Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Tưởng Niệm và Tưởng Nhớ

 Tưởng Niệm và Tưởng Nhớ

Nhận được tin buồn trung tướng Lữ Lan vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày 28/5/2021 cùng trong thời điểm Tưởng Niệm và Ghi Ơn các chiến binh Mỹ, Việt đã hy sinh vì Tổ Quốc.
Nhận tang chung hay tang riêng, nỗi buồn nào cũng lớn đối với chúng tôi - người lính Việt Nam Cộng Hòa và cũng là một cựu chiến binh Việt - Mỹ.
Với tang riêng, khi kính cẩn chào tiễn đưa một niên trưởng ra đi có biết bao kỷ niệm từ ký ức dậy lên trong niềm nhớ, nhất là vị niên trưởng đó đã có một thời là người trực tiếp chỉ huy, thường ngày vẫn gặp nơi phòng họp hành quân của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II trong mấy năm đầu của thập niên 1960.
Rồi xa nhau trong công vụ, xa nhau sau chiến tranh, xa nhau trong thời gian ở tù cộng sản. Mãi đến khi chúng tôi định cư tại tiểu bang Virginia, mới có cơ hội gặp lại vị tư lệnh quý mến. Còn gì cảm động và dễ thương hơn khi ngỏ lời chào niên trưởng với cái bắt tay thân mật.
Sự tưởng nhớ hôm nay sẽ là những tưởng niệm ngày mai với những người thân thương và kính mến đã khuất xa tầm tay, chỉ còn gần trong nỗi nhớ hiện về từ chiến trường xưa hay từ những hiện cảnh vừa qua.
Xin được kính cẩn nghiêm chào Trung Tướng Tư Lệnh, và cũng là vị niên trưởng yêu mến của chúng tôi. Kính chúc niên trưởng thanh thản ra đi và mãi an bình nơi cõi vĩnh hằng.
Người lính năm xưa và là người em của trung tướng.
Cao Nguyên
Washington. DC - 31/5/2021



Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Memorial Day

 Memorial Day 


Memorial Day về Washington. DC
đến bức tường đá đen thăm người bạn
một chiến binh Mỹ đã cùng tôi chiến đấu
bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam

Ly cà phê uống vội trong giao thông hào
vẫn còn thơm hương vị tình chiến hữu
chỉ tiếc chai Champagne cùng hẹn ước
chưa liên hoan đã cách biệt muôn trùng

Vòng hoa đặt nơi chân tường tưởng niệm
như tấm lòng người lính Việt Nam Cộng Hòa
luôn nhớ ơn người chiến sĩ đồng minh
đã hy sinh vì nhau như tình huynh đệ

Nhớ thương lắm Jackson - Người bạn Mỹ
cùng đồng hành qua một thuở ngậm ngùi
những dòng chữ này thay ly rượu quý
thân mến mời mong tri kỷ bình yên !

Cao Nguyên
Washington.DC - May 28, 2022



Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Tổ Quốc Trong Tâm

 Tổ Quốc Trong Tâm

Khi người lính già bước vào dĩ vãng
gởi những tâm thư theo bóng cờ vàng
nhắc nhở cháu con từng trang chiến sử
mong được tiếp truyền vinh dự chinh nhân
Gia tài cha ông chu toàn tâm huyết
hậu duệ cộng hòa tha thiết khắc ghi
tổ quốc trong tâm duy trì trách nhiệm
ân nghĩa quê hương ra sức bảo trì
Gìn giữ cờ vàng hồn thiêng dân tộc
suốt cuộc hành trình phục quốc vinh quang
thiết lập kỷ cương hòa bình độc lập
văn hóa bảo tồn truyền thống Văn Lang
Học lịch sử phải biết làm lịch sử
độc lập tự do không tự phát sinh
mà phải đổi bằng chính mình xương máu
vì non sông và Tổ Quốc Việt Nam
Khi tổ quốc gọi tên sẵn sàng đứng dậy
vui gì hơn làm người lính đi đầu
chiến đấu vì dân nghĩa tình nhân ái
dòng máu Lạc Hồng thắm mãi ngàn sau.
Cao Nguyên
---
Kỷ Niệm 50 năm cuộc chiến Việt Nam
50th ANNIVERSARY OF THE VIETNAM WAR COMMEMORATION
https://www.youtube.com/watch?v=MQ_kYzMwClA

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Từ Duyên Văn Nghệ đến Kỷ Vật Nghìn Năm

 Từ Duyên Văn Nghệ đến Kỷ Vật Nghìn Năm

"Nhân ngày CHIẾN SĨ TRẬN VONG (Memorial Day). Chúng ta cùng ghi nhớ các Chiến sĩ VNCH vì lý tưởng tự do đã hy sinh bảo vệ Quê Hương"
Lời dẫn của họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt với bức tranh anh vừa vẽ người thiếu nữ bên cạnh lá quốc kỳ VNCH và chiếc nón sắt, đã làm tôi xúc động như khi tôi ngắm hình người thiếu nữ cầm sợi dây mang tấm thẻ bài đang áp má vào chiếc nón sắt đặt trên nền cờ vàng đã úa màu, và tôi đã viết bài "Từ Duyên Văn Nghệ đến Kỷ Vật Nghìn Năm".
Mời các bạn cùng đọc lại bài viết, nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day)



