạo nghễ, với hành trang mới lên đường thực hiện giấc mơ cũ của cha, ông trong sứ mạng bảo vệ non sông Tổ Quốc .
Hành trình đi lên còn mở, những ước mơ chưa hề khép lại . Như tôi đang hăm hở chào mùa Xuân khi mùa Đông còn sương tuyết trắng . ..và em còn những băn khoăn …

em hỏi: còn Đông sao chào Xuân?
thưa rằng: đời vẫn đợi tin mừng
từ trong sương tuyết hừng đông mới
nắng cứ xôn xao rộn cả lòng!

Giữa hai cuộc gọi trưa nay, một với nhà thơ Nhất Tuấn – người cùng thời đã tặng tôi những ân tình chữ nghĩa, và một với trung tá Tôn Thất Tuấn – một hậu duệ đã gởi tôi những tâm cảm chân thành về thế hệ đàn anh . Đã làm thành một chiếc cầu vồng quá đẹp nối hai nhịp quá khứ với tương lai . Chiếc cầu vồng lấp lánh sáng những hạt tro hồng vãi bay theo gió trên đỉnh Hải Vân, trên đỉnh cao của tình người miên viễn trân trọng phẩm giá nhân sinh công bằng và bác ái .

Cám ơn nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã cho tôi cảm hứng gõ thêm những giọt chữ trên dòng sông tâm thức nối mạch đông tây và sau trước của một phận người còn hào sảng với những ước mơ . Còn rưng lòng cảm xúc tri ân những hạt tro hồng… vị quốc vong thân!

Chỉ còn chờ có điện, đèn bật sáng, tôi vãi chữ lên trời! Lời thong dong bay trong cõi đời hư ảo!

Cao Nguyên .

Thư Gửi Bạn Già

 Thư Gửi Bạn Già

Chữ Nghĩa mình có được hôm nay

Rồi cũng theo mây bay về Trời
Vần Điệu Ý Lời mình có
Rồi cũng theo gió cuốn bay!

Sao không từ hôm nay, trên đường vào thất thập, còn chút mừng sắp được “cổ lai hy” mà chong đèn viết tiếp sử thi, đồng thời "ôn cố tri tân".
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi!
(Thơ vua Tự Đức khóc Bằng Phi)

Nên lắm chứ, phải không người bạn già thân quí ? Dù biết, bạn sẽ bảo ta ngông, cố tình lắp ghép hai tầng tâm thức để ngẫm . Nhưng bạn đâu khác chi ta, đã ngẫm từ Đoạn Trường Tân Thanh đến đoạn trường thất thanh. Từ ngày cơn hồng thủy xô bọn mình dạt vào bờ cõi lạ, biết bao lần nghe tiếng thét thất thanh của những thân phận người bị đánh gục, bị xé nát bởi cuồng phong bão hận! Làm chữ nghĩa phải bật máu, nhỏ xuống lòng đêm những giọt lệ hồng!

Một thời mong làm lính, một đời muốn làm dân – cả hai đều cùng trách nhiệm của một công dân chân chính và lương thiện của một đất nước vốn tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, cần bảo vệ – ngặt nỗi lực bất tòng tâm mà lưu vong thất thổ. Để mãi hoài vọng về một cố hương, tiếc giải non sông xanh ngát màu xưa đang bị úa vàng bởi lòng tham vọng của những quyền lực quỉ ám và những đòn thù cực đoan. Đốt cả nhân tâm ẩn tàng trong cổ tích, chôn lấp kinh thư nhân ái thánh hiền. Ta đã mất quyền công dân từ độ nghe tiếng rít rợn người của cửa tù thế kỷ. Một cuộc hủy diệt đến tận cùng hơi thở của di ngôn chân thiện cha ông gởi lại. Để nghe đau lời hổ nhớ rừng của Người Thế Lữ:
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua!

Ngày tháng dần qua, nhẩn nha qua, nhuộm tóc ta màu bạc. Bạc cả lòng hào phóng tình người. Thấy trong cõi Đi, trong cõi Về những con đường huyễn hoặc. Nên mỗi giấc mơ cứ dấy lên niềm khao khát sống, như thể ta đang trong những giờ phút cuối của cuộc đời tiếc nuối những tàn phai! Để thêm một lần quật cường đi trong lửa bới tro tìm bảo vật. Những bảo vật linh thiêng được ghép từng mảnh chữ thế nhân còn sáng nghĩa thuần thành với niềm khát vọng giữ thơm Quê Mẹ.
Trời đang vào Thu, màu thu buồn bàng bạc, làm chùng tâm lữ khách:

gió xoáy ngang đêm, rừng chợt thức
nghe lá xa cành, hối hả rơi
xuyên sương mờ ảo trăng treo lệch
vạc thả lời thu rớt cuối trời

rớt xuống chùng sâu tâm lữ khách
những giọt lòng đau mấy khoảng đời
quê xưa lửa hạ bùng nhen dậy
thấp thoáng trùng xa mộng giấc tôi

giấc gõ lưng trời muôn nhịp phách
tấu giữa rừng thiêng tráng khúc ca
thơ nung lửa hạ ru lòng khách
gió quất thu sầu xé nát hoa!

