Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Hiếu Anh

 Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Hiếu Anh


Khởi đầu, tôi nhận ra anh Hiếu Anh viết nhạc trên trang web. Sau những lần nhắn tin, Email, vào mỗi cuối tuần; Hoặc cách vài tuần 1 lần, tôi và anh Hiếu Anh thủ thỉ với nhau qua điện thoại về đủ thứ chuyện ngày xưa, từ hồi chúng tôi còn "luận kiếm" ở Thủ Đức của 40 năm trước, đến thời "hành hiệp giang hồ" ở Pleiku.

Mặc dù Hiếu Anh chỉ ở Pleiku bằng 1/3 thời gian của tôi ở đó. Anh Hiếu Anh theo ngành Quân Nhạc sau khi rời Thủ Đức, vì vậy mà chúng tôi ít khi gặp nhau, thậm chí khi anh dạy nhạc ở trường Thiếu Sinh Quân và Trường Trung Học Minh Đức. Tôi thì tay bút, tay gươm đây đó lung tung, cho đến lúc rã đàn, đứa lên non, đứa xuống biển theo sấm truyền của thuở Mẹ Âu Cơ. Từ ấy, không ai biết về ai nữa, cho đến lúc gặp nhau trên phố ảo giữa trời.

Thật tình mà nói, cám ơn trinhnu.net đã cho tôi cái cơ duyên gặp lại những "cố nhân". Mỗi lần trò chuyện và phiếm luận về thơ nhạc, chúng tôi tâm đắc về một chữ "Tình" xuyên suốt qua Thơ và Nhạc. Thỉnh thoảng chúng tôi gởi cho nhau vài sáng tác mới, tôi đọc thơ và anh hát cho tôi nghe.

Trong sáng tác nhạc, anh Hiếu Anh rất cẩn trọng về nguyên tác bài thơ do anh phổ nhạc. Những chỗ cần thay đổi lời thơ cho hòa hợp với tiết tấu nhạc, anh đều hỏi ý tác giả bài thơ. Về cái hứng sáng tác thì anh gọi là "bất chợt". Có khi mơ màng sắp ngủ thì anh bật dậy, vào bàn viết một đoạn hay cả bản nhạc mà quên cả thời gian. Điều đáng nói là tấm lòng của anh Hiếu Anh với bạn và những-đứa-em-thơ-nhạc thật nhiệt tình và hết mực thương mến. Ai đã từng có duyên với nhạc sĩ Hiếu Anh trong Thơ và Nhạc chắc đều cảm thấy như vậy.

Giữa tháng 10 năm 2005, anh Hiếu Anh gởi cho tôi CD nhạc "Ngày Tháng Cô Đơn", anh nói là vừa thu âm xong, chưa phát hành. Vì anh cũng muốn anh Vũ Hối vẽ lại cái hình bìa của CD. Rồi mới đây, tôi gợi ý anh phổ nhạc cho một số anh em bạn thơ cùng khóa 22 SQTB Thủ Đức để làm kỷ niệm một thời có nhau. Anh nói với tôi là trên bàn của anh có mấy chục tập thơ của bạn chưa đọc hết để chọn bài phổ nhạc, nhưng sẽ ưu tiên cho "Bọn Mình". Bao nhiêu việc còn đợi anh, nhưng tiếc, rất tiếc, anh không thực hiện được ý định đó.

Anh ra đi, bỏ lại phía sau tất cả những gì anh đang có trong nỗi đam mê thực hiện vì dòng nhạc đang chảy trong anh cho tình người và tình của quê hương. Ngay vào lúc 9 giờ ngày 27 tháng 11 năm 2005, tôi thật sự mất anh. Không, không thể nào. Tôi chỉ mất Hiếu Anh với cái thân xác đã bắt đầu rung chuyển theo thời khí của bốn mùa. Mà Hiếu Anh, ngay cả tiếng cười và giọng nói trong cái nguồn sống tình cảm của anh vẫn còn đó, trong tôi. Như tiếng anh hát trong điện thoại cho tôi nghe một tình khúc về "Em Pleiku" hồi cuối tuần vừa qua. Bài hát gợi tôi nhớ đến những nơi hoang dại rất thơ và nồng nàn rất nhạc của Phố Núi một thời đến, ở và đi. Đi rồi ngoái lại qua tầm nhìn xuyên suốt thời gian trên 3 thập niên, trong không gian 3 chiều thương nhớ đợi.