Từ Duyên Văn Nghệ đến Kỷ Vật Nghìn Năm
Sáng hôm nay dạo FaceBooK, trên trang của anh Bảo đã thu hút mắt tôi đắm nhìn vào tấm hình ghi lại cảnh một người thiếu nữ cầm sợi dây mang tấm thẻ bài đang áp má vào chiếc nón sắt đặt trên nền cờ vàng đã úa màu. Phía trên tấm hình, anh Bảo ghi: "Xin cho một cái tựa". Dòng chữ của tôi thoát ra từ cảm xúc dâng tràn qua tấm hình. Tôi đã viết tựa đề cùng bốn câu thơ:
Kỷ Vật Nghìn Năm
Em úp mặt bên vành nón sắt
Nhìn thẻ bài lóng lánh tên anh
Cờ tổ quốc hoen vàng ánh mắt
Đẹp nào hơn kỷ vật nghìn năm !
Phải rồi, không có gì đẹp hơn những kỷ vật đó. Khi nghĩ về những chiến hữu cùng thời chiến đấu trên các mặt trận với sứ mạng chống quân xâm lược Bác phương để bảo vệ Miền Nam Việt Nam. Phụ họa theo hình và thơ, tôi đưa lên clip video bản nhạc " Góa Phụ Ngây Thơ" của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn.
Dòng thơ nhạc cuốn tôi vào nỗi nhớ bâng khuâng về hình ảnh những người thiếu phụ năm xưa đi nhận xác chồng từ nơi hỏa tuyến hay trong các quân y viện.
Nỗi cảm hoài ray rức suốt nửa thế kỷ qua đã bật dậy theo ý nghĩ miên man đến dòng thơ của anh Linh Phương trong bài " Kỷ Vật Cho Em" và của chị Lê Thị Ý trong bài "Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng" với phiên bản sau này mang tựa đề "Tưởng Như Còn Người Yêu".
Tôi chưa có cơ hội gặp anh Linh Phương dù đã biết tên nhau trong nhiều năm qua trên các trang văn học online. Riêng với chị Lê Thị Ý thì tôi đã hân hạnh gặp và kết giao thân tình văn nghệ trong hội Văn Học Nghệ Thuật Hoa Thịnh Đốn, từ thời còn nhà thơ Hà Bỉnh Trung làm hội trưởng. Hiện nay các thành viên của hội vẫn còn gặp nhau trong các sinh hoạt văn học nghệ thuật trong khung cảnh thân tình của hội tại Nhà Việt Nam do em của chị Lê Thị Ý là chị Lê Thị Nhị điều hành.
Nhân buổi sinh hoạt tưởng niệm ngày quốc hận 30 tháng 4 vừa qua, vẫn trong câu chuyện thân tình, tôi gợi lại bài thơ "Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng" với chính tác giả Lê Thị Ý, chị ấy sửa câu thơ thành "phòng không đi nhận xác chồng" và tôi thêm "bởi vì thuở ấy nàng còn độc thân", vì khi làm bài thơ này, chị Ý chưa có chồng. Chỉ vì cảm cảnh hằng ngày nhìn những người thiếu phụ đi nhận xác chồng từ mặt trận trở về mà viết thành bài thơ đầy nỗi ngậm ngùi!
" ... Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.."
(trích bài cùa nhà báo Đinh Quang Anh Thái phỏng vắn nhà thơ Lề Thị Ý)
Nội dung bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa “Thương Ca 1”, phiên bản sau này là " Tưởng Như Còn Người Yêu". Lời thơ ngân lên từ các giọng hát đã làm xúc động hằng triệu con tim cùng thời chinh chiến và con cháu hậu duệ VNCH.
Đó là kỷ vật sống bằng ngôn ngữ và âm thanh nổi lên trên những kỷ vật hiện hình của cuộc chiến. Những kỷ vật này mãi mãi được lưu truyền trong dòng văn hóa sử Việt Nam.
Chân thành cảm ơn các tác giả đã làm nên những tác phẩm sống trên dòng tưởng niệm xót xa trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ quê hương .
Trân trọng mời quí thân hữu và hậu duệ VNCH cùng nghe lại bài thơ "Tưởng Như Còn Người Yêu" của nhà thơ Lê Thị Ý được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và ca sĩ Julie Quang trình bày:
Cao Nguyên
-----------------------------
Tranh của họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt

Tình Khúc Sông Trăng

 