Thật sự ta đang giữa đêm của đầu thế kỷ 21, trên cầu truyền thông gởi tâm tình đến bạn vẫn với niềm lạc quan “trăm năm còn phía trước” để giữ ngọn bút đi giữa thăng trầm không chao, nghêu ngao những trầm khúc cho ta và cho người còn chút tình hào sảng.

Hôm qua, nhân đi tìm những “cảo thơm”, ta thấy những mảnh chữ của ta ai đó thương tình đem máng trên những vách trời trong cõi hằng hà chữ. Ta vui quá, bèn mét với người bạn trẻ. Bạn trẻ cười chúc phúc cho ta! Như ta đã từng chúc phúc cho bạn:
chúc mừng anh có những đứa con ngoan
gia tài lớn, chắt chiu từ sữa mẹ
vượt gian khó, lòng kiên trì mạnh mẽ
nuôi thơm xanh - thế hệ mới vào đời

nối tiếp bước cha ông, cùng đi tới
hãnh diện mình là giòng dõi Lạc Long
từng chặng đi, ngoảnh mặt nhớ phương đông
truyền tiếp lửa thắp hồng nôi văn hiến


Bạn không thể không vui cùng ta, như bạn không thể không vui với cái tuổi về hưu, được ẩn cư trong niềm tin yêu của bằng hữu . Thỉnh thoảng ghé thăm uống chén trà thơm, gặp bữa ngẫu hứng thêm ly rượu đỏ, kháo chuyện nhau về nợ bút nghiên . Vẫn là thứ nghiệp dĩ sao nặng trằn trằn trong trí chưa rơi ? Mà rơi thì đã sao, đếm quanh còn mấy thằng bạn cùng ta ngồi sum họp như thuở cây đàn trên vai, quyển thơ trong áo trận . Biết phù sinh vẫn cười hí hửng, nghe đạn bay vẫn đứng ngang tàng .

Khi không buông mà rơi mới buồn thấm thía, vết cắt không vì dao, vì đạn mới ngẩn ngơ lòng, chợt hỏi vì sao? Câu hỏi đơn giản, trả lời không dễ . Như hòa bình vẫn mong mà khi nó đến, lại thấy sự nghiệt ngã rộng vô bờ, mà nhân ái nhỏ như hạt bụi.

Bốn mùa vẫn quay, quay theo chiều cổ điển, vẫn lợi danh sùng kính trong tầm mắt con người. Làm ta thèm một chuyển mùa có thể, trước khi khép tròn cõi tạm một vòng tử sinh!
Và thế là hứng tình ngoáy bút, tưởng được thong dong dòng chữ chân truyền. Hóa ra cũng lòng ta tự vấn:
vấn quân
đời vẫn phong trần
bút nghiên đâu lẽ bâng khuâng niệm từ
duyên còn hồng ánh chân như
lẽ nào vần điệu cổ thư mặc trầm!


Khát lắm, nhưng chữ thiếu ngọt ngào nên khó nuốt . Lời muốn nhẹ bay mà ý cứ mặc trầm . Chẳng phải vừa rồi bạn nói với ta: đọc “hoang tưởng” của nhà ngươi nghe đau lắm . Cũng mong chỉ là hoang tưởng, không là khải thị tiên tri:
đông với tây mây vẫn màu huyết dụ
báo động nhân gian cơn lũ hận thù
đêm nghe thú hú vang trời gọi lửa
đốt bình yên thiêu rụi cả mặt trời

Có lẽ ta không thoát khỏi cái bóng bi quan ám ảnh:
Đất không Nước và ta người tàn phế
Với hai tay không thể chạm quê hương!

Bạn giúp ta làm sao thoát được thứ ám ảnh của dụ ngôn, làm sao như Người Nguyễn Đức Quang hát vung lời “Ngạo Nghễ”. Khi trời đất chuyển mùa, ta chỉ tay vào mặt trời rằng: rót thêm giọt nắng cho xanh lá tình!
Thư bất tận ngôn, dẫu ta tận lòng ký thác thêm cho bạn một trầm khúc trong chuỗi tự truyện của chính ta đang khi lãng du trên thềm đời hóa thạch!

