Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Thi sĩ Cao Nguyên và tâm tình " Thao Thức"


Tâm Tình trong dòng thơ Thao Thức
Trước tiên, Cao Nguyên thân kính mến gửi đến quý vị lời chào trân trọng nhất từ một tấm lòng của chữ nghĩa.
Thưa quý vị. Tôi chọn Cao Nguyên làm bút danh là muốn giữ mãi trong hồi ức của mình một nơi chốn đáng yêu mà do duyên binh nghiệp mà tôi đã đến và sống qua suốt mười năm nơi Phố Núi Pleiku.
Cao Nguyên trung phần Việt Nam quả thật đáng yêu, cho dẫu ở đó có những con phố “đi năm phút đã về chốn cũ”, trong nắng hạ bụi mù trời, trong sương thu buồn muôn thuở. Bởi đáng yêu nên mãi nhớ:
... vẫn cứ thích về thăm Phố Núi
ngồi bên em nghe tiếng suối reo
nhìn tia nắng hoàng hôn rớt vội
thấy vàng ươm từng hạt sương treo ...
Đó là bản tự tình tôi viết cho Em-Pleiku, và đã nói với em “đời đã chật sao lòng ta không rộng” cho con chữ thoát bay trên ngàn dặm nhớ, trên vạn cơn mơ . Mơ thấy quê mình đẹp lắm, đủ cả tình người và đất của Huế, Sài Gòn, Hà Nội … đủ cả tuổi thơ nơi xóm thôn Nội, Ngoại quê nhà:
... Đà Lạt, Nha Trang - biển, rừng ta đó
nhắc chừng nhau, để nhớ Việt Nam
Những nỗi nhớ chưa hề biết mệt
Trong tâm tư suốt một đời người ...
Đó là nỗi bi thương trong phận người lưu vong. Nên trong ngàn đêm thao thức về nỗi nhớ Đất, nhớ Người. Luôn có sự ray rứt đi tìm nguyên ủy của cuộc lưu vong. Đã thấy nhưng chưa rõ, tưởng thấu nhưng còn ngẫm, mà càng ngẫm càng đau lòng! Sự đau lòng không chỉ riêng tôi mà cả trong tâm tư của quý vị, của hằng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do trong cuộc nhân sinh .
Sự tàn khốc của cuộc chiến là một định đề kết nối bằng những chuỗi đau thương của bao nhiêu triệu người ngã xuống chỉ trong hai mươi năm của cuộc chiến Quốc – Cộng.
Sự thổn thức khơi chảy những dòng lệ đỏ gồm nước mắt và máu của những con tim vỡ theo nức nở của tiếng khóc ngậm ngùi khi phải làm nạn nhân và chứng nhân trong những cuộc thảm sát của tập đoàn quân Cộng Sản chỉ biết thù hận và hủy diệt . Hủy diệt tình người, hủy diệt mặt đất, hủy diệt cả nền văn hóa dân tộc.
Thử hỏi quý vị, một người cưu mang chữ nghĩa phải đi như thế nào dưới sự khắc nghiệt của chiến tranh và sự hủy diệt mà không bị gục ngã? Phải vịn câu thơ mà đứng dậy, tiếp tục đi. Cảm ơn chữ nghĩa cho tôi chỗ tựa suốt đời với niềm tin rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông. Thứ mặt trời của ánh sáng chân lý, của khát vọng làm người, của tự do dân chủ. Bởi mặt trời đang có ở quê nhà là mặt trời của thống trị, đốt cháy màu xanh của lá, đốt cháy tình người, đốt cháy mọi di sản nhân bản Việt Nam.
".. Vạch tìm trong đống tro tàn
nhặt lên từng mảng da vàng còn tươi …!"
Dẫu cuộc chiến đã chấm dứt bốn mươi năm. Nhưng trên hành trình thơ tôi đi qua, tất cả đều mới quá. Mới cả hơi thở cuối của đồng đội trong vòng tay tôi, mới cả đôi môi bé thơ ngậm núm vú tìm giọt sữa nơi người mẹ đã chết trên con đường chạy trốn kẻ thù. Và mới quá những trại tù nơi núi rừng Việt Bắc chứa những phận người thoi thóp sống để chờ ngày về sống lưu vong trên chính quê hương mình, lưu vong mãn kiếp trên đất người!
Trong sự rủi ro của một phận người sinh lầm thế kỷ điêu linh, tôi có cái may được làm người lính có trách nhiệm giữ nước, được làm chứng nhân của giai đoạn lịch sử khắc nghiệt đó. Một khắc nghiệt cay đắng của chiến binh: Chưa buông súng đã đầu hàng! Trong bàng hoàng thao thức, những giọt nước mắt pha máu chảy từ tim, luồn lách qua dòng nghĩ rót từng con chữ lên mặt giấy thành dòng thơ lưu vong!
Thơ ta đó rừng ơi ru chút nhé! Nghe tưởng chừng lời ủy mị của kẻ thoái thân. Không đâu, tôi vẫn khẳng định mình là một chiến bình còn tại ngũ, vì chưa hề nhận được chứng chỉ giải ngũ từ Bộ Quốc Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nên tôi vẫn tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù dân tộc bằng cây bút. Còn nghiêm chỉnh chào lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ, vẫn áp tay lên ngực trái hát bản quốc ca: Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi … và cúi đầu mặc niệm những linh hồn vị quốc vong thân!
