Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Những Bi Khúc

 

Những Bi Khúc

Từ ngả ba Biên Giới (Việt-Miên-Lào), xuống đến vùng Bù Gia Mập dọc chân dãy Trường Sơn và những điểm nóng của miền duyên hải Trung Phần (từ Bắc Bình Định vào Nam Bình Thuận); Đi và Đến, Thấy và Hiểu cái nghĩa của chữ chiến tranh dưới tầm nhìn của một chiến binh, hoặc của một người dân, sự kết thúc trên bất cứ hiện trường nào cũng đều bi đát và tang thương!


Máu, nước mắt, và những tiếng rên đau, tổng hợp thành những bi khúc triền miên. Những bi khúc theo dòng thời gian chưa hề bị gián đoạn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn được viết tiếp khi bước chân của người Việt lưu vong, dẫu đã hay chưa từng đặt lại bước chân mình trên vùng đất khổ.

Chính tôi cũng đang bị sức cuốn của các bi khúc dẫn dắt vào ngòi bút ngay khi đặt thân tâm mình trên vùng đất đó.
Những biến cố thời cuộc như một con giốc oan nghiệt mà mệnh số đẩy tôi tuột xuống đáy vực bi thương. Không chỉ mình tôi, cả hàng triệu người cùng chung số phận. Nên nhiều lúc tôi không tin ẩn tích trên những đường chỉ trong lòng bàn tay, khi nhớ lại đã có lần xem tử vi được Thầy phán: Đường sinh đạo của nhà ngươi rất là may mắn!

Trên một đất nước vừa nghèo đói, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá bao nhiêu năm. Thử hỏi những gì còn tồn tại mà không bị tì vết của bi thương hằn dấu? Những thực thể của một quê hương yêu dấu đã bị rạch nát, niềm tin của con người cũng bị băm vụn ra. Không thể nào lắp ghép và hàn gắn nguyên lành cho một tổng thể quê hương hùng vĩ và hoàng tráng.

Có thể nói, khi tôi đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên, vừa lúc cuộc chiến Việt Nam lan rộng và vượt lớn ngoài sự tiên liệu, ngay cả các nhà chiến lược cũng không tính được dã tâm của cuộc chiến, bi thảm và tàn khốc như thế. Từng khối lửa úp chụp xuống những Thôn Làng, và cả những Thị Trấn, Thành Phố. Trên từng không gian đó, con người luôn ngửi thấy mùi khét cháy của thịt da. Xương máu lấp lánh dưới ánh hỏa châu suốt nhiều đêm, nhiều tuần, nhiều tháng, qua các địa danh mà mỗi khi nhắc đến còn thấy rợn người: A-Shao, A-Lưới, Ban hét, Dakto, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, An Lộc...!

Những điểm đỏ nhấp nháy trên bản đồ chiến trận đã hất tung lên một hợp chất gồm cỏ xanh, lúa vàng, mái tranh, xác xương người, trộn lẫn với hỗn loạn âm thanh của những tiếng thét, tiếng rú, tiếng rên la gào khóc, đã làm thành những bi khúc thời đại.

Điển hình cho những bi khúc là "Thung Lũng Hồng", một điểm dừng trên đường triệt thoai quân từ tây nguyên về duyên hải:

Đây không phải là "thung lũng hồng" của Đà Lạt - thung lũng đẹp và thơ mộng, đã có biết bao lời thơ,tiếng hát nói về nó.
Thung- lũng- hồng mà tôi nói ở đây, đối với tôi là một địa danh buồn, mãi mãi buồn. Ba chữ THUNG LŨNG HỒNG được viết bằng sơn xanh màu lá trên một mảnh kim loại xám, được dựng ở ven đường Liên Tỉnh Lộ 7 (vùng Cheo Reo / Phú Bổn). Khi thấy cái địa danh này, trong thoáng chốc tôi đã quên đi cái vùng lửa từ phía sau đang cuộn tới bén gót chân đoàn người di tản từ cao nguyên xuống đồng bằng - họ đi tìm Sống - vào những ngày cuối tháng 3/1975.
Thung-lũng-hồng! Một ngữ âm buồn mà đẹp, một chất giọng thơ nẩy lên từ vùng đất chết, đã đẩy tôi đến một nghịch thường: thi vị hóa một hiện trường đầy máu và nước mắt của thân quyến tôi, của bạn bè tôi. Phải chăng đó là nét bi tráng? Một tấu khúc toàn những vọng âm buồn nổi lên trên cái nền nhạc Jazz cuồn cuộn lửa.