Ơi những người bạn trẻ, trên hành trình về với Cội Nguồn, nhớ giúp bọn ta chạm mạch Quê Hương . Ân sủng đó là thánh tích hóa khai trầm khúc thành những dòng nước mà trong hoang tưởng ta vẫn mong cầu: nước thời gian chảy thấm mạch yêu thương!

Cao Nguyên

Cao Nguyên và tâm tình " Thao Thức"


Cao Nguyên và tâm tình " Thao Thức"

(Truyền hình Việt Nam / Hoa Thịnh Đốn)

Giới Thiệu tập thơ Thao Thức

Giới thiệu tập thơ Thao Thức 

(Truyền hình Hoa Thịnh Đốn)


Dòng Thơ Lưu Vong

 Dòng thơ lưu vong


Người ta in thơ ra rồi mới bán
tôi bán thơ trước khi in ra
vì muốn biết còn bao người thích đọc
dòng thơ lưu vong viết gởi quê nhà

vì muốn biết bạn bè ở quanh ta
có bao nhiêu người mang nỗi lòng Do Thái
dựng trong tim một dãi Sơn Hà
sống ở đâu cũng nhớ về đất Tổ

*

người ta in thơ ra rồi mới tặng
tôi tặng thơ trước khi in ra
vì muốn biết còn bao người say đắm
được ngắm mình trong ngôn ngữ Mẹ Cha

vì muốn biết giữa điệp trùng tiếng động
còn bao người nghe trầm sóng dòng sông
đang luân chuyển tấm lòng thơ mở rộng
vào mạch quê hương khát vọng tự do

*

sự chênh lệch giữa thơ mua và tặng
giá ước chừng hơn một tách cà phê
chữ để đọc hay chỉ là để ngắm
cũng bâng khuâng từ mỗi cuộc đi, về

người muốn mua thơ hay thích tặng
kẻ làm thơ cũng trân trọng cám ơn
vì đã biết còn tấm lòng cảm nhận
những yêu thương trên mỗi chặng căm hờn!

*

trân trọng viết hai chữ Việt Nam
nơi trang bìa của "dòng thơ lưu vong"
trên nền vàng của phi trường, cửa biển
nơi vẫy chào vĩnh viễn những tấm lòng

những tấm lòng đi viết thơ trên đá, cát
mỗi dòng thơ khao khát nghĩa hòa bình
viết mãi miết theo hành trình gió hát
những bài ca hùng tráng thuở bình minh!

Cao Nguyên

Lương Tri

 Lương Tri 


(Thân kính gởi
những người làm công cho chính mình
trên hành trình văn học)



người làm văn học đi xuyên đêm
bất chấp thời gian là mùa nào
bất chấp không gian đang là đâu
họ âm thầm đi xuôi ngược
quá khứ - hiện tại - tương lai
hành trang chỉ là chữ nghĩa
đôi lúc nhẹ hều, đôi khi nặng trĩu
cứ phóng đi, hướng tới
theo cách nhìn, cách nghĩ khách quan
về chất bi, chất tráng
về cả những hành xử thô bạo
của những kẻ nhân danh đồng chủng
nhân danh đất và nước
để hoàn thành mưu đồ thụ hưởng
để vênh váo cái ta trong vũ trụ người...

người làm văn học
cần lọc bỏ hết những vẫn đục phù danh
những cạnh tranh phù phiếm
những đàng điếm ngôn từ
để lấy ra chất tinh túy của tâm văn và chính sử!

người làm văn học
kẻ làm công cho chính mình
để trả ơn nơi sinh thành chữ nghĩa
để cung cấp thức ăn tri thức cho người
cung cấp nước uống cho những con tim khao khát tự do,
bác ái và nhân quyền
họ đi nương tựa vào cây bút dấn thân
và hào khí làm áo khoác
cho một niệm thân khổ hạnh
vì tình, vì đời, vì những yêu thương
cần sự tồn tại của đạo lý
và tính nhân bản cuộc đời!

người làm văn học
không cần những phù điêu của dị ngôn
họ chỉ cần tự do tìm sự thật
từ hai mặt của những con chữ
sau lớp hóa trang phù phiếm bụi trần
sau những hào quang của những vinh danh tự tạo
trong ba chiều không gian ngụy trá
và thời gian mê hoặc giáo điều!

dẫu nặng nhọc, dẫu khó khăn
người làm văn học vẫn vững bước trên hành trình nhân ái
được rọi sáng bởi đức tin chân lý
và sự hổ trợ đắc lực của hơi thở nồng nhiệt chính mình
cho đến khi ngã xuống
dưới chân thánh giá được làm bằng chất liệu cây bút lương tri
mà họ đã nương cậy suốt đời
để thực hiện những trang sử thi!