Luôn cầu xin hồn thiêng đất nước ban ơn lành cho quê hương Việt Nam sớm thoát cơn nguy biến nước mất nhà tan, nhân dân thôi thống khổ!
".. Có thể nào một tối
nhìn nhân loại sắp hàng
chờ phiên mình hối lỗi
trước những nỗi lầm than!"
Mong lắm thay. Một cuộc tự hối của những tên đồ tể, những kẻ bán nước hại dân, kể cả những tên đốn mạt bán cả linh hồn đồng đội, phản trắc và trở cờ!
Riêng về tập thơ “Thao Thức”, ngắm bức tranh “Ngàn Đêm Thao Thức” của họa sĩ Vũ Hối, tôi nảy ra ý niệm dùng chữ “Thao Thức” cho chủ đề. Bởi vì chính tôi đã thao thức qua mấy nghìn đêm từ trong trại tù Cộng Sản đến nhập cuộc lưu vong. Qua dòng nghĩ, chữ nối chữ, câu nối câu hình thành những bài thơ tôi phóng lên các trang văn học sử online, hoặc lưu lại trên báo giấy và các tuyển tập văn học.
Sự cảm nhận ưu ái của người đọc qua dòng thơ này, hổ trợ tinh thần cho từng bài thơ tiếp theo. Suốt chiều dài hơn 20 năm ẩn chứa trong nguồn thơ đó. Điểm xuất phát từ bi hận của Tháng Tư Đen: Chưa buông súng đã đầu hàng …
Dấy lên bao trăn trở trên từng góc cạnh đời nghĩ đến hay chạm đến trái tim Việt Nam:
".. Làm sao ngủ khi trái tim vẫn thức
Vui thế nào nước mắt cứ rưng rưng!"
Tôi là một người Việt Nam. Mỗi quý vị là một người Việt Nam. Có trái tim Việt Nam nào không thổn thức trước những điêu linh, nhà tan nước mất, còn phải chạy trốn kẻ thù tàn bạo cưỡng chiếm quê hương mình?:
".. Là một người Việt Nam
Trái tim tôi bị đau
Kể từ khi bỏ nước
Sống nhập cuộc lưu vong!
Việt Nam quê hương tôi
Một đất nước tuyệt vời
Đau và thương mãnh liệt
Trong trái tim Việt Nam!"
Đau lắm, thưa quý vị. Nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực / lòng quặn đau nghẹn nỗi sa trường!
Nỗi đau của người lính bị bức tử là vậy, nhưng vẫn nhỏ hơn nỗi đau của một dân tộc qua các cột mốc thời gian 1954, 1968, 1072, 1075 … phải chạy trốn một thế lực thù hận đã mất tính người “thà giết lầm hơn bỏ sót” những ai chống lại chúng, những ai đòi quyền tự do và bình đẳng.
Những hố chôn người tập thể luôn là ấn tượng ghìm sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt, đã trực tiếp hoặc gián tiếp là chứng nhân, là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân theo chủ thuyết Cộng Sản.
Qua hơn 200 bài thơ trong tập thơ Thao Thức, tôi muốn chia xẻ cùng quí vị những gì mà một người Việt Nam, vừa à chứng nhân, vừa là nạn nhân của cuộc chiến bảo vệ quê hương. Tôi chia xẻ cùng quý vị về nỗi đau nhức nhối từ những vết thương của Đất, của Người. Tôi cũng chia xẻ cùng quý vị niềm hy vọng của những người Việt Nam luôn mong muốn quê hương mình sẽ được tái tạo từ những xanh thơm của ruộng vườn, sự khang trang của phố thị, những thơ mộng của núi sông.
Hơn thế nữa là sự phục hung nền kỷ cương đạo đức luân thường do Tổ Tiên dựng xây và lưu lại, sau sự tàn phá không thương tiếc của tập đoàn thống trị trên quê hương mình hôm nay.
Còn đâu một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến với niềm tự hào của giòng giống Lạc Long! Còn đâu một thành phố Sài Gòn với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông! Tất cả đã bị “lăng trì” bởi tiếng nổ kinh tâm trong ngày 30 tháng 4 năm 1975!"
".. Rơi vang một tiếng nổ bùng
Thắt ngang nước Việt một vòng khăn tang!"
Ba mươi chín năm qua rồi phải không quí vị? Một nửa đời người, một nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ Việt Nam / Nửa thế kỷ thật buồn! Một nỗi buồn bi đát triền miên thấm dần trong tâm trí chúng ta, hình thành nỗi khắc khoải ưu tư suốt một đời người . Niềm đau còn thấm vào dòng hệ lụy cưu mang một nỗi ngậm ngùi:
".. Vạch tìm trong đống tro tàn
nhặt lên từng mảnh da vàng còn tươi
Máu loang xé toạc tiếng cười
ngang lưng vết chém của loài thú hoang!"
Từ khắc khoải ưu tư đến hoài vọng tái tạo quê hương, tôi đã viết “Trường Ca Bi Tráng”. Bi rất nhiều mà Tráng cũng không ít. Bởi những anh hùng vị quốc vong thân, đã làm nên một trang sử oai hùng cho các thế hệ tiếp sau noi gương tiền nhân đi làm lịch sử:
".. Học lịch sử để biết làm Lịch sử
Độc Lập Tự Do không tự phát sinh
Mà phải đổi bằng chính mình xương máu
Vì non sông, vì tổ quốc Việt Nam "
Cảm ơn quý vị đã dành chút thời gian để nghe đôi điều tâm tình của tác giả “Dòng Thơ Lưu Vong”.