Những dòng thơ tôi viết từ hiện trạng đó, bây giờ đọc lại, lòng vẫn còn nao nao xúc động - một xúc động nghẹn ngào - khi nét mặt bạn tôi hiện lên rõ nét, mà nó thì mãi mãi nằm xuống trên thung lũng buồn. Rồi còn mãi thấp thoáng trong ký ức tôi những giòng nước mắt.

Thung Lũng Hồng

Trưa đong đầy nắng Hạ
đi qua thung lũng hồng
nơi đây vùng đất lạ
sao nghe buồn mênh mông

bên trái - những cánh đồng
đạn cày, bom gieo hạt
bên phải - dòng sông Ba
với đôi bờ xơ xác

vách núi cao dựng đứng
bờ vực thăm thẳm sâu
xác người vắt lơ lửng
dọc hai bên thành cầu

bầy chiến xa quay đầu
đạn cày tung vách đá
rừng núi bỗng đổi màu
hồng hoang ngày tháng Hạ

lửa trào lên cuồn cuộn
đốt cháy thung lũng hồng
bạn bè vừa ngã xuống
ta rơi vào hư không!

Cao Nguyên
Nha Trang mùa Hạ 1975

Nhân Duyên Văn Học


Hành Trình Nhân Ái - Nhân Duyên Văn Học

Một lần, do chị Bích Thủy giới thiệu mà tôi biết thơ Cao Nguyên. Mãi gần hai năm sau, tôi gặp nhà thơ từ Miền Ðông Bắc Mỹ về thăm anh Phạm Trần Anh. Duyên văn nghệ, từ đó!
Hôm gặp anh, có hứa sẽ tái bản “Thao Thức”, nhưng lời hứa trôi xuôi, vậy mà ngót cũng gần hai năm. Ôm món nợ văn nghệ, với anh, cũng từ đó!


Chừng ba tuần nữa anh lại về Nam Cali, anh em chẳng dự tính trước, ấy vậy mà “Hành Trình Nhân Ái” ngoài ấn bản giới thiệu ngày 27 tháng 5 năm 2017, trong nhạc hội Lễ Mẹ, còn cất bước xa hơn hành trình nhân ái rộng bốn phương với ấn bản phát hành trên hệ thống Amazon.

Duyên văn nghệ dài lâu, tưởng chỉ ngừng lại giữa anh em. Nào ngờ, trong lúc loay hoay tìm ảnh cho bìa của ấn bản 2, Nxb Giao Chỉ - Amazon, tôi chọn hình của người bạn nơi phương xa Cecilia Tram Nguyen, song đâu có ngờ, tác giả bức ảnh là cháu ruột của họa sĩ Vivi, mà ấn bản 1, Nxb Về Nguồn, tranh bìa là của họa sĩ Vivi. Hóa ra duyên văn học không biên giới.
Mọi giao tình, tròn một vòng Nhân Duyên!

Uyên Nguyên
14/5/2016 

***

HÀNH TRÌNH NHÂN ÁI 

Tác giả: Cao Nguyên
Nxb Giao Chỉ xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ,
và phát hành trên kệ sách Amazon, 2017
Ảnh: Cecilia Tram Nguyen – Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-1546656944
© Tác giả và Nxb Giao Chỉ giữ bản quyền.




ấn bản phát hành trên hệ thống Amazon. 
https://www.amazon.com/gp/product/1546656944/ref=kinw_rke_tl_1

Tâm Tình Hội Ngộ

 

Tâm Tình Hội Ngộ

Với tôi, mỗi chuyến đi đến một thành phố gần hoặc xa đều mong muốn có cuộc hội ngộ tâm giao với những thân hữu đã thân quen, hoặc chỉ mới biết qua văn thơ nhạc trên các trang web văn học và trên Face Book. Bởi trong mỗi chuyến đi vừa qua, đều có nhiều kỷ niệm đẹp với những ân tình thân hữu đáng được trân trọng giữ gìn. Đồng thời, qua giao ngộ thân tình cũng là dịp để kiểm nghiệm hiệu quả từng việc làm của chính mình qua từng chặng thời gian làm gạch nối với những chuyến đi trước và sau trên hành trình chữ nghĩa cưu mang. 