Cao Nguyên

Vào Xuân


Thơ Cao Nguyên Tiếng hát Nửa Hạt Cát Nhạc & đệm nhạc Nguyễn Minh Châu

Vào Xuân

 Vào Xuân 

từ Đông đi vào Xuân
đường tuyết vờn xám trắng
may có em đi cùng
mùa bỗng nhiên bớt lạnh

từ búp trổ qua mầm
lá thì thầm gọi nắng
may mắn mặt trời lên
rọi hồng nền sương thắm

từ mắt vào nụ hôn
môi đợi chờ quay quắt
may thơ gọi bồn chồn
má ửng hồng ngước mặt 

và thế là vào Xuân
tình nở bừng mặt đất 
cả hoa bướm cũng mừng
gửi lời chào trăng mật 

Cao Nguyên 

Cách Mạng Nhân Bản - Phương Loan



Lữ Khách vào Xuân

 

Lữ Khách vào Xuân

người Lữ Khách

trên đường vào Xuân
đôi chân trần
dung nhan ngày tháng cũ

những mảnh vỡ thời gian
rớt dọc đường đi
đủ sắc màu

mảnh đen này
tạc đời hoang phế
mảnh tím này
khắc cuộc bể dâu
mảnh đỏ này
ghi lời oán hận
mảnh nâu này
tình nghĩa xót đau

Lữ Khách đi
mãi đi
với những băn khoăn
và lòng tự hỏi
huy hoàng nào
thành quả Cha Ông
máu xương nào
một thời phung phí
quê hương nào
cày xới ngổn ngang

Lữ khách đi
đi mãi
và lòng tự nghĩ
có gì vui
trên bước lưu vong
có gì vui
nơi miền đất lạ
có gì vui
những Tết xa nhà
có gì vui
bạn bè trôi nổi
có gì vui
trong men rượu cay ?

Lữ Khách đi
đi mãi
chân đạp gai đời
rướm máu thịt da
thân chạm lòng người
nặng lời dối trá
tâm chạm tim người
vật vã đau thương

Lữ Khách đi
đi mãi
lòng bồn chồn
giữa những điều may rủi
trong số phận làm người
giữa những vùng nghèo đói
trên khắp mặt địa cấu
giữa những lời bối rối
người gọi người tìm nhau !

Lữ Khách dừng chân lại
nơi phố ảo ân tình
uống chén trà Xuân nhạt
chữa lành vết chân đau

Để mai
Lữ Khách còn đi nữa
nhưng chưa biết
từ đâu
đi về đâu
nhà với quê xa lắc
sông biển nào chẳng sâu
thật sâu!

Cao Nguyên

ƯỚC MƠ VIỆT - Liên Đoàn Hướng Việt


Thơ: Cao Nguyên. Nhạc: Đình Đại. Trình bày: Hướng Đạo Sinh Liên Đoàn Hướng Việt - Irvine, CA.

Thi Tập Thao Thức

 

Thi Tập THAO THỨC


Lời Ngỏ vào thi phẩm THAO THỨC 

Sự tàn khốc của cuộc chiến là một định đề kết nối bằng những chuỗi đau thương của bao nhiêu triệu người ngã xuống chỉ trong hai mươi năm của cuộc chiến Quốc – Cộng . Sự thổn thức khơi chảy những dòng lệ đỏ gồm nước mắt và máu của những con tim vỡ theo nức nở của tiếng khóc ngậm ngùi khi phải làm nạn nhân và chứng nhân trong những cuộc thảm sát của tập đoàn quân Cộng Sản chỉ biết thù hận và hủy diệt . Hủy diệt tình người, hủy diệt mặt đất, hủy diệt cả nền văn hóa dân tộc . 
Thử hỏi quí vị, một người cưu mang chữ nghĩa phải đi như thế nào dưới sự khắc nghiệt của chiến tranh và sự hủy diệt mà không bị gục ngã? Phải "vịn câu thơ mà đứng dậy", tiếp tục đi. Cảm ơn chữ nghĩa cho tôi chỗ tựa suốt đời với niềm tin rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông . Thứ mặt trời của ánh sáng chân lý, của khát vọng làm người, của tự do dân chủ . Bởi mặt trời đang có ở quê nhà là mặt trời của thống trị, đốt cháy màu sanh của lá, đốt cháy tình người, đốt cháy mọi di sản nhân bản Việt Nam . 
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảng da vàng còn tươi …!
 