Tình Khúc Sông Trăng

dường như tình đã trong huyền thoại
gọi tên nhau bằng hơi thở thơ
ngày đi tìm từng hưng phấn mới
đêm chuốt hồng hình bóng của mơ
dường như Trăng đang chờ mắt ngắm
từ tia nồng say đắm của Sông
vội vã nhé trước giờ Trăng lặn
phổ cho xong tình khúc Sông Trăng
cuồn cuộn sóng Trăng vằng vặc sáng
rọi bước tình lãng mạn hồn thơ
trùng điệp thoảng muôn ngàn tiếng vọng
từ nhiệt nồng hợp phối giao âm
từng tiết tấu trầm lăn sóng gợn
dạt dào ngân từng nỗi đam mê
thuyền thơ chở tình về huyền thoại
theo âm vang tiếng gọi Sông Trăng!
Cao Nguyên

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Tưởng nhớ nhà thơ Tô Thùy Yên


Tiễn Bạn Cùng Thời 
Tưởng nhớ nhà thơ Tô Thùy Yên 
(1938 - 2019)

Bạn cùng thời bỏ ta đi 
về bên kia núi còn gì để vui 
biệt ly lời ý ngậm ngùi 
áng thơ gác bút bồi hồi cố nhân

Bạn cùng thời khóc cười chung 
mệnh ta, vận nước đã cùng cưu mang 
lệ buồn thẩm thấu trần gian 
còn vương thương khúc bạt ngàn núi sông

Bạn cùng thời về hư không 
khép tròn cõi tạm một vòng tử sinh 
bỏ qua thời ngắm tuổi mình 
chân mây cỡi hạc đăng trình chân như

Xác thân hạt bụi trầm du 
hồn phiêu lãng cuộc nhã từ tâm an 
chân kinh vọng niệm hương ngàn 
tiễn người về chốn vĩnh hằng phúc yên!

Cao Nguyên

Thành Phố Tím

 



Thành Phố Tím 


Email của em hôm qua chạm vào cái ổ khóa trên khung cửa ký ức. Cùng lúc anh đang đọc "Con Gái Của Sông Hương" của nhà văn Dương Như Nguyện. Sự trùng hợp ngẫu nhiên thương chi lạ. Nguyên ba chữ "thương chi lạ" đủ mở cửa xem kỳ thư của Huế, ngắm những dấu lặng luyến láy đến mê hồn. Ngôn ngữ Con Gái Sông Hương chỉ danh Huế là Thành Phố Tim với những con đường sử thi. 

Màu tím tỏa ra từ nỗi lòng cung phi, từ cánh sen Hồ Tịnh Tâm, từ những vết hoen thời gian chạm trổ trên bề mặt của chiếc lư đồng trước điện Thái Hòa... 

Tất cả rất Huế của Em, và của những người có duyên với Huế. Trong đó có anh - chàng lãng tử (theo cách gọi của em)- chỉ một lần ghé Huế để nhìn "lá trúc che nghiêng mặt chữ điền". Vậy mà ánh nước Sông Hương còn âm ba sóng. 
Huế chừ không Huế của Em 
Bài thơ giữa nón đã mềm cánh bay...
(CN) 

Em chỉ còn nỗi nhớ Huế, tím những cơn buồn trong ngân âm hồi chuông Thiên Mụ quyện lời kinh Mệ tụng thường ngày. Nỗi nhớ kết chuỗi gây thành sóng, vỗ Huế bùng lên trong khói sương trầm mặc. 
Từ Huế lên Tuần ngang qua chùa Từ Hiếu, lăng Tự Đức, đồi Thiên An... 
Chỉ một cung đường của Huế gợi lên mà nỗi nhớ xốn xang là thế. Liệu em còn đủ sức đi hết những cung đường của Thành Phố Tím. Khi nỗi buồn vì nhớ nặng trĩu chân, chùn nhịp thở! 

Đồng Khánh ơi, Huyền Trân xưa đó 
Lắm tang thương vùi dập Huế vô chừng 
Sông, nước, biển, trời... đâu cũng có 
Nhưng não nùng làm Huế đẹp rưng rưng... (*) 

Nếu không thế, Hàn Mặc Tử đâu viết được "Đây Thôn Vỹ Dạ", Thanh Tịnh cũng không đắm mình với "Nhớ Huế Của Tôi" và Thu Bồn không dùng dằng khi "Tạm Biệt Huế" 
Chiếc cầu cong và con đường thẳng 
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu 
Con sông dùng dằng con sông không chảy 
Sông chảy về lòng nên nhớ Huế rất sâu... (**) 

Khép lại cánh cửa ký ức nhé em, nếu không mình sẽ sụt sùi. 
Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ 
Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông 
Trong nỗi nhớ, một cũng là tất cả 
Khi yêu thương tất cả sẽ vô cùng (*) 

Tấm lòng xa quê như thế đó, Huế ơi! 

