Những Điều Không Thể Quên
Rồi Tháng Tư cũng qua. Đau Thương rồi cũng lắng.
Rồi hiện tại cũng qua. Khi mở cửa vào tương lai.
Nhưng chắc chắn một điều không thể tách rời quá khứ khỏi cuộc đời mình, nhất là quá khứ của một cuộc hành trình đầy chông gai, cuồng lũ và bão lửa. Do bất trắc của thiên nhiên hợp cùng sự cuồng nộ của lòng người dậy lên dòng đời nghiệt ngã!
Quá khứ của một thời như vậy làm sao quên? Biết nhớ là đau thương, nhưng muốn quên là không thể. Quên là tự phản bội với chính mình, phản bội với những người cùng đồng hành trong thời nghiệt ngã đó. Quên là từ chối trách nhiệm của một người dân đối với quốc gia, dân tộc. Thấm thía hơn là mình cố tình đốt cháy căn cước tị nạn, trong đó có cả lời thề và lời xin lỗi. Xin lỗi quê hương đành đoạn rời xa mang theo tâm niệm hi sinh vì tổ quốc. Đồng thời xin lỗi quê hương thứ hai đã cưu mang mình về một lời thề hiến định của một công dân nhập lưu dòng sống mới.
Mai Ba Mươi, bữa nay Hai Chín
ta đếm thời gian câm nín ngược dòng …!
Đúng, ngày mai 30 tháng 4, một điểm mốc thời gian của lịch sử Việt Nam đỏ au nước mắt và máu của bao nhiêu triệu người dân Miền Nam Việt Nam bị xé toạc phận người bởi quân cuồng nô phương Bắc. Một cuộc dìm chết cả đất và người dưới sức mạnh của bạo lực tàn ác. Không chỉ hôm nay, những người chung số phận lưu vong hồi tưởng và mặc niệm ngày lịch sử đau thương đó. Mà mãi mãi những thế hệ tiếp nối cần phải nhớ.
Chính vì những điều không thể quên, mà Tháng Tư vừa đi qua, tâm trí vẫn còn lắng đọng những u buồn trầm uất. Trong bất chợt mỗi đêm về giấc ngủ chưa yên, tình còn thao thức với những chung chia niềm thương đau với đất và người.
Ai đã từng thao thức về nỗi niềm chung khi nghĩ về những tháng năm xưa của 46 năm về trước. Từ cuộc sống của bản thân và gia đình trên một miền đất hiền hòa, an cư và thịnh vượng. Bỗng dưng bị cơn lốc đỏ cộng sản tràn qua gây đổ vỡ mọi an lành có được! Sự ly tán khởi đầu từ vượt đất, vượt biển xa nguồn, chấp nhận cuộc sống lưu vong, để mãi mãi nhìn về quê hương trong niềm đau bất tận!
Tôi và những đồng đội chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, sau nhiều năm thi hành trách nhiệm vệ quốc an dân, bị cơn bão hận thù thổi bay đi tứ tán rồi xoáy cuộn vào những trại tù oan nghiệt.
Bao nhiêu năm sống trong các trại tù khổ sai, chúng tôi hiểu thân phận mình như một loài sinh vật bị đọa đày. May thay còn điểm tựa lương tri giữ mình đứng thẳng với sự yểm trợ niềm tin của gia đình và tổ quốc. Để có hôm nay được sống trên vùng đất tự do được gọi là quê hương thứ hai, vẫn mang trong tâm nỗi lòng người Do Thái dựng trong tim một dãi sơn hà.
Chính niềm tin và khí tiết chinh nhân đã thôi thúc những người lính già mà đồng bạn ví như những con ngựa què, lê bước chân mình trên hành trình dang dở để hiến thân cho cuộc sinh tồn dân chủ và tự do của gia đình và tổ quốc. Với may mắn đôi tay còn giữ được cây bút và ngọn cờ vàng ánh màu chủng tộc thiêng liêng. Dĩ nhiên chúng tôi luôn tự nhủ cần kiên trì ý chí, phải vượt qua những trở ngại khách quan như khi thoáng gặp những tấm căn cước tị nạn của ai đó vất bỏ trên đường.
Vẫn biết những mâu thuẫn và va chạm là sự tất yếu trong sinh tồn xã hội, nhưng lòng vẫn thấy băn khoăn khi vết mực vấp vào nghi vấn thường tình. Thoáng nghĩ vu vơ về bản chất con người rồi cũng nhòa đi khi ngọn bút chạm vào những vết thương xưa. Việc cần làm, phải làm, đâu có lớn lao gì so với những anh hùng hy sinh vì tổ quốc.
Viết là nhu cầu của cuộc sống, như hơi thở cần tiếp truyền đủ máu cho con tim còn nhịp khát khao dẫn lực chân tình về với ngày mai có thế hệ cháu con sẵn sàng tiếp nhận. Viết để chuyển tải từ hôm nay đến ngàn sau tâm tư của một người dân mất nước:
Đất không Nước và ta người tàn phế
Vói hai tay không thể chạm Quê Hương!
Hai tay không thể chạm Quê Hương, chỉ còn biết chạm Quê Hương bằng hơi thở nồng nhiệt của mình. Những hơi thở mang niềm hy vọng đốt cháy sự khắc nghiệt của dòng đời, làm tan rã lòng thù hận của “bên thắng cuộc”.
47 năm quá dài và quá đủ để người Miền Bắc thấu hiểu tấm lòng của Đất và Người Miền Nam. Đủ để những người cộng sản hiểu rõ ai giải phóng ai. Và ai thắng ai khi nhìn thấu nỗi lòng nhân dân cả nước! Điều rõ ràng minh bạch là sự điêu tàn của cả Đất và Người trên quê hương do chiến tranh để lại. Tệ hại hơn những vết thương chiến tranh thay vì hàn gắn đã bị chủ nghĩa cuồng nô thù hận xé toạc ra tạo thêm điêu tàn trên quê hương.
Mỗi một gợi ý về niềm đau của đất nước, về nỗi thống khổ của người dân nơi quê nhà là mỗi trở mình thao thức. Gần ba mươi năm chịu cuộc lưu vong, bao nhiêu dòng nghĩ chảy tràn cảm xúc thương đau xuống ngòi bút. Hằng triệu con chữ ngậm ngùi vượt đêm thao thức bày tỏ cùng thế gian nỗi tủi buồn của một chinh nhân, vừa là nạn nhân và chứng nhân của cuộc chiến hai mươi năm khốc liệt.
Đời sống được tẩm liệm giữa những xót xa như thế đó, làm sao mà quên dẫu nhiều lúc nhủ lòng đừng nhớ nhiều sẽ chùng tâm và cạn nguồn sinh lực!