Thơ Đăng Báo
Nhớ ngày xưa, thời còn đi học, tôi cũng tập làm thơ, ký cóp chữ nghĩa, nắn nót vài dòng (được gọi là thơ) mà riêng mình lấy làm đắc ý. Gởi bài thơ đó cho bạn hay cho người tình, rồi chờ đợi một hồi âm tán thưởng. Cùng lúc với niềm mơ ước có một ngày, một bài thơ nào đó của mình được xuất hiện trên mặt báo (dù chỉ là báo lá cải thôi) cũng là một niềm vui vô hạn. Vì thơ mình đã được nhiều người đọc, và thế là vui, là hãnh diện với bạn, với người tình.
Sự đợi chờ phải chấp nhận trên một lối đi, thuở mà phương tiện truyền thông chưa toàn cầu hóa. Bây giờ thì có khác đôi điều, khác ở chỗ thơ mình vừa xuất kỳ hữu ý, gõ thật nhanh rồi phóng lên online, có thể sau mươi phút, người làm thơ nhận được hồi âm: "bài thơ dễ thương quá" hay "thật ngậm ngùi"! Thế là vui, dẫu bài thơ có ngậm ngùi thật.
Thơ viết về "Tháng Tư Đen" sao không ngậm ngùi! Còn nếu bài thơ này mà được chọn (khó lắm) để đăng báo, thì ngậm ngùi của Tháng Tư nhập chung với ngậm ngùi Tháng Bảy với chuyện mưa ngâu!
Bởi vì, theo quy định chung của các tạp chí văn học: Bài gửi cho báo này không gửi cho báo khác đã đành, mà còn không được phổ biến trên online. Nếu muốn, phải đợi sau khi báo (có đăng bài thơ đó) phát hành được một tháng. Như vậy là kể từ lúc gửi bài thơ đi, phải đợi ít nhất là ba tháng sau, người làm thơ mới nhận được niềm vui.
Một năm, may mắn nhận niềm vui được một lần. Mà một đời người có được mấy năm để làm thơ, dẫu rằng còn vương cái nghiệp? Dĩ nhiên là nói đến những người làm thơ tài tử, không cầu mong trở thành nhà thơ hay thi sĩ. Còn những người đã thành danh thì lại khác, họ liên tục được vui trong hành trình chung của dòng họ các nhà thơ lớn trên một vuông chiếu riêng, không thể "môn đăng hộ đối" với các người làm thơ tài tử. Thậm chí họ có nhận một lời chào hỏi (của kẻ dưới) cũng làm ngơ. Mặc dù thơ bây giờ, chỉ là "quà cho không biếu không", vậy mà cũng khó lòng xuất hiện đó, đây.
Chẳng lẽ một bài thơ có mặt trên online sau đó có mặt trên báo, thì tờ báo đó mất khách? Nếu nhìn từ góc độ phóng khoáng, người khách hay đọc giả trung thành với tờ báo hay tạp chí, có rất nhiều nguyên nhân: - muốn nhìn sự lớn lên của nền văn học Việt Nam trong cũng như ngoài nước. - muốn học hỏi thêm về tính đa năng của dòng đời qua các bài viết có giá trị. - muốn hiểu rõ hơn ngọn ngành dân tộc trên dòng đi nhân bản của lịch sử. - muốn giữ được lòng tin yêu đối với tôn chỉ và hướng đi đúng đắn của tờ báo mà họ đã chọn. ...
Còn rất nhiều những cái muốn khác, mà người đọc đã "trụ" với tờ báo hay tạp chí năm hay mười năm, hoặc lâu hơn. Không vì chờ đợi một danh phận do cơ may có vài bài thơ trên báo. Nếu muốn có danh phận trong làng thơ, thời buổi này cũng dễ lắm. Chỉ cần "mặc áo thụng vái nhau", hoặc tự thắp sáng mình bằng cách mỗi năm in vài tập thơ, hay cho ra vài cái CD thơ nhạc... làm quà biếu.
Điểm gút lại cho chuyện phiếm này là liệu các báo hay tạp chí có thể thông qua rào cản, để thơ gửi đăng báo có thể lấy từ trên online xuống. Biết đâu chừng tạp chí hay báo sẽ có thêm khách, vì một cảm tình viên thấy bài thơ mình vừa đọc trên online, thích quá, lại vừa thấy hiện trên trang báo, thì bỏ ra vài đồng để cầm một tình cảm có thật cũng đáng hơn là cứ nhìn nó nhấp nháy trên màn hình.
Giải tỏa quy định này, người làm thơ cũng có được niềm vui song hành, chữ nghĩa không chừng sẽ được khuếch tán rộng hơn. Bởi người làm thơ biết hồn thơ của họ có nơi siêu thoát mà khỏi phải đợi chờ... trong áo quan quy luật.
Cao Nguyên