Cao Nguyên 

------------------- 
(*) thơ Trần Kiêm Đoàn 
(**) thơ Thu Bồn 

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

HÁT TRÊN MÔI QUEN


Phổ nhạc và trình bày: nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân 

Hát Trên Môi Quen
Nếu nỗi buồn vì mưa mà tới
em đừng thèm chơi với cơn mưa
dòng nước chảy không hề biết đợi
tình trôi xa . gọi vói cũng thừa
Nếu nỗi buồn vì sương mà có
em đừng đi trong gió sương khuya
gió sương nhiều, vai em quá nhỏ
làm sao che kín ngõ tình buồn
Nếu vì anh mà buồn vời vợi
thì tên anh đừng gọi trong đêm
giấc ngủ muộn làm em bối rối
bâng khuâng nhiều thương nhớ dày thêm
Vui nhé em . mùa Xuân đang tới
mưa gió qua . nắng rực hồng lên
anh sẽ viết tình ca rất mới
hát cùng em trên đôi môi quen
Cao Nguyên

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Thi Sử

 Thi Sử

Vốn dĩ tôi là người thích rong bút theo dòng nghĩ suốt hành trình đi qua những đoạn đời gian khổ, trong bối cảnh quê hương thăng trầm, dù thăng không bao lăm mà trầm thì quá loạn. Loạn đến lạc mất thuần phong mỹ tục, phai nhạt nguồn cội tổ tiên và đảo điên chữ nghĩa.
Chấp nhận đoạn đường ba mươi năm biệt xứ vì lẽ đương nhiên của sự sinh tồn. Ngoái nhìn những đoạn đường trước đó, chẳng khi nào mình đi với lòng thanh thản và tâm trí an nhiên. Sự đe dọa của đói khát và thương tật trong thân phận của một đời người đủ dìm mình xuống hố thẳm tủi nhục.
Sau gần nửa thế kỷ bị đe dọa bởi cuộc chiến ngoại xâm và thù hận, còn được nhìn thấy mình đứng trên bờ hố thẳm đã là điều may mắn. Còn biết tự rịt vết thương để nén cơn đau trong giấc ngủ chập chờn là đã can đảm. Sự may mắn tiếp sức lòng can đảm vượt qua mọi thử thách để sinh tồn cũng làm nên một chương sử cho bản thân qua chính những dòng chữ của mình trải dài theo thời gian chấp mệnh đời nương náu giữa quê hương đầy dẫy bạo tàn. Như một diễn viên được may mắn đóng vai một nhân vật giống mình trong một bi kịch. Biết điều mình diễn là có lý, lời mình nói là có tình, dẫu bị đời bức tử cũng đành.
Một quốc gia còn biết mình nhược tiểu huống chi một thân phận đời tự biết nhỏ nhoi. Chấp nhận sự bức tử như chấp nhận định mệnh. Sự khắc nghiệt trải qua cũng chỉ là hậu cảnh minh họa sự tồn tại của nhân vật trong từng sự kiện. Dòng sự kiện tạo bởi hợp chất bi tráng đã cuốn dòng nghĩ của tôi chảy theo mạch thời gian khốc liệt cả trong và sau chiến tranh vì những khắc khoải trên điêu tàn do những cơn hậu chấn sau chiến tranh để lại trên quê hương.
Dòng thơ lưu vong trong từng tác phẩm của tôi là hành trình của chữ nghĩa tôi do định mệnh an bài. Mỗi một giờ ngưng làm việc trong ngày, mỗi một phút trở giấc trong đêm, những giọt nghĩ chảy xuống và đọng lại trên từng trang giấy là những tâm khúc gởi cho Người và Đất với tấm lòng của một người đi vẽ hòa bình và tự do cho quê hương.
Sự nghịch thường giữa chiến tranh và hy vọng, giữa hòa bình và thất vọng dấy lên biết bao nỗi trầm luân trong niềm u uẩn. Khi khát vọng và tự do bị đè nén bởi lòng thù hận, hoa lá còn chưa trỗ đẹp huống chi sinh mệnh một con người! Nên chi còn khe hở nào có không khí và ánh sáng rọi vào tương lai tạo màu tươi hoa lá, có hơi ấm tình người, là tư tưởng tự do vỗ cánh bay vào, trải chân ngôn lên mặt thời gian làm chất liệu vẽ dòng thi sử.
Thơ viết qua trải nghiệm đời là di ngôn cần thấu triệt trên hành trình đi và về của một kiếp người đã được thi vị hóa vừa ngọt ngào vừa cay đắng.
Kết hợp dòng sử cổ kim của quốc gia mới thấy đắng cay và nghẹn ngào sau thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, dòng hùng sử Việt Nam bị nhận chìm trong uất hận khi bị tập đoàn cộng sản chiếm đoạt lãnh thổ và thống trị. Tôi đã viết bài Thi Sử:
theo dòng thi sử xem kỳ tích
trống Phú Xuân, vó ngựa Thăng Long
thuở dựng nước trời xanh ngọc bích
thời xây non đất ánh hồng tâm
truyền thuyết Âu Cơ, lời linh hiển
kẻ lên non, người ra biển tạo đời
kẻ lên non quên lời mẹ dặn
khi vỡ nương, chặt đứt dây nôi
đất vỡ mạch, đời lầm than quá đỗi
hồng hạc bay cánh mỏi nhớ rừng ngô
trên phế tích quách thành chen cỏ rối
người trầm ưu, mùa đợi gió hong mồ
nghiêng bia vỡ, soi trăng tìm cổ tự
viết lại dòng thi sử đã mờ rêu
thắp sáng trầm hương ngày tháng cũ
rọi đường cô phụ trở về kinh!
Bạn đang nghiệm ra trong lời thơ đó có bao minh chứng về dòng sử Việt Nam mang nỗi buồn u uẩn trên một đất nước đã và đang nhận chịu bao nỗi lầm than.
Sau 47 năm hòa bình giả tạo, chiến tranh vẫn còn đó trong một trạng thái khác mà chuẩn mực dân sinh người dân không được hưởng quyền được sống đúng nghĩa mỗi con người gồm Tự Do, Bình Đẳng và Nhân Ái.
Cuộc chiến vì nhân quyền cho nhân dân Việt Nam đang khởi động tích cực với niềm tin từ mỗi tấm lòng đối với quê hương và dân tộc: Chính nghĩa và chính tâm phải thắng trong cuộc chiến tranh này.
Thời gian đang vào cuối tháng 5, ghi dấu ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) của Hoa Kỳ, cần ghi ơn những chiến binh Việt Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu vì hòa bình cho Việt Nam.
Cần phải nhìn lại Việt Nam bằng cái nhìn tâm thức đúng vào cuộc chiến để biết những gì mà những người đang thụ hưởng cuộc sống tự do trên các miền đất tạm dung cần phải làm để yểm trợ cho cuộc chiến đấu vì nhân quyền ở quốc nội.
Nhắc lại cuộc chiến với sự hy sinh của những chiến binh cũng là sự khởi động lòng yêu nước và sự hy sinh cần thiết có cho tự do và nhân quyền. Freedom Is Not Free.
"... quá khứ không thể quên
tương lai cần đi tới
khi Tổ Quốc gọi tên
lên đường vì Dân Tộc..."
Mong lắm thay!
Cao Nguyên