Trân trọng
Cao Nguyên
Washington. DC - 10/03/2014
(trích bài phát biểu của Cao Nguyên trong cuộc hội luận "Tác Giả và Tác Phẩm" trên đài truyền hình Hoa Thịnh Đốn

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Sinh Ngày Ba Mươi Tháng Tư


Sinh Ngày Ba Mươi Tháng Tư
con sinh ba-mươi-tháng-tư
đúng ngày cha bước vào tù khổ sai
tiễn cha, mẹ nén thở dài
sợ buông tiếng nấc mệt nhoài thân con
cha đi bước lặng bồn chồn
mẹ khô mạch sữa, con tròn tuổi không
lúa nào xanh giữa máu ròng
còn ai đi kiếm xác chồng giữa đêm
mẹ nuôi con nặng truân chuyên
oằn vai quang gánh, ưu phiền riêng mang
ngày đời khổ nhục dọc ngang
đêm tình thao thức ru con vào đời
cha về quá tuổi thôi nôi
mừng con biết lớn theo lời mẹ ru
ngẩng đầu đi giữa dòng đời
bước qua khắc nghiệt cố cười làm vui
nay con bốn - bảy tuổi rồi
đang ngồi nhớ lại những lời mẹ ru
và lời cha nhắn trong tù
viết thành bi khúc gửi người ngàn sau !