Dẫu cuộc chiến đã chấm dứt gần bốn mươi năm . Nhưng trên hành trình thơ tôi đi qua, tất cả đều mới quá . Mới cả hơi thở cuối của đồng đội trong vòng tay tôi, mới cả đôi môi bé thơ ngậm núm vú tìm giọt sữa nơi người mẹ đã chết trên con đường chạy trốn kẻ thù. Và mới quá những trại tù nơi núi rừng Việt Bắc chứa những phận người thoi thóp sống để chờ ngày về sống lưu vong trên chính quê hương mình, và tiếp đến lưu vong mãn kiếp trên đất người . 
Trong sự rủi ro của một phận người sinh lầm thế kỷ điêu linh, tôi có cái may được làm người lính có trách nhiệm giữ nước, được làm chứng nhân của giai đoạn lịch sử khắc nghiệt đó . Một khắc nghiệt cay đắng của chiến binh: chưa buông súng đã đầu hàng! 

Trong bàng hoàng thao thức, những giọt nước mắt pha máu chảy từ tim, luồn lách qua dòng nghĩ rót từng con chữ lên mặt giấy thành dòng thơ lưu vong! 
Thơ ta đó rừng ơi ru chút nhé! 
Nghe tưởng chừng lời ủy mị của kẻ thoái thân . Không đâu, tôi vẫn khẳng định mình là một chiến bình còn tại ngũ, vì chưa hề nhận được chứng chỉ giải ngũ từ Bộ Quốc Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Nên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù dân tộc bằng loại vũ khí mềm - cây bút . Còn nghiêm chỉnh chào lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, vẫn áp tay lên ngực trái hát bản quốc ca: này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi … và cúi đầu mặc niệm những linh hồn vị quốc vong thân ! 
Luôn cầu xin hồn thiêng đất nước ban ơn lành cho quê hương Việt Nam sớm thoát cơn nguy biến nước mất nhà tan, nhân dân thống khổ . 

Có thể nào một tối
Nhìn nhân loại sắp hàng
Chờ phiên mình hối lỗi
Trước những nỗi lầm than !
 
Mong lắm thay . Một cuộc tự hối của những tên đồ tể, những kẻ bán nước hại dân, kể cả những tên vong bản bán cả linh hồn đồng đội, phản trắc và trở cờ! 

Riêng về tập thơ “Thao Thức”, ngắm bức tranh “Ngàn Đêm Thao Thức” của họa sĩ Vũ Hối, tôi nảy ra ý niệm dùng chữ “Thao Thức” cho chủ đề . Bởi vì chính tôi đã thao thức qua mấy nghìn đêm từ trong trại tù Cộng Sản đến nhập cuộc lưu vong . Qua dòng nghĩ, chữ nối chữ, câu nối câu hình thành những bài thơ tôi phóng lên các trang website, hoặc lưu lại trên báo giấy . 
Sự cảm nhận ưu ái của người đọc qua dòng thơ này, hổ trợ tinh thần cho từng bài thơ tiếp theo . Suốt chiều dài 20 năm lưu vong ẩn chứa trong nguồn thơ đó . Điểm xuất phát từ bi hận của Tháng Tư Đen: Chưa buông súng đã đầu hàng … Dấy lên bao trăn trở trên từng góc cạnh đời nghĩ đến hay chạm đến trái tim Việt Nam . 
Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức 
Vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng! 

Tôi là một người Việt Nam . Mỗi quí vị là một người Việt Nam . Có trái tim Việt Nam nào không thổn thức trước những điêu linh, nhà tan nước mất, còn phải chạy trốn kẻ thù tàn bạo cưỡng chiếm quê hương mình ? 
Là một người Việt Nam
Trái tim tôi bị đau
Kể từ khi bỏ nước
Sống nhập cuộc lưu vong!

Việt Nam quê hương tôi
Một đất nước tuyệt vời
Đau và thương mãnh liệt
Trong trái tim Việt Nam! 


Đau lắm, thưa quí vị . 
Nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực 
lòng quặn đau nghẹn nỗi sa trường! 

Nỗi đau của người lính bị bức tử là vậy, nhưng vẫn nhỏ hơn nỗi đau của một dân tộc qua các cột mốc thời gian 1954, 1968, 1072, 1075 … phải chạy trốn một thế lực thù hận đã mất tính người “thà giết lầm hơn bỏ sót” những ai chống lại chúng, những ai đòi quyền tự do và bình đẳng . Những hố chôn người tập thể luôn là ấn tượng ghìm sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt, đã trực tiếp hoặc gián tiếp là chứng nhân, là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân theo chủ thuyết Cộng Sản . 