Thương ư! Cả áo rách vai và quần thủng đáy, nhưng biết gói gọn trong lòng mình cái duyên dáng hồn nhiên và chất phát của Buôn, Làng. Nhớ ư! Nhớ tất cả những người cùng thời "luận kiếm", trên điêu tàn vẫn khí khái rong ca theo hồn thiêng Sông núi! Đợi ư! Đợi một cuộc trùng phùng cho hết thảy những gì thất lạc trong cơn hồng thủy.

Hiếu Anh ơi! Nhớ lắm rồi, anh hát nữa đi, đừng ngưng nghỉ: từng lời hát hương quê nhà vực dậy từng dòng thơ tự biết nẩy mầm xanh ươm giữa tháng năm khúc quân hành anh viết! Cám ơn anh, tôi còn đang đi trong khúc quân hành ấy bằng cả tâm và trí nhớ về. Tiềm thức mở ra một cổng thành Pleime cho những tấm lòng hào phóng đi về. Đi cũng lắm, về cũng nhiều. Như anh Kim Tuấn, anh Phạm Huấn... và hôm nay là anh - đang trên đường về với Mẹ.

Một nốt nhạc ngân lên từ cây đàn thùng thoát trên thinh không âm thanh "Mẹ", có mãnh lực làm ta rối cả nhịp tim và những dòng nước mắt ngỡ đã khô mà vẫn chảy. Thế đấy, Hiếu Anh ơi! Bạn làm tôi choáng ngợp cả hồn, khi Bạn khoát tay, chợp mắt đi, về!

Cao Nguyên Virginia - 29/11/2005
(Trích trong sách "Hành Trình Nhân Ái")
---
Thấm thoát đã 17 năm từ ngày tôi viết tâm khúc trên hợp tâm cùng thân hữu tiễn đưa anh Hiếu Anh về miền miên viễn.
Hôm nay đọc lại thư anh gửi cho tôi về chuyện anh phổ nhạc bài thơ "Thoáng Em", lòng lại bồi hồi nhớ bạn cùng thời với bao ký ức về Thơ và Nhạc .

Nhạc sĩ Hiếu Anh đã ra đi. Nhưng, mãi mãi anh, trong dòng nhạc tình giữa cõi người, qua mọi thời vẫn luôn tồn tại. Mấy trăm tình khúc anh để lại, mọi người đang hát, còn mãi hát cho quên nhọc nhằn, cho yêu thương thường hằng, cho long lanh giữa lòng người những đóa hồng nhân ái không bao giờ phai nhạt, như mặt trời không bao giờ tắt ở phương Đông với hy vọng của niềm tin yêu luôn được thắp sáng trong một thế gian u uẩn trầm buồn!
Dòng sông tin yêu của anh mãi chảy trong dòng đời xuyên suốt qua lòng anh, thánh thót rơi trên từng nốt nhạc và chuyển tải qua các giọng ca tuyệt vời, với những lời thơ nồng nàn gởi đến non sông và lòng người.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Quốc Ngữ Xuân Thì

 Quốc Ngữ Xuân Thì

những con Chữ đừng nên ngủ muộn
dậy mà đi kẻo quá giấc Xuân
theo mạch đất trở về đồng ruộng
mở tim ra đón lúa lên hương
mỗi Chữ vướng trên từng nỗi nhớ
lúc nào nhìn cũng thấy yêu thương
những mùa Xuân da vàng máu đỏ
theo Nghĩa đi rộn rã vô cùng
quê hương Mẹ ngàn năm còn đó
mãi trong lòng Con Cháu muôn phương
mong ước được một lần gặp gỡ
trong một ngày Sông Núi tỏa hương
Nghĩa trăm năm từng con Chữ nhớ
gọi vào Xuân rạng rỡ cùng đi
nối lời viết nồng nàn nhịp thở
Quốc Ngữ ơi ! Mãi mãi Xuân Thì
Cao Nguyên