Sự hài hòa của việc và người luôn là niềm vui thỏa thích đủ để lắng đọng trong tâm tư sự cảm khái nhiệt thành của tình thân hữu. 

Chiều nay trên chuyến bay trở về Virginia sau 5 ngày rong chơi ở Nam California, tôi viết những dòng tâm tình này gởi đến những thân hữu và chiến hữu vừa hội ngộ. Vừa để lưu lại những kỷ niệm đẹp, vừa ngỏ lời cảm ơn tất cả các thân hữu đã ưu ái dành cho tôi cơ hội diễn đạt tâm tư qua tác phẩm "Hành Trình Nhân Ái". Hơn thế, đồng thời gian của chuyến đi tôi được tham dự buổi giới thiệu và phát hành sách "Sổ Tay Chính Tả " và "Việt Sử Bằng Tranh" do Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt và Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức tại phòng thu của đài truyền hình SBTN. 

Riêng với chương trình ca vũ nhạc "Hát Cho Nhau Nghe" do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tổ chức vào buổi chiều 27/5 tại M-Lounge Restaurant. Ban Tổ Chức đã tạo điều kiện cho tôi giới thiệu tác phẩm "Hành Trình Nhân Ái", thời gian tuy ngắn nhưng thấm nghĩa ân tình từ khởi đầu đến kết thúc. Trong cuộc hội ngộ này, ngoài những thân hữu đã thân quen, tôi còn gặp được những người bạn mới. Đặc biệt, có một người bạn biết nhau từ hơn mười năm qua duyên của chữ nghĩa, nay mới được gặp. Vừa là bạn văn thơ, vừa là tình chiến hữu, nên khi gặp được nhau thật vui và cũng thật xúc động đúng như lời bài thơ tôi viết tặng những chiến hữu xuất thân từ quân trường sĩ quan Thủ Đức. 

Bọn Mình 

Đừng nên nói: quả đất này quá rộng 
miễn bọn mình còn sống, sẽ gặp nhau 
mỗi lời nói của một niềm hy vọng 
giúp bọn mình thu hẹp những đêm sâu! 

Bốn mươi năm trước, không gian ta là lửa 
và thời gian là ngưỡng cửa mất, còn 
nên bọn mình, chẳng đứa nào chắc hứa 
vì biết đâu, chút nữa có còn không! 

Bốn mươi năm sau, bọn mình gặp lại 
vỗ vai mừng: tâm trẻ, thân già 
nếu chẳng phải tù, đời bạc đãi 
tuổi sáu mươi còn mãi đẹp ra! 

Thôi thì thử tạm xa quá khứ 
cụng ly vui đoàn tụ, bình an 
qua gian nan, chân vàng bền trụ 
trọn nghĩa tình, bạn cũ còn thương 

Thương quá thuở Vũ Đình Trường từ biệt 
hẹn gặp nhau, nhưng chẳng hiểu khi nào 
chuyện sống chết làm sao mà biết 
chỉ mong mình còn nhớ đến nhau! 


Nhớ cái được, không quên nhiều cái mất 
trong bọn mình, nhiêu đứa đã về đâu 
đứa yên nghỉ giữa rừng sâu Tân Cảnh 
đứa gởi mình trong thung lũng A Shao 

đứa bỏ cuộc trong trại tù Yên Bái 
đứa trầm mình dưới đáy biển sâu 
còn bao đứa xa gần trên mặt đất 
cùng giờ này, tay chạm vết thương, đau! 


Rượu đang ngọt, sao pha thêm lệ đắng 
cho nghẹn ngào sâu lắng giữa lòng nhau 
chỉ tại ta - giữa vui, buồn xa vắng 
tạ lỗi bọn mình, men đắng cạn - buồn đi! 



Trước khán thính giả của đêm hội ngộ Tình Nghệ Sĩ, anh Bá Hùng nói về ý nghĩa bài thơ tôi gởi tặng các chiến hữu Khóa 3/2072 trên diễn đàn Đặc Trưng vào năm 2009. Từ đó anh đi tìm tác giả bài thơ và bây giờ được gặp. Niềm vui đến cùng sự xúc động dâng đầy không riêng cá nhân chúng tôi mà cả những người cùng chung cảnh ngộ sống qua thời chiến tranh và đang lưu vong thuở hòa bình. 