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Cảm Ơn Hoa Đã Vì Ta Nở


Cảm Ơn Hoa Đã Vì Ta Nở
Cảm ơn hoa đã vì ta nở - là câu thơ trong bài "Ta Về" của nhà thơ Tô Thùy Yên. Một nhà thơ tôi mến thương vì cùng thời cùng cảnh binh đao với kết thúc cuộc chiến đã cùng sống trong nhà tù cộng sản.
Chuyện thăng trầm và sống chết đã là một mệnh đề của những người cùng thời. Điều còn lại là sự hồi tưởng, như tấm lòng biết ơn trân trọng của nhạc sĩ Đình Đại đối với gia đình anh Tô Thùy Yên về nỗi cảm xúc được cất lên tiếng hát đồng âm điệu Ta Về.
Ta Về - Chính bài thơ này khi được tỏa âm, tôi đã dùng lời thơ hòa nhịp theo với sự cảm xúc của một người thoát ly quê hương ra đi tìm tự do nơi đất khách mà lòng luôn hoài nhớ về những địa danh mình đã đi qua từ Nam ra Bắc. Luôn tiếc nhớ màu xanh của rừng, màu vàng của đất.
Từ cảm xúc hôm nay của Đình Đại với gia đình anh Tô Thùy Yên, tôi muốn gửi lên đây bài thơ hòa cùng tiếng hát của Đình Đại theo lời thơ cùng một tựa đề "Ta Về", như sự cảm xúc lúc tôi gửi những dòng thơ tiễn đưa anh Tô Thùy Yên hồi năm 2019:
Bạn cùng thời bỏ ta đi
về bên kia núi còn gì để vui
biệt ly lời ý ngậm ngùi
áng thơ gác bút bồi hồi cố nhân ..."
Tình trong cuộc sống hay duyên thơ nhạc cũng góp thêm nghị lực cho mình tiếp bước trên hành trình nhân ái mà chúng tôi đã chọn.
Xin được tri ân tình bằng hữu vượt không gian và thời gian để đến với nhau.
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi !
Chân tình,
Cao Nguyên
---
Ta Về:
Ta về, ừ nhỉ, về đi
để xem Hồng Lĩnh, Ba Vì còn không
Cao Nguyên còn bạt ngàn thông
Miền Tây còn những tấm lòng như Thơ
Ta về vẫn chỉ là mơ
quê hương nỗi nhớ bên bờ sử thi
ta về trên những lối đi
nghe lời đồng vọng giữa bi lụy đời
Ta về ngắm những chơi vơi
trên sông núi cũ đang khơi điệu buồn
ruộng đồng khô mạch nước nguồn
biển đang cuộn sóng quặn hồn thương đau
Ta về theo giọt lệ sầu
chứa trong tình khúc từng câu nghẹn lòng
đời buồn khóc cuộc lưu vong
để tình chờ đẫm lệ hồng xót xa !
Cao Nguyên
---
Ta Về
Sáng tác và trình bày : Đình Đại
Thơ : Tô Thùy Yên



Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

Ngày Của Mẹ


 

Ngày Của Mẹ

(Thân mến gửi đến những người
đang còn có Mẹ bên đời yêu thương)
Dâng tặng Mẹ đóa hồng đẹp tuyệt vời
chứa thương yêu suốt cuộc đời của con
nhớ Mẹ lắm nhưng vẫn chưa về được
vì đường đi từng bước chẳng an toàn
Ngày Của Mẹ năm nay xin hẹn lại
khi bình an cùng mở tiệc chúc mừng
tình nồng ấm giữa vòng tay thân ái
đời sẽ vui như thuở tuổi đang Xuân
Kính an Mẹ yêu quý của các con
mọi ngày vẫn bình yên và mạnh khỏe
dẫu chung quanh cuộc sống đời lặng lẽ
nhưng lòng con nghe Mẹ hát lời ru
Những lời ru thấm ân tình của Mẹ
tiếp truyền nguồn sinh lực sống cho con
vượt thế cuộc qua bao thời dâu bể
Mẹ trong con tâm huyết mãi ấm nồng.
Cao Nguyên

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Về Thăm Phố Núi

 


Về Thăm Phố Núi

vẫn cứ thích về thăm Phố Núi
ngồi bên em nghe nước suối reo
nhìn tia nắng hoàng hôn rớt vội
thấy vàng ươm từng hạt sương treo
vẫn cứ thích dạo qua những chỗ
đã cùng em trên con Phố xưa
chuyền tay nhau ly cà phê nóng
đi và đi trong đêm sương mưa
vẫn cứ thích ngồi trên dốc sỏi
nhặt từng hòn đá cuội quăng xa
nghe tiếng rơi vọng từ xa thẳm
ngỡ như ai vữa gọi tên ta
vẫn thích đi dầu chân đã mỏi
như có em từ trên dốc cao
tim rộn nhịp theo lòng bối rối
lời nào đây chút nữa sẽ trao?
@
kỷ niệm đi chưa hề biết mệt
đuổi bám theo từng vết chân anh
yêu Phố hay yêu em chẳng biết
Phố Núi xưa vẫn thích về thăm.
Cao Nguyên

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Ngày Ghi Ơn - Memorial Day

Ngày Ghi Ơn - Memorial Day


Ngày Ghi Ơn - Memorial Day
cuối tháng năm - nghĩa trang buồn tiếng gió
vườn mộ Người hoa nở đỏ trong tim
những tiếng cười lặng yên vừa trở giấc
nghe thân thương theo mạch đất rong tìm
tìm Người đến nơi cõi về vĩnh viễn
khoát tay chào trận tuyến phía sau lưng
giữa ánh nến chập chùng đêm đưa tiễn
hoa trao Người từng cánh lệ rưng rưng
Memorial Day - nhớ Người, ta về phố
thành phố bình yên hoa nở bốn mùa
trời cuối tháng năm, đất buồn nhịp thở
vi vu thầm câu chuyện chiến trường xưa
nghe rõ cả những ước mơ rơi vỡ
trong những trái tim ngóng đợi giao mùa
mùa của lúa xanh mọc trên lửa đỏ
mùa của sen hồng ngát giữa hố bom
mỗi giao mùa đã trở thành huyền thoại
chiến tranh đau và nhức nhối hòa bình
chỉ những Người ở nơi này rất thật
một đời đi tất bật đến vô thường!
Cao Nguyên
-----
Thơ: Cao Nguyên Phổ nhạc: Như Ngọc Hoa Ca Sĩ: Dzoãn Minh Vocal harmony: Cadillac Sáo: Bích Trâm Production: Sonar Production

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Cách Mạng Văn Hóa




Cách Mạng Văn Hóa

Thời đại mới, văn phong phải mới. Chữ nghĩa phải nhanh mới bắt kịp dòng thời sự của thời đại tin học toàn cầu. Cần biết và hiểu từng sự kiện chính trị diễn biến liên tục tác động từ quốc nội ra hải ngoại và ngược lại. Sự tác động của thời cuộc bùng lên cuộc vận động tri thức của toàn dân chứ không là trí thức khoa bảng giáo điều phục vụ lợi ích cá nhân và phe nhóm.