Cao Nguyên 

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

Thơ Đăng Báo

 Thơ Đăng Báo

Nhớ ngày xưa, thời còn đi học, tôi cũng tập làm thơ, ký cóp chữ nghĩa, nắn nót vài dòng (được gọi là thơ) mà riêng mình lấy làm đắc ý. Gởi bài thơ đó cho bạn hay cho người tình, rồi chờ đợi một hồi âm tán thưởng. Cùng lúc với niềm mơ ước có một ngày, một bài thơ nào đó của mình được xuất hiện trên mặt báo (dù chỉ là báo lá cải thôi) cũng là một niềm vui vô hạn. Vì thơ mình đã được nhiều người đọc, và thế là vui, là hãnh diện với bạn, với người tình.
Để ước mơ biến thành sự thật, người làm thơ phải biết đợi chờ, đợi chờ tài năng phát triển, đợi chờ những người làm báo để mắt đến, đợi chờ ngày báo phát hành.
Sự đợi chờ phải chấp nhận trên một lối đi, thuở mà phương tiện truyền thông chưa toàn cầu hóa. Bây giờ thì có khác đôi điều, khác ở chỗ thơ mình vừa xuất kỳ hữu ý, gõ thật nhanh rồi phóng lên online, có thể sau mươi phút, người làm thơ nhận được hồi âm: "bài thơ dễ thương quá" hay "thật ngậm ngùi"! Thế là vui, dẫu bài thơ có ngậm ngùi thật.
Thơ viết về "Tháng Tư Đen" sao không ngậm ngùi! Còn nếu bài thơ này mà được chọn (khó lắm) để đăng báo, thì ngậm ngùi của Tháng Tư nhập chung với ngậm ngùi Tháng Bảy với chuyện mưa ngâu!
Bởi vì, theo quy định chung của các tạp chí văn học: Bài gửi cho báo này không gửi cho báo khác đã đành, mà còn không được phổ biến trên online. Nếu muốn, phải đợi sau khi báo (có đăng bài thơ đó) phát hành được một tháng. Như vậy là kể từ lúc gửi bài thơ đi, phải đợi ít nhất là ba tháng sau, người làm thơ mới nhận được niềm vui.
Một năm, may mắn nhận niềm vui được một lần. Mà một đời người có được mấy năm để làm thơ, dẫu rằng còn vương cái nghiệp? Dĩ nhiên là nói đến những người làm thơ tài tử, không cầu mong trở thành nhà thơ hay thi sĩ. Còn những người đã thành danh thì lại khác, họ liên tục được vui trong hành trình chung của dòng họ các nhà thơ lớn trên một vuông chiếu riêng, không thể "môn đăng hộ đối" với các người làm thơ tài tử. Thậm chí họ có nhận một lời chào hỏi (của kẻ dưới) cũng làm ngơ. Mặc dù thơ bây giờ, chỉ là "quà cho không biếu không", vậy mà cũng khó lòng xuất hiện đó, đây.
Chẳng lẽ một bài thơ có mặt trên online sau đó có mặt trên báo, thì tờ báo đó mất khách? Nếu nhìn từ góc độ phóng khoáng, người khách hay đọc giả trung thành với tờ báo hay tạp chí, có rất nhiều nguyên nhân: - muốn nhìn sự lớn lên của nền văn học Việt Nam trong cũng như ngoài nước. - muốn học hỏi thêm về tính đa năng của dòng đời qua các bài viết có giá trị. - muốn hiểu rõ hơn ngọn ngành dân tộc trên dòng đi nhân bản của lịch sử. - muốn giữ được lòng tin yêu đối với tôn chỉ và hướng đi đúng đắn của tờ báo mà họ đã chọn. ...
Còn rất nhiều những cái muốn khác, mà người đọc đã "trụ" với tờ báo hay tạp chí năm hay mười năm, hoặc lâu hơn. Không vì chờ đợi một danh phận do cơ may có vài bài thơ trên báo. Nếu muốn có danh phận trong làng thơ, thời buổi này cũng dễ lắm. Chỉ cần "mặc áo thụng vái nhau", hoặc tự thắp sáng mình bằng cách mỗi năm in vài tập thơ, hay cho ra vài cái CD thơ nhạc... làm quà biếu.
Điểm gút lại cho chuyện phiếm này là liệu các báo hay tạp chí có thể thông qua rào cản, để thơ gửi đăng báo có thể lấy từ trên online xuống. Biết đâu chừng tạp chí hay báo sẽ có thêm khách, vì một cảm tình viên thấy bài thơ mình vừa đọc trên online, thích quá, lại vừa thấy hiện trên trang báo, thì bỏ ra vài đồng để cầm một tình cảm có thật cũng đáng hơn là cứ nhìn nó nhấp nháy trên màn hình.
Giải tỏa quy định này, người làm thơ cũng có được niềm vui song hành, chữ nghĩa không chừng sẽ được khuếch tán rộng hơn. Bởi người làm thơ biết hồn thơ của họ có nơi siêu thoát mà khỏi phải đợi chờ... trong áo quan quy luật.
Cao Nguyên

