Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

HỒN THƠ CAO NGUYÊN

CHUYỂN BIẾN TRONG KHÔNG GIAN

VÀ HỒN THƠ CAO NGUYÊN

 

Thưa Quý Vị:

Hôm nay chúng ta tới đây để gần gũi, hội nhập không gian và hồn thơ CAO NGUYÊN. 

Riêng việc Tác Giả dùng bút hiệu CAO NGUYÊN đã hội nhập một lãnh vực sáng tạo rất thi vị, khi ẩn dụ và hoán dụ hai ý niệm CAO và NGUYÊN trong nguồn phát khởi thi ca.

CAO, nghĩa Hán Việt là ở phía trên, thanh cao, hàm ý sự vượt trội.

NGUYÊN có nghĩa là trọn vẹn, nguyên vẹn, hoàn chỉnh, đầy đủ, không thiếu sót.

Do đó, bút hiệu CAO NGUYÊN đã ngấm ngầm phác hoạ sự lồng chiếu và chuyển biến của hai phạm trù “cao” và “nguyên” trong quá trình sáng tạo thơ, từ ngoại cảnh tới nội tâm của tác giả.

Về thuần lý, chúng ta có thể nghĩ rằng với bút hiệu CAO NGUYÊN, thi sĩ sẽ hoàn tất những chủ đề cao siêu, những ca tụng niệm vĩ đại, theo cảm hứng vuông tròn, tích cực, hoàn chỉnh, trọn vẹn.

Nhưng không, thơ Cao Nguyên luôn luôn ở thế động, luôn luôn chuyển biến giữa hai phạm trù “Cao” và “Nguyên, luôn luôn đối mặt giữa kết hợp và ly tán, đối nghịch trong một không gian mở, vô định, vô thường.

Có lẽ hiện tượng lồng chiếu đa dạng đa nguyên trên phát xuất đầy đủ ngay trong thi phẩm đầu tay, THAO THỨC, Dòng Thơ Lưu Vong (Cao Nguyên, Cội Nguồn 2014).

 

Ở đây, phạm trù “CAO” được xác định một cách đa dạng, khi hiển nhiên, thơ Cao Nguyên hội nhập mật thiết với vận mệnh quê hương xứ sở, với vũ trụ Đất Việt, với thân phận người dân trong nước.

Ngọn bút tôi suốt một đời muốn viết

về quê hương yêu dấu Việt Nam”

 (“Lửa Tim”,Thao Thức, trg 23)

 

Về mặt nhận định thời cuộc, từ nguồn gốc tới dòng tiến hoá lịch sử cận đại, đất Mẹ Việt Nam là dải sơn hà, là núi và sông, là biển và cát kết tụ thành mẫu mực âm dương linh thiêng, với “truyền thuyết Âu Cơ, kẻ lên non, người ra biển”, thì ngay từ khởi điểm hồng hoang đã khơi mào sữ tách biến, chia lìa trong không gian và thân phận dòng Bách Việt, và ngay trong thân phận người Việt chúng ta trong dòng lịch sử biến hoá, xung đột, đày đoạ.

 

Thật vậy, trong giai đoạn cận đại, từ 1954 tới 1975, đất Mẹ Việt Nam, vũ trụ Đất Việt từ cao siêu linh hợp, nay xiêu tàn, hoang dã, diệt vong:

 

“Đất vỡ mảnh, đời lầm than quá đỗi

hồng hạc bay cánh mỏi nhớ rừng ngô

trên phế tích quách thành chen cỏ rối

người trầm ưu, mùa đợi gió hong mồ

 (Thi Sử, THAO THỨC…trg 16)

 

Giang sơn đó từng là “Trường Ca Bi Tráng”,

 

Bạn chém sau lưng

Kẻ thù đâm trước ngực

những vết thương nhức nhối không ngừng

…vui thế nào, nước mắt cứ rưng rưng?