Bốn câu cuối của bài thơ được anh Vũ Hối viết trên đĩa sứ và đem đến tặng Cao Nguyên trong buổi giới thiệu tập thơ Thao Thức tại Washington DC - 2014

Lãnh Đạo và Tổ Chức

 Lãnh Đạo và Tổ Chức 

Ngày hôm qua viết hai câu trên Face Book:
Tổ Chức tốt khi còn người Lãnh Đạo
Lãnh Đạo đi rồi Tổ Chúc tan hoang 

Hôm nay xin được giải trình về ý nghĩ này với chính tâm của một người Việt đã sống qua 20 năm của cuộc chiến Việt Nam, 10 năm trong các trại từ cộng sản và 30 năm lưu vong trên quê hương thứ hai.

Trải qua biết bao đau thương từ khi giã từ vũ khí, mất quyền bảo vệ quê hương do nội thù dân tộc và rời xa tổ quốc thương yêu, chúng tôi luôn muốn được cùng sinh hoạt cộng tác với các tổ chức thuộc hội đoàn người Việt lưu vong trong mục đích tiếp truyền nguồn sinh lực quốc gia vào các thế hệ tiếp sau. Với mong ước khôi phục lại quyền dân sinh của thể chế Cộng Hòa trên trên quê hương Việt Nam. 

Với lý tưởng ấy, suốt 30 năm qua chính bản thân cúng tôi đã sinh hoạt với các tổ chúc điển hình như:
- Phong trào Nhân Quyền và Dân Chủ cho Việt Nam của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích:

- Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt với giáo sư Nguyễn Song Thuận:

- Tổ chức Phục Hoạt Việt Nam Cộng Hòa của chiến hữu Hồ Văn Sinh: 

Lướt qua các link trích dẫn về tiểu sử người Lãnh Đạo của một Tổ Chức để thấy thương tiếc người Lãnh Đạo đã ra đi về cõi vĩnh hằng, đồng thời tiếc cho những Tổ Chức này đã ngưng hoạt động. Khi không có người kế tục lãnh đạo tổ chức đáng trân trọng với mục đích phục hồi quốc gia dưới ngọn Cờ Vàng của Dân Tộc Việt Nam. 

Điều mong cầu của chúng tôi những ai trước đây là hội viên của các Tổ Chúc này đừng quên người Lãnh Đạo mà mình thương mến, nên hồi phục hoạt động của Tổ Chức vì lợi ích chung của những người yêu nước trong tâm nguyện hy sinh công sức của mình để phục vụ. Sự tiêu vong của một Tổ Chức vì Dân vì Nước là nỗi đau chung của người Việt do vận nước không may phải lưu vong nơi xứ người. 

Từ hồi tưởng thương tiếc này, nhìn về tương lai chúng tôi còn mong những Tổ Chức và Hội Đoàn người Việt chân chính đang hoạt động, quý vị Lãnh Đạo nên có sự dự chuẩn người Lãnh Đạo kế thừa di sản Nhân Bản Việt Nam bao gồm các chương trình Văn Hóa Sử Dân Tộc cùng chí nguyện phục vụ lý tưởng phục hưng Nhân Quyền và Dân Chủ trên quê hương thương yêu.

Rất mong sự đồng cảm của những người xem qua tiểu luận giải trình của chúng tôi.