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

Thơ Nhạc Tháng Tư

 Thơ Nhạc Tháng Tư

Nỗi Nhớ Khôn Nguôi
Mới tháng hai mà đã nhớ tháng tư
chưa qua xuân mà đã chết nụ cười
Trời gió chướng được mùa nước mắt
tràn qua tim chảy suốt đời người
Từ phố Bolsa ta nhìn thấy lửa
cháy đỏ trời dọc theo Sông Ba
Bạn bè chết nhớ tên từng đứa
gọi nhau vào bi khúc xót xa
Tây Nguyên ơi, gót hồng đất đỏ
vội vàng chi đi chẳng giã từ
để bây giờ còn nghe tiếc nhớ
núi rừng xưa in cả bóng người
Ruộng đồng hỡi luống cày đất vỡ
gieo cho xanh hạt giống tình người
Từ mỗi chỗ đau buồn rất thật
triệu đóa hồng nhân ái mọc lên.
Cao Nguyên
---
Nhạc: Đình Đại / Trình bày: Thu Sương / Video: Thi Hạnh
@
Ngày Tháng Lênh Đênh
ngày tháng ấy, lênh đênh rừng Việt Bắc
đạp gai thù ngàn vết cắt tươm da
chim nhìn ta, ngớ ra loài thú lạ
ngậm trái đời, nghe chát quá hương xưa
ngày tháng ấy, lênh đênh mùa biển động
mắt chia đôi nhìn sóng cuộn gần xa
tâm nôn mửa, trí ca lời hành khúc
ép niềm tin giữa ngực máu òa rưng
ngày tháng ấy, lênh đênh miền đất lạ
tiếng cười quen sao đã lạc quê hương
chân buốt giá, lòng còn nung lửa hạ
nửa đời ơi! vật vã cõi yêu thương
giữa ngày tháng của lênh đênh vô tận
ta nhớ từng khát vọng mọc trên xuân
thương ngọn lúa lên đòng bom cắt ngọn
mùa hồi sinh ngày mọn đã dần lưng!
Cao Nguyên
***
Phổ nhạc và trình bày: Dzuy Lynh
@
Người Về
người về vui với lòng ta chút
giữa tháng Tư buồn chuyện điếu tang
nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực
gọi chào nhau nghẹn nỗi sa trường
còn có gì đâu mà khoản đãi
ngoại trừ dòng chữ rót đau thương
ly biệt xin thôi đừng nhắc mãi
buồn nẫu lòng ta hoài cố hương
người về cũng chỉ là nhân ảnh
ly rượu mời sóng sánh khói hương
Xuân muộn hay trời Đông Bắc lạnh
mà hoa chạnh nở đóa vô thường
tiễn người buồn không đưa tay vẫy
sợ lệ trào biết lấy chi đong
mà tim ta như người thấy đấy
nước mắt hòa theo máu rưng rưng!
Cao Nguyên
---
thơ Cao Nguyên | nhạc & trình bày Dzuylynh
@
Tiếng Hát Tự Do
Tiếng hát Tự Do bao giờ cũng đẹp,
sao các anh giam tiếng hát vào tù?
Có phải các anh thật lòng ganh ghét,
không được như người biết hát Tự Do!
Tiếng hát Tự Do bao giờ cũng đẹp,
cho tiếng yêu thay tiếng nói bạo quyền
Mỗi lời hát ra mỗi lời mơ ước,
đất nước tự cường, đất nước Tự Do.
Anh là ai! hãy ngẩng đầu lên hát
lời Tự Do cho tổ quốc Việt Nam
Thề không theo bọn người thát đát
làm nhơ danh hào khí cha ông.
Anh là ai! hãy ngẩng đầu lên hát
lời Tự Do cho tổ quốc Việt Nam
Hát vang lên hỡi tấm lòng tuổi trẻ
vì hôm nay, và mãi mãi về sau
Hát vang lên ta hãy hát vang lên
Tự Do Việt Quốc Anh Hùng!
Cao Nguyên
---
Nhạc: Đình Đại / Ca sĩ: Anh Chi
@
Tổ Quốc Màu Cờ
Đã cuối Tháng Tư .
Trời không có nắng
Đất buồn, cỏ úa màu
Nhìn giọt mưa lăn bên ngoài cửa vắng
Nhớ mắt người đẫm lệ dưới khăn tang
Vẫn thế bao năm
Bao mùa thao thức
Ngắm lặng dòng miên sầu
Chảy mãi không ngưng qua nghìn dâu bể
Mỗi chặng nhìn, hỏi: Tổ Quốc ta đâu?
Tổ Quốc đây !
Trong con tim rướm lệ
Khóc Quê Hương sông núi điêu tàn
Hỏi nhân gian Dân Tộc nào đau thương thế
Mà hằng triệu người phải bỏ nước ra đi!
Phải ra đi để tránh những đòn thù