Bởi thời cuộc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, từ ấm no đến hạnh phúc, từ tự do dân chủ đến nhân quyền.
Trong nguồn tri thức toàn dân, phần chủ lực vẫn là các bạn trẻ trong và ngoài nước biết được trách nhiệm của mình là nối bước theo cha ông trên hành trình cứu và giữ nước đúng truyền thống chống ngoại bang Trung cộng và nội thù dân tộc là tập đoàn cộng sản Việt Nam.
Từ các bài học lịch sử qua cuộc chiến Việt Nam, các bạn trẻ trong và ngoài nước ngày càng thấu hiểu nguyên nhân và hậu quả cuộc chiến do tập đoàn cộng sản miền Bắc khởi xướng. Đã giết chết hằng triệu thanh thiếu niên miền Bắc trong cuộc chiến và triệt phá, san bằng nền đạo đức dân tộc Việt sau khi cuộc chiến chấm dứt. Sau 43 năm cộng sản thống trị toàn lãnh thổ, Việt Nam hôm nay là một xã hội hỗn loạn trên hầu hết môi trường sinh thái và nhân bản.
Nền giáo dục giáo điều tạo điều kiện cho bạo lực phát sinh thao túng xã hội phụ họa theo lực lượng cường quyền bạo ác gây tang thương cho nhân dân ở mọi nơi, mọi lúc.
Cuộc cách mạng văn hóa cũng cam go và đầy thử thách như cuộc cách mạng do các phong trào yêu nước đang diễn ra khắp nơi. Mỗi cá nhân của phong trào phải trực diện với kẻ thù hung ác, luôn muốn tiêu diệt sức đề kháng của tự do dân chủ phát sinh từ ý thức căn bản quyền làm người.
Để sống còn đúng nghĩa con người, quyền làm người được xác định từ những người dân bị chính quyền cướp đi tài sản, từ người trí thức bị cơ chế Đảng buộc phải đi theo con đường chủ nghĩa phản quốc và mị dân, từ nhân sinh đòi hỏi quyền được sống trong an vui và tự chủ, từ thế hệ trẻ muốn mở rộng tầm nhìn vào thế giới tự do... Nhưng tất cả đã và đang bị gọng kềm độc tài của chế độ siết chặc và đè nén. Cho nên sự bùng phát để thoát ra khỏi ách thống trị là lẽ đương nhiên và tất yếu, khi con người cần phải được đứng đúng vị trí làm người.
Tôi muốn được làm người! Từ lời than van đến tiếng kêu thống thiết từ mỗi con người hay từ mỗi dân tộc đều làm cho nhân loại bàng hoàng khi nhìn vào nơi phát ra lời kêu cứu. Việt Nam đó, quê hương tôi bây giờ như thế đó. Các hội đoàn và tổ chức nhân quyền trên thế giới đau lòng và phẩn nộ cảnh báo. Thế nhưng tập đoàn cộng sản Việt Nam cứ phớt lờ, mặc cho dân nghèo đói, văn hóa suy tàn, đạo đức dân tộc bị hủy diệt theo chủ trương bất biến của cộng sản: ngu để trị, đói phải theo, sợ hãi phải im lặng!
Cuộc thống trị của cộng sản hơn 70 năm trên đất Bắc và 47 năm trên toàn cõi Việt Nam, đã đưa đất nước Việt Nam vào thời kỳ hỗn loạn và băng rã toàn diện nền văn hóa dân tộc và nhân phẩm con người. Sự rối loạn xã hội đồng thời với sự khuynh đảo của bọn Hán nô nhập cư theo thỏa thuận của Việt cộng và Trung cộng nhằm chiếm hữu từng phần các vùng đất Việt Nam. Báo động toàn dân về thảm họa diệt chủng và mất nước.
Từ lời kêu cứu tôi muốn được làm người đến nổi đau về thảm họa diệt vong, mỗi người dân Việt cần phải hợp lực vùng lên thực hiện cuộc cách mạng để cứu chính mình và thế hệ con cháu mình thoát khỏi cuộc thống trị tàn khốc của cộng sản Việt Nam. Không còn chế độ cộng sản, Việt tộc sẽ vươn lên, đất nước sẽ phú cường. Đó là việc tất yếu mà mỗi người dân có trách nhiệm phải làm đối với quốc gia, dân tộc.
Mùa Xuân 2022 với bao kỳ vọng mong chờ từ khắp nơi vào sinh lực của toàn dân vì tiền đồ Tổ Quốc. Mùa Xuân hy vọng tự do dân chủ được tái lập trên quê hương Việt Nam với cuộc cách mạng nhân bản được phát động từ quốc nội và sự yểm trợ tích cực của tập thể người Việt hải ngoại.
Cao Nguyên

Bảo Tồn Văn Hóa Sử Việt Nam

 




Bảo Tồn Văn Hóa Sử Việt Nam 


Qua giao tiếp tâm tình cùng quý chiến hữu, quý thân hữu cùng thế hệ 1 của chúng tôi - những người từng là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đầy biến động suốt 30 năm (1945 - 1975) - và các bạn trẻ thuộc thế hệ 2 đang sống trên các vùng đất tạm dung, sau biến cố 30/4/1975 phải rời bỏ quê Cha đất Tổ. Mọi người đều có chung nỗi buồn dân tộc do những đổ vỡ trong chiến tranh. Càng đau lòng hơn trong 43 năm tiếp sau ngày quốc hận (30/4/1975), cộng sản đã tàn phá không thương tiếc mọi di sản văn hóa dân tộc do tiền nhân xây dựng. Chúng chủ trương triệt tiêu các công trình văn hóa nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa mang tính lịch sử của dân tộc Việt Nam với truyền thống chống quân xâm lược phương bắc. 
Chúng đập phá các công trình kiến trúc lịch sử từ văn miếu đền đài đến nghĩa trang bia mộ. Do đó, di sản lịch sử nòi giống Lạc Hồng và văn hóa Việt Tộc đã không còn nét đẹp thuở xưa. Ngôn ngữ và kho tàng văn học Việt Nam bị tiêu hủy hay làm biến dạng bằng sức mạnh của chủ nghĩa vô thần. 