Trân trọng, 
Cao Nguyên 
Đông Bắc Mỹ - 22/8/2022



Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Tưởng Nhớ Nghĩa Huynh Vũ Hối

 Tưởng Nhớ Nghĩa Huynh Vũ Hối

Trong nhiều năm qua, mỗi khi có buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật trong vùng Hoa Thịnh Đốn, đều có anh Vũ Hối tham dự và chúng tôi gọi anh là Nghĩa Huynh với nụ cười hiền hòa thoáng nở trên môi cùng lời chào thân ái gửi đến mọi người.
Chúng tôi cũng được mấy lần đến nhà anh, uống trà cùng nói chuyện thi họa trên hành trình nhân văn qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử Việt Nam, có sự hiện diện của chính chúng tôi vừa là chứng nhân và nạn nhân trên dòng lịch sử này.
Mấy năm gần đây do tình trạng dịch bệnh bất ổn, chúng tôi chưa đến thăm anh được. Hôm nay xem lại tuyển tập "Vũ Hối - 60 Năm Văn Học Nghệ Thuật" với lời ký tặng của anh, chúng tôi thật nhớ anh.
Vừa có ý định nhắn Trần Trung Đạo về Washington DC cùng với một số thân hữu đến thăm anh Vũ Hối, ân tình chưa thực hiện được thì tin buồn chợt đến, ngày hôm qua (19/8/2022) anh Vũ Hối đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Biết bao lời muốn nói cùng anh nhưng đành thương tiếc ngậm ngùi.
Ngược dòng thời gian, tìm lại những kỷ niệm anh Vũ Hối tặng chúng tôi qua những nét thư họa để mãi nhớ người Nghĩa Huynh chúng tôi hằng kính trọng.
Cao Nguyên






Thư Hoạ Vũ Hối 60 Năm Văn Hoc Nghệ Thuật 



Tâm Giao

 Tâm Giao

Cám ơn những người bạn quý
Nhã Tình, Tâm Ý đề thơ
Dán lên vách trời tuyệt mỹ
Quán Mây - cõi Thực và Mơ
Mơ mong nhân sinh vô lụy
Thực chờ tri kỷ Núi Sông
Giữa thơ tấm lòng hương ngát
Xuyên qua sa mạc trùng khơi
Nhủ đời trăm năm huyễn mộng
Lợi Danh gió lộng cuốn trôi
Chỉ còn Tâm ta tựa Nguyệt
Dạo chơi sóng biếc sông đồi
Thơ vui ấm nồng lời ý
Đời mừng tri kỷ Tâm Giao
Tình đi về Chân Thiện Mỹ
Phối âm giai điệu ngọt ngào!
Cao Nguyên



Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Thơ và Nhạc - Sự Kết Hợp Tuyệt Vời


Thơ và Nhạc - Sự kết hợp tuyệt vời 

Như đã trình bày cùng các bạn về bài thơ "Khi Em Hát". Từ cảm nhận bài thơ gây xúc động với ca sĩ đã từng hát qua thơ của tôi với các bài thơ "Thôi Em Về Đi Nhé" do nhạc sĩ Nguyễn Tuấn phổ nhạc, và bài "Những Lần Ba Về" do Đình Dương phổ nhạc. 

Người ca sĩ đó là Thủy Tiên, một hậu duệ VNCH và đã kết thân với chúng tôi trong tình gia đình. Khi Thủy Tiên đọc bài thơ "Khi Em Hát" cảm thấy sự xúc động như chính mình đã từng hát những bản nhạc chứa ý lời thương nhớ quê hương về đất nước và tình người. Từ cảm nhận đến xúc động, Thủy Tiên đã hát qua lời thơ khi chưa có hòa âm nhạc đệm.  

Nghe tiếng hát của Thủy Tiên đã làm tôi thêm cảm động từ chính bài thơ của mình, mong sao bài thơ này được tỏa âm cùng nhạc điệu thích hợp với tiếng hát. Thế là tôi chuyển nội dung bài thơ cùng tiếng hát Thủy Tiên đến nhạc sĩ Nguyễn Hải, người đã từng phổ nhạc nhiều bài thơ của tôi.  

Trong niềm ưu ái, nhạc sĩ Nguyễn Hải đã hòa âm tương ứng với nhạc và tiếng hát của Thủy Tiên. Thế là "Khi Em Hát" được kết hợp tuyệt vời giữa Thơ Nhạc qua tiếng hát của Thủy Tiên

Mời các bạn cùng nghe những lời tình khi em hát.