Qua hơn 200 bài thơ trong tập thơ Thao Thức, tôi muốn chia xẻ cùng quý vị những gì mà một người Việt Nam, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương . Tôi chia xẻ cùng quý vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người . Tôi cũng chia xẻ cùng quý vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được tái tạo từ những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, những thơ mộng của núi sông . Hơn thế nữa là sự phục hung nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên dựng xây và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay . 
Còn đâu một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến với niềm tự hào của dòng giống Lạc Long! Còn đâu một thành phố Sài Gòn với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông! Tất cả đã bị “lăng trì” bởi tiếng nổ kinh tâm trong ngày 30 tháng 4 năm 1975! 
Rơi vang một tiếng nổ bùng 
Thắt ngang nước Việt một vòng khăn tang! 

Ba mươi chín năm qua rồi phải không quí vị? Một nửa đời người, một nửa thế kỷ . 
Nửa thế kỷ Việt Nam 
Nửa thế kỷ thật buồn! 
Một nỗi buồn bi đát triền miên thấm dần trong tâm trí chúng ta, hình thành nỗi khắc khoải ưu tư suốt một đời người . Niềm đau còn thấm vào dòng hệ lụy cưu mang một nỗi ngậm ngùi: 
Vạch tìm trong đống tro tàn
Nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi …
… Máu loang xé toạc tiếng cười /
Ngang lung vết chém của loài thú hoang!
 

Từ khắc khoải ưu tư đến hoài vọng tái tạo quê hương, tôi đã viết “Trường Ca Bi Tráng” . Bi rất nhiều mà Tráng cũng không ít . Bởi những anh hùng vị quốc vong thân, đã làm nên một trang sử oai hùng cho các thế hệ tiếp sau noi gương tiền nhân đi làm lịch sử: 
Học lịch sử để biết làm Lịch sử
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh
Mà phải đổi bằng chính mình xương máu
Vì non sông, vì tổ quốc Việt Nam. 

Cảm ơn quý vị đã dành chút thời gian để nghe đôi điều tâm tình của tác giả “Dòng Thơ Lưu Vong” . 

Trân trọng 
Cao Nguyên 

(Trích nội dung buổi hội thoại tại Đài Truyền Hình vùng Hoa Thịnh Đốn, ngày 13/4/2014) 

Giới thiệu Thi Tập THAO THỨC tại Paris:

 Giới thiệu Thi Tập THAO THỨC tại Paris: 



Hòa Nhịp Với Thao Thức 

Chúng tôi là Cao Nguyên kính chào quí quan khách đang tham dự đêm « Sinh Hoạt 30 Tháng 4 Tại Paris. 
Thưa quí vị, 

Thật là vinh dự cho chúng tôi được góp phần vào chương trình «Dòng Nhạc Đấu Tranh « . 
Với tôi, hơn 20 năm lưu vong, gần 10 nghìn đêm thao thức nhớ về nỗi bi hận của cuộc chiến bảo vệ quê hương không thành, nhớ về những tủi nhục trong các trại tù cải tạo cộng sản . 
Là một người lính của quân lực VNCH chiến đấu bảo vệ nền tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam. Sau thất bại đắng cay, miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, người lính trở thành người tù và là người Việt Nam lưu vong. Nỗi uất hận riêng hòa cùng với nỗi đau chung của dân tộc, chúng tôi thấy cần phải tiếp tục chiến đầu vì lý tưởng quốc gia . 
Không còn súng trong tay, chúng tôi dùng ngọn bút đánh vào tập đoàn phi nhân bản cộng sản, với quyết tâm của một công dân yêu nước. 

Với hơn 200 bài thơ trong thi tập Thao Thức, chúng tôi muốn chia xẻ cùng quí vị những gì mà một người Việt Nam, vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương . 
Chia xẻ cùng quí vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người . Và cũng chia xẻ cùng quí vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được khôi phục lại những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, sự thơ mộng của núi sông . 
Khẩn thiết hơn nữa là sự phục hưng nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên gầy dựng và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay. 
Thi tập Thao Thức chứa cả máu và nước mắt, chứa cả bi và tráng của một giai đoạn lịch sử suốt nửa thế kỷ. Đủ cho ngôn ngữ 
tỏa âm thành tiếng hát xoáy buốt lòng người nhỏ xuống những giọt lệ hồng, những giọt lệ pha máu chảy từ tim. Và cũng đủ chất lửa soi đường ước vọng phục hưng đất nước. 

