Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Trăm Năm

 Trăm Năm

Xưa mừng Thất Thập lai hy
nay vui Cửu Thập chẳng gì ngạc nhiên
Bảy Mươi vừa độ cao niên
nhẩn nha vui cuộc điền viên rượu trà
Buồn vui từng chặng đường qua
ngẫm cho rõ lẽ vẫn là hư không
tự mình thắp sáng cội Tâm
điểm hồng đồng tử soi vòng chân như
Sống vui nhờ có tiếng cười
trong viện dưỡng lão hay từ nhà riêng
mỗi bình minh vẫn nghe chim
hát trong nắng mọng trên miền viễn du
Chọn màu vẽ nét tâm tư
với hoa lá trổ sắc trời hân hoan
tạm quên những chuyện mất còn
ngộ duyên thiên mệnh chu toàn nhân sinh .
Cao Nguyên
---
Trên đường đồng hành cùng các bạn cao niên Việt Mỹ, cảm nhận mình còn hưởng điều phúc hạnh.
Mời bạn một tách trà thơm, một ly rượu hồng hay tặng bạn tấm thiệp vui đều rất tuyệt vời.
Bản vẽ hôm nay trên những tấm thiệp gửi tặng bạn cao niên như tâm tình trên những dòng thơ "Trăm Năm" qua liên tưởng lời chúc "Bách Niên Giai Lão" của thời xưa .
Một trăm năm của cuộc đời trên tấm thiệp được diễn cảm qua tâm tưởng 1 cây đại thụ với 2 vòng quay theo chu trình luân chuyển của đất trời .
Gửi tặng bạn mến thương tấm thiệp cùng bài thơ Trăm Năm với lòng trân trọng .
Cao Nguyên



Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Con Thuyền Tự Do

 


Con Thuyền Tự Do 

Tự Do ơi! Con thuyền Hy Vọng
đón giùm tôi về với Quê Hương
sẽ ghi ơn với dòng sử Việt
trên cánh buồm tha thiết y
êu thương 

Thuyền về bến một ngày rất đẹp
dọc biển đông rợp ánh cờ vàng
triệu nhịp tim hòa theo tiếng hát
ngày phục hưng Tổ Quốc Việt Nam
 
*
Niềm hy vong suốt nửa đời người
vẫn lấp lánh theo dòng nước mắt
vì nỗi buồn chưa thể nào vơi
khi phải xa cội nguồn Âu Lạc

Tổ Quốc ơi! Hồn thiêng sông núi
giúp con thấy con thuyền Tự Do
được cùng đoàn lưu dân trở lại
sống trong tình Nhân Ái Việt Nam 

Cao Nguyên


Tưởng niệm 47 năm ngày Quốc Hận

 


Tưởng niệm 47 năm ngày Quốc Hận (30/4/1975 - 30/4/2022)