Thân mến,

Cao Nguyên

Khi Em Hát
khi em hát thời gian ngưng đọng lại
nhè nhẹ reo trong mắt chút hương cay
xa cách quá nhưng tình sao rất lạ
cứ rung lên từng nhịp nhớ nhung đầy
khi em hát không gian buồn da diết
tình về đâu bờ bến cuối chân mây
thương nhớ quá mà người đi biền biệt
bơ vơ nhìn mây tím chập chùng bay
khi em hát ve hòa âm rộn rã
tiếng sầu bay qua kẽ lá hong khô
trong bất chợt nghe lòng mình lạnh giá
cánh phượng hồng gợi nhớ dấu môi xưa
khi em hát biển lăn tròn sóng biếc
bao lời tình tha thiết cuộn vòng theo
từng bọt sóng tung trào lên mãnh liệt
âm vang xa lời gọi Nhớ Thương Yêu
khi em hát hương tình thoang thoảng nhẹ
chầm chậm trôi qua hai nhánh tay buồn
mười ngón nhớ bây giờ sao quạnh quẽ
người yêu xa - tình trống một vòng ôm
khi em hát trời giăng mưa buồn bã
nước ưu phiền vật vã chảy về đâu
mặt trời ngủ mây vương sầu tháng Hạ
theo lời ru đau đáu mắt tìm nhau
khi em hát tình treo đầu ngọn nhớ
nước mắt buồn rơi xuống bãi thương sâu
hoa cúc tím nặng sương chiều cánh vỡ
tình xa rồi còn ngỡ tựa vai nhau .
Cao Nguyên






Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Mẹ Ơi! Mẹ Đâu Rồi

 MẸ ƠI! MẸ ĐÂU RỒI

 



Hôm nay ngày Vu Lan
triệu triệu đóa Hồng Vàng
dâng lên Trời Kính Mẹ
trong thương nhớ vô vàn

Con mãi muốn được kêu
Mẹ ơi! Ơi ... Mẹ ơi!
dù bây giờ Mẹ đã
b
ảy - mươi - năm xa rồi


Vẫn là tiếng Mẹ ơi
gọi suốt qua dòng đời
từ thân còn đỏ hỏn
đến lúc về theo Người

Nhớ Người lắm! Mẹ ơi!
Mẹ ơi! Ơi ... Mẹ ơi!
Con còn kêu mãi mãi
trong từng bước không rời

Mẹ ơi! Ơi ... Mẹ ơi!
sữa Mẹ để đâu rồi
con vẫn thèm bầu vú
chứa yêu thương tuyệt vời

Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi !
 

Cao Nguyên

Chong Chóng

 Chong Chóng

Bài thơ "Chong Chóng" tôi viết tặng một người bạn thơ. Bẵng đi thời gian khá dài, không còn thấy chữ bạn vất lên trời. Làm tôi mất tiếng cười từ những con chữ vốn không khách sáo với đời, với người. Sự hồn nhiên chữ của bạn đủ níu tuổi đời khựng lại nơi khung cửa bốn mùa. Dường như chỉ có Trăng là hiểu lòng con chữ của bạn nhất, vì có lần bạn méc: nằm trong phòng nhìn trăng tròn treo ngoài khung cửa, lòng thanh thản chi lạ! Quên những chu kỳ chuyển động những vết rạn nhân sinh trong hành trình du mục bất đắc dĩ . Dẫu mùi vị đời nếm qua đắng chát, tiếng cười bạn vẫn giòn tan như tiếng vỡ thủy tinh. Tôi thật sự thích tiếng cười đó của bạn. Tiếng rơi giòn phá vỡ sự lắng yên sâu hút của tình người. Khi nói chuyện cùng tôi với cái điện thoại kẹp ở vai, một tay chỉ con chim hót ngoài hiên cho Cháu Ngoại xem, một tay khuấy đều đũa trong nồi soup để kịp món điểm tâm cho Mẹ già. Tự dưng tôi nghĩ đến con chong chóng quay đều trong gió. Quay đều những con chữ:
mỗi lúc nhìn em - chong chóng quay
thương ơi tất bật chạy theo ngày ...
Cái hình tượng chong chóng đủ Nghĩa hai chiều:
Em đi chong chóng rồi về
kịp cho Cháu ngủ, Mẹ kề bữa ăn ..
,,,
em bảo anh nhìn xuyên chong chóng
sẽ thấy hình em trong bóng quay ...
Chữ "chong chóng", với tôi hay chi lạ, vừa hiện thực, vừa ẩn dụ. Đủ cho tôi nhắc mình, nhắc bạn:
hãy cứ là con chong chóng quay
để biết ta còn giữa tháng ngày
còn cả yêu thương, còn sức sống
mặc kệ thời gian, chong chóng quay!
Chỉ cầu Trời đừng nổi cơn gió chướng
Sợ chóng xa người, chong chóng bay!
***