Thưa quí vị, ngôn ngữ thi ca hôm nay là chất liệu cần thiết tiếp truyền sinh lực vào thế hệ trẻ biết đồng cảm, cùng đồng hành theo tiếng trống trận Thăng Long làm nên lịch sử khai phóng và tái tạo quê hương trong tinh thần Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm. Dõng dạt và kiên định nói với Mẹ Việt Nam rằng: Chúng con vẫn còn đây . Vâng, thưa Mẹ: Chúng con vẫn còn đây . 
Khi tiếng hát vang lên trên nền thơ dàn trải . Xin quí vị cùng hòa nhịp với lòng nhiệt thành hổ trợ cho cuộc tranh đấu vì độc lập tự do, vì nhân quyền bác ái cho quê hương Việt Nam. 

Xin cảm ơn quí vị quan khách với lòng biết ơn trân trọng của chúng tôi. 
Đồng thời cảm ơn ban tổ chức đã ưu ái cho chúng tôi có cơ hội giới thiệu thi tập Thao Thức. 

Xin kính chào quí vị quan khách 

Cao Nguyên 

Audio: 
https://app.box.com/s/0iv6in441dxwchkqdhcu 

Thùy An Giới Thiệu Thi Tập Thao Thức 
https://app.box.com/s/eh6yknjk4xy027hb43g0 

Diễn Đọc bài thơ NHỚ ĐÔNG XƯA 
https://app.box.com/s/eyj0ldk3m83xrzgw4x77 

Ước mơ Việt - Dream for motherland , Vietnam


Van Hoa Viet Nam in Australia 

Ước mơ Việt - Trường VHVN Canley Vale

Đọc Thơ Cao Nguyên

 Đọc Thơ Cao Nguyên

Đọc thơ Cao Nguyên: từ “Nhánh Sao Đêm” cho đến “Thành Phố Mẹ”

Những rung cảm cùng nhà thơ Cao Nguyên từ hai mươi năm qua ở Hoa Kỳ... 

nha-tho-cao-nguyen
Chân dung nhà thơ Cao Nguyên (WA-DC)

Người viết đã bất ngờ đọc lại được một bài thơ hay rất mới và hiếm quý- chan chứa nhiều cảm xúc đến thế…
Nghe đến tên tác giả Cao Nguyên thì thật không là xa lạ qua các hoạt động mạnh mẽ của thi sĩ Cao Nguyên từng quen biết, từng là  một nhà thơ quân đội tị nạn nơi xứ người. Nhiều bài thơ uất nghẹn tâm trạng lạc loài, buông súng xa quê… trong những tuyển tập thơ “Cụm Thơ Tình Yêu“, và một tập thơ riêng của tác giả. Nhưng qua bài thơ ánh Sao đêm , thể hiện dòng  xúc cảm đầy tươi mới và sinh động…

Không những thế nhà thơ Cao Nguyên rất nâng niu những chữ nghĩa chắt chiu qua một trang web riêng của  mình trong đó có 91 thơ mục (chưa kể nhiều bài góp mặt đây đó) và  một tập thơ do Cội Nguồn ấn hành…

Tóm lại Cao Nguyên có một cõi thơ riêng phong phú,  giàu chất thi ca và trí tưởng cùng hoài niệm về một niềm đau chung của một người cựu sĩ quan Quân Đội VNCH…
Trong cõi thi ca đa dạng và giàu chữ nghĩa âý xin mời bạn đọc thưởng thức hai bài thơ đủ nói lên tâm hồn thơ của Cao Nguyên qua một bài thơ mênh mang tươi trẻ, cùng với một bài thơ phong thái trau chuốt giàu  chữ nghĩa, hình ảnh và ý tưởng. 

nhanh-sao-dem

Nhánh Sao Đêm

thơ Cao Nguyên 

sợi tơ hồng buộc tim em thuở nọ
tháo làm chi cho gió cuốn tình đi 
dòng nước mắt muộn màng khơi rất nhỏ
rơi âm thầm sao vỡ cả lòng sông !

tình cứ ngỡ lá trầu không chưa úa
trái cau xanh bổ nửa vẫn còn tươi
mâm ngũ quả, nến hồng còn rực rỡ
môi đang xinh sao trót lỡ nụ cười !

lặng lẽ thoát qua em mùa lá đổ
chiều, từng chiều, qua những phố quen xưa
lời thầm lắng âm vang tình lướt gió
xao xuyến buồn gõ xuống bước chân đưa !

mùa Hạ cũ mà Phượng còn chín đỏ
từng cánh bay qua ngõ tựa môi quen
ghép giữa gió những mảnh rời tim vỡ
hạnh phúc về từ một nhánh sao đêm !