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do thể chế chính trị mất tự chủ, gây ảnh hưởng không tốt về sắc thái Chân Thiện Mỹ của Chữ Nghĩa nói riêng và tác phong đạo đức của nền Văn Hóa nói chung. Chữ viết và Tiếng nói bị biến dạng do ý chí độc tôn muốn phủ nhận những giá trị vốn có, mà hành xử thô bạo trên giá trị Chữ Nghĩa Nhân Bản. Điển hình là việc tiêu hủy gần như hầu hết những chứng liệu ngôn từ thiện mỹ vốn có trước năm 1975. Để khai sinh và phô bày món chữ nghĩa duy vật biện chứng phức tạp và dị ứng với sắc thái nhân bản Văn Hóa Dân Tộc. 

Trước hiện tình bi thảm của nền văn hóa sử Việt Nam, những ai còn thiết tha với cội nguồn dân tộc đều thấy đau lòng. 
Khi thế hệ 1 dần đi vào dĩ vãng, thế hệ 2 còn khó khăn vừa trong hội nhập cuộc sống vào vùng đất mới, vừa chỉnh trang văn hóa sử chính danh Việt Tộc và định hướng phục hưng cho thế hệ tiếp sau với trách nhiệm bảo tồn và phát triển nền văn hóa sử nhân bản từ cái nôi Văn Hiến Lạc Hồng. 

Giữ được nền Văn Hóa là giữ được hồn của Đất và Nước. Giữ được Chữ Nghĩa là giữ được tinh thần và sắc thái của Dân Tộc Việt Nam. Mất Văn Hóa là mất Nước. Cho nên cuộc chiến đấu bảo tồn nền Văn Hóa cũng cam go và đầy thử thách như cuộc chiến đấu bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ của một Dân Tộc. 

Với chủ đề “Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam”, bằng vào việc thiết lập một không gian nhỏ trên bầu trời online để trưng bày những tác phẩm liên quan đến việc phục hưng, phát triển và bảo tồn Văn Hóa Việt Nam . Thiết nghĩ đây là việc làm cần thiết và cần sự tiếp tay của mọi người, mọi giới còn nghĩ đến nền Văn Hóa như nghĩ đến cội nguồn Dân Tộc Văn Lang. 

Trên tiến trình Bảo Tồn Văn Hóa Sử Việt Nam, niềm hãnh diện với cộng đồng người Việt hải ngoại và nền tảng khích lệ cho thế hệ trẻ hôm nay là các trường Việt Ngữ được mở ra trên phần lớn các quốc gia có người Việt sinh sống. Vừa bảo lưu ý thức dân tộc qua ngôn ngữ và truyền thống lễ giáo, vừa phát triển ý thức quốc gia dân tộc vào dòng văn hóa toàn cầu. 

Tuy nhiên vẫn còn có sự hạn chế do chưa có động lực mạnh mẽ kết hợp sự sinh động hiện có thành cuộc phát triển chung trong mục đích phục hưng nền văn hóa nhân bản trên quê hương khi chủ nghĩa cộng sản thoái hóa và bị tiêu diệt. Cần có lực đẩy tích cực của thế hệ 1 truyền lửa vào thế hệ 2, 3 và tiếp sau. Cần một cuộc vận động rộng khắp với sự tham gia của mọi người dân Việt còn nghĩ đến tương lai của con cháu chúng ta. Bằng vào việc kết hợp sinh lực các trường Việt Ngữ, các hội đoàn trẻ khắp nơi, thành hình một tổ chức tạm gọi là Tuổi Trẻ Về Nguồn hoạt động văn hóa dưới nhiều hình thức văn thơ nhạc họa phục vụ Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam. Mỗi thành viên trực tiếp tham gia vào tổ chức, thường xuyên trao đổi thông tin về kiến thức ngôn ngữ qua các tác phẩm thành hình từ ý thức dân tộc trong ước muốn phục hưng nền văn học sử nhân bản. 

Mong rằng Tâm Thư này được quý thân hữu hưởng ứng và trợ lực với những góp ý tích cực để phát khởi một phong trào chung vì lợi ích hôm nay và mai sau cho con cháu chúng ta tiếp bước cuộc hành trình bảo tồn nền văn hóa sử Việt Nam. 

Xin đón nhận mọi góp ý từ chủ đề đến cách tổ chức và phương thức hoạt động đạt kết quả tốt. 

Trân trọng, 
Cao Nguyên 

Thư Viện

Như Thơ

Như Thơ Như Thơ Thơ: Cao Nguyên Ca nhạc: Dzuy Lynh