Bốn mươi bảy năm - hơn mười nghìn đêm mất ngủ
không riêng tôi, riêng anh. Mà cả chúng ta
những người đã sống hơn hai phần ba thế kỷ
lúc chiến tranh yên nghỉ, đã mệt nhoài !
(Trường Ca Bi Tráng)
Đúng là đã mệt nhoài với cuộc sống lưu cư trên vùng đất bạn. Thế nhưng trong hơn mười ngàn ngày tỉnh thức, mỗi người Việt lưu vong luôn biết mình còn nhớ lắm quê hương, còn thương lắm những người thân đã ra đi trong nghẹn ngào uất hận vì hậu quả của cuộc chiến tang thương, còn tiếc lắm một cuộc sống thanh bình giữa núi sông và ruộng đồng yêu dấu Miền Nam.
Riêng tôi, trong từng lúc mệt nhoài tôi hỏi em, hỏi bạn, hỏi những thân thương liệu mình còn mấy thời gian trên hành trình chữ nghĩa viết về tình người, tình núi sông?
Bao năm qua, tôi đã viết gì về Tháng Tư và những vòng xoáy đời quanh Tháng Tư với những Ấn Tượng nhói lòng? Không nhiều, nhưng đủ chứa cả môt góc nhìn se thắt từ chính mình, từ những thân quen!
Thuở mình đi ngược gió
Quê Hương ở đằng sau!
(tình khúc Sơn Hà)
Tưởng là ta bỏ quên ta từ độ ấy. Nhưng không, không thể nào quên những ngày tháng có thể làm mình gục ngã. Khi còn biết cảm ơn đất, cảm ơn trời, cho tôi còn đứng giữa đời hôm nay, thì còn phải biết làm gì không thẹn với lương tâm, với thân nhân trước nỗi đau dân tôc. Còn nhớ đến tình chiến hữu, còn thương sắc áo màu cờ của một quân lực mà mình đã phục vụ vì lý tưởng bảo vệ quốc gia. Còn biết hát bài quốc ca và vui mừng ngẩng mặt nhìn lá cờ tung bay trong gió là còn biết lương tri mình gởi về đâu. Còn biết gọi hồn thiêng Tổ Quốc theo lời nguyện cầu khôi phục quê hương sau sự cưỡng chiếm và tàn phá của tập đoàn cộng sản Việt Nam và ngoại thù phương Bắc.
Dường như có giọt lệ rưng rưng trong lòng mỗi người khi nhìn lá quốc kỳ đang được kéo xuống của một lễ tang quốc gia - ngày Quốc Hận .
Khi lá quốc kỳ dừng lại giữa trụ cờ, trời lất phất mưa. Phải chăng, Trời cũng động lòng thương cảm tâm trạng những con dân Việt đang sống lưu vong:
Những giọt mưa hợp triệu nguồn nước mắt
triệu đứa con nhớ Mẹ, khóc Việt Nam!
Cao Nguyên
Washington. DC - 23/4/2022