…Vỡ tất cả dưới khung trời huyền thoại

hồn chết điếng khi tầm tay với tới

chạm giữa hư không, dòng máu Lạc Hồng!

Triệu người chết vì những lời phản bội

Hội chứng Việt Nam chưa ngừng rỉ máu

 

Giang sơn đó nay điêu tàn

 

Vì ngọn lửa hận thù

đốt Trường Sơn linh hiển

đập vỡ tiếng cồng chiêng

Giàng ơi! Và Giàng ơi!

(“Tháng Ba Say, THAO THỨC, Trg 39)

 

Về thân phận con người trong tai ương chinh chiến, phạm trù cao siêu tổ quốc, khi nhận ra, hiểu tới, nghe thấy được, chỉ là

 

tiếng vỡ của xương, tiếng rách của da

tiếng thét của tim, của phổi

tiếng thở nấc trôi tuột qua hoang phế

tiếng nghẹn im lặng

xếp lớp dưới từng mảng

thời gian đặc quánh…

(Ấn Tượng, THAO THỨC…trg 17)

 

Thân phận con người lâm chiến, lâm nạn nay vẫn là

 

Sẹo đã lành mà vết thương nóng hổi

đầu đạn găm, còn bốc khói trong da

ta mơn nhẹ nghe hằng hà tiếng vỡ

chiến trường xưa mà ngỡ mới hôm qua

(“Vết Sẹo”, THAO THỨC…trg 26)

 

Những giọt lệ pha máu

từ tim

chảy xuyên qua mắt

cay đắng suốt trăm năm

(“Giọt Lệ Hồng”, THAO THỨC…Trg 31)

 

Có gì buồn hơn, Mẹ vì nước khóc

bốn nghìn năm khai quốc, núi sông nghiêng

xương chất đống, máu chảy tràn mặt đất

đời đắng cay, người chi biết căm hờn

 

Có gì buồn hơn, Mẹ vì đời khóc

Mua lợi danh, người rao bán linh hồn

(“Có Gì Buồn Hơn, THAO THỨC…Trg 60)

 

Như vậy, tới đây dòng thi ca Cao Nguyên hầu như đã mất đi bản thể “Nguyên” vẹn, đầy đủ sinh lực trong không gian đất Việt, trong thân phận hiện sinh dân tộc Việt.

  

Trong lịch trình tiến hoá nền văn minh hiện đại, thân phận con người rất bấp bênh. Về đại cuộc, chiến sự Việt Nam và những điêu linh hãm hại những dân tộc nhược tiểu trên thế giới hiện đại bắt nguồn từ sự xung đột siêu cường quốc, giữa quyền lợi khối tài phiệt quân sự (industrial military complex) và ý thức hệ đảng phiệt vô sản quốc tế.

 

Giải pháp và hy vọng tồn sinh của Việt Nam và của cả nhân loại là duy trì và khởi phát nền văn hoá đặc trưng khả ứng, khả thi của từng dân tộc, của từng hoàn cảnh nhân bản tự quyết.

 

Trong thế tận cùng của cuộc sống, khi con người mất đất, mất tự do, mất an sinh tự tại, mất chính nghĩa tôn giáo; khi cuộc đời lưu vong là cánh cửa bên đóng, bên mở, thì cuộc sống quyết liệt còn lại vẫn tiếp diễn bằng trí tuệ và tâm linh, bằng hy vọng và tình thương nhân loại, bằng kiến thức và sáng tạo nhân văn.