Có những nỗi nhớ khôn nguôi, nỗi nhớ của ân tình đồng đội, nỗi nhớ những tang thương suốt cuộc chiến, nỗi nhớ quặn lòng đau trong các trại tù cộng sản, nỗi nhớ của sinh ly và tử biệt: 
Nghẹn lòng đau tha thiết biết chừng nào 
mai gặp lại trăng tàn trong đáy huyệt 
đèn phù du siêu độ những vì sao ...! 

... Nỗi buồn ấy hiển nhiên có thực 
ai không tin - cứ hỏi bạn ta 
viên đạn nào bắn vào giữa ngực 
khi tim còn dồn nhịp thiết tha! 

Là thế đó, cuộc hạnh ngộ chứa niềm vui và nỗi buồn trên dòng thời gian giao thoa đồng cảm thật trân trọng trong tình người suốt hành trình nhân ái của những người Việt Nam lưu vong luôn hướng về quê hương nguyện cầu Quốc Thái, Dân An. 

Cảm ơn chiến hữu Bá Hùng, cảm ơn những tri tình thân hữu trong cuộc hội ngộ tâm giao của anh chị em trong đại gia đình Tình Nghệ Sĩ. 

Trân trọng, 
Cao Nguyên 

Washington.DC - 31/5/2017 



Nỗi Nhớ Khôn Nguôi 

* Nghệ sĩ Phi Loan diễn ngâm trong đêm hội ngộ Tình Nghệ Sĩ: 
https://www.youtube.com/watch?v=9jWFondP7sQ&feature=share 

Bài Học Lịch Sử

Bài Học Lịch Sử 


Bài học lịch sử không bao giờ cũ
chỉ sợ mình không đủ sức đi theo
nếu không thể, nhắn cháu con lời nhủ:
Việt Nam ta - một Dân Tộc anh hùng 

khởi đầu học từ vua Hùng dựng nước 
dòng Văn Lang sau trước vẫn kiên trì 
chống giặc ngoại xâm bảo tồn nòi giống 
quyết đấu tranh giữ vững đất biên thùy 

học lịch sử để biết làm lịch sử 
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh 
mà phải đổi bằng chính mình xương máu 
vì Non Sông, vì Tổ Quốc Việt Nam 

đời cha ông đang dần dần xa khuất 
nhưng tấm lòng, hào khí mãi còn nguyên 
trọng hiếu nghĩa nuôi mối giềng đạo đức 
ngẩng cao đầu và ưỡn ngực đi lên 

khôi phục lại những trang hùng sử Việt 
trách nhiệm này tha thiết gọi cháu con 
biết tự hào là con Rồng, cháu Lạc 
hiên ngang đi khao khát nghĩa sinh tồn 

học lịch sử là thắp hương thừa tự 
trên lâu đài Văn Hóa Sử Việt Nam 
giữ sáng mãi gương tiền nhân bất tử 
và bảo tồn dòng Quốc Ngữ chính danh . 

Cao Nguyên 

---
History lessons 

The lessons of history are timeless 
Only that we are not able to learn them 
If so, just send our children this message: 
Vietnam is the country of a heroic people 

The first lesson begins with Hùng Kings 
Being of Văn Lang descent, we are ever-consistent 
in fighting the foreign invaders to preserve our race 
and struggling drastically for holding the frontier lands 

Learning the history is learning to make history 
Independence and freedom are never free 
We could only gain those by shedding our blood 
For the country,
for the Vietnamese fatherland 

The generation of our forefathers has gradually faded 
Yet their spirit and patriotism are forever unlost 
With a philosophy that values loyalty and morality 
They always held their heads up moving forward 

To restore the heroic chapters of Vietnam history 
we earnestly call the descendents to do their duty 
to be proud of being the offsprings of fairy and dragon 
to step up haughtily in the struggle for existence 

To learn history is to burn the heritage incense 
on the temple of culture and history of Vietnam 
thus conserving the examples of the immortal predecessors 
and maintaining the originality of the national language 

NHT


Thư Viện

Như Thơ

Như Thơ Như Thơ Thơ: Cao Nguyên Ca nhạc: Dzuy Lynh