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Những Điều Không Thể Quên

Những Điều Không Thể Quên

Rồi Tháng Tư cũng qua. Đau Thương rồi cũng lắng.
Rồi hiện tại cũng qua. Khi mở cửa vào tương lai.
Nhưng chắc chắn một điều không thể tách rời quá khứ khỏi cuộc đời mình, nhất là quá khứ của một cuộc hành trình đầy chông gai, cuồng lũ và bão lửa. Do bất trắc của thiên nhiên hợp cùng sự cuồng nộ của lòng người dậy lên dòng đời nghiệt ngã!
Quá khứ của một thời như vậy làm sao quên? Biết nhớ là đau thương, nhưng muốn quên là không thể. Quên là tự phản bội với chính mình, phản bội với những người cùng đồng hành trong thời nghiệt ngã đó. Quên là từ chối trách nhiệm của một người dân đối với quốc gia, dân tộc. Thấm thía hơn là mình cố tình đốt cháy căn cước tị nạn, trong đó có cả lời thề và lời xin lỗi. Xin lỗi quê hương đành đoạn rời xa mang theo tâm niệm hi sinh vì tổ quốc. Đồng thời xin lỗi quê hương thứ hai đã cưu mang mình về một lời thề hiến định của một công dân nhập lưu dòng sống mới.
Mai Ba Mươi, bữa nay Hai Chín
ta đếm thời gian câm nín ngược dòng …!
Đúng, ngày mai 30 tháng 4, một điểm mốc thời gian của lịch sử Việt Nam đỏ au nước mắt và máu của bao nhiêu triệu người dân Miền Nam Việt Nam bị xé toạc phận người bởi quân cuồng nô phương Bắc. Một cuộc dìm chết cả đất và người dưới sức mạnh của bạo lực tàn ác. Không chỉ hôm nay, những người chung số phận lưu vong hồi tưởng và mặc niệm ngày lịch sử đau thương đó. Mà mãi mãi những thế hệ tiếp nối cần phải nhớ.
Chính vì những điều không thể quên, mà Tháng Tư vừa đi qua, tâm trí vẫn còn lắng đọng những u buồn trầm uất. Trong bất chợt mỗi đêm về giấc ngủ chưa yên, tình còn thao thức với những chung chia niềm thương đau với đất và người.
Ai đã từng thao thức về nỗi niềm chung khi nghĩ về những tháng năm xưa của 46 năm về trước. Từ cuộc sống của bản thân và gia đình trên một miền đất hiền hòa, an cư và thịnh vượng. Bỗng dưng bị cơn lốc đỏ cộng sản tràn qua gây đổ vỡ mọi an lành có được! Sự ly tán khởi đầu từ vượt đất, vượt biển xa nguồn, chấp nhận cuộc sống lưu vong, để mãi mãi nhìn về quê hương trong niềm đau bất tận!
Tôi và những đồng đội chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, sau nhiều năm thi hành trách nhiệm vệ quốc an dân, bị cơn bão hận thù thổi bay đi tứ tán rồi xoáy cuộn vào những trại tù oan nghiệt.
Bao nhiêu năm sống trong các trại tù khổ sai, chúng tôi hiểu thân phận mình như một loài sinh vật bị đọa đày. May thay còn điểm tựa lương tri giữ mình đứng thẳng với sự yểm trợ niềm tin của gia đình và tổ quốc. Để có hôm nay được sống trên vùng đất tự do được gọi là quê hương thứ hai, vẫn mang trong tâm nỗi lòng người Do Thái dựng trong tim một dãi sơn hà.
Chính niềm tin và khí tiết chinh nhân đã thôi thúc những người lính già mà đồng bạn ví như những con ngựa què, lê bước chân mình trên hành trình dang dở để hiến thân cho cuộc sinh tồn dân chủ và tự do của gia đình và tổ quốc. Với may mắn đôi tay còn giữ được cây bút và ngọn cờ vàng ánh màu chủng tộc thiêng liêng. Dĩ nhiên chúng tôi luôn tự nhủ cần kiên trì ý chí, phải vượt qua những trở ngại khách quan như khi thoáng gặp những tấm căn cước tị nạn của ai đó vất bỏ trên đường.
Vẫn biết những mâu thuẫn và va chạm là sự tất yếu trong sinh tồn xã hội, nhưng lòng vẫn thấy băn khoăn khi vết mực vấp vào nghi vấn thường tình. Thoáng nghĩ vu vơ về bản chất con người rồi cũng nhòa đi khi ngọn bút chạm vào những vết thương xưa. Việc cần làm, phải làm, đâu có lớn lao gì so với những anh hùng hy sinh vì tổ quốc.
Viết là nhu cầu của cuộc sống, như hơi thở cần tiếp truyền đủ máu cho con tim còn nhịp khát khao dẫn lực chân tình về với ngày mai có thế hệ cháu con sẵn sàng tiếp nhận. Viết để chuyển tải từ hôm nay đến ngàn sau tâm tư của một người dân mất nước:
Đất không Nước và ta người tàn phế
Vói hai tay không thể chạm Quê Hương!
Hai tay không thể chạm Quê Hương, chỉ còn biết chạm Quê Hương bằng hơi thở nồng nhiệt của mình. Những hơi thở mang niềm hy vọng đốt cháy sự khắc nghiệt của dòng đời, làm tan rã lòng thù hận của “bên thắng cuộc”.
47 năm quá dài và quá đủ để người Miền Bắc thấu hiểu tấm lòng của Đất và Người Miền Nam. Đủ để những người cộng sản hiểu rõ ai giải phóng ai. Và ai thắng ai khi nhìn thấu nỗi lòng nhân dân cả nước! Điều rõ ràng minh bạch là sự điêu tàn của cả Đất và Người trên quê hương do chiến tranh để lại. Tệ hại hơn những vết thương chiến tranh thay vì hàn gắn đã bị chủ nghĩa cuồng nô thù hận xé toạc ra tạo thêm điêu tàn trên quê hương.
Mỗi một gợi ý về niềm đau của đất nước, về nỗi thống khổ của người dân nơi quê nhà là mỗi trở mình thao thức. Gần ba mươi năm chịu cuộc lưu vong, bao nhiêu dòng nghĩ chảy tràn cảm xúc thương đau xuống ngòi bút. Hằng triệu con chữ ngậm ngùi vượt đêm thao thức bày tỏ cùng thế gian nỗi tủi buồn của một chinh nhân, vừa là nạn nhân và chứng nhân của cuộc chiến hai mươi năm khốc liệt.
Đời sống được tẩm liệm giữa những xót xa như thế đó, làm sao mà quên dẫu nhiều lúc nhủ lòng đừng nhớ nhiều sẽ chùng tâm và cạn nguồn sinh lực!
Cao Nguyên

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Giỗ Tổ Hùng Vương Do CDVNHTĐ tổ chức..