 

Cảm ơn tất cả những ai

Là người làm Thơ, viết Văn, viết Sử

Đã cho tôi những mẫu Ấn Tượng

giữa đời

Trước và nay

 

Phơi bày những mẫu Ấn Tượng

dưới ánh sáng thế gian

mỗi Ấn Tượng như một chứng tích

đặt quanh cột mốc thời gian

Nhào nắn những Ấn Tượng

Trưng bày trong một góc Sử Thi

Cũng chỉ vì muốn

Con cháu có dịp đi qua

ngắm nhìn và hiểu…

(“Ấn Tượng”, THAO THỨC, trg 17-19)

 

Như vậy, ở mặt phản diện hồi lực, cho chính mình và thế hệ mai sau, thi ca Cao Nguyên vẫn dẫn giải một tia nắng đột phá bóng tối của quá khứ, để hội nhập luồng ánh sáng nhân văn và tâm linh của nhung nhớ, của nuối tiếc, của sáng tạo, của trọng vọng.

 

Với những cơ hội đó, phạm trù “NGUYÊN” bỗng hội nhập kích thước cao siêu, linh hiển của nguồn gốc tồn sinh, khi con người dù tàn phế, bất toại, vẫn nhung nhớ đất mẹ như một không gian cao đẹp, gan vàng dạ sắt, không dao động trước mọi khó khăn, thử thách:

 

Nhớ từ đỉnh Trường Sơn hùng vĩ

đến chân đê ruộng nước U Minh

dẫu mỗi chặng đi, từng cơn bão nổi

giữa lửa tin yêu vượt nỗi điêu linh

 

Thương nhớ quá một quê hương bất tử

mẹ hiền ơi! Sông núi Việt Nam ơi!

Tiếng gọi nhớ từ đứa con viễn xứ

vút lên trời bằng lưa của tim tôi!

(“Lửa Tim”,THAO THỨC, trg 23)

 

Con người trở thành trục nối từ đổ vỡ tới nguyên vẹn; từ bất toại, tới tình yêu chân thật, hướng thượng, tới lý tưởng toàn mỹ.

 

Rủ em trẩy bước về nguồn

Hong lên cho rực sáng hồng tình quê

cầu tre rung nhịp đi về

võng khuya kẽo kẹt vỗ về đời con

 

Vẫn là nước đẹp non xinh

Cho quay quắt nhớ bóng hình Việt Nam

tặng em tình khúc tơ tằm

ươm thân óng ả con Rồng cháu Tiên.

(“Về Nguồn”, THAO THỨC,…trg 38)

  

Cảm ơn Mẹ

Đã cho con được gặp

những tấm lòng thao thức

giữa hôm nay

trên phố người

ly rượu đắng trên tay

ba mươi năm

chưa bao giờ uống cạn!

(“Những Tấm Lòng”, THAO THỨC…Trg 62)

 

Thơ Cao Nguyên vừa là nhận định sáng suốt, hiện thực về mặt trái của cuộc sống quá văn minh máy móc, quá tham lam, quá độc ác của quyền lực vị kỷ phi nhân, phi nghĩa. Đồng thời, vừa là dòng thao thức kết tụ thành cao vọng tự chủ, tự tin về sự sáng suốt của tư tưởng chân chính, của tình người, như một điểm son cao siêu, nguyên vẹn.

 

Phải chăng THAO THỨC, Dòng Thơ Lưu Vong của Cao Nguyên là một song đề lưỡng thể, giữa mất và có, giữa thất vọng và cao vọng, giữa say và tỉnh trên con đường diễn tiến tới chân thức, tới phẩm giá nhân bản, nơi chúng ta chuyển lực gần nhau, từng bước một, từng hy vọng vô thường, mở rộng.  

Khi chúng ta còn thao thức, còn ý niệm, còn ao ước, còn hy vọng, không gian sinh tồn chúng ta vẫn còn vượt trội, vẫn còn nguyên vẹn trong tâm người.

 

LƯU NGUYỄN ĐẠT, PhD, LLB/JD, LLM

Michigan State University

28 September 2024 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư Viện

Buổi Ra Mắt Sách của Nhà Thơ Cao Nguyên

Buổi Ra Mắt Sách của Nhà Thơ Cao Nguyên Buổi Ra Mắt Sách của Nhà Thơ Cao Nguyên  YouTube: Phạm Văn Tuấn