(nguồn và tranh minh họa: Hạ Vi FB)

Sau bài thơ mới gần đây (ánh Sao đêm) gieo nhiều cảm xúc thơ mộng đồng cảm về hình ảnh và nét tươi tắn rung lên cảm xúc phát xuất từ  trang Facebook với những vần thơ và tranh minh họa chọn lọc của một bạn yêu thơ trẻ hiện cũng đang sinh sống tại Washington-DC giống tác giả Cao Nguyên.
Từ bài thơ này dắt đưa người đọc  nhớ đến  một bài thơ khác cũng từng được trân trọng giới thiệu trong một tiết mục The Beauty of Vietnamese Culture “Nét đẹp Quê Hương” trên diễn đàn trẻ trung mang đầy tính văn nghệ của Trung Tâm Asia Forum với đậm nét cảm xúc nồng nàn do Hạ Vi phụ trách.
Bài thơ phải chăng đã gợi cho người đọc tìm thấy chất chứa  nỗi nghẹn ngào thân quen mỗi khi người lính tương tư quê nhà từng viết những dòng thơ hướng về quê nhà bên kia bờ đại dương… điển hình như bài thơ được ghi lai  như sau:

Thành Phố Mẹ

Cali có Little Sài Gòn
Paris có Sài Gòn Phố không em?
mà dẫu có một Sài Gòn ở đó
cũng chỉ là thành phố mượn tên để mỗi lần gọi lên là nhớ

Sài Gòn – thành phố Mẹ phía bên kia
(bên tuổi trẻ đã buồn chia máu lệ
bên niềm vui chỉ để kể người nghe vui
như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ
có phượng hồng cài mái tóc yêu thương!)
ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực
khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn!

Chừ em bước trên một thành phố mới
có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
(những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)

Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
ngày luyến nhớ Paris, Cali, NewYork
có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?

thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
những con đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương
những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé…
giữa đời ta là cả một trời thương!

Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
không phải một thời, mà mãi ngàn đời
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

Cao Nguyên
(nguồn:
-The Beauty of Vietnamese Culture TT ASIA Forum) 

Tiểu Sử thi sĩ Cao Nguyên qua tâm tình của tác giả…

Một số sinh hoạt đóng góp và sáng tác thi ca của nhà thơ Cao Nguyên được ghi lại như:
– Hội viên hội thơ tài tử hải ngoại
– Hội viên văn bút miền Đông Hoa Kỳ
– Thơ và văn Cao Nguyên đăng trên các báo, tạp chí và các tập thơ:
– Tuyển tập “Cụm Hoa Tình Yêu 10” (Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại)
– Tạp chí Văn Học
– Tạp chí Nguồn, Khơi Nguồn
– Tuyển tâp Văn Học Thời Nay 3, 4, 5, 6, 7
– Nguyệt San Giao Mùa
– Tuyển tập “Phố Ảo Tình Chân” (Việt Báo)
– Báo Người Việt, Sài Gòn Mới, Mai, Sóng Thần…
– Tập thơ “Hương Thời Gian” (30 tác giả)
– Tuyển tập Hoa Sơn Trang (28 tác giả )
– Diễn đàn thơ văn: Bằng Hữu, Đặc Trưng, Hoa Sơn Trang, Trinh Nữ,
   PhốXưa, Phố Việt,
– TeTet, Việt Báo, Bến Sông Mây, Việt Nam Thư Quán…
– Tuyển tập thơ Cụm Hoa Tình Yêu 11
– Tuyển tập thi nhạc Hùng Sử Việt Nam.
– Chủ biên Tuyển tập thơ văn Bến Trăng (27 tác giả).
– CD thơ Về Nguồn (thơ Cao Nguyên)
*
Có thể, Bạn đã gặp Cao Nguyên từ bốn-mươi-năm trước trong Cổ Thành Pleime, hoặc trên một góc rừng già của cao nguyên Lâm Viên, trên một bến sông của miền duyên hải Trung Phần Việt Nam. Nhưng thời gian và nơi chốn có gì quan trọng?

Tôi chỉ muốn không nhắc mà vẫn nhớ những mùa Trăng xao xuyến lòng người, những ngọn lửa đốt đời thành tro bụi, những ân tình mãi đuối mắt nhìn theo, những rung cảm tận cùng của nồng nàn và cay đắng…
Net chỉ là phương tiện chuyển đạt, Cao Nguyên mới là cái tên mà những người bao năm cũ đã gọi, bây giờ biết  nó vẫn còn đây. Vẫn còn cái nhiệt huyết của một bóng người đứng bên Thác Mơ của những hoàng hôn, ngậm trên môi những lời Du Ca, thèm được ngân lên trên nền trời khát vọng vô biên hào phóng tình người…
Cám ơn bạn đã vào nơi Cao Nguyên gởi gắm những chân tình!


Thư Viện

Như Thơ

Như Thơ Như Thơ Thơ: Cao Nguyên Ca nhạc: Dzuy Lynh