Giỗ Tổ Hùng Vương

 Giỗ Tổ Hùng Vương 


Kính thưa quý vị,

Cội nguồn Việt tộc khởi từ Kinh Dương Vương, Đức Lạc Long Quân hết hợp cùng Long Nữ Âu Cơ được gọi một cách thân thương là Bố Rồng Mẹ Tiên hay Bố Lạc Mẹ Âu. Lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ (Bắc Việt). Hằng năm tổ chức trọng thể ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba âm lịch. Ngày giỗ Tổ được xem như ngày của “Bố Rồng Mẹ Tiên” để đồng bào cả nước tưởng nhớ công ơn của người khai sáng nguồn cội giống giòng và mỗi người cũng nhớ đến Bố Mẹ, người đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người. Niềm tự hào về cội nguồn con Rồng cháu Tiên cùng một bào thai Mẹ nên đối với người Việt, thì lòng yêu nước luôn luôn đi đôi với tình thương nòi giống. Yêu nước thương nòi, đó chính là đặc trưng của Việt tộc.

Thời đại Hùng Vương khởi từ năm Nhâm Tuất 2879 trước DL là năm Lộc Tục lên ngôi, lấy hiệu là Kinh Dương Vương và đặt tên nước là Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 trước Dương Lịch, Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thuộc dòng Thần Nông phương Nam lấy công chúa Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành một trăm người con trai, chính là biểu tượng của sự hợp nhất của 2 dòng Thần Nông phương Nam và phương Bắc.

Truyền thuyết cũng cho biết rằng, Mẹ Âu Cơ cùng 50 người con ở lại vùng cao nguyên Phong Châu rồi cùng suy cử người con trưởng lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Bố Lạc Long dẫn 50 con về miền sông nước Thành Đô Tứ Xuyên ở phương Nam để khai khẩn vùng đất mới bồi, mỗi người con đi một nơi lập ấp trở thành một chi tộc Việt. Cổ sử Trung Quốc ghi rõ các nước Bách Việt nằm rải rác khắp Nam Trung Hoa trải dài từ Triết Giang ở miền duyên hải phía Đông sang Ba Thục, Vân Nam ở phía Tây. Sách sử Trung Quốc ghi Đông Việt là nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Triết Giang, Mân Việt ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Dương Việt ở Giang Tây, Âu Việt ở Quảng Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam. Lạc Việt ở xen kẽ với các chi tộc khác nhưng tập trung nhiều nhất ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam. Sách sử cổ Trung Quốc ghi Bách Việt để chỉ một trăm chi tộc Việt nên ngươi Việt mới gọi là "Trăm Họ" là "Bách Tính" hay "Bá Tánh". Thực tế trên đã chứng tỏ tính hiện thực của huyền thoại Rồng Tiên.

Theo những nguồn sử liệu thì thời đại Hùng Vương gồm 18 đời kể từ khi Kinh Dương Vương lên ngôi năm 2879 trước DL và chấm dứt vào đời Hùng Duệ Vương 258 trước DL. Như vậy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm, tính ra trung bình mỗi đời Vua trị vì khoảng 150 năm.

Công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về “Hùng Vương Sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyện” của Nguyễn Như Đỗ thời Lê Thánh Tôn cho thấy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua. Theo bản “Hùng Vương Ngọc Phả” thì đời vua Chữ Hán là "Thế", "Thế" không phải chỉ một đời vua mà là một dòng vua, một triều đại gồm nhiều đời vua. Riêng chi thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm. Hiện ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì tỉnh Vĩnh Phú còn thờ bài vị "Tam Vị Quốc Chúa". Chi này chấm dứt năm Quý Mão 258 TDL vào cuối đời Chu.