image.png

Chong Chóng

em ví em - con chong chóng quay
bộn bề tất bật chạy quanh ngày
buồn vui nhanh chậm tùy cơn gió
giữa nắng trong mưa dưới bóng mây
em bảo anh nhìn xuyên chong chóng
sẽ thấy hình em trong bóng quay
Xuân Hạ Thu Đông theo gió vỗ
chong chóng quay vờn theo lá bay!
mỗi lúc nhìn em - chong chóng quay
thương ơi tất bật chạy theo ngày
trong Đông anh muốn làm cơn nắng
hong ấm em từng cánh chóng quay
hãy cứ là con chong chóng quay
để biết ta còn giữa tháng ngày
còn cả yêu thương còn sức sống
mặc kệ thời gian, chong chóng quay!
Cao Nguyên

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

THÔI ANH VỀ ĐI NHÉ



Thơ: Cao Nguyên / Nhạc: Nguyễn Tuấn 
Ca Sĩ: Thủy Tiên 
Đại hội Hội Cao Niên Washington. DC 2019

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Tình Chiến Hữu

Tình Chiến Hữu

Được dìu đi, được cõng đi 

người thương bình ấy còn gì phải lo 
chỉ còn những buổi hẹn hò 
cùng đồng đội cũ bên bờ tử sinh 

Bốn mươi năm sau chiến chinh 
âm thầm anh sống trong tình người thân 
dõi chờ tin của ân nhân 
gởi lời chúc, gởi một phần bữa ăn 

Đêm mơ một chiếc xe lăn 
ngày nâng chân giả vượt lằn mưu sinh 
nghe đau từng góc quê mình 
núi sông vụn gãy ân tình bể dâu 

Cố vui từng nụ cười đau 
mỗi khi nghe tiếng gọi nhau bạn hiền 
nhắc tình cố nhớ đừng quên 
danh dự tổ quốc thiêng liêng vô cùng! 

Cao Nguyên 




Tháng Tám

 Tháng Tám

tháng Tám bên nhà đã vào Thu
ở đây nắng còn đổ trên đầu
vẫn nhớ em lối về Đa Thiện
vậy mà mau - đã mấy mươi năm
tháng Tám vào Thu mờ Cam Ly
buổi Xuân Thơ còn đọng nhu mì
có những sáng rừng thông còn ngủ
anh và em vạch sương mà đi
tháng Tám sân trường Bùi Thị Xuân
lời tình trao vẫn còn ngập ngừng
khi nụ hôn còn chưa đủ chín
đã nghe lời từ biệt rưng rưng
lâu quá đi và xa mất rồi
nhưng sao thương nhớ vẫn chưa vơi
có phải tình đầu vương đến chết
trong tim ta vẫn bóng một người
nửa phần trái đất một vòng quay
nhắc nhớ em - hương tình còn say
bờ vai anh nghe chừng còn ấm
bao lời vui còn đọng quanh đây
tháng Tám - nhớ Đà Lạt mù sương
lời thơ anh vẫn còn mãi buồn
nỗi nhớ em dường như vô tận
nhẹ nhàng thôi - thương ơi là thương!
Cao Nguyên

