Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Rừng Ơi

 Rừng Ơi 

Viết xong đoản khúc “Nỗi Buồn Còn Đó”, nhìn lại những dòng chữ chính mình viết mà thương cảm dâng lên muốn làm nghẽn nhịp thở. Bởi vì nó thực quá từ mỗi hiện trạng về ngày tang thương 30/4/2015. 

Ai đã sống thực trên từng hiện trạng ấy, mới thấm thía nỗi đau của đất, của người. Cũng vậy, ai đã sống trong môi trường khắc nghiệt giữa núi rừng hoang vu canh chừng loài thú dữ, mới thấy được nỗi đau khi rừng bốc cháy, màu lửa đỏ và tro bụi thay thế màu xanh và sinh lực của lá cây. 

Khóc người, khóc đất nước bị mất là một tổng thể của tang thương là sự hiển nhiên. Khóc màu xanh của rừng bị đốt cháy chỉ là một mảng nhỏ của tổng thể đó. Vậy mà người chiến binh xưa đã từng ngủ nhiều đêm trên lá mục của rừng già dưới chân dãy Trường sơn, bổng òa lên khóc chỉ vì những lời thơ gọi Rừng Ơi!  
“Mỗi khi đọc Rừng Ơi, tôi không nén được tiếng khóc. Cảm xúc tôi hòa nhập vào từng chữ, từng dòng thơ, tưởng chừng một phần cuộc sống của tôi bị đốt cháy, bị bứt lìa khỏi một kiếp người. Rừng và chúng tôi đã cưu mang lẫn nhau như chúng tôi đã cưu mang từng mảnh đất quê hương trong tim mình…  “…Tôi đã đọc bài thơ Rừng Ơi từ nhiều năm qua, đọc không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc, cảm xúc tôi vẫn 
trào dâng, đọc đến lạc giọng theo tiếng khóc….

” Tiếng khóc của nhà thơ Lê Mai Lĩnh theo tiếng gọi trầm thống Rừng Ơi của tôi, không phải chỉ một lần . Nếu bây giờ tôi gọi điện thoại yêu cầu Lê Mai Lĩnh đọc cho tôi nghe bài Rừng Ơi, không cách chi Lê Mai Lình có thể đọc mà không nấc lên. Cảm xúc đó đã làm lòng tôi chùng theo, dẫu chúng tôi xa cảnh rừng bị đốt cháy đã trên 40 năm! Hơn thế, khi Rừng Ơi được cất lên với tiếng hát của người lính thủy quân lục chiến Duy Lynh, cảm xúc vỡ òa theo độ rung cảm thiết tha theo từng nốt nhạc do chính anh hòa âm.  

“Khi nghe tiếng gọi khản hơi bi thống từ Rừng Ơi, Rừng à ...  dội lại âm âm từ vách núi đã vỡ tan và nằm sâu dưới lớp trầm tích thời gian, tôi biết mình đã gõ đúng mạch tim của âm hưởng hủy diệt. Cánh cửa tâm linh mở ra toang hoác, khí lạnh núi rừng sặc sụa ù về làm đau thêm vết cắt chiến tranh…”! 

Có phải tôi bi điệu hóa cho một cung thơ hay không? Mời bạn cùng đọc lại Rừng Ơi và nghe tiếng hát của Duy Lynh để thẩm định một nỗi đau còn đó trong đời, của những người lính chiến bị bứt rời khỏi mảnh đất quê hương trong tức tưởi nghẹn ngào! Đây cũng là một điệp khúc của Nỗi Buồn Còn Đó. Thẩm thấu qua thời gian và mãi mãi hiện hữu trong lòng người lưu vong còn ngoái lại quê nhà với nỗi tiếc thương vào mỗi độ Tháng Tư Đen!  Rừng Ơi!  
 
Cao Nguyên  Đông Bắc Mỹ - April 13. 2015  
 
&

Rừng Ơi 

cư dân cũ, từ vùng trời xa vắng
gọi rừng xưa, ta nhớ lắm - rừng ơi
thương mùa cây cúi đầu buồn tháng Hạ
lá chịu tang qua mấy chục năm rồi

lúc ta đi, rừng sâu còn ngún lửa
lửa hận thù, cháy quá nửa đời ta
cháy bỏng màu da, làm sao lành vết sẹo
chung niềm đau, ta chẻ máu nuôi rừng

nửa máu ta có giúp rừng sống lại
đất có mừng lá biếc nẩy chồi xanh
cây có vui khi chim về hái trái
hoa có cười cho hương tỏa vây quanh

ôi nhớ quá, rừng ơi! ta nhớ quá
cao nguyên xanh, hoa lá ấy - hồn ta
và cả máu chia cho rừng thuở ấy
nhắc ta về, dù bữa hẹn còn xa

về xem nắng ghẹo hoa tươi rói mặt
về thăm cây lành hẳn vết thương chưa
về ngồi giữa nắng mưa nghe đất hát
khúc đồng dao từ những khát khao xưa

thơ ta đó, rừng ơi! ru chút nhé
ta chưa về thăm đất mẹ chiều nay
sợ hàng cây còn long lanh ngấn lệ
ta với rừng sẽ khóc giữa vòng tay

Cao Nguyên

 --- 

thơ : Cao Nguyên
phổ nhạc và trình bày : Dzuy Lynh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư Viện

GIỌT LỆ HỒNG

GIỌT LỆ HỒNG  GIỌT LỆ HỒNG   Thơ: Cao Nguyên.  Nhạc: Vĩnh Điện)  Ca sĩ :Thanh Thúy Nguyễn