Kính thưa quý vị,

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có vị Quốc Tổ đã khai mở dân tộc Việt và truyền thống tôn thờ Quốc Tổ như một Nhân Thần truyền lưu gần 5 ngàn năm lịch sử . Chính từ tâm tương" "Quốc Tổ" Hùng Vương đã dẫn đến ý niệm về một "Tổ Quốc" Việt Nam và cũng từ ý niệm một trăm con cùng chung một bào thai của Mẹ Âu Cơ nên chỉ có Việt Nam mới có được hai chữ "Đồng Bào":
Bọc điều trăm họ thai chung
Đồng Bào hai tiếng vô cùng Việt Nam.

Ngày hôm nay, chúng ta cử hành Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương nhằm thể hiện tấm lòng thành kính của chúng ta đối với Quốc Tổ, Người khai mở ra nước Việt.

Hình tượng bố Rồng mẹ Tiên mang tính thần kỳ lịch sử, là Bố Lạc Mẹ Âu trong thực tế cuộc sống nên vừa là người anh hùng huyền thoại dựng nước, vừa là anh hùng khai sáng văn hóa dân tộc. Từ đó đã dẫn tới đạo thờ cúng ông bà Tiên Tổ, tôn thờ những “Nhân Thần” đã truyền lưu sự sống cho cả dân tộc cũng như cho bản thân mỗi người chúng ta.

Truyền thống cao đẹp tôn thờ sùng kính, biểu lộ lòng tri ân Đức Quốc Tổ Quốc Mẫu, các anh hùng dân tộc cũng như thờ cúng Ông Bà Tiên Tổ biểu thị lòng hiếu thảo đối với những người sinh thành dưỡng dục, truyền lưu sự sống cho mình đã là sợi dây tình cảm thiêng liêng phối kết con dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhớ xưa Quốc Tổ mở nền,
Ngàn năm văn hiến sử thiêng hào hùng.

Trân trọng kính chào toàn thể quý vị 

Cao Nguyên 
Giỗ Tổ Hùng Vương 2019



Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa

 Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa

Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa
nguồn sinh lực mới Cha, Ông lưu truyền
bảo trì di huấn Tổ Tiên
phát huy truyền thống thanh niên Lạc Hồng

Ơn Đồng Bào - Nghĩa Núi Sông
kết Tâm hợp Lực đồng lòng cùng đi
hành trình Nhân Ái Lương Tri
vinh danh Hùng Sử khắc ghi Cội Nguồn

Việt Nam Tổ Quốc trong Tâm
phất cờ Dân Tộc thực hành ước mơ
Quê Hương khôi phục màu cờ
Vinh Quang hưng khởi cơ đồ Hùng Vương

nắm tay đoàn kết Yêu Thương
Việt Nam Hậu Duệ mở chương sử hồng
đi theo tiếng gọi Cha, Ông
đền Ơn đáp Nghĩa sống không thẹn Đời 

Cao Nguyên
---
Lễ Ra Mắt Hậu Duệ VNCH Hải Ngoại Tại Washington. DC - 3/3/2018

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Người Về.




Người Về

 Người Về 

 

người về vui với lòng ta chút 
giữa tháng Tư buồn chuyện điếu tang 
nhìn vết đạn xoáy bên vành ngực 
gọi chào nhau nghẹn nỗi sa trường 

còn có gì đâu mà khoản đãi 
ngoại trừ dòng chữ rót đau thương 
ly biệt xin thôi đừng nhắc mãi 
buồn nẫu lòng ta hoài cố hương 

người về cũng chỉ là nhân ảnh 
ly rượu mời sóng sánh khói hương 
Xuân muộn hay trời Đông Bắc lạnh 
mà hoa chạnh nở đóa vô thường 

tiễn người buồn không đưa tay vẫy 
sợ lệ trào biết lấy chi đong 
mà tim ta như người thấy đấy 
nước mắt hòa theo máu rưng rưng! 

Cao Nguyên  

---
Người Về thơ Cao Nguyên | nhạc & trình bày Dzuy Lynh

https://www.youtube.com/watch?v=WODHuNx-juY

Thư Viện

Thơ Nhạc Cao Nguyên

  Thơ Nhạc Cao Nguyên   Thơ và Nhạc Khi tiếng động của không gian và thời gian giao phối thành giọt nước thơ nhạc rơi chạm vào bất cứ một lặ...