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Tháng Tám


Thơ: Cao Nguyên Phổ nhạc & Trình bày: Hà Lan Phương

---

Tháng Tám

tháng Tám bên nhà đã vào Thu
ở đây nắng còn đổ trên đầu
vẫn nhớ em lối về Đa Thiện
vậy mà mau - đã mấy mươi năm
tháng Tám vào Thu mờ Cam Ly
buổi Xuân Thơ còn đọng nhu mì
có những sáng rừng thông còn ngủ
anh và em vạch sương mà đi
tháng Tám sân trường Bùi Thị Xuân
lời tình trao vẫn còn ngập ngừng
khi nụ hôn còn chưa đủ chín
đã nghe lời từ biệt rưng rưng
lâu quá đi và xa mất rồi
nhưng sao thương nhớ vẫn chưa vơi
có phải tình đầu vương đến chết
trong tim ta vẫn bóng một người
nửa phần trái đất một vòng quay
nhắc nhớ em - hương tình còn say
bờ vai anh nghe chừng còn ấm
bao lời vui còn đọng quanh đây
tháng Tám - nhớ Đà Lạt mù sương
lời thơ anh vẫn còn mãi buồn
nỗi nhớ em dường như vô tận
nhẹ nhàng thôi - thương ơi là thương!
Cao Nguyên

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Tiễn Bạn Cùng Thời

Tiễn Bạn Cùng Thời
(Tưởng nhớ Nhất Tuấn: 1935 - 2021)
Bạn cùng thời đã ra đi
về bên kia núi còn gì để vui
Chuyện Chúng Mình - mãi nhớ đời
vòng tay thân ái dưới trời phượng bay
Còn đây dòng nhạc thơ say
trong âm hưởng nhớ từ đài phát thanh
chữ nghĩa anh đẹp như tranh
trường ca nhân bản long lanh tình đời
Niềm Tin - Thiên Chúa trên trời
từ đồn biên giới đến nơi phố người
lời anh ước nguyện tuyệt vời
nhân sinh hạnh phúc khắp nơi thanh bình
Mong anh đẹp cuộc hành trình
thong dong an nghỉ nơi hành tinh xa
với hồn thơ đẹp mượt mà
vô tư thanh thoát như Hoa Học Trò
Cao Nguyên
---
Thi sĩ Nhất Tuấn tên thật là Phạm Hậu.
- 1953: Gia nhập trường Võ Bị địa phương Nam Định - Khóa Hạ Sĩ Quan.
- 1955: Gia nhập trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Khóa XII
- 1962: Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Đông Hà
- 1966: Quản Đốc Đài Phát Thanh Nha Trang
- 1968: Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Saigon
- 1970: Học lớp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp / Đại Học Quân Sự Đà Lạt
- 1971: Giám Đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh Saigon
- 1974: Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã
- 1975: Bộ Lao Động
.......
TÁC PHẨM:
- Truyện Chúng Mình thơ (tự xuất bản) 3 tập (1959-1963)
- Toàn bộ thi phẩm TCM (5 tập), Khai Trí tái bản. Sài Gòn 1964
- Đời Lính I, Đời Lính II (tập truyện), Khai Trí xuất bản. Sài Gòn 1965
- Trên 40 bài thơ TCM đã phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ (1959-2008)
Trung Tá Phạm Hậu (Thi sĩ Nhất Tuấn) nguyên Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã. Đã từ trần tại thành phố Bothell, Washington. Hưởng Thượng Thọ 86 tuổi .
---
Hoa Học Trò
(Nhạc Anh Bằng & Thơ Nhất Tuấn) - Ngọc Lan, Duy Quang



Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Có Lẽ Nào

 Có Lẽ Nào 


Cầm trên tay quyển sổ nhỏ màu giấy vàng thô kệt với những trang ký sự trong tù. Đọc lại những dòng chữ do chính mình viết, vậy mà vẫn hỏi: Có lẽ nào mình đã đi qua sông Hồng, nhà ga Yên Bái; Đã ở trong trại tù Lào Kai, Vĩnh Phú; Và đã trở về căn nhà của mình vừa bị đổi chủ? 