Phải ra đi để giành khí tiết gởi về sau
Phải ra đi dẫu nhớ Quê mình da diết
Nhưng phải đi để giữ Tổ Quốc màu cờ .
Cao Nguyên
---
Đình Đại phổ nhạc và trình bày
@
Rừng Ơi
cư dân cũ, từ vùng trời xa vắng
gọi rừng xưa, ta nhớ lắm - rừng ơi!
thương mùa cây cúi đầu buồn tháng Hạ
lá chịu tang qua mấy chục năm rồi
lúc ta đi, rừng sâu còn ngún lửa
lửa hận thù, cháy quá nửa đời ta
cháy bỏng màu da, làm sao lành vết sẹo
chung niềm đau, ta chẻ máu nuôi rừng
nửa máu ta có giúp rừng sống lại
đất có mừng lá biếc nẩy chồi xanh
cây có vui khi chim về hái trái
hoa có cười cho hương tỏa vây quanh
ôi nhớ quá, rừng ơi! ta nhớ quá
cao nguyên xanh, hoa lá ấy - hồn ta
và cả máu chia cho rừng thuở ấy
nhắc ta về, dù bữa hẹn còn xa
về xem nắng ghẹo hoa tươi rói mặt
về thăm cây lành hẳn vết thương chưa
về ngồi giữa nắng mưa nghe đất hát
khúc đồng dao từ những khát khao xưa
thơ ta đó, rừng ơi! ru chút nhé
ta chưa về thăm đất mẹ chiều nay
sợ hàng cây còn long lanh ngấn lệ
ta với rừng sẽ khóc giữa vòng tay
Cao Nguyên
---
thơ : Cao Nguyên
phổ nhạc và trình bày : Dzuy Lynh
@
Giọt Lệ Hồng
đã có bao lần
em thấy
giọt lệ hồng
rơi!
đã có bao lần
em hiểu
vì sao
giọt lệ - hồng?
những giọt lệ pha máu
từ tim
chảy xuyên qua mắt
buốt đau theo dòng chảy
cay đắng suốt trăm năm
đã có bao lần
em biết
tại sao có giọt lệ hồng?
nó kết tụ bởi máu và nước mắt
từ những cái chết
vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận
em hiểu
tại sao hôm nay
anh bị chấn động
viết những dòng
không thường hằng có trong anh
bởi chỉ vì
hôm nay
anh muốn viết
về một thời đã qua
đầy nước mắt và máu
của bạn mình
chết bởi
một viên đạn
một liều thuốc độc
một dây treo cổ
giọt lệ hồng
đang chảy trong anh
và chung quanh anh
có thể anh sẽ viết cho em
hiểu thêm những điều gì đó
về những giọt lệ hồng
trong tháng Tư đen và trước nữa
mà cũng có thể là không
vì anh sợ mình không vượt khỏi
những lần tim chảy máu
những giọt lệ hồng
mãi chảy
trong anh
trong đời bạn bè anh
trong dòng sống
trong dòng chết
giọt lệ hồng không ngưng tụ
trong đá sỏi
trong giá băng
trong câm lặng
mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
của vô tri
bất giác
anh đang cảm thấy
lòng mình thổn thức
bên cạnh những ngôi mộ
chôn trong ký ức
từng dãy
từng hàng
xác của bạn anh
những người ruột thịt của anh
họ đã đứt ruột ra đi
họ đã chia thịt cho xứ sở
và máu họ trộn vào
không gian mưa lũ
đỏ au!
Em ơi
có thể đây là bài thơ tự do hay nhất
mà anh viết
có thể đây là một đoạn
trong bài điếu văn anh gởi cho bạn bè
cho những Cha, Chú, Anh, Em
đã nằm xuống
vì những chữ Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền
Bài viết hôm nay
em nhớ
không nặng lòng thù hận
mà nặng nỗi tiếc thương
những người đã hy sinh
cho quê hương
và gởi lời cảm xúc
đến những con tim
đang chảy
giọt lệ hồng
em cũng nhớ
không có sự bi thảm
vì người anh hùng không chết
cho những cưu mang lừa dối
và lòng thương hại
và em nên nhớ
sự ra đi
chững chạc và dứt khoát
của những con người
có trái tim chân chính
xuyên qua
những giọt lệ hồng.
Cao Nguyên
---
Thơ: Cao Nguyên / Nhạc: Vĩnh Điện
Ca sĩ: Tố Lan
Sinh hoạt 30/04/2014 tại Paris


Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Chiều Qua Tuy Hòa



Tâm Theo Tàu Về Quê
qua Đèo Cả, tới Hảo Sơn
đường chui vách đá, chưa mòn dấu bom
còi rung xuyên mấy tầng hầm
chập chờn sáng tối, rần rần bánh khua
đến Tuy Hòa, lỡ giấc trưa
hàng rong quê Nội mời đua cửa tàu
mãng cầu, cam, mít, mận, cau
xanh mơn dạo nọ, vàng thau độ rày
chạm thôi mà nhớ đã đầy
từng sân ga nhỏ chứa dày bâng khuâng
Phú Tân, Chí Thạnh, Đồng Xuân
chặng qua, đoạn lại, nhịp dừng... quá thương
tàu đi, tình ở, lòng rưng
núi sông vạn dặm đã từng chiêm bao
xa kia, quê Ngoại Sông Cầu
quá giang, tàu khuất qua đầu tóc sương.
nước xuôi, nguồn tận Kỳ Cùng
nhập Sông Ba sóng cuộn vùng lúa reo
quê tôi đó, xứ rạ nghèo
tàu mang tâm hạc về theo ráng chiều !
Cao Nguyên

Đỉnh Đời

 Đỉnh Đời

anh đang lên trên đỉnh đời gió ngược
với ân tình quá khứ buộc sau lưng
với tương lai yêu thương quàn đáy ngực
khởi đầu đi trong thao thức chập chùng
*
qua ga cũ con tàu còn nhả khói
đẹp như tranh nhìn từ mỗi tích xưa
tiếc những hố bom người chưa lấp nổi
đất rỗ chằn đau nhói suốt thời mưa
*
ngày rơi xuống vũng thời gian thô kệch
đêm gió cuồng xô lệch những di thư
đường thấp thoáng những mảnh đời bạc thếch
đứng trong khung thế kỷ nhếch môi cười
*
trên đỉnh đời, dưới chân cờ hy vọng
người nối người chất đống những cơn mơ
mai anh đến, mở tung bờ ngực rộng
thả tương lai hào phóng vút lên thơ
*
đặt quá khứ ân tình bên bờ vực
gió xoáy vòng niệm thức rủ nhau bay
đám con cháu sau này ai lượm được
khoe cha ông thuở trước ở nơi này
*
cám ơn em vẫn đêm ngày thắp lửa
chong niềm tin giữa ánh mắt nguyện cầu:
bình yên anh trên đỉnh đời gió ngược
thân nhẹ hều sau trước chẳng còn đau!
Cao Nguyên



Thư Viện

Như Thơ

Như Thơ Như Thơ Thơ: Cao Nguyên Ca nhạc: Dzuy Lynh