Chuyện hơn 40 năm trước của chính mình mà vẫn ngớ ra vì lạ. Bởi tất cả đã đổi khác trên những hiện trường mình đã sống trải qua thời kỳ chiến tranh tàn khốc. Không lạ với sự sinh hoạt hiền hòa trên những vùng đất miền nam, bởi tất cả những nét đẹp vẫn hằng lưu trong ký ức; Chỉ lạ là sao mình còn sống và còn giữ được kỷ vật của chính mình qua thời gian tàn khốc đó? 

Nhu cầu cần có một tập giấy và một cây bút để ghi lại những tâm tư qua trải nghiệm cuộc sống của một khoảng đời sống trong trại tù cộng sản thật khó thực hiên. Cho đến khi sức khỏe mình bị suy kiệt và được đưa vào trạm xá của trại tù Tân Lập tỉnh Vĩnh Phú, vợ và con từ Sài gòn ra thăm, lén dúi vào áo tôi một tập giấy nhỏ và cây bút bi. 

Nhờ thời gian ẩn mình trong một góc khuất của trạm xá, ít bị sự dòm ngó chung quanh, tôi đã lén lút viết được những dòng tâm sự với chính mình và với gia đình. Dù không nhiều lắm, nhưng những gì tôi viết được trong thời điểm đó, với tôi rất quý. Như thể ngắm chính mình trong tấm gương quá khứ thấy rõ những vết hằn đau do khổ nhục, đồng thời cảm nhận từng phút giây được sống trong tình thương yêu của gia đình và đồng đội. 

Hơn 30 năm qua, trên hành trình xuôi ngược mưu sinh, tôi vẫn cố gắng giữ lại món kỷ vật này, như giữ bản thể chính mình trước mọi biến đổi của thời cuộc. Tôi muốn được chia sẻ những tâm tình của tôi đến cùng các chiến hữu đã sống qua thời kỳ lịch sử bi thương trên cả thân xác minh và thân xác của núi sông. 

Ngay trang bìa của tập nhật ký, tôi đã viết: 
"Bây giờ ở đây là cuộc sống 
Nulle douleur 
n'est etrangere 
(không có nỗi đau nào là của riêng ai) 
Tôi sẽ chụp hình và gõ lại những dòng tâm tình trong quyển nhật ký, như chứng tích của một chiến binh Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản đày đọa sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. 

Trước hết, mời các bạn xem vài bài thơ trích ra từ tập nhật ký:
 
Có Lẽ Nào 

Có lẽ nào tôi không đến được 
một nhà ga trong những nhà ga 
mà ở đó phải xin từng giọt nước 
nhìn mặt người ta lại muốn quên ta 

Có lẽ nào tôi không đến được 
một căn nhà trong những căn nhà 
mà ở đó tất cả đều xa lạ 
dẫu nơi này tôi đã sinh ra 

Có lẽ nào tôi không đến được 
một dòng sông trong những dòng sông 
mà ở đó phù sa hồng như máu 
và hai bờ tôi chẳng chút hoài mong 

Có lẽ nào tôi không đến được 
một trại giam trong những trại giam 
mà ở đó có thể nào quên được 
những bữa cơm no mơ ước từng đêm 

Rốt cuộc, ở cả những nơi mình muốn đến 
đã đến rồi và đã đi qua 
còn lại đó dấu chân và kỷ niệm 
của nửa tuổi đời ngọt lịm xót xa ! 

Cao Nguyên 
(Trại tù Tân Lập / Vĩnh Phú - Tháng 1 năm 1981) 



Thư Viện

Tết Xa Quê

  Tết Xa Quê Xuân Newyork, Xuân Paris… nắng có hồng lên hay vẫn tuyết rơi trên bờ vai nhỏ đường có thêm người vui Tết Việt Nam nhắc em nhớ n...